|
Trời chiều màu chì đè nặng, Sài gòn thảng thốt sống. Có tiếng rít trong mà nhẹ, ông tụm môi hút gọn chất nước trong veo trong cốc sứ xanh trứng cút, gọn gàng, tinh tươm, tiếng khà khẽ mà loang như tiếng nấc thống khoái. Tôi mê uống rượu với ông, ông trân trọng tỉa tót từng cảm giác, động tác của mình trong từng ngụm rượu, trông giống như lão ăn mày lau chiếc ấm gan gà trước khi pha trà trong Vang Bóng Một Thời. Có ai mời ông uống bia, ông đều tìm cách thoái thác:
- Các anh tha cho, tuổi của tôi không chịu được thứ này. Uống rượu như đi dạo chầm chậm trong rừng thưa nghe được tiếng sương rơi, vừa đi vừa ngắm hoa và cảm được từng giọt lành lạnh mơn man trên da thịt mình! Ồ, còn uống bia như chạy nhảy đùa giỡn trong cơn mưa lớn, như bọn trẻ tắm mưa giông đầu mùa. Đành rằng cũng có cái thú của cơn mưa trút nước! Nhưng tuổi của tôi, lục thập dĩ thuận rồi, đâu còn sức để xoáy theo dòng nước cuốn!
Thật thú vị khi nhìn cách ông rót rượu, ông tợp từng hớp nhỏ, mắt ông buông xa, xa lắm, ông như đang lắng nghe chất rượu đầy hương vị lan tỏa tắm gội … hương vị ấy từ từ, cháy đến tận gót chân! Đôi mắt ông nheo lại, chút tia sáng trong đáy mắt như rực lên, rồi chìm xuống … ánh mắt như tiếng gõ tum chát của gã cầm chầu thưởng cho cô đào sau một hơi ca nồng nàn.
Chiều nay, sau một ngày uể oải họp về hiệp hội ngành nghề. ai cũng giành nhau nói về truyền thống về bảo tồn văn hóa … và ai cũng thấy như mình nắm chắc được xương cốt của sương khói xa xưa. Người ta nói, vạch vẽ kế hoạch cho văn hóa đơn giản như nấu nồi cám lợn. Hình như, chính cái cảm nhận mơ hồ về sự thiếu hụt nó càng làm cho họ vung tay, chặt mảnh, cắt khúc, chia ô văn hóa cho vừa khẩu vị từng người. Chúng tôi, mấy người, bỏ họp kéo nhau qua quán lá bờ sông Thanh Đa, nhâm nhi cốc rượu Làng Vân; nhìn nước sông Sài Gòn mùa đông. Những cuộc họp nhạt nhẽo, vô bổ càng làm cho vị rượu cay và thơm hơn. Mỗi chúng tôi, tùy hứng nói những gì mình thích.
- Có những điều ngẫm cũng lạ lắm các anh à. Cái thời buổi lạ lùng! Có lẽ tuổi của tụi mình làm bọn mình chạy trật đường đua, vẫn chạy, nhưng chạy bên lề. Đúng là già rồi. Ông già lẩm bẩm.
Lão vê tròn cái vành cốc sành trên bàn, chút rượu dưới đáy cốc sóng sánh cả bầu trời màu đục. Mây màu chì kéo một vệt ngang lưng trời bên kia sông, tiếng xe cộ ầm ầm từ cầu Sài Gòn vọng xuống …
- Tôi đã nói với các anh là trật lề rồi! Lão tiếp. Người xưa xem nghề nghiệp và sản phẩm là một, ông thợ giày, thợ may … trau chuốt từng đường may, mối chỉ của mình. Sản phẩm là họ, họ làm ra sản phẩm như bà mẹ đẻ ra đứa con của mình. Còn bây giờ, cô thợ may ở xí nghiệp chưa chắc đã may được chiếc áo trẻ con, anh thợ giày chưa chắc đã đóng được đôi dép … vì họ là chuyên viên cắt, chuyên viên mài đế … Đó, cái thảm hại là giữa sản phẩm và người tạo ra nó xa lạ nhau! Hết vui! Đành phải vậy thôi, biết làm sao được. Tôi nhớ xưa kia, ở vùng quê tôi, ông thợ hớt tóc đầu xóm chợ cứ toét miệng cười khi tôi đi học ngang qua tiệm, đầu tóc húi cua của tôi là một tác phẩm của ông, ông ngắm nghía nó với lòng say mê. Tuần trước tôi hớt tóc Cu Đơ ở Đa kao, một cậu ủi tóc xong để tôi ngồi đó, cậu vừa ư ử hát vừa qua cái đầu khác ủi tiếp; kế tiếp là cô gái khác đến lau mặt và cạo; xong người thứ ba lật ghế váy tai, người thứ tư xối nước gội đầu … Tất cả đều lạnh lùng, hờ hững, hình như tôi không có mặt trên cõi đời này, chỉ có một dúm tóc cần phải cắt, và một cái đầu cần phải cạo … Tôi nhớ và thương ông thợ hớt tóc đầu xóm chợ quê tôi khi ông hỏi han, ông chăm sóc kể chuyện từ cái sẹo nhỏ trên đầu tôi có lịch sử ra sao. Với ông, tôi là chính, còn cái đầu là phụ, sản phẩm là cái - đầu - tôi chứ không phải là một cái đầu ! Nhiều khi, tôi tự hỏi, vậy chứ trước mặt họ tôi chẳng là gì cả sao?
Mưa bắt đầu nặng hạt, mấy mái tóc muối tiêu chụm đầu bên quán lá ven sông mà nghe hơi nóng của rượu đế Làng Vân thì thi vị biết bao!
- Suốt ngày anh em mình mãi nghe về truyền thống ngành nghề, tôi cũng muốn bàn luận với anh em về nghề của mình. Tôi làm nghề đóng giày, sản xuất giày da. Lắm khi, tôi ngẩm nghĩ vậy chứ cái nghề tôi đang làm nó có từ bao giờ và nó giúp cho con người niềm vui gì trong cuộc sống? Trong con người, cái chỗ thấp nhất là đôi bàn chân, thì nghề của tôi, đem niềm vui đến chỗ thấp nhất của con người. Mọi thứ khoái cảm, vui sướng, hạnh phúc phục vụ con người đều biểu lộ ra được, ví như nghe tiếng hát hay, mặt chiếc áo màu đẹp, xuýt xoa vì món ăn ngon … Còn niềm vui có được từ đôi giày là gì? Có ai reo lên vì tôi mang đôi giày êm ái quá? Có ai xuýt xoa vui sướng vì đôi giày da ôm trọn chân mình? Không! đôi giày là thứ hạnh phúc âm thầm lặng lẽ chỉ thấy nó có thực khi thiếu nó: anh đi chơi mà mất giày hay thủng đế, đứt quai … Người ta sẽ hét toáng lên vì đôi giày bó chân đau đớn, chứ nào ai vuốt nhẹ đôi giày mà thì thầm rằng tôi quá vui sướng vì có nó trong chân!!
Bởi vậy, các anh xem, nó bình thường quá, nó chỉ thực có giá trị khi nó không có hoặc không còn bình thường! Thế nên, thử nghĩ xem, người đầu tiên nghĩ ra nó ở trong cảnh ngộ nào?
- Anh nói sao? Tôi hỏi.
- Tôi nghĩ đến cái người đầu tiên của loài người, trong cuộc sống và vì nhu cầu, vì đôi chân rớm máu trên gai góc, ao ước được trả lại đôi chân bình thường không xây xát, không tươm rỉ máu. Trả lại sự bình thường đó là lý do đôi giày ra đời. Chắc hẳn sẽ có một người đầu tiên với nghề giày!
*
* *
Ngày xưa, … chắc là xưa, xưa lắm. Cái thời của các bộ lạc, các tộc trưởng, các ông vua, có một xứ sở thật tươi đẹp và một ông vua thật hiền, thật thương muôn dân. Trong xứ sở ấy, mọi người ra sức làm lụng, yêu thương nhau và rất tôn kính nhà vua của họ.
Nhà vua cùng hoàng tộc và cận thần ở trong lâu đài trên một ngọn đồi, nơi đó nhà vua phóng tầm mắt nhìn xứ sở thần tiên của mình, và các nóc nhà nép trong bóng cây xanh với một niềm vui nhân hậu. Một hôm nhà vua cùng các cận thần cởi ngựa thăm thú thần dân của mình. Đến bìa một khu rừng, vua thấy một lão già đang ngồi bên con đường mòn, ôm đôi chân rớm máu, mặt nhăn nhó, đau đớn. Nhà vua hỏi.
- Này ông lão, ta có thể giúp gì cho ông? Ta là vua xứ sở này, ta không đành lòng thấy con dân ta đau đớn!
- Thưa đức vua - ông lão vẫn ngồi bên vệ đường, bên bó củi khô – ai cũng biết ngài thương muôn dân, nhưng ngài xem, đường đi thì đá nhọn sắc cạnh như răng sói, gai góc khắp nơi. Còn những đôi chân của thần dân ngài thì nứt nẻ, tươm máu. Biết làm thế nào được. Ngài và các quan ngồi trên lưng ngựa làm sao hiểu nổi đau đớn này?
Nhà vua đăm đăm nhìn đôi bàn chân khô đét của lão già, những vết máu đỏ trên mấy lá cỏ khô bết đất; nhà vua đăm đăm nhìn con đường mòn lởm chởm đá răng sói và gai góc … Nhà vua thở dài, lệnh cho các quan cận thần lặng lẽ trở về cung. Đêm ấy, ông vua nhân hậu, buồn rầu ngồi bên cửa sổ ngắm ngàn sao mà mãi nghĩ đến nét mặt đau khổ của lão tiều phu ven rừng. Sáng hôm sau, nhà vua gọi viên quan đứng đầu lên hỏi:
- Này, ta hỏi khanh, xứ sở ta giàu đẹp thế này, sao vẫn có những người dân đau khổ như lão tiều phu ta gặp chiều qua?
- Thưa đức vua biết làm thế nào được, chân mềm đá cứng!
- Vậy tại sao trong hoàng cung, ta đâu có thấy các khanh than thở?
- Bởi ngoài sân thì nện đất bằng phẳng, trong điện thì trải da thú?
- A, trải da thú – Nhà vua reo lên. Ngài quay về phòng văn, một mình loay hoay vẽ, vạch các ý nghĩ của mình trên bàn cát.
Sáng hôm sau, ngài cho gọi các quan cận thần đến và ra lệnh.
- Các khanh biết ta đêm ngày ăn ngủ không yên vì muôn dân còn khổ. Nếu ta và các khanh không dốc sức lo được sự yên vui, sung sướng cho muôn dân thì chúng ta sống trong lâu đài này có còn ý nghĩa gì? – Ta đã thấy thần dân của ta khổ cực, những bước chân của muôn dân rớm máu vì các lối đi ngổn ngang gai góc, sỏi đá như mũi chông. Ta không yên tâm khi ta và các khanh dạo chơi trong hoàng thành trên nền đất nện, trên các tấm da thú, trên các sàn gỗ, còn muôn dân thì … Nay, ta ra lệnh cho các khanh hãy vì ta mà vận động muôn người, đem hết quốc khố ra làm các con đường cho dân. Đường đó gọi tên là đường nhà vua, đường đưa dân đến cung điện của ta, đường đưa dân đến nơi làm việc, đưa dân đến nơi nhu cầu người dân cần … Con đường đó ta sẽ làm vì muôn dân của ta … Nhà vua say sưa nói, ngất ngây với một tương lai tươi đẹp cho muôn dân của mình, ánh mắt ngài ngời sáng …
- Khải tấu hoàng thượng sẽ làm đường bằng cách nào? Một vị quan nhỏ nhẹ tâu.
- Các khanh khỏi lo, ta có cách. Muôn người một lòng thì chân sẽ cứng, đá sẽ mềm! – Ta sẽ cho trải da thú trên lối đi,ta sẽ lát gỗ, ta sẽ nện đất … của con đường nhà vua . Muôn dân của ta sẽ hân hoan đi trên con đường êm ái đó, rồi các khanh sẽ nghe thấy những tiếng cười dòn dả khắp nẻo đường chúng ta đã làm … Ta vui sướng biết bao khi ngày đó đến, ta mong ước các khanh sẽ một lòng, một dạ vì ta, vì muôn dân.
Ông vua lãng mạn đó quay về hậu cung với niềm tin tuyệt đối rằng một ngày không xa con đường nhà vua sẽ đem đến muôn vạn nụ cười. Rồi sẽ không còn nữa những giọt nước mắt, tiếng than thở vì những bàn chân rớm máu.
Con người có thể vượt qua mọi gian khổ khi còn có hy vọng vào ngày mai.Những ngày tháng gian lao rồi cũng mau qua đi và con đường nhà vua trải da thú lát gỗ, nện đất … đã đến từng làng, từng xóm. Mọi người vui cười chờ đón. Mọi người ngẩng cao mặt lên mà đi không còn rị mọ cúi đầu dò dẫm để tránh chông gai. Đã qua rồi những tháng ngày đen tối của các bước chân loạng choạng, đã qua rồi cái thời khổ nhục cúi gầm đầu! Nhà vua thực hạnh phúc vì nhà vua biết vui sau cái vui của muôn dân, và muôn dân biết bao dung cho nổi bất hạnh của mình bởi cưỡng bức lao động bao ngày tháng qua khi thấy con đường phẳng phiu đẹp.
Làm xong các đường chính, đường tẻ, vua giao cho các quan chăm sóc, giữ gìn con đường. Lòng vua là khát khao cháy bỏng làm ra đường để đem đến hạnh phúc cho muôn dân; còn lòng của quan là chế tác thực nhiều lệ luật để giữ đường: mọi người phải đi trên đường, mọi người không được đi bên lề đường, khi đi thì không được cúi xuống vì cúi xuống là có ý muốn phá đường, nện gót chân phải nhẹ vì nặng gót là xem thường con đường vua đã làm ra. Quan có cái để chứng tỏ trung thành, quan có mồi mà cắn xé nhau khi để chứng tỏ mình là người bảo vệ đường chính thống. Vua vui trong im lặng, quan vui trong mưu ma chước quỷ gầy phe, gầy phái để đội trên, đạp dưới trong việc bảo vệ con đường … Càng là quan thì càng phải có thêm trăm cách để chứng tỏ với vua mình là người vì muôn dân lo cho con đường. Đường càng dài ra thì quan càng nhiều thêm, quan đông đúc, xúm xít, xênh xang áo mão qua lại trên đường.
Con đường thẳng tắp, êm ái, được trồng cây hoa tỉa tót, được treo nhiều lồng chim họa mi, sơn ca hót líu lo suốt ngày … những con đường trải da thú đẹp làm sao!! Nhiều nhiều lời tung hô, thật nhiều tượng đài ghi công tích trên các nơi con đường đi qua. Các quan lại muốn chứng tỏ mình có công trạng to nên càng xây dựng đài tưởng niệm ghi công khắp nơi để ghi công người đã khuất vì làm đường.
Từ ý chí khai sơn phá thạch làm đường của nhà vua đầy tâm huyết, đến ý muốn cong lưng cúc cung tận tụy chế tác thật nhiều lệ luật để củng cố vị thế làm quan giữ đường, cho đến đám tiện dân uể oải hưởng thụ, nằm ngủ trên con đường mòn quả là những bước biến đổi lớn. Dân dã vốn là đàn cừu ngoan ngoãn dễ thương, họ có mưu cầu gì to lớn cho cam ngoài cái ăn, cái mặc và chút chiều tà trăng khuyết trên đồng lúa quê cha? – Từ những con người đầy ý chí lấy chân mềm khắc lối trên đá thành ngàn lối mòn lên rừng cao, trên núi thẳm để kiếm cái ăn, cái mặc, chống thú dữ và tạo dựng nên đất nước tươi đẹp; Nay họ cúi đầu theo lề thói của các quan, quen dần, trở nên ngại khó, ngại xa … Họ kéo nhau ra sống xúm xít bên cạnh con đường của vua. Họ chỉ còn một cách nghĩ, cách sống phụ thuộc vào con đường đã trải da êm ái … Họ ngại đi xa con đường vạch sẵn, họ lo sợ khi đi vào các lối có đá sỏi, chông gai. Họ quơ quào cái ăn, cái mặc dễ dãi trong tầm với, gần gần con đường vua đã làm. Họ chỉ cần chút điều kiện ít ỏi theo cái nề nếp qui định của các quan. Mà các quan thì luôn luôn tạo ra nhiều quy định hợp với tầng lớp mình, hợp với ách để mình kiếm ra nhiều của cải. Đường trải da, lát gỗ làm cho chân họ trắng, mềm và đẹp ra như chân các vị quan. Không còn nữa những bàn chân chai sạn, nứt nẻ và rớm máu với đôi mắt ngời sáng của kẻ khai sơn phá thạch ngày nào!! Đám tiện dân xum xoe khoe nhau được ở gần đường, gần quan; được là họ hàng xa gần, được các quan sủng ái. Đám tiện dân gian dối kể công trạng ngày tháng gian truân làm đường để mong nhiều bổng lộc, nhiều ân sủng. Một lũ dối trên gạt dưới, để tiện vây quanh nhau, bôi son trét phấn cho nhau.
Một hôm ông vua già đang ngồi mơ màng ngắm dòng sông lơ đãng trôi, chợt có lính hầu và quan cận thần dẫn lão già bên bìa rừng ngày nào vào quì trước ngai vàng.
- Thưa Hoàng Thượng, lão già này phạm tội bất tuân – Lão phá con đường nhà vua! Vị quan tâu.
Nhà vua nhìn thấy lão già khốn khổ ngày nào, nay vẫn dáng dấp ấy.
- Ông lão hãy nói cho ta nghe, ngày xưa lão đã than van cùng ta là đá cứng chân mềm, nay ta đã làm đường cho muôn dân, trong đó có lão, sao lão lại phá đường?
- Muôn tâu, thần không bao giờ dám phá đường, thần không bao giờ dám nghĩ đến việc đó. Thưa đức vua, ân đức của ngài muôn đời dân không quên. Nhưng xin ngài hãy lắng nghe ngu dân bày tỏ đôi điều.
- Nhà ngươi hãy nói ta nghe.
- Thần trộm nghĩ : Nhà vua vì hạnh phúc muôn dân mà trải ức triệu tấm da để làm những con đường êm ái. Cái điều chính yếu ngài mong muốn là hạnh phúc cho muôn dân. Nhà vua đã đem hết tài nguyên đất nước, bao hy sinh, bao khốn khổ của muôn dân ra làm đường. Ngài vì ý tốt mà làm điều ấy! Nhà vua đem hết tâm huyết nghĩ đến những con đường đi, những con đường sẽ mở cho dân đi; và các quan thì bằng mọi cách làm sao cho muôn dân đi trên con đường đã mở. Ai ai cũng hết lòng. Nhưng với đám tiện dân chúng thần, chỉ nghĩ đến những bước đi, ít khi nghĩ đến con đường, mỗi bước đi là một ước vọng riêng biệt. Nhiều ước vọng riêng, thành ước vọng chung, nhiều bước đi tạo nên con đường chứ không phải con đường tạo nên bước đi. Bước đi là đời sống có thật, là hơi thở của từng con người. Những bước đi làm nên con đường. Có những con đường lau lách đìu hiu cùng sương gió, cỏ mọc hoang sơ mà không có bước chân … và cũng có lắm bước chân người bó gối, ngồi yên mỏi mắt ngóng đường. Con đường phải đi đến đâu, sẽ đi về đâu theo ý vua quan thì đám tiện dân không lưu tâm; người dân chỉ lưu tâm những bước chân này bước về đâu, có theo đúng ước vọng của mình hay không. Ai làm ra đường theo cách nào thì lũ dân đen này không lưu tâm, mà chỉ lưu tâm bước chân đi trên con đường đến đúng ước vọng của mình không. Niềm vui là bước đi theo lòng mong ước của mình chứ không phải là nhắm mắt đi theo con đường vạch sẵn. Hạnh phúc không phải là bịt tai, nhắm mắt, câm miệng nhất nhất đi theo con đường vua và các quan đã vạch! Các quan dạy bảo đám tiện dân phải tin tuyệt đối vào con đường, vua làm ra chính là vì hạnh phúc muôn dân! Tại sao không tin những gì chưa có thực, rồi hoài nghi lại tấm lòng của nhà vua? Khi làm đường, lòng thiết tha của nhà vua là đáng quý, nhưng có lắm con đường phù hợp vào lúc ấy mà chẳng còn phù hợp vào lúc này. Chỉ có đời sống của mỗi bước chân mới dạy bảo con người ta con đường nào phù hợp chứ không phải là sự bó buộc, ép bức của các quan mà làm con đường trở nên phù hợp với muôn dân!
Mọi vị vua đều ước mong muôn dân đi trên con đường mình đã khai phá, xin nhà vua thứ lỗi cho tiện dân nói thật: mỗi thời, mỗi lúc, mỗi người có những ước mơ riêng, có chút hạnh phúc nhỏ nhoi riêng tư và bởi vậy có những bước đi ngoài lề con đường của nhà vua. Con đường thì mãi mãi trơ trơ ở đó, còn bước đi thì mỗi thời một khác. Với nhân loại, con đường đẹp nhất là con đường chưa bao giờ được làm ra. Thưa nhà vua, ước mơ đi trên một con đường cũng ngất ngây như tình yêu vậy : Hãy yêu đi bằng cả trái tim, không thể vạch trước một con đường của con tim.
- Vậy ta trải lòng ra làm đường cho muôn dân để làm gì? – Nhà vua lo âu hỏi
- Sứ mệnh của Ngài là phải làm đường và định hướng một hướng đi, cần thiết cho lúc bấy giờ, có những người đã đi qua, và sẽ đi qua và sẽ vượt qua với những con đường mới phía trước. Chính những bàn chân của cuộc sống hiện tại theo yêu cầu của nó sẽ tự quyết định lối đi nào phù hợp; đừng bắt buộc mọi người phải đi trên con đường đúng của quá khứ để đến đúng của tương lai của riêng mỗi người. Hãy để quá khứ ngủ yên đi! Nhưng xin ngài đừng buồn vì có những người không đi trên con đường ấy hay họ thích vượt lề đi trên những con đường len lỏi giữa rừng núi chông gai. Nếu ngài yêu thương muôn dân thì chấp nhận cả hai : người đi trên đường của ngài và người đi ngoài lề. Mục tiêu tối thượng của ngài là gì nếu không phải là hạnh phúc của muôn dân? Xin ngài hiểu cho: mỗi người hạnh phúc trên bước đi của mình chọn lựa chứ không phải hạnh phúc vì đi trên con đường đã vạch sẵn cho mình đi. Có những người ngây ngất tiếng suối reo trong hẻm núi, dù đôi chân có rớm máu; và cũng có các quan vui sướng xum xoe quanh bọn cận thần tung hô nằm vắt vẻo trên con đường mòn nhẵn của nhà vua!
- Nhưng đó đâu phải là lý do để người phá hoại con đường của ta như các quan bẩm báo?
- Xin thưa, tiện dân không bao giờ làm như vậy và muôn dân không ai làm như vậy trước ân đức của nhà vua. Luôn luôn các quan phải bẩm báo như vậy mới là lý tưởng sống của các quan: lo sợ có kẻ khác mình, chống đối mình nhưng cố tình tìm kẻ khác mình, cố tình chụp mũ lên kẻ hoài nghi để tạo nên giá trị sự hiện hữu của mình. Tấm lòng khai phá con đường của vua là tấm lòng lớn nhưng sau ngài, còn tấm lòng của kẻ giữ đường của các quan là tấm lòng nhỏ. Quan cấm dân đi ngoài lề đường, lệnh cho mọi người phải nộp hết da thú để vua làm đường, các quan soi mói nhìn từng bàn chân của mỗi người dân, các quan nghi ngờ và kiểm tra : ai chân trắng là đi trên đường lót da, ai chân đen là tự ý bước khỏi lề. Con đường của ngài chỉ là cái cớ đế các quan tạo nên xiềng xích cho mọi người và tạo lãnh địa cho riêng mình. Các quan cấm muôn dân cắt một rẻo da nhỏ! Tiện dân có hai đứa cháu nội; thằng cháu trai thích nghe bầy chim ri màu xám, mỏ đỏ, có đôi mắt hạt cườm đen nhánh, kêu lích chích nhún nhẩy trên đám cỏ lau trắng, nó không thích nghe chim sơn ca líu lo trong lồng; đứa cháu gái lại thích tẩn mẩn hái mấy hoa lưu ly, hoa từ bi trắng trắng nho nhỏ bên hốc đá … Chúng nó chạy vào rừng gai góc, đá nhọn làm trầy sướt đôi chân nhỏ. Tiện dân ôm cháu, cầm đôi chân nhỏ nhắn trầy sướt trong tay già nua của mình mà trộm nghĩ : Nó đâu có thấy vui khi đi trên con đường nhà vua, sao lại la mắng cháu?? Con đường kia vui với ai kia chứ nào có vui gì với chúng !!
- Đấy, ngươi thấy chưa, ta lo là lo cho những bước chân rớm máu, lo gai góc … - Nhà vua tư lự nói.
Ông lão đưa tay ra sau lưng, rút từ nệp lưng quần ra hai miếng da bò bèo nhèo, co rúm, được thắt bện hai sợi dây gai chéo qua. Lão nói :
- Thưa đức vua, bởi hai miếng da bò bèo nhèo này mà tiện dân bị quan bắt lên đây và kết tội phá đường. Nhà vua thấy không, chỉ cần hai miếng da nhỏ này bó sát bàn chân non nớt của đứa cháu, nó đã thỏa chí tung tăng chạy nhảy quanh rừng, hai đứa cháu đuổi nhau đùa giỡn hái hoa , bắt dế và cười ròn rã , ngất ngây … Cắt hai rẻo da từ con thỏ thần nuôi trong vườn và bện dây bắt chéo đôi bàn chân là sáng kiến của tiện dân. Lão trộm nghĩ, xin nhà vua thứ lỗi, tại sao lại tốn bao công sức tiền của, hy sinh bao nhiêu cuộc đời để trải da làm đường mà ngài không cắt cho mỗi người một miếng da vừa với đôi chân của mình. Tất cả các con đường là tài sản của vua, nghĩa là tài sản của muôn dân, ắt hẳn khác với mỗi người có cái vui sướng nhỏ nhoi là có cái của riêng mình. Ngài cứ nghĩ đến thứ hạnh phúc chung chung, trừu tượng mà quên hạnh phúc cụ thể, có thực nơi mỗi con người. Hạnh phúc của mỗi con người có đòi hỏi gì lớn lao đâu, thưa ngài. Trăng trông đẹp mà xa quá, tiện dân và hai đứa cháu của mình chỉ mong có một ánh đèn dầu đủ sáng nhìn thấy mặt ba ông cháu rúc rích cười khi kể chuyện đời xưa!Ngài hẳn không bắt mọi người phải hy sinh tất cả để kéo mặt trăng về trần gian mới có hạnh phúc. Vì hạnh phúc muôn dân tràn ngập trong ánh trăng của riêng mình khi thưởng ngoạn!! Tại sao các quan lại bắt tội tiện dân vì hai miếng da nhỏ bèo nhèo này? Tội của tiện dân là lấy miếng rẻo da thỏ của mình hay là tiện dân có tội vì đã dám dạy cho cháu mình thấy được niềm vui khi không đi trên con đường đã được nhà vua làm sẵn?
Nhà vua lặng im một hồi lâu rồi lẩm bẩm :
- Ừ nhỉ, rồi một thời gian sau có thể có những con đường khác và con đường ta làm hôm nay có thể sẽ thành rừng cây, suối nước … nhưng một ngàn năm sau những bứơc chân con người vẫn không đổi, vẫn từng bước lặng lẽ, mỗi người riêng mình tìm thấy hạnh phúc nho nhỏ, riêng tư … và chính những bước chân với những ước vọng riêng từ đó mới tạo nên những con đường và con đường đúng với hôm nay chưa hẳn đúng với ngày mai. Những bước chân đó có cần nhiều nhặn gì lắm đâu ngoài mấy miếng da bèo nhèo này … Ừ nhỉ, hạnh phúc thực sự thì có cần gì to lớn lắm đâu. Đâu có thể nhân danh những gì quá to lớn, quá trừu tượng mà lấy đi những hạnh phúc thắm đượm của từng người?
Và chuyện ngày xa xưa ấy khép lại. Từ đó vua và các quan vẫn tiếp tục làm những con đường lớn theo mơ ước của họ, và cũng từ đó mỗi người dân được nhà vua cho cắt miếng da vừa với đôi chân của mình, các bước chân được đi cùng trời cuối đất, đi trên thảm cỏ mượt mà như nhung cũng như trên chông gai sỏi đá. Từ ông lão thương đôi chân hai cháu nhỏ của mình với mấy miếng rẻo da bèo nhèo ngày nào, nghề giày dép ra đời …
*
* *
Ánh đèn vàng đã loang loáng trên mặt nước, trong bóng tối lờ nhờ nơi quán lá ven sông, chúng tôi thấy bầu trời như cúi sát xuống và có vài ánh sao lấp lánh xa xa …
|
|