Người Giữ Cầu Bến Sông

 
 
 

Khúc sông Côn chảy qua ranh giới hai thôn An Định xã Thạch Hải và An Tân xã Kim Phúc có bề rộng khoảng gần một ngàn mét. Đoạn bờ phía Nam - An Định, cao hơn bờ phía Bắc - An Tân, như có một độ dốc thoai thoải. Bởi vậy, gần nửa dòng sông phía Bắc thì luôn có nước chảy, trái lại, bờ Nam khô cạn, bày cát sỏi lởm chởm vào suốt mùa hè. Hơn hai phần ba bờ phía An Tân được nối liền bởi một cây cầu tre sang bờ An Định ...

Cây cầu tre dài hơn sáu trăm mét này, cột chống bằng thân cây gỗ to hơn hai vòng bàn tay - còn mặt cầu là những tấm tre đan kết liền nhau trên dàn cây gỗ vuông, rộng chừng một mét. Tuy tre đan dày, thanh lớn nhưng mặt cầu vẫn cứ rung chuyển mỗi khi có xe Honda chạy qua. Người yếu tim, chưa quen qua lại - có thể sẽ rớt ùm xuống bãi cát, hay lòng sông, khi gặp mặt cầu hơi chùng xuống, hay phải né tránh một chiếc xe khác chạy ngược chiều. Chuyện mấy gã say rượu, hay trai làng vừa sắm được xe, lao xuống cầu là bình thường ...

Từ các thôn làng của Kim Phúc muốn sang chợ An Định, hay đến chợ Cây Bông, chợ Bình Định đều phải qua cây cầu này. Ngược lại, ai muốn sang Thiết Tràng, Thiết Trụ, hay xuống Nhơn Hậu, Đập Đá - cũng vậy. Cây cầu tre tuy nhỏ, tạm bợ (chỉ sử dụng trong ba mùa nước cạn) nhưng là một mạch nối liền quan trọng của người dân sống hai bên bờ sông Côn.

Trong nhiều năm qua, chính quyền xã Kim Phúc, đã cho mở những cuộc “đấu thầu” giữ cầu bến sông để tìm thêm nguồn kinh phí. Sau đó, cũng là cơ hội cho một số hộ có “công ăn, việc làm” nơi vùng quê hẻo lánh, nghèo khó này! Thời gian lãnh thầu được quy định tùy theo “hợp đồng” - có khi ba năm, năm năm... Năm ngoái, liên minh của Sáu Toại đã trúng thầu năm năm - mỗi năm giao nộp đủ hai tấn lúa.

Thực ra, trong nhiều năm nay- những người trong “liên minh” đấu thầu không có thay đổi nhiều. Có lần, chỉ rút ra một hai thành viên; thêm vào một hai thành viên mới - số người cũ luôn chiếm đa số, luôn là “trụ cột” như những thanh trụ cầu dài ngoẵng đóng sâu giữa lòng sông. Cuộc đời họ chừng như cũng buồn vui theo con nước sớm tối lặng lẽ xuôi dòng...

Người thâm niên nhất từ lúc khởi công làm lại cầu mới sau ngày chấm dứt chiến tranh đến nay - là Sáu Toại. Sáu Toại kéo thêm ông Tám, ông Minh, bà Dư, ông Thân, thiếm Cửu, bà Minh, cậu Út... Tám người làm thành một tổ hợp giữ cầu, như những người thân thiết trong gia đình.

Được cho nghỉ hưu sớm từ miền Bắc trở về, Sáu Toại được Ủy ban giao cho làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Mua bán một nhiệm kỳ, bởi vì, theo giấy tờ ông đã có thời gian công tác ở ngành thương nghiệp. Nhưng trình độ “thương nghiệp” của ông chỉ là để trông kho, nhận hàng - giao hàng, trong thời kỳ mua bán đơn giản vài ba mặt hàng theo tem phiếu bao cấp. Do vậy, chưa hết năm, HTX của ông đã bị thua lỗ. Mấy tay kế toán, thủ quỹ, chạy hàng, thủ kho - thậm chí mấy cô nhân viên bán hàng- đã “qua mặt” ông ào ào như chơi - để đẩy ông đến ngày bị “kiểm điểm”, rồi nhận quyết định cho nghỉ việc.

Nhà Sáu Toại bên cạnh vườn nhà ông Thân - cả hai đều không còn vợ. Bà vợ hai của Sáu Toại ở miền Bắc sau khi vào thăm quê ông - ngó thấy nhà cửa tuềnh toàng - gia sản không còn lại chút gì ngoài khu vườn hoang gần hai sào - đã về lại ngoài Bắc với con và ở luôn không tính chuyện gần ông nữa. Coi như một cuộc tình nữa đã trôi qua - nhanh chóng và lặng lẽ trong đời ông.

Bà vợ đầu ở lại trong Nam - thời gian quê nhà bị bom đạn tàn phá dữ - sau khi xin phép cha mẹ ông để bán mấy sào ruộng làm vốn lên phố nuôi con không được - buồn rầu dắt đứa con gái lên mười tuổi bỏ làng đi đâu biệt xứ ! Ông trở về, nhìn lại cái nền nhà cỏ cây hoang dại mọc đầy, lòng ngậm ngùi thương con, nhớ vợ ! Từng ngày, lão cặm cụi ra sức phát quang vườn tược, dựng lại ngôi nhà tranh, sống một mình như một cái bóng. Những ngày tẩn mẩn dọn vườn, ông không ngớt nhớ lại chuyện cũ - chuyện đã lùi xa hai mươi mấy năm trời - sống trở lại lặng lẽ trong trí nhớ ông như mới hôm qua. Lúc san lấp nền nhà, lão nhìn từng viên gạch, từng khúc gỗ mục, những mảnh chén dĩa chai lọ ngổn ngang - lòng bỗng dưng sụt sùi. Một đời sống đã từng gắn bó ở đây - vợ và con ông đã từng vui buồn chiu chắc ở đây... Ông bỗng cảm thấy lạc lõng và cô độc, ngay trên quê nhà của mình. Hai mảnh đời lưu lạc- lơ lửng như những đám mây trên trời cao kia - làm sao ông tìm lại được? Có còn chăng, là mấy gốc xoài, gốc mít, bờ dậu dâm bụt um tùm kia, là còn chút hơi hướm của dĩ vãng, của kỷ niệm mờ nhạt một thời trai trẻ nồng nàn !

Thật ra, ông vẫn còn hai người em - một trai, một gái - một bà cô, và người chú đã ngoài tuổi 80; đang còn nấn ná sống quanh đây. Người em trai lo lót vào lính nghĩa quân, về giữ cầu Phụ Ngọc hằng đêm trong một trung đội lính kiểng ô hợp để được gần nhà. Chưa giáp năm - một đêm đồn bị đánh , cầu bị giựt mìn sập mấy nhịp - cậu ta vất súng chạy cứu mạng - nhưng cũng bị mất một chân ! Từ cái chân bị mất năm ấy - cậu ta dần dà mất luôn cô vợ trẻ xinh đẹp ! Cô em gái thì không bị tàn phế như anh, nhưng vết thương lòng thì sâu hoắm- theo cô suốt cuộc đời góa bụa như cái chân bị cắt lìa của anh vậy. Cô sống lặng lẽ, lầm lũi bên đứa con gái đầu lòng chưa nhìn thấy được mặt cha bị chết trận mất xác ở Dakto năm 70.

Sáu Toại thường nói với ông Thân (và cả với thiếm Cửu nữa) : “Cuộc đời, sống mà không có tình thương yêu, sao tôi thấy nó lạt lẽo, như ăm cơm mà không có nước mắm ớt!”.


Sáu Toại nghiễm nhiên là “Tổ trưởng”, có thể phân công cắt đặt công việc cho nhóm . Hằng tháng, tổ giữ cầu họp tại nhà một lần vào tối 30 - để gọi là tổng kết thu chi, chia lãi cho mỗi thành viên, sau khi trừ khoản quỹ nộp cho xã !

Theo phân công, mỗi buổi phải có ba người trực giữ cầu, thu lệ phí. Buổi sáng, buổi chiều - mỗi tổ 3 người. Sáng từ 5 giờ đến 10 giờ trưa. Chiều từ 10 giờ đến 3 giờ. Tổ buổi tối, chỉ còn lại hai người - từ 3 giờ đến 8 giờ đêm (mùa mưa thì không quá 7 giờ).

Tiền thu được bỏ vào trong chiếc thùng gỗ, hai ngăn (ngăn tiền lẻ, dưới hai ngàn - ngăn tiền chẵn, từ năm ngàn trở lên). Sau mỗi buổi, tổng kết, ghi vào sổ - bàn giao cho tổ kế tiếp. Tiền thu được chỉ ghi vào “sổ chính” sau 8 giờ đêm.

Thời gian đầu, các tổ đều thay buổi để trực sáng hay chiều, tối - nhưng từ ngày Sáu Toại thuyết phục thiếm Cửu chịu nhận làm “thủ quỹ” cho tổ - ông vẫn thường nhận giữ cầu vào ca cuối - nghĩa là từ 3 giờ chiếu đến 8 giờ tối cùng với thiếm Cửu.

Ông Thân thì chỉ cười.

Bà Dư, bà Mịch im lặng.

Cậu Út phản đối nhẹ nhàng:

-Sao chú Toại và cô Cửu nhận ca trực khỏe vậy ? - Út cười, giờ ấy xem như ngồi hóng gió, ngắm trăng...

Sáu Toại giải thích:

-Ban ngày chú có khi còn bận đi họp hành trên xã, còn thiếm Cửu đây là “thủ quỹ”, sau 8 giờ chú tổng kết giao nộp cho thiếm ấy, khỏi chạy lui chạy tới tìm kiếm... Cháu phải biết “cảm thông” với cô chú chứ, so bì làm chi ?

Ông Minh nói lơ đãng:

-Có hai chiếc võng móc sẵn trong chòi rồi - có bàn cờ, bộ bình trà trên sạp - cũng coi như mình đi nghỉ mát chứ thua gì anh Toại, thiếm Cửu đâu ?

Dù không nói ra, nhưng dường như sáu người còn lại trong tổ, đều biết Sáu Toại đã “nặng lòng” với Thiếm Cửu từ lúc còn làm ở HTX mua bán. Người ta thường thấy ông ngồi ở các quán nước đầu xóm của thiếm Cửu rất lâu - một mình , với bình rượu Bầu Đá. Ông không ghiền rượu, nhưng mượn rượu để nói chuuyện với thiếm Cửu cho dạn dĩ. Lâu dần, ông cảm thấy rượu làm ông đỡ cảm thấy giá lạnh và cô độc !

Ông uống một hớp rượu - cười ;

-Tôi nhớ ngày xưa thiếm Cửu đẹp, hiền nhất làng - sao không “chọn” cho mình một người bạn đời, mà cứ “ở vậy” hoài... Thiếm không cảm thấy buồn hay sao ?

Thiếm Cửu chép miệng - thoáng một nụ cười mơ hồ:

-Buồn mà làm gì , anh ? - Giọng thiếm như chùng xuống, lúc đầu cũng cảm thấy buồn tủi - Con người chứ gỗ đá gì mà không biết buồn anh ! Nhưng riết rồi cũng quen... Số phận mình nó đã như vậy rồi ! Với lại sống ở nơi hẻo lánh này...

-Thiếm cũng tin ở số mạng ư ?

-Sao lại không tin ? - thiếm chợt cười, mình có mắt cũng như mù - làm sao thấy được ngày mai... Đời mình đâu khác gì những đám bèo trên sông? Đám bèo thì cứ cuồn cuộn trôi theo dòng nước, biết tấp vào bến bờ nào ?

Thiếm cửu là người bà con cô cậu với đời vợ trước của Sáu Toại. Ngày về làm rể, ông đã nhận ra cô em họ của vợ có nét đẹp mặn mà quyến rũ trong chiếc quần cụt, áo bà ba đen. Ngày ấy Cửu mới là một cô thôn nữ mười hai tuổi ! Mười hai tuổi, mà thoáng một chớp, bây giờ đang bước vào ngưỡng cửa năm mươi ! Cuộc đời đang bước dần vào bóng tối rồi. Thật chẳng khác gì những cánh bèo trôi nổi như thiếm Cửu vẫn nghĩ ...


Buổi họp mặt cuối tháng nào cũng có một soong cháo to - khi thì với mớ hàu của cậu Út xúc được ven sông ; khi thì với vài con cá thác lác, cá tràu của ông Minh, ông Tám câu hay lưới được. Dọc sông Côn, từ ngã rẽ qua Phụ Ngọc, thời trước năm 75 - cá nhiều vô số. Cá chép, cá diếc - có con to bằng bắp chân là thường . Còn hàu, sò, ốc thì một buổi đi xúc cũng được vài bao cát.

Thiếm Cửu đã tỏ ra sốt sắng và sành điệu trong chế biến - nên đều được mọi người khen làm “đầu bếp” giỏi ! Vì thế, thiếm cũng siêng đến nhà Sáu Toại để phụ nấu cháo với bà Mịch, bà Dư. Có một hôm, hai bà đều vắng - chỉ một mình thiếm Cửu loay hoay dưới bếp. Sáu Toại muốn phụ giúp thiếm một tay - cứ chạy lên chạy xuống, rồi đứng xớ rớ nhìn thiếm Cửu lặng lẽ, cặm cụi nấu nướng một mình.

Từ bao năm rồi, bếp lửa nhà ông lạnh lẽo vì thiếu bàn tay đàn bà. Thiếu cái ấm áp của lửa củi, của hương nồng gia vị - ông nhìn đăm đăm vào ngọn lửa đang hừng hực cháy sáng - cảm thấy - ngọn lửa như cũng đang reo vui, đang sưởi ấm gian nhà bếp trống trải !

Niềm ước mơ được có một người đàn bà để nương tựa, chia sẻ vui buồn - như thiếm Cửu, lại trỗi dậy - rạo rực trong lòng ông như một tia lửa điện, khiến ông sững sờ.

Bất chợt thiếm Cửu quay lại - bắt gặp đôi mắt ông đau đáu nhìn mình - thiếm thở dài : “Anh không có việc gì làm hay sao?”

-Tôi muốn giúp thiếm ...

Vẫn lặng lẽ đẩy củi vào bếp - thiếm nói như chỉ với chính mình :

-Xào nếm gia vị chảo hàu này xong, là bắt soong cháo lên được rồi...

Thiếm bỗng khẽ cười :

-Hay anh ra vườn kiếm cho tôi vài bụi hành, một ít rau thơm,...

Tối hôm ấy, sau khi tổng kết thu chi, chia lãi - ăn cháo - ra về; lão Toại đi theo thiếm Cửu ra đến ngõ mà chưa nói được câu nào. Những câu nói úp mở buâng quơ lúc ngồi ở quán có lẽ chẳng đủ sức lay động một tâm hồn đã chai lì vì sự cô độc và nỗi buồn? Ông phân vân tìm kiếm một câu nói thật gần gũi, ngọt ngào - nhưng cái đầu, sau bao nỗi gian lao, khó nhọc - đã trở nên xơ cứng mất rồi ! Ông chợt nhớ tới lời nói bóng bẩy hôm trước đã khiến cho thiếm cười mà chẳng hề hé môi một lời: “Cuộc đời, sống mà không có tình thương yêu, sao tôi thấy nó lạt lẽo, như ăn cơm mà không có nước mắm ớt!”

Thiếm Cửu chân bước ra khỏi ngõ - nói đưa lại : “Thôi, anh vào ngủ đi!”.

-Tôi không ngủ được !

-Sao lạ vậy ? - Thiếm chợt dừng lại.

-Tôi chắc thiếm cũng đã hiểu ...

-Làm sao tôi hiểu được tận trong đáy lòng của anh ?

-Thiếm Cửu à, trong căn nhà của tôi mà nếu có thiếm như chiều tối nay - thì chắc vui lắm! - Ông ngập ngừng, thiếm có thấy như vậy không ?


Từ lúc thay ca cho ông Minh, ông Tám, bà Mịch về lo cơm nước buổi chiều, trời bắt đầu đổ mưa... Thiếm Cửu lên võng nằm, ngó ra dòng sông đục ngầu nước. Khách qua cầu vội vã, thưa thớt. Sáu Toại ngồi hút thuốc trên cái sạp tre nhỏ cạnh đầu cầu chờ khách qua cầu thu tiền - cũng đăm đăm nhìn lên mặt sông đã sẩm tối, rồi ngó lên bầu trời đầy mây.

Ông nhìn về phía chiếc võng thiếm Cửu đang nằm đu đưa - cảm thấy một niềm vui nho nhỏ len lỏi vào lòng mình. Niềm vui mơ hồ mỏng manh ấy giống như lúc ông ra giữa cầu, ngồi thả chân xuống, nhìn ánh trăng miệt Phụ Ngọc nhô dần lên, ánh sáng bát ngát chiếu xuống dòng sông óng ánh muôn vạn hạt vàng nhấp nháy - ông đã náo nức kêu thiếm Cửu ra xem - cả hai đều im lặng cùng với niềm vui thỏ thẻ nhen nhóm trong lòng! Những phút giây chóng qua như vậy vẫn thường an ủi ông trong những giấc ngủ, hay khi ngồi một mình trong vườn... Sáu Toại đã có lần nghe phong phanh, lúc còn là nữ sinh Trung học Bán công An Nhơn, Cửu đã từng yêu một người - nhưng sau đó, người con trai xấu số ấy đã chết trận ở Phù Mỹ khi mới ra trường vài tháng lúc tuổi đời vừa mới 21.

Bây giờ chỉ mới là đầu tháng Tám âm lịch mà mùa mưa như đã đến gần. Nếu mưa lụt trễ như nắm ngoái, đến tháng mười vẫn còn giữ cầu. Mấy hôm trước Rằm, trời đã chuyển sang Đông rõ rệt bằng những cơn mưa về chiếu, kéo dài đến sáng. Chiều nay, có lẽ phải nghỉ sớm, nếu mưa ào ạt như thế này.

Sáu Toại bỗng cảm thấy lạnh, đến ngồi bên đầu võng của thiếm Cửu - đặt tay lên võng, lão thở dài :

-Tối nay mình về sớm phải không thiếm ?

-Mấy giờ rồi anh ? - Giọng thiếm Cửu bồn chồn.

Lão vén tay áo xem giờ - cười :

-Mới sáu giờ mười lăm !

-Sáu giờ mà y như đã khuya - thiếm Cửu nói lơ lửng.

Mấy ngôi nhà dọc đường cạnh bến sông cửa đóng im ỉm . Trời tối sẫm. Đường vắng. Sáu Toại vẫn ngồi bên võng, lấy thuốc ra hút. Dường như ông muốn nói điều gì khi nhìn gương mặt thiếm Cửu đã mờ nhạt trong bóng đêm lạnh lẽo, nhưng chỉ nghe ông húng hắng ho. Ông nghĩ đến những đêm dài mất ngủ nằm nghe mưa gió ào ạt xao xác bên ngoài - mà cảm thấy đời mình thật lạt lẽo, vô nghĩa. Ông thường phân vân tự hỏi : “Mình có mặt trên cõi đời này, rồi từ biệt nó cũng lặng lẽ, buồn bã như thế sao ?”. Rất nhiều bận ông muốn thổ lộ niềm riêng ấy cho thiếm Cửu, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào để thiếm Cửu có thể chia sẻ với mình ? Câu thiếm Cửu đã có lần nói với lão “Con người chớ gỗ đá gì mà không biết buồn, anh !” - luôn vang động, thúc giục ông mỗi lúc cảm thấy ngại ngùng.

Sáu Toại đưa bàn tay khẽ chạm vào tay thiếm Cửu :

-Hay mình về nghỉ đi thiếm...

-Giờ này chắc chẳng còn ai về muộn, qua cầu ... - Thiếm Cửu - đứng dậy.

-Về sớm - ông cười, tôi muốn ghé vào quán của thiếm uống vài ly rượu cho ấm... Đêm nay, sao trời trở lạnh quá... Thiếm có thấy vậy không?

Trong bóng tối, một tiếng cười rất khẽ, ấm - đáp lại!

 
 

Tháng 8-1993

Mang Viên Long