|
Hoàng Xuân Sơn tác-giả các tập thơ Viễn Phố (Việt Chiến, 1989), Huế Buồn Chi (Tác giả xb, 1993), Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (Thư ấn quán, 2004), từng và hiện thường xuyên có mặt trên nhiều tạp-chí ở hải-ngoại dưới tên thật hoặc các bút hiệu Sử Mặc, Hoàng Hà Tỉnh, Vô Định, ... Qua ngôn-ngữ thơ, Hoàng Xuân Sơn một mực nòi tình và rất Huế. Cuộc tìm giao cảm bắt đầu với con chữ và liên tục, thiết tha.
Giao cảm với đời, với người
Người Việt là dân-tộc sính thơ nhất thiên hạ, xa xưa thì cổ thi, cổ phong, phong dao, ca dao, rồi truyện thơ, trường ca, hành, ... và thời bây giờ thì mỗi năm hàng trăm tập thơ và 'thơ' được in ra hoặc tung ra trên Internet (hiện-tượng đưa cái Tôi lên qua các Blog) trong đó đa số không ai biết đến hoặc tự biến mất. Ru con, chèo thuyền, thi đua công tác, làm việc đồng áng, cưa gỗ, mà cả việc giáo huấn, làm chính trị, v.v. cũng thơ, cũng vè, học sinh sính thơ mà chủ tịch cũng ... thơ. Bên cạnh là những người yêu chuộng nghệ thuật thi-ca, có người một đời chuyên trị thơ, có người làm thơ cho mình, tự kỷ, có người cho rằng thơ mình là hay nhất, và có những người làm thơ để giao cảm với người, là mở lòng ra với đời, có khi kèm sứ điệp, có khi không. Hoàng Xuân Sơn là một trong số đó, với những đặc thù, đặc sản 'Hoàng Xuân Sơn'!
Giao cảm với người, với đời, ông làm thơ tặng bạn văn thơ, bạn đời, bạn từng gặp, v.v. do đồng cảnh đồng tình, đồng thuyền đồng hội. Giao cảm qua kỷ niệm một thời, thời trẻ tập tễnh thơ văn (Chuyện tầm thường ở một góc độ, HBC) hoặc cảm nhận mỗi khi được đọc văn thơ bạn hữu, v.v. Nhà thơ còn mở lòng ra với cả thiên hạ, không biết trao ai như nhà thơ cho biết trong bài Sẽ tặng ... ai ? gần đây:
"da mầu tôi / ăn nắng em
một hôm đất sậm . buồn
thèm mưa xanh
nằm mơ / hạt bụi xuyên thành
mặt trăng xin kể chuyện đành lòng / xa
tôi đi / níu kéo giang hà
mà đêm phụ rẫy / tình qua bãi bờ
ở sơn tuyền . nhớ câu thơ
trăm năm phố thị
một giờ mất nhau ... "
(7-7-06, trích từ mạng Da Màu damau.org)
Giao cảm từ cái Tôi:
Hoàng Xuân Sơn đến với người thưởng ngoạn thơ qua những cái riêng và chung của Huế, buồn, và qua thơ. Thật vậy, phương tiện chỉ còn là những vần thơ, nhất là ở những lúc buồn và vô vọng:
"Đêm nằm gối lên sách / Mơ chữ nghĩa hiện về
Câu thơ nào bế tắc / Nét mực nào di thê ?
Ôi như linh hồn cũ / Có xót xa cũng đành
Sao niềm vui mới nhú / Đã giục đời quay nhanh
Chí tình không thay đổi / Cả tim óc lẫn mình
Gửi về đâu nguồn cội / Sách vở buồn lênh đênh!"
(Vô Thư, VP tr 35).
Buồn rõ nét hơn chăng với thời gian, vì nhiều năm trước đó từ Huế vào Nam và trước khi rời đất nước đã buồn nhớ rồi :
"... Rồi sẽ đi xa dăm người bạn / Chào đêm Sàigòn ngây ngất say
(...) Sẽ đến nơi nào trên mặt đất ? / Theo chân mùa cũ hẹn nhau về
Nối những đêm xanh đầy tiếng hát / Vẫn có Sàigòn trong dáng xưa"
(Sàigòn những đêm còn lại, VP tr. 38-39).
Sài-Gòn đó nay cũng đã thành cố quận, nơi một thời có "Anh chàng người Huế đi phiêu bạt / vô tuốt Sài Gòn ở gác thuê / chiều chiều ngó xuống đường xe cộ / buồn ! nhớ ! chi mô, lạ rứa tề !"
Cái Buồn như một nỗi ám ảnh, như tâm cảnh:
'Chiều ba mươi Tết lạnh, về không / Nắng ở trên mây rụng cuối lòng
Nhà ai tiếng pháo mơ hồ vẳng / Em từ âm vọng buổi tàn đông ?
... Bóng lạ gương soi buồn lặng thấm / Sầu che tóc rũ mắt không hồn
Nắng biệt bên trời mây chợt trắng / Lòng đêm cao tới mộng vô thường ...'
(Quỳnh Hương một đóa vùi lau lách, VP tr. 36-37)
"Bao nhiêu năm vẫn chưa hề ngó lại / những chốn qua là mỗi mỗi tình cờ
cơn nắng hạ giữa một ngày đông chí / cũng mơ hồ như lối cũ đường xưa
... Bờ mới đến chỉ là bờ tâm huyễn / vui gì đâu tiếng nói lạ tai người
từng cảnh trí từng huy hoàng bóng, sắc / từng băn khoăn ngột ngạt giữa đất trời ..."
(Nhìn Lại, 1984; Thơ Quỳnh, chưa xuất-bản)
Riêng cái buồn Lô Dung như cô đọng với vẻ cổ kính năm chữ:
"Gối đầu lên mùa lũ / buồn Lô Dung đổ dài
vạt chiều quai nắng thắt / ngoi ngóp dặm triều phai ..."
( Buồn Lô Dung, HBC tr. 35)
Giao cảm từ cái Buồn và nỗi niềm xa xứ, với tâm thức lưỡng đầu xứ người-quê nhà, bên ni nhớ bên tê:
Tập Viễn Phố xuất bản năm 1989 gồm một số bài sáng-tác trong nước sau biến cố tháng Tư 1975 và những sáng tác những năm đầu sống lưu lạc ở Montréal, Washington D.C.; phần lớn đã đăng trên các tạp-chí Việt Chiến, Nhân Chứng, Văn Học, Làng Văn, Nhân Văn, Tân Văn (Hà Thúc Sinh), vv. Tập Viễn Phố mang 4 phần đánh dấu cuộc hành trình định mệnh rời bỏ quê hương và sống đời lưu xứ, tâm thức thường trực ‘hướng về‘ trong tưởng vọng: Quê Nhà Như Một Vết Thương, Ở Một Nơi Đến, Hoài Niệm, Dù Đường Thiên Lý. Phải sống cái không khí hải-ngoại những năm 1980-1990 mới hiểu được nội dung lưu đày và giá trị văn-chương của những tạp-chí văn-học đấu tranh như Nhân Văn, Nhân Chứng, Việt Chiến, v.v.
Tâm thức lưu vong hơn một lần được nhà thơ biểu tỏ, tâm trạng như bao gồm những vết thương nhức nhối ở quê nhà, nỗi xót xa ở đất khách và những hoài bão cưu mang cho một ngày hy-vọng hồi sinh. Đất người là nơi mà:
"Đời sống tôi không hằng ước mơ
kéo dài như nỗi xót đau / nơi đây
sự lạnh lùng biểu trưng ngày tháng
dưới dạng mùa đông nguyên thủy loài người
những tâm hồn băng giá mọc chùm cô đơn ... "
(Bất Hạnh, VP tr 52).
'Nơi đây' con người vương mắc cái buồn lữ thứ, dần trở nên tâm thức thường trực. Nhất là khi ngụ cư ở miền đất lạnh phương Bắc của Canada, nơi mùa lạnh kéo dài đến nửa năm, nơi sinh vật như phải chết, như phải ngưng lại, như để chuẩn bị cho một cuộc hồi sinh. "Khi lá rừng phong dần đỏ thắm" nơi xứ người, nhớ về những con đường phố học của Thu Vàng Phố Cũ (HBC tr 53).
"Nằm đây / xứ lạ quê người
Nhìn ra một thuở / đất trời chửa quen!
Mùa chi sáu tháng lạnh tràn
Thân chìm dưới áo tuyết dàn trắng mây
buồn trơ trụi mấy hàng cây
về đâu chiếc lá của ngày thu xưa? ... "
(Quê người, VP tr. 84)
Ở 'nơi đây' mà hoài nhớ Huế xưa:
"... Mùa đông xứ Huế chao ơi nhớ
Những đứa con đau thắt nỗi nhà
Hỡi ơi cố lý là quê cũ
Áo trắng qua cầu em có qua? "
(Huế, từ phong vũ, VP tr. 78)
Cái Buồn vĩnh cửu của con người Huế nhạy cảm :
Buồn như tứ thơ tha thiết, day dứt, khôn nguôi, gần như bẩm sinh, như những cơn mưa dai dẳng buồn thiu. Buồn trống trơn như không có gì, không cả lý do nội tại cũng như ngoại lai :
'Không có gì đâu em / Chiều nay như mọi bữa
Đêm, cái chết êm đềm / Vẫn nuôi ngày sống, thở
... Trúc xanh biệt mai vàng / Xui chi mùa gió chướng
Đau xót một cành lan / Hôn nỗi buồn cúc trắng ...'
(Thoảng tan, VP tr. 22)
Cái buồn nhẹ thênh mà thường trực và dài hơi :
'... Buồn lắm mênh mông triều sóng bạc
như người cất rớ đứng cô đơn
bèo trôi ra biển rồi mất biệt
còn chút rêu rong bỏ lại nguồn ...'
(Mưa mùa nước lớn, HBC tr. 28)
'Thuyền, cầm / ngọn nước thờ ơ
để cho rong tảo lên bờ ngủ hoang
buồn đi quải gió theo đàn
trường thiên thu thủy hồn tan nguyệt biều
như tình còn chút lửa thiêu
nghe mùa cổ điển dậy triều sóng đưa'
(Thuyền, HBC tr. 94)
Chữ dùng bất ngờ nhưng xứng hợp địa-dư, nhắc người thưởng thức khung trời xứ Huế (tuyền, ngọn nước thờ ơ, nguyệt biều...).
Cái Buồn rất Huế:
Huế với sông Hương, núi Ngự Bình, hoàng thành của một thời đế vương lừng lẫy, với thành Nội, những lầu những cửa Thượng Tứ, Ngọ Môn, những bến Thừa Phủ, Nam Phổ, Kim Luông, Vỹ Dạ, cửa Thuận An, v.v. Nơi có lần nhà thơ tự hỏi: "... sinh ra làm gì ở Huế / những cơn mưa cuồng thâm nặng lòng đất" (HBC tr. 92). Huế là một chốn xứ sở "bỏ thì thương, vương thì tội" mà những 'đứa con hoang đàng' phải bỏ Huế mà đi thì cũng có lúc trở về, nếu không thì cũng quay quắt thương nhớ về. Một chốn đầy vết tích phế hưng lịch-sử, đầy thăng trầm con người, một thiên nhiên trầm lắng, khép kín. Con người ở đó dễ mơ tưởng, trầm mặc, dễ lắng nghe tiếng nói của con tim, của nội tâm. Sông Hương lặng lờ, không sóng lớn, nhưng ai biết con người nơi đó sóng lòng ra sao, da diết thế nào. Những con thuyền lặng lờ, biết về đâu. Những giọng hò mái đẩy làm nao lòng người. Mưa Huế dai dẳng, ... tác-giả kể trong Chuyện Tích những ngày Huế cũ nhưng hãy còn sống động trong tâm tưởng.
Buồn qua thổ âm, ngôn-ngữ Huế:
Tiếng Huế là ngôn ngữ réo rắt của tâm tưởng, của thời-gian một thuở, của những Nam Ai, Nam thương, Nam bình, ...; ngữ-khí rất riêng:
"Lâu lắm không hề nghe thổ âm
Răng, rứa, chừ, mô cũng lạ dần
giọng treo trên núi hồn xiêu lạc
giọng bỏ về nơi chốn tị trần"
(Thổ âm, HBC tr. 10)
"Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
o đau sương khói một mình
tui đi ray rứt Nội thành tái tê
Huế buồn chi, tội rứa thê
tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương
Huế ơi mộng tới đường trường
Kim Luông Vỹ Dạ dòng Hương có còn
trèo tình lên núi mà thương
cỏ cây chất ngất phố phường ở mô
Huế chừ cách mấy triệu o
mưa qua cửa Thượng chiều co bến Thừa"
(Huế buồn chi, HBC tr. 15)
Huế mà một khi xa rời sẽ nhớ:
'Trách cá nục chừ ai khen
trái ớt chia vôi chừ ai hít hà
nứt làm hai con cá bống thệ
cha mạ nứt hai cha mất đi rồi nhà tróc nóc
bếp lửa chiều lạnh tanh củi nỏ ..."
(Chừ mạ gánh, HBC tr. 80)
Khi xa dễ tưởng rằng "sông Hương chừ trắng nợ rồi / phủi tay còn chút buồn rơi cuối dòng" (‘Phủi tay rồi nợ sông Hương', HBC tr. 83), mà nào phải vậy!
Một thứ buồn đầy nhạc tính:
"Đàn nghe vẳng tiếng ru hời
Chạnh lòng sông xưa ca nữ
Quạ kêu sương cũng chin chiều
Lạc loài mấy cung lưu thủy
... đa mang chi tài tử
cầm so dây rồi / khúc tư lự
nam bình gọi nam ai
giọng sầu chừ trách sông dài
trách non hờ hững mòn vai đợi chờ"
(Nam Ai, HBC tr. 19-20)
Tâm-sự Sử Mặc :
Ở Hoàng Xuân Sơn có phần tâm-sự tạm đặt tên là Sử Mặc, vì ở ông có tâm-sự của một kẻ bất bình, bất phùng thời và 'hoang đàng chi địa':
"Quý thân ta / ruồng thân mình
ôi thân lá mục / trường thành mang mang
vì đâu thiên địa hoang đàng
cái nhỡ tay / rót mộng tràn
tâm si / mộng mơ mơ mộng rù rì
lãng đãng bước phơ phất
ghi / dạng hình
cái bóng : góc chờ ? hiển linh
cái thây cúi nhặt / lung linh ảo hồn
đường mù thai / trụy / hoàng hôn
buổi người khép . rịn
lao tồn nhục vinh"
(Hoang đàng chi địa, 5-2005).
Những bài thơ ký Sử Mặc có dáng thơ riêng. Về bút hiệu Sử Mặc, Hoàng Xuân Sơn đã có lần cho biết ông "tự thấy thơ Sử Mặc có ý bỡn cợt và trào phúng như một chỗ xả hơi khác trong sáng tác" (Phỏng vấn của Tường Vi, Văn Nghệ Ngàn Phương, bộ 3, số 108, 1-7-2001). Tập ‘Thơ Phiêu Sử Mặc’ được hứa hẹn từ lâu nhưng vẫn chưa xuất-bản; tuy vậy nhiều bài đã xuất hiện trên một số tạp-chí giấy và Internet và người đọc thơ đã có thể cảm nghiệm được cái "phiêu bồng, phiêu hốt, hay phiêu diêu trên cõi đời thường" như tác-giả cắt nghĩa với chúng tôi gần đây. Thơ ở đây chạm đến hiện thực và vấn đề hôm nay, tức nghệ thuật vị nhân sinh hơn:
"Lây bây ra cả đấy / trây trét chẳng nên hình thù
mới tính chuyện phúc hồng vực dậy
phúc bảy mươi đời nhà nông bần cố
chữ cắn đôi nát bấy tay cầy
khom lưng chẻ dọc đường sống
bao lâu rồi qụy gối dâng
tội nghiệp đất thà như đất
thó im ỉm / thóc giống chẳng còn ra
thà như đất / nằm / im."
(8.02).
Ngôn từ hiện thực để nói cái tâm linh, phẩn nộ :
"rút đi / xương, tuỷ . nhục này
rút đêm mê sang / rút ngày mượn hơi
rút đi / hồn ngụ trên trời
thân cư dưới đất / nghìn khơi bão bùng
rút đi / cái thắt thẻo
cùng / ba hồi chớp nháng
cái chung đụng . buồn
rút này / rút cả tư phương
xác ve mình hạc / lên đường / kéo quân"
(Đôi co cùng bệnh, 09/06)
Giao cảm với thể cách sáng tạo:
Để đạt mục-đích giao cảm với tha nhân, tác-giả vừa là Ta, một cái Ta hừng hực không ai khác, một cái Ta lừng lẫy một quá khứ của riêng Ta! Một cái Ta có khi ẩn khuất, mờ ảo. Ở Hoàng Xuân Sơn không có cuộc chiến của những cái Tôi, mà tất cả những cái Tôi, cái Ta như cùng hổ trợ cho một Hoàng Xuân Sơn! Hoàng Xuân Sơn sáng tác nhiều thể-loại thơ năm chữ, bảy chữ, lục-bát, tự do đến cả Tân hình-thức, nhưng ở lại với người thưởng thức thơ nhiều hơn với những bài lục-bát và có thể nói ông thành công với những bài lục-bát dù biến thể.
"Một ngày / bút tự rong chơi
ngâm câu tự bạch / bỏ / đời thi thư
thành ai / vây khổn sương mù
buồn lên một ngọn trăng lu / võ vàng
cây đau cổ / xuống vai / quàng
rưng rưng chiếc lá / mầu khang lệ / còn
trường tình / mới buổi nào / son
đã nên oán khúc / đẽo mòn / xuân thơ
ai đem giọt nước ơ hờ
cũng xin thấm muộn / đôi tờ thư xưa
một ngày / bút tự xanh mưa
ngâm câu tự bạch / xin / vừa dấu yêu"
(Tự bạch, 2001)
"Lên đèo heo. mất hút. tăm
em tan cánh gió bay / trần trụi. tôi
quađời quađời quađời
dễ chừng hơ hỏng vốn lời ngất ngây ..."
(Tăm đèo, LB tr. 103)
Chúng tôi đã có lần nói đến những cách tân của thơ lục-bát, rằng thể thơ gia tài riêng của thi ca Việt, đã được cộng hòa văn-chương miền Nam tự do tiếp tục làm mới từ khi ra đến hải-ngoại : cái Ta được biến thể và cập nhật, chưa nhập vào lòng văn-học hội nhập thì ít ra tự ứng phó với thời mới, đất mới. Ngoài Du Tử Lê còn có Hoàng Xuân Sơn theo con đường biến thể lục bát - cùng với sử dụng dấu chấm câu hoặc không viết hoa - trở thành thông thường vào cuối thế kỷ XX : "Em qua / em qua / em qua / đò giang trắc trở / em qua được rồi / em qua tới bợt em ngồi / tới bờ em đứng khóc / mùi mẫn / em" (Đầu lệ, HBC tr. 51) - hình-thức thơ tự do có thể được ngâm như được diễn tả trong thực tế là bốn câu lục-bát!
Thật vậy, thơ lục-bát bị xâu xé giữa truyền thống và mỹ học hôm nay. Lục bát cách tân dưới nhiều hình thức, biến thể tự do về chấm câu và xuống hàng trong cái khuôn tiên-thiên hay hiểu ngầm 6-8. Nhịp điệu đa dạng ra. Âm điệu vẫn giữ hoặc không giữ, lục bát ba câu, chấm dứt ở câu sáu, v.v. Hình thức có đem lại cái mới cho con mắt, cách đọc đa dạng. Lục-bát biến thể, đa dạng đã được dùng trong mọi tình huống, mục-đích, từ cụ thể vật chất đến tư tưởng, tâm linh. Vì cũng như tiếng Việt, câu lục bát Việt không phải là cái bất biến; một sự đổi mới về tu từ, về cấu trúc câu, khiến câu thơ Việt cập nhật thêm tính cách nghệ thuật mới mẻ.
Hoàng Xuân Sơn là một nhà thơ sáng tạo ra một cấu trúc thơ riêng của mình. Việc tạo ra những câu thơ con chữ Huế gây lạ, bất ngờ, và bằng cách xáo trộn cấu trúc câu, ... là có chủ đích cả. Thi ca có nóng mới sáng lên, có sáng đã thì ấm nồng mới đến, do nguồn khí con tim tìm giao cảm đi khắp da thịt, máu và lý trí. Thơ lục-bát biến thể của Hoàng Xuân Sơn ngắt nhịp bất ngờ, đa dạng, theo cảm xúc, khiến giàu nhạc tính và dễ đi sâu vào lòng người thưởng ngoạn thơ. Lục-bát của ông có thể là lời tỏ tình với người yêu, với bạn, với mẹ cha, anh em, cũng có thể là lời ru, câu hát (ảnh hưởng nhạc Trịnh hay chính Hoàng Xuân Sơn cũng là người mê nhạc, ca hát, một phong cách bộc lộ căn nguyên bản chất).
Mặt khác, sử-dụng thể lục-bát của dân-tộc, thể-loại từng sống lâu và có thể bất tử, nhà thơ vận dụng để nói chuyện tâm thức hay thực tại, như muốn thơ mình ở lại trong khung bất tử. Hoàng Xuân Sơn với nội-dung bản ngã và những riêng tư quê quán, thổ âm, với kỹ thuật vừa nói, đã thiết lập ý nghĩa cho một lục-bát biến thể riêng của ông. Giai điệu lục-bát vẫn thường trực ở đó như một bảo đảm nhịp, vần:
'Rượu đằng chấp chới tình cô
gió khuya hứng lạnh một tờ rẩy run
uống bao nhiêu lụy chưa chùn
bước trong thiên hạ bước cùn mằn tâm
ngọa lời cay đắng trăm năm
ẵm ngửa bồng ngửa chút cầm cố theo
chí cương, mà thạnh rất nghèo
mạt vận không nắm được . vèo . cơ ngơi
hốt dăm ba chữ . đuối lời
con tàu lân mẫn nằm chơi ụ buồn
giờ thì kẻ lạ người dưng
xác xao suốt một giải trường sơn kia
ngờ xem thiên cổ ai về
chút hồn sử lụi đêm khuya . chiến bào
đâu còn mã lộng đồi cao
mà chân ngựa trắng tây tào tuyết in
bắc phương bắc phương kìn kìn
rượu đằng sóng nổi thu chìm túy thi
(...) uống đi . trăng đã xa bầy
rừng trốc . suối kiệt . non đầy đọa căn
ừ sông ra biển một lần
mà dây thủy táng chuộc phần dương sinh
nơi đâu mồ qủy phúc trình
oan hồn vạn kiếp còn linh hiển nào
rượu đằng xấp xiển mùa ngâu
có hưng phấn được mối sầu hoa nan ?
chờ nhau . rồi chờ nhau . ngang
người đi lớp lớp tan hàng cuộc vui'
(Đằng khúc, tửu, 2003; trích ‘Thù Tạc’, chưa xuất-bản).
Tác-giả cắt câu, xuống hàng, một bài dài như Trân thực ra bao gồm trong bốn câu lục-bát:
"Nắng lên / đầy ảo / mắt nàng
gió sao còn chạy xiên quàng giữa mưa
màu trời / ai bảo đem chia
cho người khốn khổ / đầm / đìa / giọt trân".
(Trân, HBC tr. 31).
Cùng trường hợp với các bài Biết Gì, Gọi Đàn, Liễu Y, Đầu Lệ, ... trong tập Huế Buồn Chi. Và toàn bộ tập Lục-Bát là những bài lục-bát biến thể dù chủ đề là tình, là cảnh, là những cảm xúc khi đọc sách, ngâm thơ, nghe nhạc hay chỉ là những thoáng sát-na trong cuộc nhân sinh.
"Trời thu sao tịnh cuối hồn
Nghe luồn rét ngọt bồn chồn chân đi
đầy âm. đêm. cõi nặng chì
bước giang hồ vặt kéo, trì những đâu ?
nhớ đời tươi tắn xưa. Lâu
nhớ vai gầy lẵng qua cầu hát ngao
đêm thu phất phới hạnh đào
Vàng tay chín cả ngàn sao tự tình"
(Hồ thu, chân sáo; LB tr. 77).
Những bài dài hơn, lục-bát biến thể mang hình-thức thơ tự do :
"mỏng tanh / đôi vú xuân hờ
lâm thâm nét cọ / đưa bờ vai / qua
chuôi mày xâm mặt nhợt / nhòa
con mắt sơ tán / mùa hoa nhiễm trùng
nữ mù / hồng lạp khuê dung
tựa môi chảy dọc
sống lưng bàng hoàng
mút tầm / thiên địa hỗn mang
bồ xương thạch dựng
non ngàn phẳng phiu
vạt . chia / băm nát
cầu / kiều
thoát giang trừng mộng
phù điêu / bãi
cồn (...)"
(Xuân mù , vẽ, 8-03; trích ‘Thù Tạc’)
Về thơ tình thì Hoàng Xuân Sơn thiệt rất tình:
"trăng . liếm vào mặt em
xanh
khuya cây mắt nhắm
rung cành mộng mơ
ổ lá thắm
khúc đợi chờ
em linh nguyệt thấm hết
tơ tóc bày
mười lăm, thiếu một tầng
mây
trái vừa ửng chín trên cây
động tình
ru nằm
cội biếc u minh
tình tôi một bữa
van quỳnh thốt thưa "
(Mười lăm, 6-05, tạp-chí Thơ)
'Dịu dàng / em đến bên tôi
hình như . . . / hình như mình / đã biếng cười / rất lâu
từ trăm năm chụm mái đầu
từ xanh thơ dại nên mầu tóc tơ
từ yêu thương lẫn vực ngờ
chẳng qua chút bóng sương mờ đấy thôi !
hãy tin rằng : bấy cuộc đời
yêu em bạch nhật / suốt trời thanh thiên
hãy tin rằng : thịt xương liền
vào trong muôn kiếp / lậm tiền duyên nhau
sá gì / một gợn bể dâu
đã se cùng tát / lượng sầu nhân gian
cho xin / lời, tiếng / dịu dàng
xin nhau / đắm giữa vô vàn / cuộc yêu'
(Bài thơ dịu dàng, LB tr. 95)
Tác-giả đã bàn đến lục-bát biến thể của mình, một cách bất ngờ :
"Lục bát đủ kiểu nằm ngồi
đứng đi lổn nhổn gò-bồi-rạch-mương
nhốt trời vào họng tai ương
trả nhau về dạng bình thường tứ chi
lục bát đủ kiểu nhâm nhi
sáng lai rai . mỗ
chiều tì tì . ngươi
phải chi cái chiếu không lười
cái chăn không lạnh
chỗ chơi còn dài
giờ thì / lục bát cơm . nhai
trệu trạo cát sạn / đông / đoài / tít xa
lục bát lạc bút hoan ca
hồ - liu - xán - xự
kệ bà tuổi xuân"
(Lục bát lạc bút, 7-04; trích ‘Thơ Phiêu’)
Cách-tân hình-thức đã là một hình thái của dấn thân sáng tạo. Nhà thơ dấn thân ở đây như chiến thuật mỹ học. Nên có khi đã ... lạc đàng sang thế giới của Tân hình-thức, một Tân hình-thức ngập ngừng. Hoặc hình-thức mới nhưng hơi hướm lục-bát :
"Vạt nước hắt sương đi xa
trời mưa quyên đỗ / thâm tà áo / bâu
nên thơ từ vụng hôn / đầu
(...) (thơ cũ như là áo xưa chút hương theo gió chút mùa gửi trăng chút phân vân duột tơ tằm chút mình lẫn chút trăm năm bùi ngùi chút thân da thịt sần sùi chút tà dương vợi săm soi tuổi đời)
Chén hoài / ẩm / một chút thôi
men say cổ lụy nước ngời phúc âm ..."
(Cõi chia, Lục-Bát tr. 90, 93).
Hoặc đi xa hơn, nhập cùng cái mới của Tân hình-thức, dù nhạc tính vẫn vấn vương tâm tình:
"... Đêm đã bên ngoài tường thụy và / tàng cây khiết hồn. Thị Bằng lên
chơi phố núi. Ở khúc thanh bình / xưa lắm lộc trời. Nhuận cam vời
vợi rót. Bồ đào tinh khôi. Ở / đó giọt đàn êm sơn xuyến và
tiếng hát ni nhỏ nhẹ. Nụ cười / lành của hát. Hương quỳnh trên tóc
và chuôi mắt. Ta mang cho em / một đóa quỳnh. Không. Ta mang cho
em cả một khối tình. Lớn mãi. / Giờ này quỳnh đã ngủ hay vẫn
còn thức sông quyên đêm trói tình? / Hình như trăng vẫn sáng trên vai
mẹ gầy. Lâu lắm. Mới có một / lần ngửa đời uống vui từng giọt.
Và em. Bên cạnh ai. Không cần / biết em là ai. Là nữu-mai
-na-tiến? Không cần biết. Ta yêu..."
(Đâu cần biết, Tạp-chí Thơ 28, xuân 2005; tác-giả chú 'chữ in nghiêng: Lời nhạc Diệu Hương, Trịnh Công Sơn').
Mới theo lý trí nhưng bản chất nòi tình vẫn ở lại nơi con chữ. Từ truyền thống, đã quen, phất ra phong cách thơ mới, khác, riêng, là một thể cách cá nhân hóa tác-phẩm, cá thể hóa kỹ thuật, tạo nét đặc thù Hoàng Xuân Sơn. Nếu văn-chương là một hình thức giao cảm, đối thoại, phát biểu của một cá nhân với tập thể của ngôn-ngữ sử dụng, thì những cách tân lục-bát cũng như Tân hình-thức là những thể cách sáng tác đặc biệt, tư biệt dù dễ đi đến lập dị! Từ đó có thể nói đến cá thể hóa kỹ thuật thơ lục-bát thành công, đáng kể, mà Tân hình-thức không có hoặc nói nhẹ hơn, khó có.
Ngôn-ngữ tài hoa khiến con chữ bất ngờ, như trong bài mà tựa đã là không dễ gì hiểu dối với người ngoài cuộc cờ chẳng hạn. Tựa là "1______________10":
"rõ ràng 1 / rõ ràng 2
mà sao 3 trắng / lại hài ra đen
lần 4 xúc xích / trụ đèn
tay 5 ngón thả / vào leng keng
đời / 6 ừ
lũng lẵng cuộc chơi
7 thất kinh 8 / bát lòi cửu âm
9 cầm 9 / bầm
9 hầm / 10 ngươi chẳng sợ
chút lầm lỡ / ta"
(Sử Mặc, 3 . 4 . 07)
Hình-thức nhắc nhở bài lục-bát biến thể "Buồn chắn tã":
"Vệt son / cháy / tịch dương hồng
chao ơi môi má / còn hong giữa cười ?
( ' ) - ( ` ) / hóa dạng đôi mươi
( ? ) cho nơi ( ~ ) / (. ) lời âm cung
ầu ơ / ( x ) tánh khật khùng / ( . / . ) hai phương
biệt / sầu chung mối buồn ..."
(Lục Bát, tr. 40).
Ngoài chất tình, thơ Hoàng Xuân Sơn còn chất chứa suy tư, tri thức về đời, về con người và những khoảng trống siêu hình. Tâm thức kẻ nhược tiểu, rồi lưu vong, nghị lực có thừa nhưng đôi tay nghệ sĩ, lòng rộng mở, từ bi, nhưng cuộc đời nhiều vướng mắc, v.v.
Khi "Viết thay một người ở lại" rằng :
"... xin tạ lỗi trước hồn thiêng sông núi
trước anh linh từng chiến sĩ lên đường
xương máu ấy đã dung tình bội bạc
xin hôm nay bày tỏ một đôi lòng
tôi đã ước một hòa bình không tưởng
nên bây giờ tâm đảo, dạ cuồng điên"
(VP, tr. 120).
Tập thơ đầu tay Viễn Phố gom được những vần thơ rực lửa của tấm lòng dân Việt trước nguy tàn của dân tộc bị bạo lực vô nhân dày xéo :
"... Hãy viết văn-chương bằng lời bút thép
Từng bài ca là mũi tên buông
Ta đứng thẳng trên trận tiền bão táp
Vạt nhọn thơ bắn gục lũ điên cuồng
(...) Xin trao gửi người đi phía trước
Thép mới nung bằng lửa ngục tù
Vách đá dựng lời thề tâm huyết
Đường gian nan bừng chí diệt thù
Đất nước sẽ mai này yên đẹp
núi sông dài sử Việt nghìn thu"
(Gửi người đi trước, VP tr. 137-8).
"Thân dài hát kinh khổ đau
nhếch nhác bò qua sậy lau thụ hình
ôi tâm đời / thiêng / u minh
bấu xấu vào nỗi lạ
tình riêng / mang đi tan đi tan đi
(tan) / dữ dằn mộng hóa tin ..."
(Tâm đời; LB tr. 81).
*
Trong thế-giới thi ca Hoàng Xuân Sơn, thời-gian đã nhập vào thơ, thời-gian đã chết đi để hóa thân và nhắm trường cửu. Thế-giới đó trước hết là của riêng ông mà cũng có thể là của nhiều người (mấy ai có thể tự hào thơ mình là của tất cả mọi người?). Bị mê cung thi-ca quyến rủ, nhà thơ chịu trận kiếp người, không muốn làm tiên tri, chỉ mong làm nhân chứng. Một thế-giới thơ tự thu hẹp với những con chữ nên thơ và hiện đại. Ông đã trình diện thơ với đời, đã phân trần và đối thoại với người với đời, ông đi tìm giao cảm, mong được cảm nhận, với người đương thời và hậu thế. Hoàng Xuân Sơn vận dụng tâm thức, cảm xúc và đã để lại bản ngã và hành trạng của mình trong thơ, trong ngôn-ngữ và nhạc điệu thơ, một bản ngã dĩ nhiên rất riêng.
Ngôn-ngữ thơ trở nên ngôn-ngữ của đồng cảm. Sáng tạo qua giao cảm, nhắm đồng cảm, ... đã rút ngắn khoảng cách người thơ và người thưởng lãm. Đây là khía cạnh nổi của Hoàng Xuân Sơn, yếu tố khiến nhà thơ đạt được hoài vọng mà người đón nhận thơ cũng lọt vào vòng giao cảm. Nhưng cũng là lý do khiến có phàn nàn dị ứng rằng thơ ông bí hiểm 'cầu kỳ, rắm rối', nếu có chăng là bản chất trí thức và thổ âm của con chữ trong thơ ông! Thơ ông xuất phát từ Huế nhưng đồng thời trở về Huế; thơ chất Huế, nhưng thơ ông nhờ có ngôn-ngữ nghệ thuật riêng đã đi xa hơn, đã vượt trên cả địa dư Huế.
Hoàng Xuân Sơn cũng như mỗi nhà thơ đã đưa cái độc đáo của riêng mình nhập thành cái đa dạng của kho tàng thi ca, đa dạng về ngôn-ngữ, về cách vận dụng con chữ, khiến đa dạng về cách đón nhận tha nhân và thế-giới. Ngôn-ngữ một dân-tộc là kho tín hiệu chung, truyền thừa từ các thế hệ; nhưng các nghệ sĩ, nhất là các nhà thơ, qua vận động trí thức, trực giác, cảm xúc riêng, với những 'thấu thị', 'tột cùng', mà mang đến những cảm thức mới, riêng, qua con chữ, mang đến 'nội-dung' hoặc 'áo khoác' mới cho con chữ. Với Hoàng Xuân Sơn, là những 'mưa xanh', 'áo tuyết', 'con mắt sơ tán', 'mưa xưa tê liệt nỗi niềm', 'dáng tôi dáng chiều', 'mắt môi cuống cuồng', 'cuộc tình kim châm muối xát', v.v. Những con chữ gây bất ngờ : 'khỏa thây", 'vụng hôn đầu', 'gọi vong'.
Thời cuối thập niên 1930 của thế-kỷ XX, đã có một Huy Cận của Tràng Giang buồn, có thể nay thêm một Hoàng Xuân Sơn của Huế Buồn Chi ? Thật vậy, với biến cố 30-4-1975, mê cung thi-ca đã đón nhận thêm Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ muôn thuở buồn, nhà thơ của 'thiên sử buồn':
'Bạn nhủ: làm thơ là lộc thánh trời ban
đừng bỏ qua rất uổng
ừ, lộc trời
mà sao chỉ nuốt toàn trái đắng'
(Xưa, lộc trời; trích ‘Thơ Quỳnh’).
|
|