|
Bản thảo tập thơ “Lửa và Hoa – BÊN BỜ NĂM THÁNG HAI NGÀN” đã được người con trai của Đặng Tấn Tới in vi tính, hoàn chỉnh vào tháng cuối năm 1999, gồm có 4 bản, tranh bìa của Bùi Giáng, thiết kế bìa Liên Hương Design, dày 374 trang, 306 bài thơ, trên giấy Galgo, bìa cứng (khổ 15X20). Sau phần thơ, còn có 15 trang dành cho “Đọc Lại Và Viết Thêm” về Thơ (I), Tâm Thu Kinh (II) và Thi Thiên (III). Dầu chỉ thực hiện in vi tính 4 bản, nhưng có thể xem như một tập sách hoàn chỉnh; từ việc chọn lựa co chữ, trình bày bìa vả ruột đều rất mỹ thuật, công phu - không thua kém bất kỳ một ấn phẩm mỹ thuật nào. Đây là tập thơ thứ 6 của Đặng Tấn Tới (nếu không tính tập thơ đầu tiên là “Lễ Tấn Phong Tình Yêu” ký bút danh Vũ Thúy Thụy Ca, xuất bản năm 1961, lúc Đặng Tấn Tới 17 tuổi mà ĐTT không muốn đưa vào tác phẩm của mình, dẫu đó là một tập thơ đẹp cả nội dung và hình thức, một thời làm ngạc nhiên văn thi hữu): Mưa Mắt Tình (1968), Tâm Thu Kinh (1970), Tuyệt Huyết Ca (1972), Thi Thiên (1973) và Trúc Biếc (1974). Như vậy, “Lửa và Hoa - Bên Bờ Năm Tháng 2000” là tập thơ được anh sáng tác ròng rã trong 26 năm (từ năm 1974 đến tháng 12 năm 1999).
Đặng Tấn Tới đã trao cho tôi “giữ giùm” một bản (trong 4 bản đã in) từ gần mười năm nay, sau chuyến vào Saigon giải phẩu não lần thứ hai trở về lại quê.
Tôi đã có dịp đọc thơ Đặng Tấn Tới từ tập thơ đầu tiên (Lễ Tấn Phong Tình Yêu), đến tập thơ sau cùng (Trúc Biếc - 1974), bởi tôi và anh ở cùng một xóm, học chung một lớp tiểu học trường làng, và cùng nhập học trường tỉnh trung học Cường Đễ vào niên khóa năm 1958… Được đọc thơ, được sống gần gũi nhau từ thuở tóc còn để chỏm, được chia sẻ những nỗi vui buồn, ước vọng trong cùng một hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh, tôi hiểu anh tương đối rõ: Anh luôn là người bạn văn đồng hương chí tình của tôi qua bao năm tháng thăng trầm; là người kiệm lời nhưng chân tình, trầm mặc nhưng tha thiết, trọn đời hết lòng vì sự đổi mới, và tin yêu Thi Ca…
Bài thơ đầu tiên mở đầu cho 306 bài thơ có tên “Ngày Sau”:
“Đi vào mây nước thẳm
Còn hạt cát vu vơ
Ngày sau ai nắm được
Cảm thật đến ban sơ”
Mối cảm thông trong thơ anh giữa người xưa & người sau & người nay thật mênh mông, man mác; có gì như còn vướng vất nỗi bâng khuâng, chất chứa bao hoài niệm, bao nhớ nhung, bao niềm ước mơ đồng cảm huyền nhiệm chưa thể giải bày trọn tình. Chủ đề nầy, cũng là một phần quan trọng trong tác phẩm, và chúng ta dễ nhận thấy, mối liên hệ bàng bạc gần như xuyên suốt trong dòng thơ anh:
“Tài từ duyên còn gặp
Thất thanh cười khóc nhau
Trăng tình chung chảy máu
Hừng hực lửa thơ mầu”
(Gửi Người Xưa Đã Để Lại Cho Người Sau)
Thế giới thơ của Đặng Tấn Tới, vì thế, dường như bao giờ cũng mong manh, mênh mang một nỗi niềm, đau đáu một hoài vọng của sự tột cùng khổ đau hay hạnh phúc của hôm qua, hôm nay và ngày mai:
“Chút lòng trong cát bụi
Sáng ngoài hương cỏ cây
Đêm trăng tơ mềm núi
Ta còn nhau ngắm mây”
(Còn Nhau)
Đại sư Narada có dạy: “(…) có một điều ta có thể làm được, đó là giữ Tâm bình thản như đất”; Nhà thơ cũng đã trải lòng hoan hỉ như đất trước mọi gian nguy, thăng trầm, khổ đau hay hạnh phúc:
“Đất trải lòng chân thật
Thân trần lượng nước qua
Đâu hận thù còn mất
Vô tình rêu thắm hoa”
(Sukhavaggo Dhammapada)
Thơ Đặng Tấn Tới từ tập thứ 2 (Tâm Thu Kinh - 1970) , đến tập bản thảo hôm nay (2000), chảy dài suốt ba mươi năm, đều thấm đẫm tư tưởng Phật giáo; nhưng từ lăng kính triết lý Đạo Phật, dòng thơ anh soi chiếu một cách vi tế, như nhiên đến các ngõ ngách đời sống riêng chung; từ phận người, quê hương, đến vạn hữu (…) với một phong cách bày tỏ hiện đại, đã kinh qua bao thực chứng ngay giữa cuộc phong trần quá độ, bên cạnh tài năng sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ với nhiều cách tân, nhiều từ ngữ sáng tạo nhạy bén, gợi cảm. Vì vậy, dòng thơ nhất quán như một dòng chảy tự nhiên, huyền nhiệm, uyển chuyển, tinh khôi, chuyên chở bao ý tình sâu thẳm, thâm thúy. Có bài như những câu kệ, công án, hay của giây phút thiền quán tỉnh thức, xuyên qua những điều giản dị quanh đời sống, như cỏ cây, gió, mây, trăng, nước (…). Không gian thơ mở ra bát ngát, dường như gần, dường như xa; nhưng trong cái ảo diệu linh hoạt ấy, lại có sức truyền cảm hấp dẫn người đọc lạ kỳ. Chẳng hạn:
“Ngàn thu trang cỏ vắng
Nở hoa sương một đêm
Một thoảng hương dịu mềm
Long lanh lòng bất tuyệt”
(Ngũ Tuyệt)
Hay khúc III trong sáu khúc của “Thu Tâm” (vũ lãnh hương hồn điếu thơ khách – Lý Hạ)
“Đèn lạnh nghiêng lòng sách
Chữ rơi vàng lá đưa
Người xa, thu bước quạnh
Đồng vọng tiếng ma xưa”
Và “Ngàn Mây” - tặng Nguyễn Tôn Nhan:
“Trắng trưa trời cố quận
Bước qua, lòng sang đâu
Thấy nhau lần mây chuyển
Ánh lộng nước không mầu”
Tâm tình của nhà thơ bàng bạc trong suốt từng câu chữ của “Lửa và Hoa…” trong gần 30 năm sống ẩn nhẫn, thầm lặng với thơ. Trang thơ nào cũng ắp đầy nỗi niềm cô đơn, quạnh hiu kiếp nhân sinh lạc lõng, cũng tràn ngập ước vọng trời thơ một đời da diết kiếm tìm; cho dù có đôi khi tấc lòng cũng chùng xuống cung bậc của nỗi “xa xôi gởi lại ánh tơ tằm”:
“Trang giấy vàng ươm, tình mãi vắng
Xa xôi gởi lại ánh tơ tằm
Lòng Quê, mây sớm chơi cùng núi
Sông biếc nào in, nguyệt vẫn rằm.”
(Trước Trang Giấy – tặng Nam Chữ)
Hay tỉnh táo hơn với “Nhân Một Câu, Nhắn Gởi…” (tặng tác giả “Giọt Trăng” *):
1.
“Ai đọc thơ tôi mà hỏi thơ?
Thôi thì, thơ mộng, lửa trời hơ
Đất Quê sớm tối còn hơi ấm
Vẫn lộng Đường Đi, điểm sáng chờ
2.
Ai đọc thơ, ai xuất bản thơ!
Đôi điều rất thật lại vu vơ
Cũng là chút mộng còn lưu dấu
Qua cả trăng sao, suốt bến bờ.”
Tiếp nối “Cát Bụi Thơ”:
“Đây xương máu còn xanh sông núi
Nợ linh hồn vẫn suối tinh mơ
Bao nhiêu bước mất, chân chờ
Gặp hoài trong cát bụi thơ tuôn trào”
Bên cạnh hai thể thơ ngũ ngôn và thất ngôn tứ tuyệt rất mới là sở trường của Đặng Tấn Tới, anh còn rất thành công ở thể thơ Haiku và lục bát biến thể hiện đại từ nhiều chục năm trước, để chuyên chở cái cốt tủy của xúc cảm sâu lắng, của tư tưởng uẩn khúc, mong manh.
Bất chợt vài bài thơ Haiku:
“Thức dậy
Ánh trăng đầy trời
Lòng ta ơi!”
(Lòng Trăng)
“Không đâu
Con ong đậu
Giàn bầu xanh”
(Sống Động)
“Lá ngô đồng
Ồ lá ngô đồng
Thu không”
(Thu Không)
“Tình Yêu
Cho rất nhiều điều
Như thật.”
(Kỳ Diệu)
Hai đoạn 6/8 (1 và 2) trong 10 đoạn của bài “Những Ngày…”:
1.
“Những ngày bụi chuối sau hè
Cành tre trước ngõ, tiếng ve lưng trời
Máu đầm nhịp thở bên người
Hỏi gì Quê cũ, Không Lời chốn đây
2.
Những ngày cát bụi thơ ngây
Em về bên nội trăng đầy bước đi
Đêm đêm sao sáng nghĩa gì
Một ông sao sáng, hai vì sáng sao
Những ngày mặt đất chiêm bao
Bởi đêm rất thật đã trao cho trời.(…)”
Một số hình ảnh thường nhật của nhà thơ sau năm 1975 - “Đào Gốc, Qua Sông Về Trồng Kiểng”, cũng đã được Đặng Tấn Tới khắc chạm như một bức phác họa tài tình rất mưc, ghi dấu kỷ niệm một thời:
“Đào cây, dứt rễ, sang sông
Âm dương nửa gánh bềnh bồng trên vai
Gốc xưa chớm nụ ngày mai
Bao la mây nước sáng vài giọt vui”
Và cảnh “Về Vườn” của kẻ sĩ “lỡ mùa theo đậu sắn”:
I.
“Ngày xa, không ước hẹn
Về lại, chuyện đâu ngờ
Vườn hoang khô đất đá
Chân ngập ngừng bâng quơ
Lỡ mùa theo đậu sắn
Vui vận trúc am che
Nuôi thánh thai tròn lớn
Phiêu phiêu ngọn gió hè
II.
Vườn xưa người bỏ lại
Hôm sớm anh em về
Xới đất trồng rau cải
Bình thường mộng gối Quê
Rào thưa như hạn bước
Sách nát, chí đâu cùn
Một nhát cuốc Vô Trước
Đầm đìa mạch Nước phun”
Hay trong bài thơ có tựa đề dài nhất (21 chữ): “Chiều Uống Rượu Với Cụ Sáu Nơi Xóm Nhỏ Vừa Say, Khinh Khoái Chia Tay, Hẹn Giữa Tuần Trăng Lại Uống”:
“Chơi quàng qua xóm nhỏ
Quên “làng - không - có - đâu”
Gặp người bên mái cỏ
Trò khỉ rỡn đôi câu
Cuộc đời cũng lắm chuyện
Đắng cay mà nhẹ tênh
Không ghiền vẫn cứ uống
Men rượu chiều lênh đênh
Gợn mây và mảy bụi
Vơ vẩn mộng lưng trời
Chữ “vừa” cùng lĩnh ý
Hẹn một chén trăng mời”
Tập bản thào “Lửa & Hoa, Bên Bờ Năm Tháng 2000” dày 374 trang, gồm 306 bài thơ đã được Đặng Tấn Tới sáng tác trong gần 30 năm, nhưng trong giới hạn của một bài tạp bút chỉ làm công việc “giới thiệu & ghi lại đôi điều cảm nhận” - nên trước khi “tạm khép” tập bản thảo, xin mời qúy bạn cùng đọc thêm hai bài thơ có tựa là “Quê Nhà” ( I & II), để cùng đồng cảm và chia sẻ với nhà thơ về những năm tháng “về vườn”:
QUÊ NHÀ
I.
“Không lưu lạc đất khách
Quê nhà chớm bạc đầu
Bao năm thân thế huyễn
Một sớm thẹn mày râu
Nào đâu đường lối trúc
Hoang thôn bước dãi dầu
Chẳng được như người trước
Am cỏ chỉ vô cầu
Ngâm tràn câu thanh khí
Giọt lệ thấm ngàn thâu”
QUÊ NHÀ
II.
“Bao năm dài kín cửa
Bụi vẫn bám tình quê
Chưa quên hết một chữ
Có chăng ta đã về
Thời thế không lời nói
Phàm thánh chẳng còn chi
Núi xanh lòng xử sĩ
Trăng tỏ ý trời ghi”
|
|