Luận về Khái Niệm "Destruktion" của Heidegger

Đặng Phùng Quân
 
 
 

Zu den Sachen selbst/về với chính sự vật trong nguyên tắc hiện tượng luận có nghĩa là có/es gibt/một sự vật nào đó cho chúng ta/một tặng dữ nguyên ủy như đời sống tự tại, kiện tính của đời sống mà Dilthey, Husserl, Heidegger gọi là kinh nghiệm sống/Erlebnis. Trong giai đoạn 1919-23 ở Đại học Freiburg, Heidegger qua những giáo trình về những vấn đề cơ bản của hiện tượng luận, về nền tảng triết học, đã nhận xét: ”Wilhem Dilthey.. . không tạo ra một hệ thống [kiểu Hegel], song ông tạo ra một tác động còn sinh động hơn nhiều trên nghiên cứu triết học và ông vẫn theo đuổi điều đó trong nhiều thập niên tới.” Trong tiếp nối nguồn tư tưởng Dilthey, ông viết “những kinh nghiệm sinh động/Erlebnisse là những sự biến/Er-eignisse khi chúng sống khởi từ cái riêng và chỉ như vậy đời sống mới thực sự là sống” [xem: Những vấn đề cơ sở của hiện tượng luận/Grundprobleme der Phänomenologie GA 58 (giáo trình học kỳ 1919-20), phân biệt với giáo trình cùng tên, học kỳ mùa hè 1927 Die Grundprobleme der Phänomenologie GA 24 được xem như dự trình cơ bản cho SuZ]; Friedrich-Wilhem von Hermann, người cộng sự của Heidegger trong việc sửa soạn xuất bản Toàn tập GA, đã viết tham luận cho Hội nghị kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Heidegger tổ chức tại Chicago năm 1989, với tiêu đề SuZ và Những vấn đề cơ sở của Hiện tượng luận kể lại khi đưa in tác phẩm SuZ, Heidegger có kèm bản viết Thời gian và Hữu thể cho phân đoạn 3/Dritter Abschnitt, phần 1/Erster Teil nhưng sau đó ông rút lại đoạn văn này, với ý định sẽ khai triển tư tưởng phần này để xuất bản thành tập 2 của SuZ; quá trình ấy là thành quả cơ sở của giáo ttình 1927 dẫn trên, 35 năm sau SuZ; Heidegger đưa ra bài diễn thuyết với tiêu đề lập lại Thời gian và Hữu thể vào năm 1962, song đảo lộn tất cả từ vựng, cú pháp, tư tưởng cho nên nhiều nhà phân tích chia hai giai đoạn trong hành trạng tư tưởng của ông; tưởng cần phải chú ý đến thư ông gửi Richardson xác định “vị thế vấn nạn về hữu trong SuZ không hề bị bỏ rơi”, đó cũng là ý nghĩa của hủy triệt/Destruktion.

Thế giới đời sống của Heidegger có ba chiều kích (trong/Um-, cùng/Mit- và tự giới/Selbstwelt), cho nên ở lý giải Aristote về mặt hiện tượng luận, ông xác định hiện thể/Dasein là đời sống, thống nhất kế tục và thời vận. Sống là một “phạm trù hiện tượng luận cơ bản”, đối với Dilthey, hiện thể con người là hữu lịch sử đích thực song Heidegger phê phán đã không nêu ra vấn đề đâu là ý nghĩa của hữu trong hiện thể đích thực của chúng ta/Welches ist der Sinn von Sein unseres eigenen Daseins. Hiện tượng luận Husserl cũng đi xác định con người như một toàn bộ sống liên hợp cái thống nhất của Ngã như thể trung tâm của mọi hành vi song cũng không đặt vấn đề về tính cách hữu của trung tâm này ra sao. (Heidegger có vẻ gần với những nhà thực dụng và Husserl sau khi tiếp cận Dilthey lại nhận ra mình không phải là nhà thực chứng luận). Để có thể tìm ra sở cứ ngõ hầu xác định vấn đề này, Heidegger chỉ ra “thời gian chính là chỗ xác định tiên khởi ý nghĩa hữu thể của con người”. Ông cũng phê phán từ Descartes đến Kant, một lý luận nhận thức đề ra cơ sở của xác quyết/Fundament der Gewißheit ở nơi ngã/ego như thể một sự vật tư duy/res cogitans, giả định “ý thức như một cái hộp mà bên trong chứa cái ngã và quan hệ với nó là thực tại ở bên ngoài/das Bewußtsein [sei] so etwas wie ein Kasten, wo das Ich drinnen und die Realität draußen ist”.

Heidegger quan niệm ý thức tự nhiên không biết điều đó và dữ kiện nguyên ủy của hiện thể/Dasein, ngược lại, ở trong thế giới. Đời sống là một thực tại kỳ thành vì ở trong thế giới, mà đời sống và thế giới của nó không phải là hai sự vật ở bên cạnh nhau như hai cái ghế để cạnh nhau, mà ngược lại, đời sống có thế giới của nó/das Leben hat seine Welt. Đó là ý nghĩa của sự có/es gibt, như nói ở trên. Ông hỏi vậy thế giới được cho ra sao?/Wie ist die Welt gegeben? Tự nguyên ủy, đó không phải như thể như một đối tượng của nhận thức lý luận, mà như một thế giới bao dung/Umwelt, tự sơ khởi, sự vật không là đối tượng của một nhận thức lý luận, nhưng là những sự vật chúng ta có liên hệ, mang những chỉ dấu liên quan tới chức năng của chúng, theo sử dụng hay tiện nghi của chúng. Thế giới kề cận quanh ta là thế giới thực tiễn của chúng ta. Thế giới bao dung [quanh ta] và những sự vật của nó ở trong không gian/Die Umwelt und Umweltgegenstände sind im Raum. [Ý niệm “không gian” là đề tài nhiều học giả chuyên về Heidegger đã khai thác, như Didier Franck, Jeff Malpas, Hubert Dreyfus, Yoko Arisaka có thể khác biệt với quan niệm của Husserl, vì ở đây Heidegger xác định không gian của thế giới bao dung này không phải là không gian của hình học, mà chủ yếu được xác định trong những khoảng khắc của xa và gần, không có cấu trúc đồng bộ của không gian hình học v.v..]. Heidegger muốn nói đến những cấu trúc cơ bản/Grundstrukturen mà hữu-tại-thế/In-der-Welt-sein cử hoạt. Hiện thể của đời sống cũng được xác định với cùng-hiện/Mitdasein, tức là tha nhân có những thực tại kỳ thành như ta. Hữu tại thế như vậy là hữu cùng với nhau/Das Sein-in-der-Welt ist also Miteinandersein. Thế giới quanh ta, như căn phòng, cái nhà, thành phố v.v.. thân quen với ta. Trong những phần thuyết trình kế tiếp của Kasseler Vorträge/những bài thuyết trình ở Kassel năm 1925, Heidegger nói đến quá trình khai phá sự vật là nguyên ủy của khoa học, nói đến “người ta/das Man”, nói đến tính công nhiên/Öffentlichkeit, [hàm ngụ “vật hóa/Verdinglichung”, thuật ngữ nói đến ba lần trong SuZ, mà Lucien Goldman cho là chịu ảnh hưởng từ Georgy Lukács], đến ưu tư/Sorge, đến cái chết/Tod, đến hiện thể không là gì khác hơn Hữu ở trong Thời gian/Dasein ist nichts anderes als Zeit-Sein. Tất cả những điều này gặp lại trong Sein und Zeit/SuZ đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử triết học hiện đại..

Trở lại với Dilthey theo Heidegger vấn đề cơ bản nhằm nhận thức đời sống, ngõ hầu thủ đắc về mặt khái niệm, Dilthey dùng thuật ngữ truyền thống là tâm lý học thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, Dilthey không xét những quá trình tâm lý học bên cạnh những quá trình sinh lý học, chủ điểm của ông là con người như một bản thể tinh thần mà ông muốn khai phá ra những cấu trúc của nó/sein Thema ist der Mensch als geistiges Wesen, dessen Strukturen er erforschen will. Ông không coi những cấu trúc này như những hình thái đơn giản của hiện hữu tâm linh, nhưng như thể thuộc vào thực tại của đời sống tâm linh: những cấu trúc này là bản vị sinh động nguyên thủy của chính đời sống, không phải là những lược đồ tổ chức đơn giản lĩnh hội của đời sống/die Strukturen als primäre lebendige Einheit des Lebens selbst, nicht als bloße Ordnungsschemen seiner Erfassung.

Trong Thế giới tinh thần/Die geistige Welt ( gồm hai tập GS V & VI) Dilthey đã đưa ra hai tiểu luận trình bày quan niệm mới của ông về tâm lý học cấu trúc, một là Những ý niệm về một khoa tâm lý học miêu tả và phân tích/Ideen über eine beschreibende und zergliedernde Psychologie (1894), hai là Những đóng góp để giải quyết vấn đề nguồn gốc niềm tin của chúng ta về thực tại ngoại giới/Beiträge zur Lưsung der Frage vom Ursprung unseres Glaubens an die Realität der Außenwelt (1890). Heidegger nhận xét tư tưởng của Dilthey đưa ra một luồng sinh khí mới, không phải là thiết lập hệ thống những khái niệm, song khai phá vấn đề sống động liên quan đến ý nghĩa lịch sử và hữu thể con người. Tâm lý học Dilthey khác biệt với quan niệm đương thời như của Wundt hay Stuart Mill, miêu tả không phải giải thích, phân tích không phải kiến tạo, khẳng định tâm lý học không là khoa học tự nhiên (có nghĩa là đưa những phương pháp của vật lý học vào trong trường tâm lý học, mà những kết quả chỉ để hợp thức hóa một giả thuyết/Hypothese không xây dựng trên viễn quan có trước sự vật đề ra; một khoa tâm lý học như vậy không bao giờ có thể là khoa học cơ bản của khoa học tinh thần), Dilthey xem toàn bộ tâm linh/seelische Zusammenhang, cũng như toàn bộ đời sống/Ganze des Lebens là nguyên ủy, có trước, đã ở đó chứ không phải cấu thành từ những thành tố. Chính khởi từ nó mới có thể phân giải những thành tố. Phân giải này không nhằm những thành tố, mà nhằm những cấu trúc đã cho tự nguyên ủy/Die Auflösung ist keine solche in Elemente, sondern eine Ablösung der primär gegegenen Strukturen. Đời sống tâm linh mang ba tính cơ bản, tự phát triển, tự do và xác định trong một toàn bộ đắc thủ, nghĩa là mang tính lịch sử.

Hình thành một thế giới quan lịch sử, như lời mở đầu bài thuyết trình V ở Kassel, Heidegger tóm lược ý hướng của trường phái Dilthey, có cơ sở là nghiên cứu lịch sử. Ông lập lại lời Yorck: Mối quan tâm chung của chúng ta bao gồm sử tính/Das uns gemeinsame Interesse, Geschichtlichkeit zu verstehen, nhằm khai triển Hữu của tính sử, không phải sử, hữu, không phải hiện thể, thực tại kỳ thành, không phải kỳ thành. Ông nhận định Dilthey mở ra một con đường về thực tại thật công chính theo ý nghĩa của hữu lịch sử, về hiện thể con người, biến thực tại này thành tặng dữ/Gegebenheit và xác định nó như thể sinh động, tự do và lịch sử. Song Heidegger quan niệm từ khi hiện tượng luận phát triển mới làm rõ được những điều Dilthey không đề ra, như sử tính, ý nghĩa của hữu, hữu của hiện thể.

Động thái cơ bản của nghiên cứu hiện tượng luận được xác định qua một nguyên lý xem ra hiện ngay là tự tại: về chính sự vật/Zu den Sachen. Theo Heidegger, nói triết lý là khởi đi từ chính sự vật, xem ra có vẻ tự tại, thật ra chỉ là biểu kiến. Xu hướng của nghiên cứu và đời sống thường nhẩy qua cái đơn giản, nguyên ủy, công chính và sa đà trong cái phức tạp, phó thự, phi công chính - không phải chỉ ở thời đại ngày nay, mà là suốt dòng lịch sử triết học/ Das gilt nicht nur für heute, sondern für die ganze Geschichte der Philosophie (tôi cho in nghiêng-ĐPQ).

Năm phần thuyết trình kế tiếp trong Kasseler Vorträge 1925 khai triển hướng đi mới này, kể cả hướng tính/Intentionalität và trực quan quy phạm/kategoriale Anschauung là những khám phá quyết định của hiện tượng luận - như đã nói ở trên, những dự thảo của Sein und Zeit 1927.

Mở ra con đường mới, thoát khỏi truyền thống, đó chính là ý nghĩa trong tiểu đoạn § 6 SuZ: Công tác hủy triệt lịch sử hữu thể luận/Die Aufgabe einer Destruktion der Geschichte der Ontologie. Tiểu đoạn 6 này ở trong chương hai (có tiêu đề “hai công tác trong việc tiến hành vấn đề hữu thể: phương pháp và phác họa nghiên cứu/die Doppelaufgabe in der Ausarbeitung der Seinsfrage: Die Methode der Untersuchung und ihr Aufriß”) của Dẫn nhập Trình bày vấn đề ý nghĩa của hữu thể/Die Exposition der Frage nach dem Sinn von Sein.

Tác phẩm Hữu thể và Thời gian khi đệ trình in vào năm 1927 vẫn mang Nội dung/đề cương là sau phần dẫn nhập, sẽ có hai phần chính: phần Một là Lý giải Hiện thể/Dasein qua Thời tính và Giải thích Thời gian như thể Chân trời siêu nghiệm cho vấn đề Hữu thể/ Die Interpretation des Daseins auf die Zeitlichkeit und die Explikation der Zeit als des transzendentalen Horizontes der Frage nach dem Sein và phần Hai (không bao giờ có). Trong lời tựa lần xuất bản thứ bẩy 1953, tác giả giải thích: Cái mệnh danh “Nửa thứ nhất” trong những lần xuất bản trước đã bị xóa đi. Sau một phần tư thế kỷ, không thể bổ xung Nửa thứ hai nếu như không làm mới Nửa thứ nhất này.

Những nhà nghiên cứu Heidegger và tác phẩm này đã bàn luận nhiều, nhưng không phải là vấn đề nói đến ở đây.Hoặc có thể nói, như Jean-François Courtine (tác giả Heidegger et la phénoménologie 1990): “Heidegger, thất bại của Sein und Zeit” trong hợp tuyển mang tên Những bài đọc SuZ của Martin Heidegger, 80 năm sau xuất bản vào tháng giêng 2008. Courtine cũng nói cho rõ: từ ngữ “thất bại/Scheitern” tìm thấy lại một cách đầy ý nghĩa trong ba tham luận đáng chú ý giành cho Sein und Zeit trong tác phẩm mới đây, do Dieter Thomä: Heidegger-Handbuch, Mettzler xuất bản năm 2003 (tức là những bài viết của Thomas Rentsch, Dorothea Frede và chính Dieter Thomä).

Từ ngữ Destruktion dẫn trên chỉ được nói đến trong § 6 thật ra chỉ là một cách nói thông thường bày tỏ ý hướng của triết gia là muốn làm cuộc đổi mới/cách mạng trong triết học (như bất kỳ nhà triết học nào mưu toan ra khỏi kinh điển, nhà trường), và có thể nói, những học giả nghiên cứu Heidegger chú ý sau khi lý luận hủy tạo của Derrida ra đời. Nói như thể người ta thường nói, về Hegel sau Derrida, ở đây là về Heidegger sau Derrida (ngay đối với Derrida, chính ông cũng không ngờ là một từ nhỏ trong ngữ cảnh của ông lại được những nhà nghiên cứu chú tâm khai phá đến thế - những bất ngờ trong lịch sử triết học). Mặc khác, do Derrida xác nhận, trong thư gửi bạn người Nhật, ông lấy cảm hứng từ DestruktionAbbau của Heidegger mà đề xuất một từ mới Déconstruction, nhưng ông cũng giải thích từ này đã có trong Từ điển Littré.

Vậy thực sự phải hiểu Destruktion như thế nào?

Có thể xem xét vấn đề này trên một số góc nhìn sau đây:

(1) Phần lớn học giả nghiên cứu, hoặc dịch những tác phẩm của Heidegger đều dùng từ destruction để dịch chữ Destruktion - trừ Joan Stambaugh dịch Sein und Zeit 1996 đề ra một tiếng mới destructuring (không giải thích trong Translator's Preface), Robert Bernasconi dùng trong bài viết Repetition and Tradition: Heidegger's Destructuring of the Distinction between Essence and Existence in Basics Problems of Phenomenologie (in trong tuyển tập Reading Heidegger from the start 1994) và Theodore Kisiel trong The Genesis of Heidegger's Being and Time sử dụng từ destructuring, destructuration xen lẫn với những từ destruction, deconstruction (Abbau). Bản dịch SuZ 1962 của John Macquarrie & Edward Robinson sử dụng từ destruction/destroy để dịch Destruktion/destruieren, zerstören. Những dịch giả Pháp như Rudolf Boehm và Alphonse de Waelhens trong bản dịch Être et Temps 1964 (E. Martineau dịch lại năm 1985) dùng từ tương đương destruction (Axelos và Beaufret cũng dùng từ destruction khi dịch Qu'est-ce que la philosophie 1957), Gérard Grenel dịch từ này thành dé-construction (khi dịch Contribution à la question de l'être [Questions I]1968), Vezin dịch SuZ 1986 dùng từ déobstruction.

(2) Trong chính văn Sein und Zeit, trang 22 Heidegger viết: Diese Aufgabe verstehen wir als die am Leitfaden der Seinsfrage sich vollziehende Destruktion des überlieferten Bestandes der antiken Ontologie auf die ursprunglichen Erfahrungen, in denen die ersten und fortan leitenden Bestimmungen des Seins gewonnen wurden…Die Destruktion hat ebensowenig den negativen Sinn einer Abschüttelung der ontologischen Tradition. Sie soll umgekehrt diese in ihren positiven Möglichkeiten, und das besagt immer, in ihren Grenzen abstecken, die mit der jeweiligen Fragestellung und der aus dieser vorgezeichneten Umgrenzung des möglichen Feldes der Untersuchung faktisch gegeben sind…Die Destruktion will aber nicht die Vergangenheit in Nichtigkeit begraben, sie hat positive Absicht; ihre negative Funktion bleibt unausdrücklich und indirekt/chúng ta hiểu công tác này như một thực hiện hủy triệt những tồn tại thủ cựu của hữu thể luận cổ, trong dòng tư tưởng dẫn đạo vấn đề Hữu thể nhờ vào những kinh nghiệm nguyên ủy qua đó thành tựu những xác định đầu tiên và chủ đạo từ nay về hữu thể… Hủy triệt này chỉ mới có ý nghĩa tiêu cực trong việc rũ bỏ truyền thống hữu thể luận. Cần phải đảo lộn những khả năng tích cực truyền thống này, có nghĩa là khoanh vùng giới hạn chúng, và như vậy thực tế là có thể đặt để vấn đề vào lúc này và vạch ra được phạm vi nghiên cứu khả hữu…Hủy triệt này không chỉ có nghĩa là chôn vùi quá khứ trong vô tính, nó có mặt tích cực; chức năng tiêu cực vẫn chưa được biểu hiện và gián tiếp.

Trong mạch văn này, Heidegger muốn chỉ ra việc hủy triệt lịch sử hữu thể luận chủ yếu gắn liền với vấn đề hữu thể, lý giải hữu thể/Interpretation des Seins và đặt để Thời tính/Problematik der Temporalität phải cùng lúc hoạt động với nhau. Người duy nhất đã vạch ra con đường này là Kant. Cho nên, mặc dầu Nửa thứ hai của SuZ không được viết ra, song ở vào giai đoạn này, Heidegger đã cho xuất bản Kant und das Problem der Metaphysik 1929 như một tiếp nối [những giáo trình như Phänomenologische Interpretation von Kants Kritik der reinen Vernunft GA 25 chỉ xuất bản khi ông đã qua đời]. Mặt khác, những giáo trình lý giải Aristote (đã khiến ông trở thành giáo sư triết học có hấp lực sinh viên khi dạy ở Marburg) làm rõ quan điểm Heidegger trong §6 SuZ về lý luận thời gian của Aristote là lý giải đầu tiên về hiện tượng này (tiếc thay cũng chỉ được xuất bản vào những năm 1994, 2004 sau này)

Từ ngữ Destruktion/hủy triệt được nhắc đến ở những trang sau chỉ để lập lại đề cương của phần Hai/Zweiter Teil: Grundzüge einer phänomenologischen Destruktion der Geschichte der Ontologie am Leitfaden der Problematik der Temporalität (tr. 39); Ihre ausführliche Begründung erhält die folgende Betrachtung erst durch die phänomenologische Destruktion des “cogito sum” (vergleiche II. Teil, 2. Abschnitt - không bao giờ xuất bản) (tr. 89); er [Entwurf] dient als Vorbereitung für die im folgenden zu vollziehende Klärung der Aufgabe einer historischen Destruktion der Geschichte der Philosophie (tr. 392)/Những đặc trưng nền tảng của một hủy triệt hiện tượng luận lịch sử hữu thể luận dựa trên vấn đề thời tính (39); những nhận xét sau đây chỉ có cơ sở giải thích đầy đủ trước tiên qua hủy triệt “cogito sum/tôi tư duy hiện hữu” về mặt hiện tượng luận (89); dự tính [khởi sinh hữu thể luận khoa sử luận như một khoa học về sử tính của hiện thể] sử dụng như một dự bị cho việc khai sáng thành tựu sau đây công tác hủy triệt lịch sử triết học về mặt sử luận (392).

Có thể nói, công tác hủy triệt dự tính trong phần thứ hai là công tác chưa thành tựu. Heidegger, cũng như bậc thày Dilthey của ông, đề xuất nhiều dự tính, song suốt hành trạng tư tưởng của họ, chỉ đưa ra những dẫn nhập [GA 17 Dẫn nhập vào nghiên cứu hiện tượng luận, GA 27 Dẫn nhập vào triết học, GA 31 Về bản chất của tự do của con người: Dẫn nhập vào triết học, GA 50 Siêu hình học của Nietzsche, Dẫn nhập vào triết học, GA 61 Dẫn nhập vào hiện tượng luận]…

(3) Heidegger thường được một số học giả mệnh danh là nhà triết học về ngôn ngữ/philosopher of language (chẳng hạn như Stanley Rosen, Hans Jaeger, Arion Kelkel, Hermann Schweppenhäuser, Henri Meschonnic v.v..; Serge Botet đánh giá trong công trình cuối đời của Heidegger, ngôn ngữ là một khái niệm cốt cán/einer zentraler Begriff trong Langue, langage et stratégies linguistiques chez Heidegger). Cho nên khi ông dùng từ ngữ Destruktion là để chỉ sự việc hủy triệt như dự tính đề ra, không có ý nghĩa nào khác; với những khái niệm nào trong tư tưởng của ông khó diễn đạt bằng thuật ngữ thường có, ông đề xuất ra những từ mới (Heidegger nổi tiếng là triết gia thường chế ra nhiều thuật ngữ triết học!). Trong bài đọc ở Cerisy-la-Salle, Normandie vào năm 1955, Heidegger khi lý giải triết học nhắc lại sự thích đáng giới hạn của từ Destruktion về ý nghĩa không phải là phá hủy/tuyệt diệt/Zerstören, mà là tháo dỡ/hủy triệt/Abbauen, thanh lý/dẹp chướng ngại/Abtragen và nói đúng ra là gác qua một bên/Auf-die-Seite-stellen những quyết đoán thuần sử luận về lịch sử triết học [Axelos và Beaufret dịch Zerstören là anéantissement, Abbauen là démantèlement, Abtragen là déblaiement]; tiếp đó, Heidegger giải thích Destruktion/hủy triệt có nghĩa là mở rộng tầm tai để có thể tự do truyền đạt đến chúng ta những gì đã diễn ra trong truyền thống về Hữu của hiện thể.

Những dịch giả và học giả nghiên cứu Heidegger lý giải khái niệm Destruktion của Heidegger như thế nào?

Trước hết hãy xét đến Derrida: Trong bài viết đọc tại hội thảo quốc tế ở Đại học Loyola (Chicago) năm 1989 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Heidegger, ông đắc ý với ý nghĩa thu tập lịch sử/Aneignung der Geschichte của từ Destruktion đã minh định trong §6 SuZ là Abbauen/déconstruction [xem: chương 1 Cơ sở tư tưởng thời quá độ - ĐPQ], điều ông cũng trình bày trong thư gửi bạn người Nhật vào năm 1983; trong hội luận ở Thor năm 1969, Beaufret biên tập cuộc nói chuyện của Heidegger, ghi nhận destruction có nghĩa như de-struere [struere có nghĩa construction - như vậy destrueredé-construction] ; như vậy mối liên hệ tương cận giữa Heidegger và Derrida thật rõ ràng và ảnh hưởng tới những người theo Derrida dùng déconstruction dịch từ Đức ngữ sang Pháp ngữ. Lý ưng, Destruktiondéconstruction có khác biệt: những tranh biện chung quanh Reconstruction, Destruction, Deconstruction của Joseph C. Flay về Hegel, Heidegger, Derrida, hay J.-F. Courtine về vấn đề quan hệ (hay không quan hệ) Derrida-Heidegger, hay đặt vấn đề như H.-G. Gadamer về Destruktion và Déconstruction (Destruktion und Deconstruction trong Toàn tập GW 2). Trong Cơ sở tư tưởng thời quá độ, ở chương 6 ”Thông giao hay tranh biện triết lý?” tôi đã nói đến cuộc đối thoại giữa Gadamer và Derrida, liên quan đến nguồn gốc và khác biệt hủy triệt/hủy tạo : Trong nỗ lực hủy triệt ngôn ngữ siêu hình, hai ngả đường mở ra, một là lối đi từ biện chứng trở lại đối thoại, trở lại với nói chuyện - con đường dẫn về thông diễn luận - triết học của Gadamer. Ngả đường kia là lối đi hủy tạo của Derrida, trong khái niệm hữu thể luận về văn tự.

Joan Stambaugh do ảnh hưởng của thời “hậu cấu trúc” đã đề xuất từ destructuring để dịch từ Destruktion, thật sự đã không hiểu Heidegger.

Kisiel mặc dầu ở một hai chỗ cũng dùng từ “destructuring” như Stambaugh, hay “destruction” để muốn lý giải “mục đích tích cực” của Heidegger trong vận động hủy triệt/Destruktion, song khi dịch và giới thiệu tác phẩm Heidegger und die Tradition: Eine problem-geschichtliche Einführung in die Grundbestimmungen des Seins/Heidegger và truyền thống: một dẫn nhập vấn đề lịch sử trong xác định cơ bản của Hữu của Werner Marx (1910-1994), người kế thừa ghế giáo sư triết học của Husserl và Heidegger ở Freiburg i.B., tác phẩm là kết tập những bài giảng ở New School for Social Research (New York) và ở Đại học Heidelberg, Kisiel đã học hỏi ở nơi Werner Marx, lý giải về đề cương phương pháp luận của Heidegger là kết hợp hiện tượng luận với thông diễn luận, nên có thể hiểu hủy triệt/Destruktion hay giảm trừ/Reduktion/έποχή được “xem như vượt lịch sử siêu hình học trong toàn bộ từ Platon đến Nietzsche”, chính là lập lại lời W. Marx: ”vấn nạn sử luận của hiện thể lịch sử trong hình thức “hủy triệt” , hay về sau này gọi là “vượt” có một “mục tiêu tích cực”. Ở một chỗ khác trong sách dẫn trên, Marx còn viết: Heidegger mới chỉ thực sự trả lời vấn đề về cái gì đặt để trong vị thế những phạm trù “hủy triệt” của bản thể và chủ thể mà ông đã hoàn tất chỉ một phần ”mục tiêu tích cực” đề ra trong hủy triệt.

Triết gia Ấn J.L. Mehta (1912-1988) dạy ở Đại học Benares trong tác phẩm chuyên cứu về Heidegger The Philosophy of Martin Heidegger 1971 xuất bản ở Mỹ đã đưa ra một lý giải về “phần hai của SuZ hàm chứa 'hủy triệt' không bao giờ in ra có lẽ vì thay đổi lối nhìn và nghiên cứu trong tư tưởng Heidegger liên hệ với sự 'đảo ngược' (reversal). Khởi đầu của hướng đi này cùng với việc xuất bản vào năm 1929 tác phẩm Kant and the Problem of Metaphysics và trong những bài viết sau này Heidegger thường xuyên trở lại với hủy triệt lịch sử, tranh luận với những khuôn mặt lớn trong lịch sử triết học phương Tây từ những nhà tiền Socrate đến Nietzsche cho mục tiêu này”. Giả thuyết của Mehta có cơ sở ở chỗ hủy triệt/Destruktion dẫn đến vượt/Überwindung cho nên trong việc tranh luận tư tưởng quá khứ, Heidegger đối đầu với Aristote, Descartes, Kant và sau cùng là Nietzsche. Nietzsche có thể coi như tận cùng của truyền thống, đồng thời toan tính vượt siêu hình học. Ở chương ba sách dẫn trên, Mehta viết nhận thức của con người về hữu không đạt tới cảnh giới siêu thiên/topos hyperouranios của cái thuần túy/the pure, cái phi thời/the timeless và cái Tuyệt đối/the Absolute. Trong ý nghĩa ấy Heidegger nêu ra vấn đề Hữu, chỉ có thể nêu ra trong khung cảnh truyền thống triết học phương Tây đã xây dựng trên cơ sở của những nhà tư tưởng cổ Hy lạp và ở quan điểm về lịch sử truyền thống này đã chấm dứt trong triết học Nietzsche. Vấn đề Hữu tự nội và chủ yếu đòi hỏi phân tích phê phán, tức là ”hủy triệt” lịch sử hữu thể luận cũng như tái tạo lịch sử này trong ánh sáng của nhận thức về Hữu và về con người trong quan hệ với Hữu một cách sâu xa nguyên ủy hơn.

Có thể nói, nhiều giáo trình về Nietzsche của Heidegger [GA 6.1-2, GA 43, GA 44, GA 48, GA 50 v.v..] chứng tỏ hành trạng tư tưởng của ông chuyển biến, từ việc hủy triệt hàm ngụ con đường mới của hữu thể luận (nhà triết học Đức khác, Nicolai Hartmann, cũng mưu toan khai phá như thế). Nietzsche là một bước ngoặt, điểm kết thúc truyền thống, đó là lý do các học giả luận về Heidegger đều đánh dấu truyền thống triết học, lịch sử triết học, lịch sử hữu thể luận trong quá trình hủy triệt chấm dứt ở Nietzsche. Há chẳng phải Heidegger trong Einführung in die Metaphysik đã nhắc đến Nietzsche gọi Hữu là một từ trống rỗng, hư khí và sai lầm, để đào sâu việc lãng quên Hữu trong lịch sử, truyền thống? Hủy triệt/Destruktion, vượt/Überwindung, đảo lộn/Reversal diễn tả ý nghĩa của Destruktion: hủy hoạiđiên phúc (có nghĩa là đảo lộn).

Khái niệm ”hủy triệt” không phải lần đầu xuất hiện trong lịch sử tư tưởng.ở thế kỷ XI, Al-Ghazâlî triết gia Ả rập (1058-1111) thường còn được biết với giới kinh viện Trung cổ dưới cái tên Algazen hay Abuhamet đã viết một tác phẩm nhan đề Tahâfut al-Falâsifah (hay Tahâfot al-falâsifa, Destructio philosophorum), mà từ tahâfut có ý nghĩa hủy triệt (prỉcipititatio, ruina), theo Henry Corbin trong Histoire de la philosophie islamique, effrondrement, écroulement, destruction, và ông dịch tên sách dẫn trên là Tự hủy của các triết gia.

Ghazâlî thực sự muốn chỉ ra tính không nhất quán trong triết học. Cuộc tranh biện vào thời đại này đã diễn ra với Averroès (1126-1198) trong sách Tahâfut al-tahafut (Destructio destructionis, bản dịch sang tiếng La tinh thời trung cổ) để phản bác luận thuyết của Ghazâlî.

Ở thế kỷ XX, triết gia Georg Lukács vào năm 1954 tung ra sách Die Zerstörung der Vernunft/Hủy hoại lý trí (tiếng Hung: Az ész trónfosztása) với tiểu đề Irrationalismus zwischen den Revolutionen (tiếng Hung: Az irracionalista filozófia kritikája) viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của ông xuất bản ở Budapest, và tiếng Đức xuất bản ở Berlin cùng năm.

'Zerstörung' gần với 'Vernichtung' và trong nghĩa tương đương với Anh ngữ, như 'annihilation', 'extermination', rõ ràng là mang tính tiêu cực. Lukács viết bộ Hủy hoại lý trí trong giai đoạn ông chịu những áp lực chính trị thúc phọc để phê phán chủ nghĩa phi lý và chú nghĩa đế quốc(như tiểu đề quyển 2 sách dẫn trên) như một ủy viên chính trị cuồng tín. Heidegger trong SuZ sử dụng từ zerstören một lần, mà không dùng từ destruieren trong đoạn “Vorhandenes kann als im Dasein Begegnendes gegen dessen Sein gleichsam anlaufen, zum Beispiel hereinbrechende und zerstörende Naturereignisse” ở § 32 Verstehen und Auslegung (là tiết quan trọng thể hiện quan điểm của Heidegger về mối liên hệ giữa hiện tượng luận, thông diễn luận và hữu thể luận), trong đoạn trên khi nói về cái gì 'không có ý nghĩa/Unsinnige' có thể là 'phi lý/widersinnig' cho nên hiện thể thường gặp 'những cái hiện diện trong tầm tay/vorhanden' có thể tấn công Hữu của hiện thể, chẳng hạn 'những sự biến tự nhiên xâm nhập và hủy hoại nó'. Trong cuộc tranh luận vào năm 1929 giữa Cassirer và Heidegger về Kant, Heidegger lại dùng từ Zerstörung để chỉ hủy hoại triệt để những nền tảng của siêu hình học.

Dermot Moran, giáo sư triết học của University College ở Dublin Ái nhĩ lan nhận xét từ Destruktion xuất hiện rất sớm trong khai phá tư tưởng của Heidegger, qua bài viết The Destruction of the Destruction: Heidegger's Versions of the History of Philosophy (trong hội luận Martin Heidegger: Polotics, Art and Technology 1889-1989, K. Harries và C. Jamme biên tập), như ở thư gửi Karl Löwith 1920, trong điểm sách Psychologie des Weltanschauungen của Jaspers viết khoảng 1919-20, Heidegger nói đến'hủy triệt lịch sử tư tưởng truyền thống/geistgeschichtliche Destruktion des Überlieferten'. Moran cũng dẫn nhận xét của Löwith và Gadamer về Heidegger thuộc thế hệ hậu Thế Chiến I, chịu ảnh hưởng khái niệm hủy triệt văn hoá của Spengler. Mặt khác, hủy triệt cũng cộng hưởng với những ý nghĩa làm nổ tung/sprengen những phạm trù tư tưởng phương tây trong những bài giảng về hiện tượng luận tôn giáo 1920-21 GA 60, vượt/Umkehrung liên hệ với triết lý với cái búa của Nietzsche. Trong Những vấn đề cơ bản của hiện tượng luận (Die Grundprobleme der Phänomenologie GA 24) Heidegger minh nhiên quan điểm khác với Husserl khi nói đến ba yếu tố cơ bản của phương pháp hiện tượng luận là giảm trừ, xây dựng và hủy triệt trong tương cận thích đáng: Chính vì lý do đó , thiết yếu thuộc về lý giải khái niệm của hữu và những cấu trúc của nó, mà đối với xây dựng giảm trừ hữu, một hủy triệt - quá trình phê phán trong đó những khái niệm truyền thống, thiết yếu phải được sử dụng trước tiên, đã bị hủy triệt một cách phê phán/kritischer Abbau xuống tận những nguồn từ đó chúng xuất phát ra. Chỉ qua phương tiện hủy triệt này hữu thể luận mới có thể được bảo đảm đầy đủ trong một đuờng lối hiện tượng luận có đặc tính chính đáng của những khái niệm…Xây dựng trong triết học tất yếu là hủy triệt, có thể nói, một hủy tạo những khái niệm truyền thống tải đi trong một tái lập lịch sử khỏi truyền thống. Và đó không phải là một phủ định truyền thống hay một kết án nó là không có giá trị; trái lại nó chỉ rõ một chiếm hữu tích cực truyền thống. Bởi vì hủy triệt thuộc về xây dựng, tri thức triết lý chủ yếu, theo một nghĩa nhất định cũng đồng thời là tri thức lịch sử .

Tuy nhiên, cũng như SuZ, khi Heidegger đề ra phác thảo ba phần của giáo trình nói trên, trong đó phần Ba sẽ là phân tích những thành tố cơ bản của phương pháp hiện tượng luận là giảm trừ, xây dựng và hủy triệt, hữu thể hiện tượng luận và khái niệm triết học, không có trong sách được xuất bản.

Moran so sánh thái độ triết học của Heidegger, cũng giống như Averroès trong sách dẫn trên đã sử dụng triết học để hủy triệt sự hủy triệt triết học, Heidegger cũng liên kết hủy triệt với hiện tượng luận và thông diễn luận.

Trong Sein und Zeit, ở §7 Die phänomenologische Methode der Untersuchung (Phương pháp hiện tượng luận của nghiên cứu) sau tiết 6 về công việc hủy triệt lịch sử hữu thể luận, Heidegger nói rõ về xác định triết học: Triết học là một Hữu thể luận hiện tượng học phổ quát, khởi đi từ thông diễn luận hiện thể, mà thông diễn luận này như phép phân tích hiện sinh đã xác định cứu cánh chỉ đạo mọi vấn nạn triết học, nó nẩy ra từ đó và cũng ở đó nó lại nẩy ra (Philosophie ist universale phänomenologische Ontologie, ausgehend von der Hermeneutik des Daseins, die als Analytik der Existenz das Ende des Leitfadens alles philosophischen Fragens dort festgemacht hat, woraus es entspringt und wohin es zurückschlägt).

Từ hữu thể luận - thông diễn luận kiện tính trong giáo trình 1923, khởi đi của hành trạng tư tưởng đã tới thông diễn luận về hiện thể trong tác phẩm 1927. Thông diễn luận hiện thể như vậy là khởi sự cho triết học muốn là một hữu thể luận triết học. Cho nên trên con đường cản trở đến hữu thể luận và hiện tượng luận, Heidegger dứt khoát đề ra một hủy triệt lịch sử hữu thể luận, không những chỉ phá hủy những chướng ngại như một công tác tích cực, ông muốn nói đến một hủy triệt đúng nghĩa thuần túy của nó. Công tác thông diễn luận chính là công tác hủy triệt, khi chức năng của một thông diễn luận hiện thể tiến hành từ Lý giải/Auslegung, ngõ hầu hủy triệt mọi tầng lớp che dấu những hiện tượng (là đối tượng của hiện tượng luận).

Robert Bernasconi (trong tiểu luận dẫn trên) cũng như Joan Stambaugh đã không thông hiểu ý nghĩa của Destruktion khi dùng từ mới Destructuring (và không giải thích tại sao lại dùng nó).

Trong hành trạng tư tưởng Heidegger, đi tìm lý nhất quán là một ẩn số, một thách đố, hay một thử thách? Cơ sở để khai phá vấn đề lại là một nan đề khác: vì ngay tác phẩm chính của Heidegger Sein und Zeit có thể coi như một thất bại, nói như học giả đã viết một chuyên khảo về ông, J.-F. Courtine. Thực sự, Hữu thể và Thời gian là một công trình chưa hoàn tất, nếu định vị trong lịch sử triết học, so với những tác phẩm chính của nhiều triết gia lớn khác. Tuy nhiên, với định ý như đã nói ở trên, Heidegger khẳng định quá trình hình thành tư tưởng ấy là một hủy triệt lịch sử. Lịch sử nào? Có phải như tác giả đã minh định, lịch sử hữu thể luận. Bởi mục tiêu trên đường tranh biện là đi tìm ý nghĩa của Hữu, và luận cứ bộc phá của lý luận là những nhà tư tưởng trong lịch sử triết học trước ông đã lãng quên hữu thể. Tính lưỡng luận trong lập thuyết này là, hữu thể luận/ontologie hay vô thể luận/metontologie? Ngay hướng phương pháp của nó, triết gia cũng đề ra là Verstehen/lĩnh hội và Auslegung/lý giải. Jean Grondin, một học giả chuyên về thông diễn luận nhận ra trong những chú giải năm 1941, Heidegger muốn nhấn mạnh đến ba ý nghĩa khu biệt về nhan đề SuZ: một là danh xưng của sự biến trong chính hữu thể, hai là vấn hiệu/mot d'ordre của một suy niệm trong lòng lịch sử tư tưởng, ba là nhãn hiệu của một chuyên khảo có toan tính đi suốt dòng tư tưởng này. Sự biến và suy niệm sử luận của SuZ chỉ ra thế tất yếu đó. Trên con đường khai phá tư tưởng, Heidegger thường nói đến cáo chung/tận cùng của triết học, của siêu hình học và nhiệm vụ/công tác của tư tưởng. Vậy, triết học, siêu hình học đi tới mục tiêu/cứu cánh của nó, hay đi tới chung cuộc, ví như ta nói tận cùng của lịch sử, có nghĩa là tuyệt lộ của lịch sử? Ở đây, là tuyệt lộ của tư tưởng?

Trên con đường tư tưởng (bởi Heidegger, do ảnh hưởng của hiền triết phương đông phát hiện ra triết học, như thể lộ đạo), ông thường khai phá ba ngả chính: bản chất của tự do con người/das Wesen der menschlichen Freiheit, bản chất của chân lý/das Wesen der Wahrheit, bản chất của cơ sở/das Wesen des Grundes. Liệu, hiện tượng luận có là con đường đắc thủ những bản chất này? Song, quả thực không chỉ có hiện tượng luận, mà còn thông diễn luận, hữu thể luận? Hữu thể luận như khẳng định trong SuZHữu thể luận cơ bản/Fundamentalogie “phải được tìm ra trong phân tích hiện hữu của hiện thể/muß..in der existenzialen Analytik des Daseins gesucht werden”[hiện hữu/existenzial để phân biệt với hiện sinh/existenziell].

Siêu hình học trong khúc quanh của lịch sử triết học ở Đức vào đầu thế kỷ đã “tái sinh” như một phản ứng chống lại những xu hướng tư tưởng của thực chứng luận, chủ tâm lý học. Sự phục hồi siêu hình học chủ yếu được lĩnh hội như một hữu thể luận, nghĩa là một nhận thức triết học về hữu thể, khẳng định không thể giảm trừ triết học vào luận lý học hay tri thức học. Hữu thể luận mới khu biệt với hữu thể luận cổ điển ngay ở điểm phục sinh siêu hình học như một hữu thể luận, không có nghĩa là phục sinh những học thuyết hữu thể luận cổ điển. Trong khi hữu thể luận luận cổ điển, như một siêu hình học đặc thù/metaphysica specialis chỉ xét hiện thể về mặt tổng quát, hữu thể luận mới không có những ràng buộc giới hạn, khi xét mọi hiện thể, về mặt thực tại như một đối tượng của tri thức triết học. Phản ứng này cũng là một thái độ chống lại xu hướng coi chỉ có những khoa học thực nghiệm độc chiếm thực tại; triết học giới hạn vào luận lý học và nhận thức luận.

Hai trường hợp tiêu biểu vào thời quá độ này là N. Hartmann và M. Heidegger. Tác phẩm đánh dấu phục sinh siêu hình học và xây dựng hữu thể luận mới của Hartrmann là Grundzüge einer Metaphysik der Erkenntnis/Những nguyên lý của một siêu hình học tri thức 1921 như một tuyên ngôn chống lại phái tân Kant, chỉ ra nguồn gốc và nền tảng của một hữu thể luận mới và là một đề cương triết học trong hành trạng tư tưởng Hartmann. Bộ sách hoàn thành công trình xây dựng hữu thể luận mới của ông là bốn tác phẩm đồ sộ [xem: chương 7 Cơ sở tư tưởng thời quá độ 2007], sẽ nói đến sau.

Tác phẩm chính Sein und Zeit của Heidegger xuất hiện năm 1927 là một công trình tái sinh hữu thể luận khác, phản ảnh xu hướng chung của nhiều nhà hiện tượng luận cùng thời ngược lại quan điểm duy tâm siêu nghiệm của người thầy Husserl, như Max Scheler, Geiger, Pfänder, Conrad-Martius v.v…Gerhard Lehmann trong Die Ontolgie der Gegenwart in ihren Gestalten xuất bản năm 1933 đã đưa ra nhận xét này:

“Cũng như mọi triết học ý thức thuần túy, hiện tượng luận của Husserl đã thu mình vào trong không thể cứu vãn đến độ, dầu có mọi toan tính bề ngoài xếp vào hàng ngũ chủ nghĩa duy khách, vẫn hoàn toàn không thể lĩnh hội được thái độ tư duy đối nghịch, ngay cả đơn giản trong khuôn khổ “ý nghĩa”. Nó tự tháp vào hữu thể luận truyền thống, liên kết trong khuôn khổ những tiền giả định của nó. Song nó lại trung lập sức mạnh những động lực của nó; xoắn ý hướng của hữu thể luận này vào phía đối nghịch. Phát triển tới của tân hữu thể luận này không là gì khác hơn một thực hiện kiên trì những nguyên lý hiện tượng luận. Đó là một biến đổi triệt để hiện tượng luận, trong những hình thái Scheler và Heidegger chủ xướng, được nuôi dưỡng từ những nguồn khác.”