Người Lưu Giữ Bản Thảo

 
 
 

1-
Qua hai tạp chí Văn và Vấn Đề, thỉnh thoảng Viên nhận được thư của bạn đọc ở các nơi gởi đến nhờ tòa soạn chuyễn. Thông thường, Viên chỉ trả lời theo yêu cầu của thư trong phạm vi có thể-và cám ơn tấm lòng ưu ái của họ đã dành cho những trang viết của mình…Tuy vậy, lần nầy -nhận được thư của Khánh Hội do tòa sọan Văn chuyễn đã ba hôm, Viên vẫn không biết trả lời sao cho xuôi?

Thư của Khánh Hội viết dài đến 4 trang-theo thông lệ-Viên phải trả lời thư dài một nửa-hai trang, nhưng không biết viết sao cho hết ý mình để người nhận không buồn lòng? Nàng tự kể về đời mình, công việc làm, những suy nghĩ về đời sống, những ước mơ-cho đến những câu hỏi về các truyện của Viên mà nàng đã đọc gần như không bó sót truyện nào.trên các tạp chí mà Viên cọng tác hay sách đã được xuất bản. Đến ngày thứ 5, Viên cũng kết thúc xong 2 trang thư như đã định-câu cuối cúng : “…Hy vọng khi nào có dịp vào Saigon tôi sẽ phone cho cô, để được trò chuyện tiếp vậy. Will you be alright? ”
Câu hỏi sau cùng lá thư của Viên làm Khánh Hội gởi tiếp cho anh một lá thư dài hơn 6 trang giây pelure xanh mỏng- sau đó một tuần lễ. Lần này-Viên phá lê cũ của mình-viết đáp lại bức thư dài gấp đôi-12 trang giấy. Viết xong, Viên có ý nghĩ kỳ quặt-nếu Khánh Hội viết dài thêm, thì anh sẽ luôn viết gấp đôi! Viên thoáng nhếch cười với ý nghĩ sẽ xem cô nàng có khả năng viết đến đâu? Xem ra, tâm hồn nàng cũng rất hiếm hoi giữa chốn thị thành phồn hoa luôn vội vã tranh giành mà tỉ mỉ ngồi yên viết đến chừng ấy với nét chữ nắn nót tuyệt đẹp! Viên cảm thấy một điều lạ lùng trong cái tên Khánh Hội chứa nhiều tâm sự, nhiều bí ẩn, mà trước đây dù đã lang bạt nhiều nơi anh vẫn chưa gặp bao giờ.

Từ dạo đó đến dịp hè, Viên nhận của nàng đến bốn mươi lá thư dày, chứa đầy trong một chiếc hộp gỗ mỏng mà anh đã mua ở Đà Lạt trong dịp lên coi thi Tú Tài Hai năm trước. Hè này, Viên đã nhận quyết định về làm thư ký hội đồng thi Tú Tài ở trung tâm trường Bá Ninh- Nha trang. Viên viết một thư ngắn xin lỗi sẽ vắng thư hồi âm ít nhất hai tuần lễ-đề nghị Khánh Hội cũng nên “nghỉ tay” một thời gian –chờ anh được thong thả sẽ “chuyện trò” tiếp.
Viên đến Nha trang trước hai hôm, thuê phòng ở khách sạn gần trường-và được hai buổi chiều thả bộ xuống ngồi với biển. Anh chọn khu bãi vắng, xa các snack-bar, quán xá, để ngắm nhìn biển Nha trang êm đềm mà nhớ đến Khánh Hội một cách thong dong. Tấm ảnh nàng gởi cho trong thư mới nhất là một thiếu nữ măc áo dài màu xanh da trời- đồng phục của công ty Dainan-Koshi mà nàng đang làm việc.

Hằng năm, nàng kể - vẫn được sang Nhật một lần vì công việc hay được khen thưởng du lịch. Vừa rồi , Khánh Hôi đi Nhật về- mua tặng anh nửa tá cravate, chiếc bật lửa gaz điện tử nhó nhắn ( có khắc tên Khánh Hội ), và chiếc bút máy Parker khắc tên Viên. Nàng nói anh là nhà văn, và hút thuốc ngày đến gần hai gói-nên tặng anh để nó luôn ở bên cạnh anh không bao giờ rời. Cái bật lửa khăc tên KH. còn chiếc bút khắc tên HV. Viên nghĩ thầm,đúng nàng đã là ngọn lửa cho những điếu thuốc bốc khói bên những trang viết đầy đặn sau này của anh!

Hai đêm liền ở khách sạn Viên luôn bị quấy rầy bởi những ả khách không mời tự nhiên đẩy cửa bước vào phòng. Nàng ôm mấy quyễn sách trên tay, áo dài trắng có thêu hàng chữ tên trường ở ngực,- bất ngờ vào ngồi ở ghế cạnh giường Viên đang nằm. Lần đầu, Viên ngạc nhiên hỏi đùa đôi ba câu cô nàng không trả lời được, vội mời nàng ra khỏi phòng cho đỡ rắc rối! Lần sau, Viên khóa trái cửa-nhưng đến khuya nàng vẫn vào được vì đi theo sau gã bồi phòng tay cầm sẵn xâu chìa khóa rổn rẻng..

Viên nghiêm giọng nói với gã bồi phòng cò mồi: “Nếu anh còn quấy rầy tôi mất ngủ, ngày mai tôi sẽ trả phòng và báo cho bà chủ của anh!” Ngày mai, Viên trả phòng thật, nhưng không hề nói gì với bà chủ khách sạn-Anh chỉ cười-nói lớn cốt cho gã bồi phòng nghe: “ Giáo sư như tôi nghèo lắm-không có tiền nằm ở khách sạn lâu! Tôi về Trường nghỉ vì ông Hiệu trưởng có dành cho một phòng riêng trong trường rất thuận tiện cho công việc của tôi!”.

Viên nhớ lại lần về Qui Nhơn làm thư ký hội đồng thi ở Trung tâm Bồ Đề -ngay ngày đầu, nghe giám thị lên phòng báo có người ở bên ngoài vượt tường, ngang nhiên vào phòng thi dúi tài liệu cho thí sinh, Viên vội theo chân người giám thị xuống phòng số 4. Một người mặc quân phục tuềnh toàng vừa từ phòng thi bước ra-Viên chận ngay lại: “ Xin lỗi, thí sinh đang thi, anh vào phòng để làm gì? “ Người lính : “ Bạn tôi thi, tôi vào để yễm trợ, không được sao, thầy? “- “Anh biết rõ quy định về thi cử rồi còn cố tình làm sai-chúng tôi buột phải tiến hành lập biên bản”- Người lính cười gằn, bối rối chỉ vào hai quả lựu đạn đang đeo tòong teng ở thắt lưng: “Thưa thầy, thứ này chúng tôi có nhiều lắm…”. Người giám thị hành lang vội bỏ đi – Viên vỗ lên vai người lính: “Tôi rất thông càm cho hoàn cảnh của các anh, nhưng anh không thể lợi dụng súng đạn để làm điều xấu như vậy!” Viên bỏ đi lên cầu thang, người lính khệnh khạng tiến ra phía cổng… Lần về quê coi thi ấy, Viên cũng đã phải làm “ mất lòng “ một người bạn đồng nghiệp khi anh từ chối thay đổi vị trí đã phân công cho các giám thi phòng theo ý của anh ta. Sau lần gặp nhiều rắc rối ấy-Viên đề nghị không cắt cử anh về quê làm thư ký hội đồng thi nữa…

Gần một tuần ở Nha Trang, Viên về lại trường thì nhận được bốn là thư của Khánh Hội do cô thư ký văn phòng trao lại. “Thầy nhiều bạn gái quá!”- Cô ta cười. Viên nói: “ Bốn thư nhưng chỉ của một người, sao cô bảo là nhiều bạn gái?” Cô gái im lặng. Viên cám ơn, rồi tiến về phía phòng họp-tìm chỗ vắng, mở từng lá thư ra đọc….

2-
Công tác thi cử tạm yên, Viên phải vào Saigon để lo cho các tập sách của nhà xuất bản do anh chủ trương. Trước khi đi, Viên gởi một thư ngắn báo tin cùng Khánh Hôi-“ Nếu cô rỗi rải công việc thì khoảng bốn giờ chiều lên trạm Air VN đón tôi nhé? “. Nói thì nói vậy-chứ Viên đâu biết rõ mặt mũi của Khánh Hội ngang dọc như thế nào? Mấy tấm ảnh nàng gởi cho toàn ảnh chụp chung, người nào cũng giống nhau trong màu áo dài xanh đồng phục, khó lòng nhận ra giữa đám đông người đưa đón ở tram hàng không vào giờ cao điểm ấy.Viên còn chút hy vọng vỉ có thể Khánh Hôi sẽ dễ nhận diện ra anh qua vài tấm ảnh chụp bán thân đã in trong các bìa sách.

Chiếc xe ca đón khách từ sân bay về đến trạm Phạm Ngũ Lão thì đã xế chiều. Khi xe chạy vào cổng, Viên chợt trông thấy bóng áo dài xanh đồng phục đứng ngay một bên trụ cổng, mắt dõi theo chiếc xe chầm chậm tiến vào sân.” Đúng là mầu áo dài của Khánh Hội rôi!” Viên nghĩ-“ nhưng có biết bao cô gái ở cái đất Saigon modern ấy mặc áo dài xanh của công ty đi đón người thân? “ Viên do dự.

Viên xách valise tiến về phía cổng giả vở vô tình đi thẳng. “ Anh, Anh Viên…”-Viên quay lại nhìn đứng lên gương mặt đang đỏ hồng vì bối rối, e thẹn! “Khánh Hội đây à?”-Viên thốt lên-“Sao cô có vẻ cao hơn trong ảnh?”-Viên bước lại gần nàng hơn-“ Xin lỗi nhé! Tôi cứ nghĩ là cô đang bận rộn công việc ở công ty…”- “Em nhờ bạn làm giúp”-Nàng cười hồn nhiên. Nét bình thản, tươi vui hiện rõ trên môi cười lộ hẳn chiếc răng khểnh trắng muốt. - Khánh Hội đến đây bằng gì?- Giọng Viên thân tình..
- Em đến bằng taxi…
- Vậy mình ra đón taxi đi kiếm cái gì ăn nhé? Tôi đói lắm rồi!-Viên cười, chờ đợi-bước chậm rải ra cổng, tiến về phía góc đường.

Khánh Hội bước sẽ sàng bên Viên như một cô em gái dịu dàng tình nghĩa. Gần một năm, hằng trăm lá thư đã được viết-Viên cảm thấy thật gần gũi với Khánh Hôi như đã gặp nàng rất nhiều lần rồi. Anh tự nhiên quên mất phút giây ngỡ ngàng ban đầu-thế vào bằng cái tình thân thiết không dấu diếm. Khánh Hội chừng như cũng đã hiểu rõ Viên qua những trang thư gần đây và những tác phẫm của anh mà nàng đã đọc rất kỹ từ nhiều năm trước. Nàng hồn nhiên đi cạnh Viên, theo bước chân Viên-như đã từng sánh đôi như thế mà không có gì phải e ngại .

Chiếc taxi chở Viên và Khánh Hội chạy vòng ra đường Trần Hưng Đạo, đi dọc đại lộ Lê Lợi-rà sát bên đường Nguyễn Du –rồi dừng lại trước quán Thanh Trúc theo lời dặn của Khánh Hội. Lúc Viên trả tiền cho gã tài xế - gã ghé vảo tai anh hỏi: “ Nàng là gì với Cậu vậy?”-Viên chỉ cười “Là bạn…”-“ Sao Cậu hiền quá vậy?”-“Chứ bác nghĩ sao?”-“Tôi lái taxi gần mười mấy năm ở cái đất Saigon này rồi, xin lỗi-chưa thấy ai “khờ như Cậu!”. Viên vẫy tay chào gã tài xế chịu chơi - nghĩ thầm -“Hai người yêu nhau ngồi vào taxi là ngồi vào chốn bình yên rồi-họ có quyền tỏ tình với nhau chứ có gì là lạ-còn mình chỉ mới gặp Khánh Hội lần đầu, chưa hề nói lời yêu thương với nhau rõ ràng, sao gọi là “khờ” được nhỉ?”-Viên chợt cười thành tiếng “Ừ, đã yêu nhau rồi, thì có ai mà chẳng khờ?”

Sau khi đã dùng cơm ở Thanh Trúc, Viên đưa Khánh Hôi tản bộ dần ra bến Chương Dương. Bến hơi vắng. Ánh điện mờ.Từng cặp , từng cặp- dìu nhau đi dọc bến sông. Từng cặp, từng cặp-ngổi ôm nhau trên các ghế đá hay những chiếc ghế dựa của hàng quán. Viên cảm thấy thật tội nghiệp cho tuổi trẻ-chiến tranh đã cướp mất của họ sự bình yên trong Tình Yêu, sự mơ mộng của Hạnh Phúc! Viên không biết Khánh Hội nghĩ gì khi nhìn thấy quanh mình như thế-nhưng tin rằng Khánh Hội cũng có lần ước mơ như thế. Ước mơ được ngồi bên người mình yêu tâm tình, trao nhau những cái hôn nồng cháy của tuổi trẻ dầu cho đời sống luôn bôn bề lo toan, bất trắc. Và đêm nay-nàng đã dành cho Viên cuộc hội ngộ đầu đời mà suốt năm ròng chỉ gặp nhau trên những trang giấy…

Viên khẽ cầm lấy bàn tay Khánh Hội-đưa nàng xuống chiếc ghế còn trống gần bờ sông…

3-
Tháng 4 năm 1972 Viên bị lệnh tổng động viên đẩy vào quân trường Thú Đức như hàng ngàn thanh niên khác đang nằm chờ khóa mới ở đó..Gần một tháng bị cột chân ở khu nhà tập trung, Viên đã được đưa ra phi trường với hằng trăm người tuổi trẻ cùng số phận để chuyển ra Nha Trang nhập khóa tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế. Ở quân trường Thú Đức không còn chỗ chứa nữa! Tuổi trẻ ở trường học, ở công sở, ở nhà máy, ở gia đình- đều đã bị dồn đẩy vào đây như nơi hẹn cuối cùng! Anh đã được xếp vào Đại đội 729-tiểu đoàn 3-nghĩa là trước anh đã có hai tiểu đoàn đang hò hét bò lết tập tành xơ xác. Đang được thong dong với đám học trò hồn nhiên bao năm, đang làm chứng nhân cho cuộc chiến tương tranh tàn khốc -bỗng bị lột bỏ hết áo quần tóc húi ngắn râu cạo sạch nhẵn mang vào người bộ đồ dày cộm rông thùng thình không giống ai-Viên không thể tránh khỏi nỗi bàng hoàng lạ lẫm về sự đổi thay chóng vánh của đời mình. Chính anh đang bị xô đẩy lăn xả vào cuộc chiến mà trước đây anh đã bao lần phẩn nộ phản kháng. Sự vẫy vùng cũng chỉ là tiếng kêu thảng thốt giữa bom đạn gầm réo đêm ngày ở mọi nơi trên đất nước mà thù hận được coi là cứu cánh. Nắng. Gió cát. Bịt bùng… Chiến tranh đã bao phủ anh từng ngày như những đêm dã chiến ngủ bờ ngủ bụi nơi chân đèo Rù Rì. Chiến tranh đã thè chiếc lưỡi dài ngoằn lần cuối để liếm sạch tuổi trẻ không chút ngần ngại tiếc thương. Chiến tranh lồ lộ hiện ra như một hung thần phủ chụp lên thân phận mọi người không thể vùng vẫy với nhiều danh nghĩa lộng lẫy! Tuổi trẻ ở đâu cũng được trang bị súng và lựu đạn và căm thù- thay vì trang bị những kỳ vọng tương lai trong tình thương yêu đồng bào đồng loại ? Viên bất lực trong nỗi hoang mang cùng cực từng ngày.

Trong cơn bàng hoàng ngày đêm ở quân trường Viên đã nhận được thư Khánh Hội tràn đầy tình yêu như một phép lạ nâng đỡ tâm hồn anh từng bước qua tháng ngày sôi bỏng ở đây. Và một sáng chủ nhật, rất tình cờ - anh được gọi tên có thân nhân đến thăm ở khu tiếp tân ngoài bãi dương chập chùng đồi cát …

Khánh Hội măc chiếc quần jean mầu xanh, áo pull trắng-trông trẻ trung xinh xắn như một vận động viên cầu lông. Viên ngỡ ngàng gặp lại Khánh Hội trong bộ áo quần lạ của đời lính thú dày dạn mưa nắng thao trường. “Em đến Nha Trang hôm nào-em đi công tác à?”-“Em đi thăm anh không được hay sao?” -Nàng cười hồn nhiên - lộ rõ chiếc răng khểnh trắng muốt giưa đôi môi tươi hồng. Viên nhận ra nơi giọng nói nàng sự hồn nhiên, tự nhiên-không thoáng chút gì ngại ngùng- “Được vậy thì anh diễm phúc biết bao!”. Viên cũng dạn dĩ hơn nhờ vào bộ đồ lính- cầm lấy tay Khánh Hôi dẫn nàng đến một chiếc bàn còn trống của quày bán nước giải khát phía cuối bãi dương. Anh muốn sống hết lòng cho giây phút hiện tại hiếm hoi vì ngày mai làm sao tìm lại được? Ngày mai ư? Làm gì có một ngày mai nào tươi sáng dành cho tuổi trẻ như anh?- “Em mang theo gì mà nặng vậy?”-Viên nhìn chiếc xách tay Air VN trĩu nặng trên tay nàng - “Đưa anh xách cho!”-Viên cười “Dạo này ăn cơm lính anh mập và khỏe lắm !”- Nhìn Viên từ đầu xuống chân-Khánh Hôi cười “Mập thì có mập nhưng đen như ông đốt than!”- Viên chợt cười bâng quơ: “Quê hương cần những người đen đỉu như vậy, em à!”- “Anh đoán thử xem những gì trong chiếc xách tay này?”-“ Hành lý của em?”-“Trật rồi! Hành lý em để ở Khách san mà”- Khánh Hôi nhìn chậm, sững lên mặt Viên: “Quà cho anh mà!” “Nhiều vậy sao? “-“ Em phải ra tận Long Khánh nhờ ông thầy thuốc gia truyền làm cho anh 4 gói thuốc tể trị bệnh thấp khớp-còn lại là …” “Là gì?” – “Là chiếc khăn len quấn cổ, mấy hộp Chocolate mà anh thích. Cây thuốc Craven-A, và…thôi lát nữa mang vào trại anh sẽ biết vậy!”- Khánh Hội cười dòn tan như cô em gái nặng tình.

Ngồi vào chiếc ghế dựa thấp đan bằng sợi nylon dưới bóng cây dương, Viên lơ đãng nhìn từng nhóm sinh viên đang quây quần bên những người thân mà cảm thấy bùi ngùi. Chiến tranh đang len lỏi vào trong từng khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười của mọi người như một loại siêu vi trùng đang gặm nhắm từng ngày. Và Viên cùng Khánh Hôi đang ngồi bên nhau hôm nay-buổi sáng chủ nhật của tuần thứ 30-chỉ còn vài tuần nữa thôi thì mỗi người đã một nẻo rồi! Nẻo đi nào cũng ngậm ngùi, cũng đau xót- như nhau.Viên nhìn thật chậm lên khuôn mặt đỏ hồng vì nắng, vì yêu của Khánh Hội: “Em làm anh xúc động lắm Khánh Hội à!” - Em mong gặp lại anh là vui rồi!
- Nhưng mà niềm vui thì ngắn ngủi quá-chỉ vài giờ… Sau đó là nỗi buồn dài dặt-anh không muốn đem nỗi buồn lo đến cho em, Khánh Hội!
- Vài giờ đối với em thật quý, anh ạ!
- Từ Sài gòn em lặn lội ra đây chỉ để gặp nhau vài giờ-anh không yên tâm đâu!
- Nhưng biết làm sao bây giờ? Em nhớ anh mà!
- Anh hy vọng sẽ được biệt phái trở lạị trường với bọn học trò và em…
- Em cũng cầu mong vậy…
- Nhưng hận thù có chịu để cho chúng ta được yên bên nhau đâu?- Viên thở dài, nhìn Khánh Hội đầy thương cảm.

4-
Từ sau ngày gặp Khánh Hội-Viên thường gởi cho nàng những gì viết được- như một món quà, để nàng đọc cho vui trước khi gởi đăng trên các Tạp chí anh cộng tác hay xuất bản thành tập. Viên viết bằng máy chữ Brother De Lux, mỗi lần 3 bản-Viết xong, đọc lại chỉnh sửa đôi chỗ rồi gởi ngay cho Khánh Hôi một bản, gởi cho báo một bản, còn giữ lại một bản để chờ dịp gởi cho nhà xuất bản. Khánh Hội thường đọc trước, viết cho anh những nhận xét rất cẩn trọng, rồi thúc anh viết thêm! Nhờ nàng thúc giục, đôi khi Viên cũng háo hức viết để mong gởi cho nàng đọc-nhiều chừng nảo, tốt chừng ấy. Khánh Hổi trở nên là độc giả đầu tiên ngoan ngoãn cũng là “nhà phê bình” chung thủy, nặng tình của Viên. Từ những năm trước-Khánh Hội đã tìm đọc hầu hết những bài viết và sách của anh-nàng nói “tủ sách của em hình như chỉ để lưu giữ tác phẫm của anh thôi!” Và Viên đã vô cùng hạnh phúc khi biết được rằng, những ưu tư, khát vọng, những giải bày của anh về đời sống, về cuộc chiến, về tình yêu bấy lâu-cũng đã có người thầm lặng quan tâm chia sẻ như Khánh Hội. Viên thầm nghĩ-chỉ cần một Khánh Hội hiểu anh thôi cũng đã quá đủ rồi! Viên tìm thấy trong những lá thư của nàng một niềm an ủi, một nỗi cảm thông- chia sẻ rất thâm tình mà người cầm bút như anh đang rất cần.Viết mà không được sự đồng cảm chan hòa để cùng chuyễn hóa, thì viết để làm gì nhỉ? Và Viên đã say mê bên máy chữ hằng đêm-không chú ý đến giờ giấc-là nhờ vào niềm cảm thông chí tình của Khánh Hội.

Những chuyến đi xa-những ngày coi thi-Viên không mang theo máy-chỉ viết tay một bản-và gởi ngay cho Khánh Hội đọc, nhờ giữ hộ- “Em hãy vui lòng giữ giúp cho anh nếu không những trang viết này rồi cũng sẽ lưu lạc như cuộc sống rày đây mai đó của anh thôi!”-Từ ngày đặt chân vào quân trường , Viên càng ý thức rõ hơn về một ngày mai vô định của mình-như bao người bạn trẻ quanh anh, nhưng hằng đêm-trên chiếc rương gỗ làm bàn, và bên ngọn nến leo lét, Viên đã miệt mài viết vì biết rằng có Khánh Hội luôn luôn chờ đợi nó để đọc… Anh viết như để tâm sự cùng nàng mọi điều mà không thể chia sẻ được cùng ai quanh mình. Viên thường cảm thấy một nỗi hạnh phúc nhẹ nhàng lâng lâng khó tả mỗi lần ghé bưu điện gởi cho Khánh Hội một cái truyện hay bài tạp bút vừa viết xong vào buổi sáng chủ nhật được đi phép ra dạo phố Nha Trang. Đó có lẽ là niềm vui, niềm an ủi duy nhất cho những giờ phép của Viên trong mấy tháng bị giam hãm khổ ải ở quân trường. Khánh Hội cũng đã trở thành người “giữ hộ” cho Viên những thư từ, sách báo của bạn bè khắp nơi gởi cho anh-“ Em hãy giữ giúp anh nhé-mai này anh sẽ có dịp đến thăm em! Nhất định vậy Khánh Hội à!".

Viên ra trường với tấm giấy điều động về bổ sung cho một đơn vị tác chiến của vùng 3 chiến thuật-trong lúc chờ xét cho biệt phái trờ lại ngành giáo dục theo đơn xin của anh. Sáu tháng trôi qua, vài cuộc đụng độ bất ngờ, bao đêm nằm hầm, ngủ bụi –những tin tức bạn bè đồng khóa đã ra đi , mất tích, hay còn lại tật nguyền- luôn ám ảnh Viên về một ngày mai xa cách với Khánh Hội. Nàng đang sống ở chốn phồn hoa yên ấm-rất xa lạ với nơi Viên đóng quân núi rừng u ám-thì làm sao có thể nói cho nàng hiểu hết được nỗi ưu tư phiền muộn ngày càng lớn trong lòng Viên bất trắc hoang mang? Viên đang sống cùng súng đạn bên mình, mà anh luôn cảm thấy xa lạ với chúng biết bao! Chắc rằng chẳng có ai muốn thân thiết với chiến tranh, với súng đạn, với hận thù cả. Không thể nói hết những điều đang sống đang cảm nhận trong thư cho Khánh Hội-Viên thường thay thế bằng những trang viết qua những nhân vật trong truyện. Chỉ có cách này, anh không nói dối với nàng-còn Khánh Hội cũng sẽ vơi bớt nỗi buồn trong khắc khoải chờ mong. Những trang bản thảo nhàu nhò, lem luốt, được viết vội vã đây đó dọc đường chắc rằng sẽ làm cho nàng se thắt, nhưng làm sao cho chúng phẳng phiu sạch đẹp như xưa khi cuộc sống anh cũng đang gầy gò xanh xao từng ngày?

Viên được Bộ Giáo Dục can thiệp, trả về nhiệm sở cũ-tiếp tục sống bên đám học rò nặng tình hồn nhiên hơn một niên khóa thì đến ngày 30 tháng tư lịch sử. Ngày trên quê hương không còn nghe tiếng bom đạn nhưng cũng là ngày bắt đầu cho bao cảnh đời lưu lạc, khốn đốn, chia xa! Khúc ngoặt của bao cuộc đời trong sự đổi thay từng giờ làm xáo trộn mọi trật tự cũ. Những giáo sư dạy môn tự nhiên được phân công “lưu ban” tam thời sử dụng vì trường đang còn thiếu nhiều người dạy. Các môn xã hội thì “đang chờ xét” của các cấp trên mà không có thời hạn quy định. Viên dạy Văn ( và Anh văn) - nên cùng số phận nằm chờ! Ở trại, Viên đã được “học tập” rằng dạy Văn thì đầu óc bị nhiễm tư tưởng “thực dân mới, tư bản”-còn Anh văn thì “hướng ngoại, theo Mỹ”- hai môn dạy thật nguy hiểm biết bao!

Sau mấy tháng lui tới từ phòng đến Ty - biết không dễ gì trở lại với đám học trò như sự chọn lựa mà có lúc anh nghĩ rằng đó là một cái nghề kiếm sống lương thiện cao quý giữa một xã hội đầy dẫy cám dỗ, điên đảo, dối lừa. Viên bỏ về quê làm đủ nghề lặt vặt kiếm sống qua ngày. Viên trở về nhẹ nhàng như một người đi du lịch trở về vậy: Một chiếc valise nhỏ nhét đủ thứ vật dụng lỉnh kỉnh thu nhặt được trong căn phòng trọ cũ ẩm mốc mà người chủ không buồn quét dọn từ ngày Viên lên trại. Nhìn các tủ sách trống trơn, những giá đựng báo xiêu vẹo-Viên biết rằng-từ đây-anh sẽ mãi sống xa chữ nghĩa. Liệu văn chương có ích gì không cho cuộc sống quá giới hạn trong khốn khó,gian nguy? Tất cả những sách, báo - dù là sách tham khảo để dạy học, sách nghiên cứu để học tập - cũng đều bị giao nộp hết trước ngày ra đi cho được nhẹ nhàng. Các tác phẫm đã xuất bản, những xấp bản thảo còn mới tinh-kể cả những tác phẫm của bạn văn gởi tặng -Viên gởi riêng cho người chủ nhà giữ hộ - nhưng ông ấy cũng đã đốt sạch vì sợ liên lụy, sau đó không lâu. Viên cảm thấy mình đang bắt đầu bước sang một con đường khác-con đường ảm đạm đơn độc không có ánh sáng, vắng bóng tiếng cười!

Sống ở quê được vài năm - Viên gặp Diệu - cô học trò ngày xưa anh đã dạy trong lớp hè cùng với một người bạn dạy toán. Diệu đang làm kế toán cho Ty Thương Nghiệp, đã một lần ly hôn. Nàng có riêng một đứa con gái 3 tuổi, nhưng hề gì-đời mình cũng đã bỏ đi rồi-Viên thầm nhủ với mình. Có người chịu thương chịu sống với mình là quý - cuộc đời đã an bài sẵn cho mỗi người rồi cơ mà làm gì có một sự chọn lựa nào trong cảnh khốn cùng? Những ước vọng một thời tuổi trẻ không còn nẩy mầm, chúng èo uột dần theo tháng năm bất trắc nghèo khó của cuộc đời côi cút của anh. Chúng bỗng trở nên xa lạ, rồi lặng mất từ bao giờ chính anh cũng không còn thời gian để nhận biết nữa-thật là một điều khủng khiếp cho cuộc đời mỗi người! Sau vài lần gặp Diệu - nghe nàng để nghị tha thiết -Viên đã nhanh chóng kết nối cùng Diệu - một mảnh tình đã vỡ mà không ái ngại.

Vừa có được một cậu con trai -thì tình yêu của Viên với Diệu cũng bắt đầu rạn nứt như –ngày càng lớn hơn cho dù Viên đã hết lòng níu kéo, hàn gắn. Anh thật sự mệt mỏi không hề muốn cuộc đời mình lại đi vào thêm một ngõ tối bi thương nào nữa. Nhưng, tình yêu chóng đến thì cũng chóng đi chăng? Diệu luôn phàn nàn về đời sống bếp bênh của anh, cảnh đời thiếu trước hụt sau mà nàng phải gánh nặng. Cho đến khi nàng thốt lên: “Tôi phải chịu khổ vì đã lấy anh - nếu không, đời tôi sẽ sung sướng sang trọng vì có thừa người đưa đón tôi bằng xe hơi…”. Nghe lời Diệu, Viên lặng người đi giây lâu- không tin ở thính giác mình, rồi cảm thấy nhói đau như có từng mũi kim sắt nhọn cứa vào tim mình. Anh lặng im-không nói được lời nào, thẩn thờ bỏ đi như trốn chạy. Những lời Diệu đã nói, làm tê điếng tâm hồn anh vốn nhạy cảm và trống trải!

Cho đến một ngày kia - Diệu thúc giục : “Anh còn chần chờ gì nũa? Con anh thì tôi giao nó cho anh - có gì mà anh do dự, băn khoăn?” Anh không do dự băn khoăn vì bản thân anh, mà vì con còn quá nhỏ ..”. Viên muốn nói thêm “Đời anh có còn gì để mà do dự băn khoăn nữa đâu…”- nhưng cảm thấy tuyệt vọng rã rời.

Rổi cuối cùng Viên cũng đã phải từ giã vì biết rằng tình yêu - tình người, không còn có mặt. Nó đã tan chảy như một tảng băng lạnh lẽo …

5-
Mãi đến năm 1990, Viên bắt đầu viết trở lại vì nỗi buồn ngày càng lớn, và nỗi khổ cứ bám riết anh như một nỗi oan khiên. Giống như thuở trước, Viên say mê viết từng đêm- dường như ngày nào không cầm đến cây bút là ngày ấy anh cảm thấy ray rức khổ đau nhiều hơn. Viết-một việc làm có vẻ xa lạ với anh sau ngần ấy năm không sờ mó gì đến cây bút nữa! Viên cũng cảm thấy ngoài nỗi nao nức được thố lộ với trang giấy-anh cũng biết, viết cũng chẳng để làm gì vì biết chia sẻ cùng ai, vì có tờ báo, tạp chí nào sẽ nhận đăng cho anh đâu? Nhưng ngồi bên trang giấy-một nỗi bình yên lạ kỳ vỗ về xoa dịu mọi nỗi đau lấp đầy những bơ vơ lạc lõng mà Viên tưởng rằng không bao giờ có thể xóa tan đi được. Đó là niềm an ủi duy nhất mà anh có được từng đêm gò mình trên chiếc bàn con thấp với những con chữ Với nỗi lòng thầm kín. Những trang viết sau 15 năm của Viên đã hướng về một đời sống khác-đời sống tâm linh thấm đậm triết lý sống Đạo Phật vì chính nhờ nương tựa vào những điều Phật dạy mà anh đã sống được an vui cho đến hôm nay. Nếu không có duyên lành đến với Đạo Phật-Viên nghĩ-có lẽ anh đã chết tức tưởi từ lâu rồi vì nỗi cô độc và tuyệt vọng.. Anh chọn viết cho những tờ tuần báo, tạp chí Phật Giáo như để tự an ủi mình và mong mỏi được chia sẻ cùng mọi người quanh anh trong cảnh sống đày đọa và phiền muộn của kiếp người …

Thật bất ngờ, một ngày êm ả cuối năm -Viên nhận được gói bảo đảm của Khánh Hội gởi cho từ Bến Tre-quê nhà của nàng. Mở vội ra xem-lại một nỗi ngạc nhiên đến ngây ngất: Tất cả những bản thảo của anh đã gởi cho Khánh Hội trước đây đã được nàng gởi trả lại nguyên vẹn, Viên đọc lướt qua từng đề tựa của xấp bản thảo gồm hơn 20 truyện ngắn và mười bài tiểu luận- tạp bút mà nhiều bài anh không còn nhớ ra là chinh mình đã viết như vậy cách nay hơn 20 năm-năm anh vừa hai mươi bảy tuổi. Một mảnh giấy nhỏ nằm lẻ loi giữa xấp bản thảo là nét chữ của Khánh Hội ngày nào : “Anh Viên! Em xin gởi hoàn lại anh những gì đã giữ của anh trước đây.Em xin lỗi đã gởi đến anh muộn vì không biết rõ tin tức, địa chỉ chính xác của anh sau 75. Còn một số tạp chí, tuần báo có bài của anh em sẽ nhờ cô em ỏ quê tìm lại gởi tiếp đến anh sau vậy. Bây giờ em đã phải lên Saigon nhập viện nữa rồi! Cầu chúc cho anh và gia đình hạnh phúc!-Khánh Hội”

Khánh Hội phải lên Saigon nhập viên? Mẫu tin ngắn ngủi ấy đã làm Viên thờ thẩn, nhói đau, và hối hận. Trên mảnh giấy nhỏ với nét chữ ngày nào bây giờ yếu ớt, nhợt nhạt không ghi địa chỉ, số điện thoại-làm sao liên lạc sớm với nàng? Viên viết vội lá thư cám ơn, hỏi thăm bệnh trạng của Khánh Hội- rồi ghi lại địa chỉ ngoài bì của gói bảo đảm mà tên người gởi không phải là nàng! Viên vội đi bưu điện gởi thư EMS cho nàng ngay trưa hôm ấy với hy vọng sẽ nhận được thư hồi âm của nàng như thuở trước.

Khoảng một tuần sau ngày Viên gởi thư-anh lại nhận được gói bảo đảm dày hơn trước-nhưng do cô em gái Khánh Hội gởi từ bưu điện huyện Châu Thành-Bến Tre. Đó là những tác phẫm của anh đã xuất bản gởi tặng cho Khánh Hội trước đây mà chính anh bây giờ cũng không còn lấy một tập nào.Nhìn lại những dòng đề tặng, những ngày tháng của kỷ niêm xa xưa-Viên bỗng dưng nghe lòng rưng rưng nỗi xót xa. không thể kiềm giữ. Những dòng chữ thương yêu, những con số ngày tháng nguyên vẹn còn đây-mà người thì đang lênh đênh mỗi ngã.? Cô em Khánh Hội viết mặt sau một tờ lịch cỡ lớn : “Kính anh! Chị em lại nhập viện lần hai ở Bệnh Viện Ung Bướu thành phố! Trước khi ra đi-chị dặn em tìm lại những gì của anh đã gởi cho chị-gởi gấp cho anh. Em tìm được một số, còn số khác-khi bị bão sập căn nhà sau vườn -không kip thu dọn- bị ướt rách, rồi bị mối ăn cả! Em sẽ cố gắng tìm thêm, sẽ xin gởi đến anh sau-Mong anh thông cảm! Kính chúc anh an vui!”

Viên viết thư hồi âm cho Khánh Minh-tên cô em gái của Khánh Hội.

Và chờ đợi suốt tuần lễ,

Một buổi trưa khi Viên dang nằm lơ mơ tìm chút yên lắng trước khi bắt đầu công việc mài dũa khoan đục buổi chiều-thì chuông điện thoại ở đẩu tủ reo! “A lô, xin lỗi ai gọi?”-“Em! Có phải anh Viên không?”- Giọng nói miền nam trong trẻo vang lên bên tai-“Đúng rồi! Xin lỗi cô là ai?”- “Em là Khánh Minh đây mà!”- Viên reo lên: “Chào em! Em có nhận được thư anh không? Chị Khánh Hội bây giờ thế nào? À, mà Khánh Hội đau gì vậy em?”-“Em về lại quê mới đọc được thư anh-em phải có mặt ở Saigon với chị. Chị dặn em không được nói gì với anh cả, nhưng em không thể nghe lời chị ấy được!”- “Mà Khánh Hội dặn em không nói gì? Khánh Hội không tin anh sao?” - “Không phải không tin đâu!”-“Nhưng sao vậy? Anh không hiểu em nói gì cả!”-Im lặng một thoáng - “Anh đừng hiểu lầm chị ấy! Hơn hai năm nay-từ ngày phát hiện bị ung thư phổi-chị ấy kêu em tìm mọi nơi tin tức của anh- nhưng may quá-nhờ tòa soan tạp chí Hương Thiền-em xin được địa chỉ, số phone của anh! Suốt tuần lễ chị ấy tẩn mẩn lục tìm sách báo, bàn thảo của anh rồi kêu em đi gởi cho anh ngay!” – Viên nghe rõ giọng nói khô cứng lạc lõng của chính mình : “Bệnh của Khánh Hội bây giờ thế nào rồi, em?” –Tiếng khóc nấc lên bên kia đầu giây : “Bác sĩ khuyên nên chở chị ấy về quê rồi!”

Viên vội vã thu xếp công việc -ngay chiều hôm ấy ra dọc quốc lộ đón chuyến xe vào thành phố từ Đả Nẵng …

Đến Sài gòn, Viên gọi xe chở thẳng đến công ty nơi người em của Yên đang làm việc. Văn là em út của Yên. Yên là người bạn văn của anh đã chết ở Nora cuối năm 68 sau khi ra trường được vài tháng khi vừa 28 tuổi. Văn gặp lại Viên bất ngờ sau bao năm xa cách- không dấu được niềm vui:“Chào anh!Anh vào hôm nào mà nay mới ghé em?”-“Mới vào sáng nay!”- Viên cười: “Có chút chuyện nhờ Cậu giúp cho nhé?”-“Ông anh cứ nói! Em sẵn sàng thôi!”
- Cậu biết đường đi Châu Thành-Bến tre không?
- Em đi hoài mà!
- Vậy Cậu cho tôi đến đó, được không?
- Dễ thôi!-Văn cười-Ông anh xuống tận nơi ấy chắc là để thăm người yêu?
- Sao cậu biết?-Viên thoáng nhìn lên đôi mắt nheo nheo của Văn-gần như vậy thôi!
- Anh Yên lúc còn sống nhắc đến anh hoài mà!

Ngay buổi sáng hôm ấy, Văn thu xếp công việc ở công ty-gọi tài xế đưa xe ra.cổng-
chuẩn bị cùng Viên đi Bến Tre. “Giới thiệu với anh cậu này vừa lái xe, vừa là “chuyên gia” tìm địa chỉ của công ty em đấy!”-“Sao lại có vụ tìm địa chỉ, Cậu?”-“Công ty em có thêm dịch vụ nhận chuyễn giao tiền cho thân nhân có người thân ở nước ngoài gởi về nữa mà!”

Đệ-tên người tài xế chuyên gia tìm địa chỉ-tỏ ra rất nhiệt tình tham gia chuyến đi của Viên-Cậu ta nói cười suốt quảng đường từ Saigon đến huyện lỵ Châu Thành…

6-
Xe dừng lại một góc trống của khu chợ bên bến đò qua Tiên Thủy. Đệ mở cửa, xuống xe- chỉ tay về phía bên kia bờ sông có xóm nhà lá xa tít ẩn mình trong những hàng dùa : “Anh Văn- Xóm nhà anh Viên cần tìm nằm bên kia sông, anh Văn à!”-Văn cười: “Sao ông anh lại có duyên với miền sông nước xa xôi này được nhỉ?”-“ Ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra đâu? Tôi quen nàng khi ở Saigon kia mà!” Viên nhìn đăm đăm bên kia bờ sông với nỗi vui của kẻ được nhìn thấy lại quê nhà sau bao năm xa cách- “Nơi ấy có một tâm hồn mà tôi cần tạ ơn cậu ạ! Tôi đâu biết có ngày sẽ tìm về quê nàng khi cuộc đời đã gần xế chiều rồi!”.

Lòng sông rộng, nước một màu xanh thẫm-dòng nước chảy ngầm cuồn cuộn-một chiếc đò đang lờ lũng chở đầy khách qua sông. Xóm nhà bên sông thưa thớt, vườn cây một màu xanh đậm, vươn lên trên là những cây dừa xòe lá che phủ im lìm. Con đường đất nhỏ dọc bờ sông thấp thoáng bóng người qua lại lặng lẽ, xa cách như chốn đảo hoang. Khánh Hội đã từng được sinh ra ở đây và nay đã trở về lại chốn này như sự ẩn náu thủy chung còn lại của đời người chăng? Quê nhà thật kỳ diệu-bao giờ cũng sẵn lòng bao dung, chở che cho những mảnh đời bất hạnh như vòng tay mẹ thuở nào. Cuộc đất chứa chan mầu xanh yên vắng này đã thổi vào tâm hồn nàng một trời thơ mộng tha thiết tuổi trẻ. Đã vun đắp cho nàng lớn lên Giờ đây, cũng chính trên cuộc đất chôn nhau cắt rốn này cũng đang ôm ấp vỗ về an ủi nàng những tháng năm cuối đời buồn tênh . Viên tự dưng thấy lòng mình cũng gần gũi thân tình với cuộc đất xa lạ lần đầu được nhìn thấy này-đứng lặng nhìn dòng sông, con đò-xóm làng, mà tưởng nghĩ đến bóng dáng Khánh Hội bao ngày qua lại thơ thẩn nơi đây?

Văn đến mời Viên hút thuốc: “Em ngồi ở quán nước đây trông xe –chờ anh. Đệ sẽ cùng anh qua bên ấy hỏi thăm nhà…”-“Ở lại một mình Cậu có buồn không?”-Viên nhìn Văn cười nồng nhiệt:-“Anh tìm ra cố nhân là em vui rồi!”. Con đò vừa cập bến. Khách vội vã nhảy lên bờ như ai cũng có chuyện rất vội phải đi. Viên và Đệ bước lên. Khách qua sông thưa thớt.Chuyến đò sang sông lại bắt đầu hướng mũi về phía bờ xa.

Đò ra giữa dòng-sóng nước mênh mông. Viên càm thấy sông nước trời mây xứ này quyến rũ ngờm ngợp như bao phủ ôm trọn lòng người. Phận người như nhỏ lại.Khoảng trời xanh kia như cao rộng hơn.Không gian cành vật như mênh mông quang đãng hơn.Gió dường như cũng trong lành tươi mát phóng khoáng hơn . Và lòng Viên cũng cảm thấy nhẹ tênh lãng đãng cùng mây nước êm đềm quanh mình.Sau bao năm lận đận ngược xuôi lãng quên mọi thứ, Viên cảm thấy như mình đang được hồi sinh . Sống lại từng phút giây mầu nhiệm của đời sống mà đã lâu rồi-sau bao biến động dồn dập ập đến vây kín đời mình đã không còn dịp nhớ lại nữa.

Đệ ghé ngay vào chiếc quán trên mô đất cao núp dưới mấy cây dừa rủ lá cạnh bến đò-
“Chị ơi! Cho em hỏi thăm một chút- Chị có biết nhà cô Khánh Hội ở gần đây không?” –Giọng Đệ ân cần Ngươi đàn bà chủ quán đon đả: “Cô Khánh Hội nào? Ở đây có hai Khánh Hôi-A hay B ?”-“Khánh Hội có cô em tên là Khánh Minh ấy mà!”-Viên trả lời thay cho Đệ. “Cô giáo Minh dạy ở Châu Thành phải không?”-“Có lẽ vậy!”-Viên do dự.” Vậy thì hai cậu đi sâu vào trong năm mười mái nhà thì gặp”.-Chị nói với theo: “Đi vào một đoạn rồi rẽ trái nhé?”

Đệ vào nhà trước để dò hỏi rồi trở ra gọi Viên: “Đúng ngay chóc rổi anh à!”-Đệ vui mừng. “Cám ơn cậu nhiều lắm!”-Viên bắt tay Đệ-hai người cùng bước vào gian nhà lá rộng thênh …Gã đàn ông trạc bốn mươi đang ngôi khề khà ly rượu ở chiếc bàn kê gần cửa ra vào với hai người bạn -đứng bật dậy-nồng nhiệt: “Anh muốn gặp dì Hội à?-Mởi anh cứ đi thẳng ra phía sau vườn, qua cầu-thấy ngay căn nhà của Dì …” Người bạn ngồi cùng bàn đã chếch choáng say bước lại kéo tay Viên: “Ông anh ngồi làm vài ly với tụi em rồi hãy đi . Chuyện đời có chi mà vội?”- Viên vui vẻ: “Tôi đi đường cũng hơi mệt anh à! Xin hẹn dịp khác anh em sẽ tới bến luôn nhé?” Khu vườn im vắng, hơi tối- ẩm ướt.- Viên nghe rõ tiếng chim bay xào xạc ríu rít đây đó quanh mình! Khánh Hội đã giam mình lẩn quẩn trong khu vườn vắng lặng này bao năm nay sao? Nàng đã dần chôn cuộc đời và mộng ước của nàng trong khu vườn quạnh hiu này ư?

Đệ dừng lại bên này chiếc cầu tre nhỏ vắt qua con mương nước róc rách chảy. “Anh đưa tay em giữ cho!”-Viên cười” Cậu cứ yên trí đi! Tôi đã từng đi “dây tử thần” ở Nha Trang rồi mà!”. Hai người qua cầu nhẹ nhàng. Viên đã thấy có bóng người thấp thoáng phía trong căn nhà lá rộng nhưng thấp phía trái khu vườn.

Người con gái trạc hai mươi thấy có khách lạ - từ trong nhà bước ra đứng chờ ở hiên-giọng nhỏ nhẻ: “Thưa, hai chú cần gặp ai? “- Đệ xấn tới gần: “Dì Khánh Hội! Em làm ơn cho anh thăm dì một chút được không?”

Khánh Hội bước ra hiên.
Viên đến gần-ngay trước mặt nàng.
- Em còn nhận ra anh không?
- Sao lại không?- Nàng cười héo hắt. Anh không khác ngày xưa bao nhiêu mà!-Khánh Hội chợt cúi đầu- Chỉ có em là tàn tạ …
- Sao không khác ngày xưa được?- Viên bàng hoàng-Bộ em tưởng anh sung sướng lắm hay sao? Anh cũng khổ như em…

Khánh Hội gầy xanh, tóc khô thưa, đứng tựa vào cột hiên nhà như sợ ngã, nhìn Viên không chớp- “ Có lẽ anh gặp em lần này là lần cuối!”-“Em đừng nghĩ vậy!” Viên cầm lấy bàn tay gầy đét da bọc xương của nàng –lòng rưng rưng nhớ tưởng đến đôi bàn tay trắng muốt ngày nào lần đầu tiên được cầm giữ khi gặp nàng cùng đi dạo quanh bến Bạch Đằng buổi chiều tối năm ấy. Nhớ đôi cánh tay tròn múp quyến rủ vào sáng chủ nhật ở bãi tiếp tân Đồng Đế như một vận động viên quần vợt ngày nào. Thời gian, nỗi khó khổ cô độc và bệnh tật đã dần biến nàng già nua héo hắt! Nhìn Khánh Hội gầy khô mỏng manh trong bộ áo quần vải hoa thời cũ-Viên ngậm ngùi rưng rức. “Em thấy trong người thé nào?”- Viên cầm một bàn tay nàng.
- Bác sĩ nói em chỉ còn sống thêm được vài tháng nữa thôi-nàng chép miệng, cười mơ hồ.
Im lặng.
- Nhưng được gặp lại anh rồi-Nàng ngước lên nhìn vào đôi mắt Viên-Em chết lúc nào cũng yên lòng…
- Em không còn nghĩ đến anh nữa sao? Giọng Viên trầm thấp,lạnh lẽo.
- Em có muốn nghĩ cũng không được nữa rổi!-Khánh Hội chợt cười lớn-lộ chiếc chiếc răng khểnh bên trái đã khô vàng vì bao lần được xạ trị để hy vọng kéo dài thêm ngày sống-Em không ngờ chúng ta vẫn còn có ngày được gặp nhau!

Khánh Hội gọi Phương-tên người con gái- đang loay hoay thu dọn những gì trong nhà-“Cháu mang cho Dì chiếc ghé dựa”- Nàng nhìn theo Phương- “Cháu ra vườn hái cho Dì ít trái cây-nhãn và chôm chôm rồi mời chú gì ăn cho vui nhé cháu?” Viên ngồi vào chiếc ghế dụa bên cạnh Khánh Hội-nhìn ngó lơ đãng ra khu vườn rộng im vắng nghĩ đến những ngày Khánh Hội cũng ngồi nơi đây-trước hiên nhà này - với bao thương nhớ đợi chờ. Viên nhìn chậm lên khuôn mặt vàng khô kia như để thu giữ mãi mãi hình bóng và tâm hồn nàng- và anh đã tha thiết ôm nàng vào lòng như ôm giữ kỹ niệm đã từng bị vuột mất…

Xế chiều-Khánh Hội và Phương cùng đưa Viên và Đệ ra bến đò Tiên Thủy.
Đệ ôm giỏ trái cây đi trước một quãng , trò chuyện vui vẻ với Phương.
Viên vẫn nắm chặc tay Khánh Hội đếm từng bước lặng lẽ phía sau.
Cả hai đều im lặng.
Nỗi buồn tràn ngập con đường nhỏ.
Bầu trời đầy mây.
Dòng sông vẫn miệt mài vô tình chảy xiết phía trước…

Viên rời tay Khánh Hội bước sang đò khi người chủ lái đò thúc giục. Con đò đã xa bờ. Khánh Hội đến đứng dụa vào thân cây dừa bên bờ sông dõi mắt nhìn theo. Đò đã ra giữa dòng sông. Sóng nước mênh mông khiến lòng mgười thêm cô quạnh. Viên đua tay vẫy chào từ giã Khánh Hội khi con đò đã ra xa, anh chỉ nhìn thấy dáng Khánh Hội bên gốc dừa như một vệt sáng nhỏ-nàng vội vàng bỏ chạy…

 
 

Quê nhà tháng 10-2000

Mang Viên Long