|
(tiếp theo)
Từ khái niệm thời kỳ trục đến tư duy pháp
Như đã nói đến ở trên, quan niệm trục của Jaspers và Hegel khác biệt vì một đằng lấy Cơ đốc giáo làm trung tâm để mọi tư tưởng xoay quanh, một đằng chủ trương đa nguyên dựa trên tiến hóa chung của nhân loại. Vấn đề còn minh thị một điều: cái nhất nguyên tổng thể của Hegel (dầu ẩn dấu dưới danh xưng tri thức tuyệt đối) cũng vẫn hàm ngụ triết học lệ thuộc vào thần học - ancilla theologiae - nhiều nhà triết học trước hay sau Hegel, kể cả Heidegger cũng đi vào con đường bế tắc của hữu-thần-luận/onto-theo-logie.
Đối trọng khác của triết học là khoa học - từ quan niệm thông thường về triết học mới khởi sự từ những Bacon với Novum Organon/Bộ luận mới, 1620, trong tiêu chí “Multi pertransibunt et augebitur scientia/Many shall run to and fro, and knowledge shall be increased/Nhiều người sẽ qua lại và kiến thức sẽ tăng lên”[1], Descartes với Discours de la méthode/Luận về phương pháp như người phát kiến ra khoa học/inventeur de la science, phải chăng triết học lệ thuộc vào khoa học - ancilla scientiae - vấn đề không ở chỗ khoa học hay thần học có thể tiêu diệt triết học, song ở chỗ vận động triết học phải chăng được quyết định tiên nghiệm, nhờ những khai mở khoa học về vũ trụ vật chất, hay những mặc khải tôn giáo về thực tại thần thánh.
Triết học tây phương vướng mắc nan đề ancilla theologiae trong một quá trình dài dặc thời trung cổ: những nhà nghiên cứu thời kỳ này, như E. Gilson hay E. Bréhier, khi đối chiếu phân biệt triết học “phương tây” với “phương đông” (để chỉ triết học Ả rập và Do thái), với nhận xét của Gilson là phương tây đi chậm hơn phương đông một thế kỷ, với Brehier là thần học của Jean Damascène và những người xứ Syrie; triết học nhằm khai triển phép lạ của Ki-tô/Homme-Dieu vào thời kỳ thông diễn học thuyết Platon và Aristote theo ý hướng thần học Cơ đốc, sản sinh ra nhiều người được phong thánh (như Bonaventure, Augustin, Aquinas v.v..).
Nhà triết học Đức Martin Heidegger (1889-1976) vào đầu thế kỷ XX khi vào đại học Freiburg i.B. năm 1909 đã theo học hai năm thần học với Karl Braig, và thần học là một vấn đề quan yếu trong hành trạng tư tưởng của ông. Tác phẩm Phänomenologie und Theologie/Hiện tượng học và thần học gồm bài giảng vào 1927 và thư viết năm 1964 bàn về khả hữu của thần học và quan hệ với triết học. Không phải tình cờ khi Heidegger đưa ra vấn đề thần học cùng năm với việc xuất hiện tác phẩm chính Sein und Zeit vì thật sự Heidegger muốn chỉ ra từ nhận thức thần học đã hướng ông tới hiện tượng học thông diễn. Nỗ lực mới của ông nhằm chỉ ra hai khoa học phân biệt trong hai phương vị/positum: thần học là một khoa học thực nghiệm, gần với toán học, hóa học v.v.. như những khoa học hiện thể, hơn là triết học (là khoa học hữu thể). Cho nên ông xác định thần học tuyệt đối khu biệt với triết học. Thần học, theo Heidegger không là một tri thức suy lý về Thượng đế, có nghĩa không là khoa học xét quan hệ giữa Thượng đế và con người, hay quan hệ giữa người và thượng đế, cho nên không là triết học hay sử học tôn giáo, nghĩa là một khoa học tôn giáo (Religionswissenschaft). Heidegger xét trên ba mặt: mặt thực nghiệm vì định vị trong tính Cơ đốc/die Christlichkeit - thần học như một khoa học về đức tin, và đức tin như một phương thức lĩnh hội đức tin hiện hữu trong lịch sử được mặc khải, nơi Con người trên thập tự giá; mặt khoa học vì thần học như một khoa học về đức tin là phương thức trong nội tại mang sử tính/geschichtlichen của hữu thể, như một phương thức hiện sinh của tín hữu, mà hiện sinh là hành động/πράξις như vậy thần học trong bản chất của nó có tính cách của một khoa học thực tiễn; mặt quan hệ với triết học vì nếu đức tin không cần triết học, khoa học về đức tin như một khoa học thực nghiệm cần triết học, không phải để khai mở phương vị tính Cơ đốc, mà chỉ cần triết học trong giả định tính khoa học. Khi luận về một vài khái niệm cơ bản của thần học, như phạm tội, tội lỗi chẳng hạn chỉ có thể hiểu được trên cơ sở đức tin, thì không có chỗ cho triết học, song nếu đức tin là nhân tố cấu tạo và chủ yếu của tính Cơ đốc, có nghĩa là phục sinh, giả định hiện hữu tiến Cơ đốc đượcc vượt/aufgehoben, không phải là tiêu triệt mà thăng hóa và nhập thể vào sáng tạo mới Khái niệm thần học được xác định về mặt hữu thể qua một nội dung có trước Cơ đốc và nắm bắt được một cách thuần lý, không thể giải thích và chứng thực một cách thuần lý bởi đức tin, có nghĩa là thần học giả định phải có triết học. Thần học là khoa học hiện thể và triết học là khoa học hữu thể. Chính vì vậy Heidegger xác định không có triết học Cơ đốc.
Triết học tôn giáo, như một nhà thần học nhận xét, chỉ là sáng kiến của triết học tây phương hiện đại. Quan niệm tam giáo/Nho, Phật, Lão hòa đồng là một ý tưởng lý hội chỉ có trong tư tưởng phương đông và khái niệm tôn giáo cũng mang những sắc thái khác biệt. Cho nên nhà triết học Trung hoa Phương Đông Mỹ/Fang Dongmee (1899-1977) phát biểu: ông là nhà Nho theo truyền thống gia đình, là người theo Lão giáo vì khí chất, là người theo Phật giáo do cảm hứng tôn giáo, hơn nữa là người Tây học đào tạo; triết học của ông là một kết hợp của những truyền thống triết học này.
Khi nói về triết học Ấn, đa số thường có định kiến là nói về những trường phái như Vaisesika, Samkhya, Yoga, Vedanta v.v..không tìm hiểu về những cá nhân nhà tư tưởng.
Nhà triết học Pháp Deleuze đã viết những chuyên luận về Hume, Bergson, Spiniza, Kant, Leibniz, Nietzsche như một c6ng trình lịch sử triết học, một cách thái đọc những triết gia của quá khứ.
Những phương thức nghiên cứu và viết thành lịch sử triết học đòi hỏi một khoa học về những điều kiện phát triển khả hữu của tác phẩm triết học - Martial Guéroult gọi khoa học ấy bằng từ ngữ Dianoématique/Tư duy pháp (bắt nguồn từ διανόημα/tư duy).
Guéroult (1891-1976) chuyên cứu triết học thế kỷ 17, khi phân tích Descartes dưới góc cạnh đồng đại, đã chú tâm đến quan hệ giữa lịch sử và triết học về lịch sử triết học, từng đặt vấn nạn: Hiện hữu duy nhất của lịch sử triết học, một lịch sử triết học sinh động của triết học, đủ chứng tỏ nại tới khoa học không đủ để tiêu triệt khả hữu của vấn đề siêu hình nói chung, như phân biệt với chính nó về một phản tư đơn thuần của tinh thần con người về những điều kiện của khoa học và tiến bộ của khoa học. Để trả lời vấn nạn đó, Guéroult xác định phải trả lại giá trị của chính lịch sử triết học, nghĩa là phân biệt toàn diện lịch sử này với lịch sử của các khoa học mặc dầu nó có liên hệ về mặt lịch sử. Ông dẫn Emile Boutroux (1845-1921), người sáng lập trường phái hiện đại Pháp về lịch sử triết học: “Vấn đề quan hệ triết học với lịch sử triết học là một vấn đề sinh tử. Hoặc triết học tồn tại như một khoa học nguyên ủy, như những triết gia quan niệm, và nó có những quan hệ không phải bề ngoài mà là chủ yếu với lịch sử triết học; hoặc nó khước từ mọi liên hệ nội tại với lịch sử triết học, và trong trường hợp này triết học không phân biệt với những khoa học thực nghiệm nữa, mà lẫn lộn vào những khoa học này; thực sự có nghĩa là tiêu thất. Hoặc nó dựa vào sống với nguồn lịch sử triết học, hoặc nó không tồn tại.”[2] Ông nhận xét quan điểm của Boutroux như một tiếng dội tư tưởng Hegel vì chính Hegel đã nói: “lịch sử triết học là yếu điểm của khoa triết học”, song khác biệt ở chỗ trường phái Pháp không chủ trương viễn quan hệ thống như Hegel, mà chủ đích là xác định về cả hai mặt quid facti/thực cũng như quid juris/chính đáng mối quan hệ của triết học và lịch sử triết học.
Đi sâu vào việc phân tích mối quan hệ này diễn ra nhiều vấn đề:
Quả thực những học thuyết triết lý cấu tạo nên lịch sử triết học, song nếu chủ trương tính đặc thù và tự lập của triết học so với những khoa học khác vì triết học không đánh mất tính triết học khi trở thành đối tượng của một nghiên cứu (tức lịch sử triết học), có nghĩa là lịch sử này chỉ khả hữu vì phải giả định tính bất biến của ý nghĩa triết lý đối với một triết học quá khứ? Song ý nghĩa triết lý của một triết học ở chỗ nào, nếu quan niệm bất biến, trong khi thao tác triết lý là đi tìm hiểu chân lý sự vật, một là trong xây dựng lịch sử triết học, có phải là quá đáng, vì rõ ràng là trong ý hướng chân lý, triết học này khác biệt không thể giản lược với triết học khác, trừ phi sáp nhập vào một hệ thống (như toan tính của Hegel); hai là phải coi những học thuyết triết học không phụ thuộc vào những khái niệm có giá trị trong khoa lịch sử triết học mà chỉ thuộc vào những hiện tượng khoa học này quy định? Có nghĩa là nội dung hiển thị của những hoc thuyết này trong giòng thời gian mất đi lợi ích thực sự của triết học, giống như trong các khoa học khác, địa chất học chẳng hạn, như ví dụ Léon Brunschvig (1869-1944) nêu ra, là nhà địa chất học đi nghiên cứu lịch sử trái đất, nếu có quan tâm đến lịch sử địa chất chỉ là gián tiếp không muốn rơi vào “những ảo tưởng và sai lầm của quá khứ”, những quan niệm địa chất cũ đã mất đi lợi ích thực sự của địa chất học? Như vậy, những học thuyết triết học của quá khứ chẳng phải chỉ có giá trị như những tư liệu sao?
Tất nhiên, khó thể khẳng định điều này, trừ những học thuyết tự nhận là chân triết học, nghĩa là không thể vượt qua, cũng có nghĩa là chấm dứt lịch sử triết học. Guéroult dẫn chứng một số quan điểm, như Wundt “không thể có một định nghĩa nhất định về đối tượng của triết học”, Windelband “không thể có một khái niệm phổ quát của triết học”, Hegel “Khoa triết học có đặc thị trái với những khoa học khác ở chỗ người ta không đồng ý với nhau về khái niệm của triết học, nghĩa là sứ mệnh triết học có thể hay phải như thế nào” để đi tới nhận xét tính bất xác tiên khởi của đối tượng triết học. Ông cũng phê phán Jaspers khi dẫn “triết học mỗi lần tự tạo ra khái niệm cho nó và không có thang đo lường nào trên nó cả; tôi chỉ biết triết học là gì khi sống trong nó [3]”, là chính Jaspers khi định nghĩa triết lý như một hành vi siêu việt, đã độc đoán tuyrệt đối hóa và khách thể hóa định nghĩa chủ quan này, khi nhìn ra ở đó bản chất của mọi triết lý.
Để khởi sự cho một ý niệm về tư duy pháp, Guéroult đề xuất hai yếu tố: niềm tin vào một dữ kiện triết lý, hiện diện trong mọi học thuyết triết học cấu tạo ra đối tượng của nó, cho phép lịch sử triết học giải quyết được sự tương phản bao dung trong khái niệm của nó và thuyết nghi hoặc tiên quyết xác định nghiên cứu lịch sử. Người nghiên cứu lịch sử triết học tin vào giá trị triết lý của các học thuyết, có như vậy mới coi chúng xứng đáng để nghiên cứu, song sẽ mất chức năng của người viết sử khi khoác cho học thuyết này là chân lý và từ chối những học thuyết khác. Vậy làm thế nào để dung hợp được niềm tin và nghi hoặc đó?
Guéroult đưa ra một số những đáp án:
a/ mỗi học thuyết có tính nguyên ủy độc đáo, không thể giản lược của nó; dẫn đến chỗ đi tìm trong mỗi triết học cá tính và không thể giản lược, lý hội ý nghĩa lịch sử của chúng trong tính đa biệt và đối lập với tư kiến hiện tại của chúng ta, như những bộ diện tất yếu của tinh thần nhân loại, như những biểu hiện của một thời đại, một cảnh vực, hay hơn nữa là sản phẩm tự sinh của những thiên tài kiệt xuất (Bréhier).
b/ ý nghĩa của tính nguyên ủy độc đáo này chứng tỏ xuất phát từ đời sống tinh thần, mà nhiều nhà triết học đồng ý, như Friedrich Paulsen (1846-1908): “đời sống tinh thần tuyệt đối có tính cá nhân”, mà lĩnh vực tinh thần đòi hỏi phải cần tới lịch sử, như J.H. Herder (1744-1803), người sáng lập ra trường phái triết học lịch sử: “để lý hội và phán đoán, cần phải có ý nghĩa của quá khứ, của lịch sử, nắm được tính tất yếu và giá trị của những thời ấu thơ của nhân loại, sửa soạn cho thời trưởng thành”.
c/ hiệp thông ý nghĩa của quá khứ và ý nghĩa của tính nguyên ủy độc đáo xác định trong triết học, văn học cũng như nghệ thuật sự đồng cảm với tác phẩm, có thể bảo vệ khỏi những nghịch lý triệt để ở sâu trong những ý hướng và tư tưởng.
d/ tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng đến giải thích đơn thuần tâm lý những học thuyết không đáp ứng yêu cầu triết lý, dẫn tới việc xem thường ý nghĩa khách quan trong nội dung ý tưởng, ý nghĩa này do giá trị thuần lý và phổ quát, vượt lên trên những điều kiện tâm lý và lịch sử (coi ý tưởng chỉ là sự kiện tâm lý, lịch sừ) như Victor Delbos (1862-1916) đã chỉ ra “ý tưởng không chỉ là sự kiện, không chỉ mang ý nghĩa do thực tại hay nguyên nhân xác định ra nó, mà do chính bản nhiên của nó là được biểu hiện và nhằm biểu hiện cái thực/le vrai”.
e/ đối với sử học thuần túy, học thuyết như một sự biến là một quá khứ không bao giờ chết, đối với tư tưởng triết học, học thuyết như một ý tưởng triết lý vẫn sinh động như một nguồn suối dồi dào những cảm hứng và hướng đi, như Bréhier quan niệm: “Các học thuyết triết lý không phải là sự vật, nhưng là những tư tưởng, những chủ đề suy niệm đề ra cho tương lai và sự phong phú không bao giờ cạn kiệt biểu hiện nơi những hướng đi tâm linh; những ý niệm lập thành không là những vật liệu quán tính của một cơ cấu tâm linh có thể bị phá hủy mà những chất liệu có thể được những cấu tạo khác dùng lại; đó là những căn cơ muốn phát triển, có ý thành một lợi ích có khả năng thông giao”.
f/ những triết gia như Delbos cũng trong ý hướng xác định lịch sử triết học không phải là một nghĩa trang ý tưởng, vì “những ý niệm triết học lớn lao…gắn liền với tinh thần nhân loại đương tìm kiến sự thực [4]”. Boutroux khẳng định: tự trong những học thuyết triết lý lớn có một nguyên tắc sống. Những nhà tư tưởng khác như Renan, Dilthey cũng quan niệm tương tự như Herder hay Boutroux.
Khi xét đến hành trạng tiến hóa của lịch sử triết học, xây dựng trên cơ sở tư duy pháp của Guéroult, ta có thể xét đến những hệ luận như:
1/ quá khứ không xuất hiện như quá khứ, nhưng như một kinh nghiệm thực tại và phong phú đối với lý trí triết lý, như Marie Joseph de Gerando [5](1772-1842) đã nhận xét ngay từ 1804: Dầu giữa chúng ta với Platon, Aristote, Epicure, Zénon có khoảng cách ra sao đi nữa, triết gia vẫn trở lại hôm nay, từ những công trình nghiên cứu của ông, như một người đương thời, một người đồng quận.
2/ trong lịch sử triết học, nhân quả trực tiếp của sự biến - có nghĩa ở đây là học thuyết - vẫn tồn tại qua thời đại sản xuất ra nó, chính từ quyền năng này mà sự biến ấy phải là đối tượng, không chỉ kể đến bên ngoài, nhưng từ suy niệm nội tại là nét chủ yếu của lịch sử triết học.
3/ lợi ích của lịch sử triết học không chỉ đơn thuần khoa học, tích cực như lợi ích lịch sử mà phức tạp hơn vì đối tượng của nó có ý nghĩa và biểu tượng. Guéroult nêu ra nhận xét về việc giản lược một học thuyết vào một giá trị chủ quan, dễ dẫn tới nghi hoặc, chẳng hạn, giản lược triết học Spinoza vào tự do, triết học Hume vào nhân quả là những hiện tượng chủ quan biến chúng thành những ảo tưởng của chủ thể.
Guéroult dẫn Delbos: “thật hoài công tưởng tượng quá khứ của triết học không mang lại lợi ích cho hiện tại” để khẳng định lịch sử triết học quá khứ củng cố tinh thần triết lý, góp phần vào việc hình thành tinh thần triết lý có khả năng giải quyết những vấn đề của hiện tại. Ông cũng nêu ra không chỉ khái niệm và chất liệu là đủ, nhà nghiên cứu lịch sử triết học cần tới một giá trị chân lý nhất định[6], mọi triết học đều có một chân lý, song chân lý ấy chỉ khả niệm trong khuôn khổ đáp ứng một khái niệm chân lý khác với khái niệm mà những triết học đòi hỏi cho chúng.
Chân lý triết học này theo Guéroult là một ẩn số = x mà chúng ta biết nó hiện hữu, song bản lai diện mục của nó ra sao thì chưa rõ. Khẳng định chân lý này tiên nghiệm là khẳng định một giá trị. Ông đặt vấn đề: làm sao xây dựng giá trị này? Làm sao xác định nó? Xây dựng và xác định giá trị này là xây dựng thực tại của những hệ thống triết học hiện diện trong lịch sử, và từ đó, chứng nghiệm gián tiếp lợi ích của lịch sử triết học.
Nhân tố cơ bản x chỉ ra lợi ích triết lý của lịch sử triết học trong khi thiết định thực tại triết lý của mọi đối tượng của nó. Một triết học về lịch sử triết học với yêu cầu khách quan và siêu nghiệm như vậy theo Guéroult đến nay vẫn chưa được nhận thức, mặc dầu trong quá khứ đã diễn ra những học thuyết, như của Leibniz hay Hegel toan tính giản lược mọi chân lý toàn diện vào chân lý cục bộ chỉ hoàn tất trong chân lý tối thượng là học thuyết của họ, hay giản lược mọi giá trị vào giá trị tâm lý (như M.J. de Gerando, Cousin), vào giá trị xã hội (như Auguste Comte), vào giá trị kinh tế (như Marx, Lukács), vào những giá trị xã hội-thẩm mỹ, tôn giáo (như Dilthey), vào những giá trị tâm lý tri thức luận (như L. Brunschvicg) v.v..
Tư duy pháp của Guéroult là ý niệm về một khoa nghiên cứu mới của lịch sử triết học, chỉ ra hai đặc tính: thực nghiệm và siêu nghiệm. Thực nghiệm, vì trước hết nhằm xét đến những sự kiện đã cho, như hiện hữu của những siêu hình học đã cấu thành trong lịch sử, giá trị khách quan mà nhà nghiên cứu lịch sử triết học gán cho chúng. Siêu nghiệm, nhằm đặt vấn đề nhận thức làm sao một dữ kiện siêu hình có giá trị về mặt khách quan như vậy khả hữu, có nghĩa là làm sao “kinh nghiệm triết lý” hiện diện trong lịch sử có thể khả hữu.
(còn nữa)
_______________________________________________________________
Chú thích
[1] Bacon dẫn lời tiên tri Daniel, 12:4 trong Cựu Ước (Xem: Sdt. I, Aphorism 93).
[2] Boutroux, Rôle de l'Histoire de la philosophie dans l'étude de la philosophie, 1904.
[3] Nguyên tác tiếng Đức: Denn Philosophie schafft jeweils selbst ihren Begriff; sie hat keinen Maßtab über sich. Weiß ich, was Philosophie ist, so dadurch, daß ich in ihr lebe.
[4] Les grandes idées philosophiques…adhèrent à l'esprit humain lui-même en quête du vrai.
[5] Với tác phẩm Histoire comparée des systèmes de philosophie relativement aux principes des connaissances humaines/Lịch sử tỷ giảo những hệ thống triết học tương ứng với những nguyên lý của nhận thức con người, 1804.
[6] Guéroult ghi nhận: adaequatio maxima rei et intellectus không là chân lý nói đến ở đây vì thực hiện một chân lý như vậy dẫn đến giả ngụy của tất cả những gì phân biệt với nó.
|
|