MỘ CỎ VÀNG, MỘ ĐÁ XANH

 
 
 

Không biết, lần thứ mấy, Sáu Xiếu đưa ly rượu lên rồi, tợp một ngụm và ngay sau đó phun phèo ra vội vã, tưởng như vừa uống phải một thứ nước khiến cho phỏng miệng. Hớp rượu gã phun ra, không đủ xa thế nên vướng vào những sợi râu quai nón rậm rì trên hai má đọng thành giọt, nom chẳng khác những giọt sương trên lá, no tròn, bấp bênh, sắp nhỏ xuống và có lẽ, những ly rượu tiếp theo cũng sẽ lại uống vào, phun ra vì hơn ai hết Sáu Xiếu biết rằng rượu ngon cách mấy gã cũng không thể uống trôi khi trong bụng gã, sự tiếc nuối chẳng khác chi một bức tường cản không cho dòng rượu chảy vào.

Chứ không lị? Lẽ ra, ngôi mộ đó là của Đỗ Sáu Xiếu như đã phân công chiều qua, nhưng khi đi cùng Ban quản lý để nhận việc, Sáu Xiếu, có thêm lời của thằng Cò Anh đã nhận và sang tay cho tổ của Sài, để nó “moi”ngôi mộ này. Cũng chỉ vì lời nói của cò Anh như góp thêm vào ý nghĩ đã có sẵn của Sáu Xiếu.

-Anh Sáu à, cái mộ nghèo nàn này đâu có gì “ăn” được, thôi, sang tay cho tổ khác đi, mai mình nghỉ một bữa.

Quả thật, cò Anh có lý. Lúc đó, Sáu Xiếu đi theo ban quản lý để nhận công việc cho ngày hôm sau, qua rất nhiều những ngôi mộ thường là to lớn và đẹp đẽ, nằm theo một hàng ngay thẳng tắp, mãi sau, con nhỏ Thảo, dừng lại ở một nơi rặt những ngôi mộ được xây vững chắc (và đẹp) Sáu Xiếu ngừng theo và hỏi có vẻ như chắc chắn sẽ nhận một ngôi mộ như thế :

-Đây hả,Thảo?

-Dạ, ngày mai, tổ của chú bốc ngôi mộ này. Sáng, chú chờ người nhà họ đến, nha!

-Ơ….sao...ơ?!

Sáu Xiếu nhớ rằng lúc đó gã đã bất ngờ không tin vào ngón tay của Thảo chỉ xuống, đúng thế, chỉ xuống và cả hai đang đứng bên một ngôi mộ cao, chỉ xuống một ngôi mộ đất, thấp tè, nắm khép nép giữa bốn bề các ngôi mộ lớn, chẳng khác chi một nếp nhà tranh chen giữa các ngôi nhà xây cất đẹp mắt và chắc chắn.

Thật lòng mà nói, nếu không có tay chỉ của Thảo thì dễ gì Sáu Xiếu nhận ra ngôi mộ dưới kia, nó nhỏ bé, đắp đất và mộ bia chỉ là một tấm đan xi măng, khác hẳn với những mộ bia khác, bằng đá cẩm thạch, có hình , có ghi rõ mọi chi tiết về ngày sinh ngày tử, hưởng dương hưởng thọ v.v…tấm mộ bia dưới kia chỉ có vài dòng chữ sơn đen nguyệch ngoạc và đã bạc màu mưa nắng. Cố lắm Sáu Xiếu cũng chỉ đánh vần được tên người chết, lạ lẫm và có vẻ là người Tàu. Như Sáu Xiếu cho rằng mình biết: họ Quách. Khi nhỏ Thảo, người của ban quản lý đi về sau lúc chắc chắn rằng các tổ hốt cốt đã nhận việc cho ngày hôm sau, thì Sáu Xiếu còn đứng ngẩn ngơ trên cao và nhìn xuống ngôi mộ đất, phần việc của tổ gã đã nhận.

Thế này ư? Chẳng lẽ trong các nghĩa trang giàu có này lại có thể hiện diện một ngôi mộ đất, nghèo nàn và khiêm nhường đến thế ư ? Sáu Xiếu không tin dù rằng điều gã không tin vẫn thường có trong đời.

Cũng như cách nay vài tháng, có tin đồn phong phanh về việc di dời nghĩa trang này đi nơi khác xa khu dân cư theo chủ trương của tỉnh. Đã có những nghĩa trang trong nội thị được dời đi. Nơi đây thì chưa nhúc nhích khiến dân điạ phương không thể tin được rằng,một nghĩa trang lâu đời bề thế và nhất là đã có tường bao bọc chung quanh, ngăn cách hẳn với người còn sống, một nghĩa trang như thế cần gì phải di dời. Thế nhưng, điều ít người tin ấy đã xảy ra,mới chừng hơn tháng, sau khi một ban quản lý di dời được trên cử xuống, tiếm đoạt một cách hợp pháp căn nhà nhỏ ngay phía cổng vào của Lão Thà từ nhiều năm nay, để làm văn phòng.

Và từ đó một không khí chộn rộn từ lâu đã hiếm thấy, giờ đây đang diễn ra, chộn rộn ồn ào ngay phía bức tường ngăn cách nghĩa trang với bên ngoài.

Ban quản lý, chỉ có vài người, không thể quản nổi tất thảy mọi việc nơi đây, thế nên đã thành lập những tổ, đội dịch vụ từ ngoài cho đến trong nghĩa trang, để người đến với những tiếng khóc than xé lòng cũng ra về với chiếc quách hình quan tài hoặc đài sen trên tay bên trong là hài cốt cuả thân nhân, cùng với niềm an ủi rằng họ đem người thân VỀ NHÀ trong sự giúp đỡ ân cần.

Khu xóm ngoại ô vốn tĩnh lặng, tưởng như đang giấc ngủ trưa, bỗng bừng tỉnh cùng với nhiều công việc bất ngờ khiến xôn xao và ồn ĩ hẳn lên. Lũ trai tráng trong vùng, thường là vô công rỗi nghề sau lúc lúa thu hoạch, giờ đây được xung vào các tổ lo việc hốt cốt các nhà bên kia đường, phía đối diện nghĩa trang từ lâu chẳng có gì để cho lợi nhuận nay đã biến thành những quán ăn, quán giải khát, các điểm bán trái cây, nhang đèn và các loại quách để người đến bốc mộ có ngay khi cần.

Các ông già, bà cả trong vùng nói rằng kể từ lúc nghĩa trang được xây tường chung quanh thì ít người biết đến những gì bên trong, sau bức tường ngăn cách mắt nhìn ấy, chỉ thỉnh thoảng khi có đám tang, hai cánh cổng to lớn và nặng nề được mở ra để cho đội a tỳ khiêng quan tài vào và vì thế mọi người dù chẳng là thân thích gì với người chết cũng nối đuôi theo sau đi vào để ồ lên kinh ngạc vì những gì họ nhìn thấy.

Không kinh ngạc sao được vì trước mắt họ không chỉ là một bãi tha ma với những nấm mồ lặng im, lạnh ngắt thường đem đến một nỗi rồn rộn, kỳ bí nào đó. Ở đây thì không. Nghĩa trang được sắp đặt, ngay hàng, thẳng lối, chia thành những ô, những khu, như một bàn cờ tướng khổng lồ, và sự chia lô ấy có được bởi những con đường trải toàn một loại sỏi trắng, giới hạn qua các con đê bê tông và trên hai bên trồng những loại cây cho rất nhiều bóng mát. Dưới những tàn cây lao xao khi có gió và bóng râm khi nắng, rất nhiều băng đá có dựa lưng, cũng như không có, được các tang gia hiến tặng, đặt dọc lối đi.

Trên các băng đá ấy, dưới những bóng râm mát cuả tàn cây, khó ai có thể nghĩ rằng họ đang ngồi trong một nghĩa trang, giữa vô vàn người chết.

Khi những người lớn tuổi đi quanh quẩn, dòm ngó hoặc ngồi trên băng đá để nghĩ rằng đang tha trần trong một công viên, thì phía ngoài, ngay cổng vào nghĩa trang, nơi ĐÀI LỄ, tiếng reo hò cuả lũ trẻ địa phương hòa với âm thanh của nhiều chiếc KÈN LÁ, lanh lảnh chói tai, báo cho mọi người biết những nghi thức cuối trước lúc hạ huyệt đã được khởi diễn. Đám trẻ con thích thú vì chúng như được đi xem một buổi hát bội. Dưới mái ngói cao vút và thẳng theo hình hai bàn tay chắp, được chống đỡ bởi bốn cây cột tròn có đắp nổi những con rồng quấn quanh, nơi đặt quan tài để sư cụ tụng kinh, thân nhân bái lạy khóc than và một đoàn những đứa bé trai lẫn gái được hóa trang thành các tiểu thần nam nữ múa hoa muá lửa cùng với những màn múa kiếm khiến lũ trẻ reo hò ầm ỹ,tiếng ồn ào sẽ lắng xuống khi đội a tỳ, với đòn ngang, đòn dọc chen vai bu quanh cỗ quan tài, nghe hiệu lệnh LÊN VAI, XUỐNG CHÂN phát ra đều âm thanh khô khốc từ SĂNG người đội trưởng cầm trên tay, cỗ quan tài nặng nề dần tiến, thẳng thớm khiến ly rượu đặt trên nắp quan tài có dằn bên dưới tiền thưởng không sánh ra một giọt. Chẳng còn gì để xem nữa khi quan tài được hạ xuống kim tĩnh, lấp đầy cát và tấm đan che kín lại. Kết thúc công việc. Kết thúc một đời người. Chiếc xe tạo dáng một con thuyền rồng, sơn son thếp vàng quay về tỉnh, mọi người cũng tản mát. Lão Thà xua tay đuổi lũ trẻ ra ngoài để đóng hai cánh cổng sắt nặng nề lại, tiếp tục ngăn cản mắt nhìn của bên ngoài. Và nghĩa trang lại tắt biệt hẳn với thế giới người sống chung quanh.

Chỉ có một sự liên lạc duy nhất, ấy là Lão Thà, mở một ô cửa nhỏ trên cánh cổng lớn để ra bên ngoài, gọi thợ xây đến bàn việc xây mộ cho đám tang mới rồi, và rất thường, Sáu Xiếu được giao việc, nhưng phải chờ tang chủ ấn định ngày giờ hợp tuổi người chết. Lão Thà, người địa phương, được chủ nghĩa trang nhờ việc coi sóc nghĩa trang thay cho Xú Há, một ông già người Tàu, nói tiếng việt chưa rõ giọng, chẳng hiểu vì sao đã bỏ việc. Trước Xú Há, rặt những người Tàu và chỉ có người địa phương sau Xú Há và lão Thà. Khi nhận lời, lúc ấy tuổi lão mới chừng năm mươi.

Không ai ngờ (ngay chính lão Thà cũng thế) lão có thể trụ lâu trong nghiã trang này. Lão nghĩ, mình chẳng sợ ma, vì có gặp đâu để sợ, nghĩ thế nhưng ngay cái đêm đầu tiên, nằm trong căn nhà nhỏ sau cánh cổng sắt, ngọn đèn dầu leo lắt đặt trong góc nhà, có lúc lão Thà tưởng như có ai đó đang đứng ngồi trong căn nhà không được rộng lắm. Lão lồm cồm ngồi dậy, vớ chai rượu uống nửa chừng lúc chiều, tu một hơi, nhướng mắt nhìn kỹ hơn và cười khà: mẻ, có gì đâu nào. Thêm một hớp nữa, hớp nữa… và buổi sáng hôm sau, người ta lại thấy lão Thà mở ô cửa nhỏ, trong bộ quần áo tinh tươm, băng sang đường mua vài xị rượu đem về nghĩa trang.

Lão Thà chẳng nói về vụ lương hưởng bao nhiêu, nhưng cứ nhìn sự đổi thay của lão. Mọi người dò chừng công việc mới này xem ra dễ thở hơn cái nghề cắt cỏ bò quen thuộc lâu nay của lão, rất nhiều. Trước, lão chỉ có mỗi độc cái quần sà- lỏn, với đôi chạc trên vai, cùng cái liềm, rảo hết nơi này đến nơi khác, chỉ trở về khi khi gánh cỏ đã nặng oằn trên vai. Nay, Lão mặc thường xuyên những bộ quần áo lụa màu đen hoặc mỡ gà, đầu đội mũ nỉ (nghe đâu đều do ông chủ cho và bắt phải ăn mặc như thế) .Ngày có đám tang, Lão Thà nghiêm trang và có phần sầu não trong bộ quần áo chẳng khác chi người của nhà đòn, vì lão có nhiệm vụ đứng phía bàn thờ trọng ĐÀI LỄ. Không những thay đổi bên ngoài khiến lão Thà, quá quen với mọi người nơi này, tưởng như không ai nhận ra được một nông dân, quanh năm lam lũ là lão, giờ đây dáng vẻ chẳng khác nào một phú nông mà người nơi khác rất có thể lầm lẫn trong việc chào hỏi, lão Thà dường như thay đổi cả lối hành xử, có nghiã, những người quen không thể nào nhận ra, người nông dân trung niên, bộc bã trong lời nói, buông tuồng trong cử chỉ giờ đây ít nói và hành xử với người chung quanh đều rất chừng mực. Một vài lần rời nghĩa trang ra xóm mua những thứ cần thiết, ngồi lại uống một ly cà phê với mấy người thân, không ai còn có thể nhận ra một ông-Thà-cắt-cỏ trước đó nữa. Ông-Thà, ít nói hẳn, chỉ cười góp cho những câu chuyện chung quanh và nét mặt thì rõ ra một ông già bao dung, độ lượng.Và khi nào cũng thế, lão Thà tranh trả tiền cà phê, dù là người được mời, một việc mà trước đây ít ai thấy. Thật lòng mà nói, từ khi nghĩa trang có xây tường, có cổng ra vào, trở nên bề thế và riêng lẻ, không ít thì nhiều dân điạ phương có phần hưởng lộc người chết: những đám tang, những mộ huyệt và những xây cất sau đó cũng giúp cho khá nhiều người có được thu nhập, dù không đều đặn nhưng cũng khá hơn so với thu nhập qua công việc quen thuộc của họ. Những dịp tảo mộ, rằm tháng bảy hay lễ tết, hai cánh cổng lớn thường vẫn đóng im ỉm, được lão Thà mở rộng, cho thân nhân vào lễ bái, cho dân điạ phương, kể cả những đứa bé đi vào kiếm tiền qua những việc hết sức nhẹ nhàng: quét mộ phần, giúp tang chủ thắp nhang hoặc nhổ những cây dại mọc chung quanh….và sau đó, ngoài tiền được “lì xì”, còn rất nhiều phẩm vật lễ bái lão Thà chia cho, đem về với lời dặn “Ăn nghe! Đừng bán, không tốt đâu!” mà chẳng giải thích sao phải như thế.

Cứ thế, nhiều năm, không nhớ bao lâu, đã qua, khiến lão Thà nghĩ sẽ như thế mãi. Lão yên ổn, càng lúc càng cảm thấy thân thiết với căn nhà nhỏ lão đến thay Xú Há, và trên hết như lão nói với mọi người một cách rất đúng đắn rằng “sống với người chết dễ chịu và dễ sống hơn sống với người sống nhiều, bởi chẳng có gì xích mích giữa đôi bên!” lão Thà nghĩ và đã nói ý nghĩ này với gia đình “má sấp nhỏ đừng lo việc hậu sự của tui. Khi chết, tui chắc ông chủ sẽ lo cho tui một phần mộ. Tui chắc thế mà!”

Nhưng, lão Thà không thể ngờ cái phần mộ dành cho lão trong tương lai không đến vì việc di dời nghĩa trang. Cũng như moị người, lão không tin, đúng hơn không dám tin việc di dời nghĩa trang sẽ xảy ra, dù nhớ đã xảy ra và khiến khu nghĩa trang giờ đây dưới nắng chiều chỉ còn hiu hắt, ngồi trên một ngôi mộ cao, cùng với Sáu Xiếu đang ủ ê bên cạnh, nhìn xuống chung quanh, cảnh gọn gẽ, khang trang đã biến mất, chỉ còn những đào bới, gạch vữa nham nhở, không khác chi một khu xóm vừa bị bom đạn tàn phá.

***
Lão Thà, cùng với những ý nghĩ chán chường trong đầu, bưng ly rượu lên môi, nhấp tí và hạ xuống:

-Thiệt, không ngờ!

-Không ngờ thiệt chớ, một cái mộ đất lại có nhiều vàng đến thế!

Hiểu câu nói của lão Thà theo một hướng khác, Sáu Xiếu tán đồng ngay bởi từ nãy đến giờ gã vẫn ấm ức vì quyết định đem đến phần thua thiệt cho tổ của gã. Lão Thà xua tay:

-Ý tao nói là cả cái nghĩa trang này chỉ trong một sớm một chiều, lại tan hoang…

-Thì có gì là lạ_ Sáu Xiếu cắt ngang_chứ chú không thấy cả một xóm nhà đông đúc là vậy, ở trên X cũng phải đi chỗ khác để nhà nước xây trường học. Người sống đã vậy, xá chi cái nghĩa địa này.

-Nhưng để làm gì chớ? Người chết có động phạm đến ai?

Giọng lão Thà bực bội, vì với lão việc dời những người chết nơi đây đi chỗ khác là điều mà đến giờ này theo lão, nó kì quặc thế nào ấy!

Cuối cùng thì Sáu Xiếu cũng hiểu ra rằng, sở dĩ lão Thà tỏ ra bất mãn với việc di dời, chỉ vì cũng với việc này cũng là bắt đầu cho việc lão…mất việc. (Một việc kéo dài đã nhiều năm và góp phần thay đổi lão một cách sâu sắc) .

Sáu Xiếu, đưa ly rượu lên môi, uống đã có vẻ ngon, mà rượu ngon thật, vì là rượu nếp ngon rặt, do thân nhân đem đến để rửa cốt cho người nhà, chớ không phải rượu pha nhạt thếch nơi này. Mà ngon cũng có lẽ Sáu Xiếu được an ủi phần nào khi thấy nỗi lo của lão Thà còn lớn hơn rất nhiều so với sự xui xẻo của gã. Mà nói chung, ở đời ai chẳng có sự xui xẻo riêng cuả mình. Sáu Xiếu nhìn chung quanh và lại bắt gặp một ngôi mộ đất. Quái thật, một nghĩa trang gồm toàn những mộ đá tô, đá rửa, to lớn, đẹp, đôi lúc có mái che bên trên, vậy mà vẫn có thể chen vào những ngôi mộ đất chẳng khác nào một kẻ ăn mày chen vào giữa đám người giàu sang.

Ngôi mộ đất Sáu Xiếu vưà nhìn thấy chẳng khác là mấy so với cái ngày qua gã đã thấy. Cũng thấp, cũng là mộ bia tạm bợ, lớp đất sét do lòng tốt lão Thà tìm cách đắp lên cho bớt phần ảm đạm, vô tình khiến ngôi mộ càng thêm ảm đạm: lớp đất mỏng phủ bên trên chỉ qua vài nắng đã khô nứt, cong queo, vài mảng cuộn lên như khuôn mặt da bị phỏng rộp. Qua những khe nứt, một vài cộng cỏ cố nhú lên tìm sống nhưng cũng đã tỏ rõ rệt cố gắng vô vọng, chúng quằn quại, vàng ệch và sắp tàn. Sáu Xiếu quẳng mẫu xương đang gặm nửa chừng và bỗng nghe lão Thà hỏi:

-Mày đã nhận mộ ngày mai chưa, Sáu?

-Rồi, mới hồi nãy. Một cái tô đá mài to bự chảng.

Im một chút Sáu Xiếu thêm:

-Mà là lạ lắm chú Hai.

-Lạ gì?

-Lạ ở chỗ “ông” này là lính ngụy. Lẽ ra phải chôn ở nghĩa trang quân đội. Sao lại ở đây?

-Ờ, mẹ họ - lão Thà quơ tay, tưởng như xua đuổi một điều gì đó khiến cho bực dọc - chôn ở đâu cũng thế. Chết rồi thì ai nấy như nhau. Tổ mẹ nó, chỉ do bọn người sống bày đặt!

Rồi lão thêm, sau lúc đã ngửa cố dốc vào miệng một ly rượu đầy:

-Ta sống với người chết lâu rồi thấy dễ sống. Sắp tới đây vào sống lại với người sống, thấy khó sống quá, Sáu à!

***
Trời gần trưa, các tổ đã được ban quản lý di dời cho gặp thân nhân và chắc giờ đây họ đang lo phần việc của họ, thế nhưng riêng tổ Sáu Xiếu, vẫn chưa thấy ban quản lý gọi vào gặp ai cả, dù đã rất nhiều đoàn người đến cùng với đủ thứ vật dụng họ mang theo cho việc bốc mộ. Sáu Xiếu, dù rất sốt ruột khi thấy tổ mình cứ bu quanh bàn nhậu, trông ngóng ra đường vẻ chờ đợi, nhưng vẫn trấn an:

-Yên chí đi, mộ mình làm bữa nay to tổ chảng. Chắc của nhà giàu. Họ tới trễ chút đỉnh ấy mà, nè cò Anh, kêu thêm rượu đi, mày.

Rượu được gọi thêm ra, cho mấy gã trai trẻ uống, bởi từ đầu đến giờ, hai ông già trong tổ chỉ uống một cách cầm chừng vì họ nghĩ, sắp tới cần phải tỉnh táo để tìm cho đủ, không thiếu một lóng xương nào, khiến thân nhân có thể đau lòng vì mất mát này. Họ đã quen như thế từ lâu lắm rồi: cẩn thận và tận tâm với người đã chết, dù đó có là một ngôi mộ bề thế, nguy nga hay khiêm nhường, ảm đạm.

Bàn nhậu chỉ chấm dứt khi thím Tư Mum, chủ quán, vỗ vai Sáu Xiếu chỉ về phía nghĩa trang:

-Anh Sáu, con nhỏ Thảo nó kêu tổ anh từ nãy giờ. Người nhà họ đến.

Sáu Xiếu đứng dậy, khật khưỡng ra khỏi quán, theo sau là mấy tổ viên già lẫn trẻ trên tay cầm những vật dụng cần thiết cho một cuộc bốc mộ, hốt cốt, sang đường.

Họ gặp một đôi vợ chồng già thảm khổ, vẻ cam chịu với chiếc giỏ đệm trong tay, khúm núm chào Sáu Xiếu khi gã hắng giọng:

-Tui là tổ trưởng. Hai ông bà đi bốc mộ hả, nào theo tui. Tui biết, dẫn đường!

Sáu Xiếu lớn giọng thế nhưng cả tổ, khi đến ngôi mộ cần làm đã thấy cặp vợ chồng già ở đó rồi, bà lão đang dùng tấm khăn che đầu thay nón, lau trên mặt ngôi mộ để đặt dĩa trái cây cúng vái (cơ khổ, chỉ là hoa quả rẻ tiền trên một chiếc dĩa nhựa cũ kĩ) , trong lúc ông lão đưa bàn tay xương xẩu rờ rầm ngôi mộ như đang rờ rầm trên trán của một đứa trẻ, bằng những cử chỉ nhẹ nhàng trìu mến. Ông bà lão đến nhanh như quen thuộc trên lối đi trở về nhà mình, trong lúc, tổ Sáu Xiếu khó khăn lắm tránh những hầm, hố, gạch đá ngổn ngang dọc lối đi theo chiều ngang của nghĩa trang.

Ngồi xuống bên cạnh ông lão, khi ông lục túi lấy thuốc vấn một điếu thuốc rê, bập những hơi khói sau khi được Sáu Xiếu châm lửa, ông lão nhìn theo những hơi khói vừa do mình thở ra và nói như không phải nói với người vừa ngồi xuống:

- Mấy em giúp qua, đưa em nó về nằm chung với vợ nó!

-Dà, bác yên tâm đi tụi con sẽ làm tốt thôi. Nhưng có điều, con thấy lạ - Sáu Xiếu ngần ngừ khi noí tiếp - Ông anh là lính lẽ ra chôn ở nghĩa trang quân đội, sao lại ở đây?

-Ờ, em hỏi qua mới nói, nó chôn ở đây là để được gần với con nhỏ Quách…

Rồi, bằng một giọng nói, bị những hơi thuốc cắt ngang, nghe như nấc nghẹn, ông lão nói về vụ việc. Con trai lão quen với một cô gái, chuyện cũng chẳng có gì nếu đó không phải là một đứa con gái người Tàu, lại là con một!

- Em mày nghĩ coi, khó lắm nghe. Ông già con nhỏ cấm nghiệt lắm. Ngăn hai đứa nó gặp nhau, thiếu điều tìm qua để mắng vốn nữa kìa. Thế nhưng- ông lão cười sảng khoái- Già phải thua lũ nhỏ. Ông già nó cấm nghiệt, nó đâu có sợ, đổ bệnh mấy tháng trời, tưởng chết. Chính vợ chồng qua đi nuôi bệnh nó chớ ai. Sau, ông già nó chịu thua sợ rằng đã không có được rể lại còn mất con. Bèn cho con nhỏ Quách, muốn lấy ai cũng được. Con nhỏ thắng và mập mạnh tức thời.

Ông lão bập mạnh một hơi thuốc, cười với vẻ thống khoái có lẽ vì hồi tưởng lại một sự việc mà ông cho là thú vị. Bà lão, đang lo cho những cây nhang trên mộ được cháy đều đặn cũng quay lại nhìn với ánh mắt tươi hơn khi mới đến:

- Chú em biết không, con nhỏ thiệt ngộ hết sức. Nó mới khỏe, đưa vợ chồng qua đi ăn đủ thứ đậu miệt Chợ lớn. Ôi chao! Toàn là thứ qua thích, bánh bao, xíu mại, lạp xưởng, nó còn nói chừng về làm dâu, nó sẽ chỉ qua làm mấy thứ đó. Ai dè…

Một tiếng nấc ngẹn cắt ngang câu nói khiến bà lão cúi xuống như cố che một điều không dấu ai được. Ông lão, nạt nhỏ tiếng rất âu yếm: bà lão này, lại khóc nữa đấy, có nín đi không, tuị nó cũng được gần nhau đấy thôi.

- Chú em à, con nhỏ đi thăm thằng con qua báo tin mừng, ai dè…

Ông lão, lại thêm lần nữa hướng về bà lão, lên giọng đe nẹt:

- Thôi bà chớ khóc nghe - Nhưng khi Sáu Xiếu nhìn về phía ông lão thì trên khuôn mặt đã đầm đìa nước mắt, những giọt nước mắt không chảy xuôi mà bị nhiều vết nhăn trên khuôn mặt dẫn chúng đến phía hai bên má ừ- để tui nói cho mấy em đây nó nghe: đêm đó bị pháo kích, hai đứa chết chung một lần.

Ông lão, hình như muốn nói gì thêm nữa, nhưng không thể được, vì ông đã ôm đầu gục xuống cùng với những tiếng thổn thức mà không riêng gì Sáu Xiếu, cả mấy gã tuổi trẻ cũng cảm thấy như không thể làm được gì gõ nhẹ lên phần bia mộ có hình ảnh của kẻ đã chết, trong lúc đó như nhận được hiệu lệnh, nhưng cây búa lớn đã bắt đầu đập trên mặt đá của ngôi mộ, như muốn át tiếng tức tưởi gần đó!

Chiếc búa nhỏ trong tay Sáu Xiếu, gõ rất nhẹ nhàng chung quanh bài vị. Vôi vữa từ đó cũng bắn ra tung tóe.

 
 

Phạm Quang Phước