|
Ca Sĩ Lệ Thu (1943-2021)
Sáng thứ bẩy, 16 tháng giêng 2021, tình cờ nghe tin Lệ Thu vừa ra đi vào khoảng 7 giờ tối hôm qua. Sau đó, đọc vào tin chi tiết thì mới biết bà vốn cùng sinh một năm với tôi…
Tự nhiên tôi thấy cảm xúc trào dâng trong huyết quản vốn lâu nay đã nguội lạnh: Kể từ mấy năm gần đây, bạn hữu cư ngụ ở khắp nơi đã lần lượt bỏ ra đi…
Nỗi đau mất bạn
Nếu tôi còn nhớ không lầm thì vào thời gian 2 năm (1966 – 1968), tại Quán Văn, trên bãi cỏ dốc giữa khuôn viên Văn Khoa sàigòn, những đêm ca nhạc sinh viên diễn ra mỗi cuối tuần đều hiện diện những Trịnh Công Sơn-Khánh Ly, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, cặp Lê Uyên Phương…và cả Lệ Thu nữa. Nhưng riêng cái phong cách trình diễn độc đáo ( đi chân trần trên bãi cỏ), Khánh Ly đã được giới sinh viên thời ấy gọi là nữ hòang chân đất. Còn Lệ Thu xuất hiện trên bờ sân gạch làm sân khấu với vóc dáng tiểu thư, với giọng hát trong vắt tròn trịa, thì được bọn khán thính giả sinh viên chúng tôi lại gọi đó là “ cô công chúa ngủ trong rừng”…
Sau này, tôi mới biết thêm rằng thực ra trước đấy mấy năm, Lệ Thu lẫn Khánh Ly đã là ca sĩ nổi tiếng tại những phòng trà ca nhạc và vũ trường Sàigòn rồi mà cá nhân tôi không hề hay!
Bằng chứng rằng thời kỳ ấy có lần tôi cùng Trần Tuấn Kiệt tạt qua tiệm sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, gặp Hoàng Trúc Ly [1] đang đến “nộp bản” truyện thiếu nhi như đã hứa trước và được ông Nguyễn Hùng Trương chi cho một ít gọi là “đặt cọc”. Hoàng Trúc Ly liền rủ hai đứa chúng tôi sang Thanh Thế ăn trưa rồi đi nhậu luôn. Đến tối cả ba đều ngà ngà say. Ly dẫn về nhà anh thuộc khu cư xá ( tôi chỉ mang máng nhớ) góc Cống Quỳnh với Hoàng Thụy Năm, nhìn xế sang bệnh viện Từ Dũ đằng xa xa, góc Cống Quỳnh với Hồng Thập Tự. Giữa mấy tuần rượu và trà, đã nghe Hoàng Trúc Ly đọc thơ của anh, đến nay tôi còn nhớ được một đoạn:
“từ em tiếng hát lên trời
tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
giọt buồn rỏ xuống hồn anh
nghe như da thịt tan tành xưa sau…”
Tự nhiên ghi lại đoạn thơ này trong ký ức, tôi chỉ cho đây là chút gì cụ thể nhớ về một người bạn, thế thôi. Nhưng mới đây tình cờ đọc được toàn bộ bài này (có tên là Ca sĩ, và Hoàng Trúc Ly có lẽ đã được gợi hứng từ một nữ danh ca thuở ấy?), tôi đã thấy riêng bốn câu thơ trên có mấy từ ngữ khác với những gì mình ghi nhớ được (1). Biết vậy nhưng chưa có gợi ý nào bắt buộc khiến tôi phải bỏ công truy cứu để hiểu một cách tường tận thêm. Cho tới bây giờ, ở lúc này, tôi lại muốn chép lại ra đây nguyên văn như mình đã nhớ, như là một dấu ấn gián tiếp nhắc đến chút tâm tình sâu kín của riêng mình đối với bằng hữu: Hoàng Trúc Ly nghe nói đã bỏ đi vào cõi vô cùng độ trên ba mươi mấy năm nay ở trong nước; và từ đấy đến nay đã có thêm Trần Tuấn Kiệt, Du Tử Lê cũng lần lượt tiếp nhau ra đi…Đặc biệt hơn nữa là vào giữa thời kỳ đen tối chưa từng có (2) của một năm đại dịch đang xẩy ra khắp nơi trên thế giới hiện nay, các nghệ sĩ cũng đã lần lượt rời bỏ trần gian này. Những Thái Thanh, Mai Hương, Chí Tài…và Lệ Thu.
Tâm tình người nữ ca sĩ
Đề cập tới giới sinh hoạt ca nhạc, thời bấy giờ ở Sàigòn lẫn cả bây giờ ở ngoài hải ngoại này, nhân đây cũng phải thú thật rằng từ thuở trai trẻ ấy cho đến nay, suốt trên nửa thế kỷ qua tôi vẫn chỉ có dịp đặt chân đến phòng trà ca nhạc hay vũ trường tổng cộng đâu độ bốn năm lần là cùng. Nên thân hữu vẫn thường nhắc đến tôi là tên cù lần số một!
Mấy ngày nay, nhân tin Lệ Thu mất tác động vào ký ức, tôi nhớ lại rằng vào đầu thập niên 1980, vượt thoát khỏi nước, Lệ Thu đã sớm cho ra băng nhạc “Hát trên đường tử sinh” do Sóng Nhạc thực hiện năm 1981 (3). Đồng thời, xem trên băng tần ViệtfaceTV / 57.2, nghe phát đi phát lại nhiều lần băng nhạc“Tưởng Nhớ Nữ Danh Ca Lệ Thu | PBN Collection 1.” (4), những đoạn lời Lệ Thu hát “Hải Ngoại Thương Ca” đã như rót vào vùng khô hạn của tâm tư tôi:
“Một mùa thương kết muôn hoa lòng. Người về đây nối câu tâm tình. Về cho thấy xuân nồng áo em. Cho tình xưa thôi cách xa. Về chung mái nhà lá. Người về đây giữa non sông này. Hội trùng dương hát câu xum vầy. Về cho thấy con thuyền nước Nam. Đi vào mùa Xuân mới sang. Xa rồi ngày ấy ly tan…”
Điệp khúc:“Tôi đi giữa trời bồi hồi. Cờ bay phất phới (tôi) quên chuyện ngày xưa. Mong sao nước Việt đời đời: Anh dũng oai hùng chen chân thế giới. Mặc thời gian tóc phai đổi màu. Mặc đại dương sóng xô mưa gào. Đàn chim én trong làn chớp xanh. Yêu trời tự do Á Đông. Thương về đồi núi xa xa…”
Được biết ca khúc này đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác vào năm 1963, nay được nghe lại qua giọng hát Lệ Thu, trong lòng tôi dâng lên một niềm phấn chấn:
– Riêng Lệ Thu thì khi hát ca khúc này, lòng có hân hoan hay không? Có nhớ đến tâm trạng của chính mình khi rời nước thành công thì đã thực hiện được băng nhạc “Hát trên đường tử sinh”?
– Không biết khi sáng tác, ông ấy có ảnh hưởng gì về sự kiện lịch sử Mùng Một Tháng Mười Một cùng năm đó hay chăng? Mà sao như một cách vô tình hay cố ý gì đó, sáng tác của ông ấy có những lời lẽ như tiên đoán trước được thực trạng đất nước và dân tộc Viêt đã và đang diễn tiến trên nửa thế kỷ vậy!
Từ đó, tôi liên tưởng những Phật Ca, Thánh Ca (như chương Nhã Ca của Salomon ở trang 790, đoạn “các sách văn thơ” thuộc Cựu Ước, Kinh Thánh)…Và tôi thấy băng nhạc “ Hát Trên Đường Tử Sinh” của Lệ Thu lẫn ca khúc “ Hải Ngoại Thương Ca” của Nguyễn Văn Đông như những tác phẩm đậm dấu ấn trong dòng Việt Ca.
Nghệ danh và thân phận
Bằng hữu của tôi hầu hết thường cho rằng ca khúc Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn đã được tiếng hát của Lệ Thu chuyển tới giới thưởng ngoạn một cách tuyệt diệu nhất. Tôi chỉ yên lặng tiếp nhận ý kiến ấy, vì tôi chưa bao giờ dám đảm bảo rằng mình đã được nghe Lệ Thu hát nhiều bằng đa số bạn mình. Đặc biệt nhất là khi họ mệnh danh Lệ Thu là nữ hoàng nhạc thính phòng, thì tôi lại càng yên lặng nghe mà chưa hề dám ngỏ ý kiến riêng, dù tôi là một kẻ cũng thích nghe nhạc bất cứ lúc nào trong ngày, ngay cả trong giấc ngủ; nghe nhạc bất cứ ở đâu, dù là đang lái xe hay ở bàn làm việc, và thú nhất là nghe nhạc không lời…nhưng lại quá ít lần được dịp tham dự các buổi hòa nhạc, đại nhạc hội, phòng trà, cũng như vũ trường.
Mấy ngày nay tôi đặc biệt nghe được Lệ Thu hát rất nhiều ca khúc chọn lọc từ những cuốn băng nhạc đã phát hành lâu nay, được phát lại qua những băng tần tivi việt ngữ địa phương (tôi tạm nhớ như là những Vietfacetivi- 57.2, LittleSàigòn tivi- 56.10 & 14.2, Sàigòn tivi- 57.4, SET- 57.11 vân vân) trong chủ đề tưởng niệm. Có ít nhất ba nhạc phẩm nghe Lệ Thu hát mà tôi xúc động, qua một số những lời ca tạm trích dẫn sau đây:
“Nước mắt mùa Thu khóc trong đêm dài. Mùa mưa chới với tiếng mưa buồn rơi…Người xây ngục tối tình yêu lừa dối. Giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người …Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình. Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc. Mỏng manh vụt đến rồi tan tành, như trăng thanh. Nước mắt nào nguôi khóc cho đời mất thần linh rồi… người xa người (tôi xa tôi). Nước mắt mùa Thu khóc than một mình. Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh. Giọng ca buồn bã vào trong đời úa. Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài…” (Nước Mắt Mùa Thu, sáng tác của Phạm Duy)
Hay:
“Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ… Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó, Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư. Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió. Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ. Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương, trong mênh mông chiều sương. Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín. Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay… Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người. Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi.Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người… Thu hát cho người. Thu hát cho người, người yêu…ơi!”(Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển)
Và:
“Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng. Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang. Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá. Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa… Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói. Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi. Ngày buồn tênh cũng đưa chiều vào tối. Mím môi cười mà nhớ thương khôn nguôi… Mộng về một đêm xuân sang. Em thì thầm ngày đó thương anh. Thuyền về một đêm trăng thanh. Xây mộng vàng đậu bến sông xanh… Mộng tràn ngập đêm trăng sao. Sao đầy trời từng chiếc lấp lánh. Rồi một chiều xuân thơ trinh. Cho lòng mình về với dĩ vãng… Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng. Đường thênh thang gió lộng một mình ta. Rượu cạn ly uống say lòng còn giá. Lá trên cành một chiếc cuối bay xa…”(Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh)
Tất cả những hình ảnh xuất hiện để hát những ca khúc này, Lệ Thu đều trang phục đẹp nền nhã, thần thái ung dung tự tại, chất giọng rất trong – ấm và ngọt. Ngọt một cách ngậm ngùi, rót từng âm thanh lọt mỗi lúc một vào tâm khảm của tôi…
Thôi nhé bạn. Mắt tôi đã mờ, không thể viết tiếp được nữa…
11 giờ khuya, thứ ba, 19/1/2021.
Điều chỉnh vào tháng 8/2023.
http://www.trietvan.com/thanhuu/thanhuu_van.htm
_________________________________________________________
Chú Thích:
(1) Nhà thơ HOÀNG TRÚC LY [1933-1983]. Xem thêm bài: “Hoàng Trúc Ly – Ca Sĩ” của Du Tử Lê và bài “Từ Em Tiếng Hát Lên Trời & Phòng Trà Sài Gòn Xưa” của Nguyễn Xuân Thiệp.
(2) Sáng thứ ba, 19 tháng 1 / 2021, thông báo chính thức cho biết là trên thế giới đã có đến trên 94 triệu lây nhiễm, trên 2 triệu tử vong và riêng ở Hoa Kỳ thì trên 14 triệu lây nhiễm với trên 400 ngàn tử vong. Cho đến nay, tháng 8/ 2023, Covid-19 đã thành một bệnh dịch, mỗi cuối năm mọi cư dân đều cần được chích ngừa.
(3) Xin nghe trực tiếp “Hát trên đường tử sinh”.
(4) Xin nghe đầy đủ qua “Tưởng Nhớ Nữ Danh Ca Lệ Thu” | PBN Collection 1. Chiếc Lá Cuối Cùng (Tuấn Khanh) PBN64 2. Hải Ngoại Thương Ca (Nguyễn Văn Đông) PBN77.
|
|