NGUYỄN MỘNG GIÁC - Trong Tình Thân Và Nỗi Thương Tiếc

 
 
 

Năm 1962 – Nguyễn Mộng Giác tốt nghiệp trường ĐHSP Huế, được về dạy Văn tại trường nữ Trung học Đồng Khánh (1962 – 1963). Tại đây – anh đã gặp người bạn đời là chị Nguyễn Khoa Diệu Chi. Sau đó, năm 1964 - được chuyễn về làm Giám học trường Trung học Cường Đễ Qui nhơn, cũng là năm tôi kết thúc năm học cuối ở ngôi trường thân yêu nầy. Năm ấy – anh cũng vừa có người con gái đầu lòng là Nguyễn Thụy Dao Tiên.

Tôi ghi danh học Luật Saigon, và thi vào trường Quốc Gia sư phạm Qui nhơn – khóa 3. Ra trường, tôi về dạy tại Tuy Hòa ( Phú Yên). Sau dó, Nguyễn Mộng Giác giữ chúc vụ Hiệu Trường Cường Đễ, mãi lo ổn định công việc, anh chưa tham gia viết cho các tạp chí văn học nghệ thuật ở Saigon nhiều. Anh thật sự đựợc giới cầm bút bấy giờ biết đến như một tài năng trẻ sung mãn ở tạp chí Bách Khoa sau nhiều truyện ngắn, truyện dài – và các bài biên khảo sau năm 69. Tôi quen anh Nguyễn Mộng Giác từ dạo ấy…

Năm 1971 – Nguyễn Mộng Giác được thăng chuyễn về làm Chánh sở học chánh Bình Định theo sự đổi mới của Bộ GD gom 3 cấp học( tiểu học – cấp 2 và cấp 3) về một tổ chức quản lý – điều hành là Sở Học Chánh. Một lần, từ Tuy Hòa về thăm quê – tôi đến Sở học chánh thăm anh. Tiếp tôi ngay tại văn phòng làm việc, lần gặp đầu – chúng tôi chỉ trao đổi thông tin về các bạn văn - những ngưởi bạn đang tản mát khắp các vung chiến thuật. về sinh hoạt văn học ở vài tỉnh thành – nhất là chủ trương của những tờ tạp chí ở Saigon. Anh bình dị trong cách ăn mặc ( vẫn bộ đồ âu bình thường như lúc đi dạy và chiếc cà vạt mầu sẫm), từ tốn, kiệm lời – nhưng rất chân tình! Dịp nầy, anh cũng cho biết – nhờ có sự tin tường, động viên, tạo điều kiện của “người anh cả” đồng hương Bình Định là nhà văn Võ Phiến (lúc ấy đang công tác ở Bộ Thông Tin & cộng tác viên thường xuyên và đắc lực của tạp chí Bách Khoa) nên anh đã viết được nhiều hơn…Anh kể lại những lần gặp các anh Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, Hoàng Ngọc Tuấn (…) café chuyện trò – rất thân tình và ấm cúng, khi đang phải sống quanh cái thị xã nhỏ bé nầy. Anh còn cho biết – đã đôi lần chở Hoàng Ngọc Tuấn đi chơi đây đó ( HNT lúc ấy đang đào ngũ) – lên thăm nhà thơ Đặng Tấn Tới ( là người bạn cùng phố, đồng môn từ thuở tiểu học của tôi tại thị trấn Bình Định) ở đường Lê Hồng Phong trong những ngày chủ nhật. Nhờ cái không khí bằng hữu gần gũi nầy – mà việc sáng tác có thêm sinh khí, nhiệt tình…

Giữa năm 1974 – anh Nguyễn Mộng Giác được thuyên chuyễn về Saigon, làm chuyên viên ở Bộ Giáo dục. Những năm sau 72 – tôi cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh tổng động viên, phải rời trường Trung học Nguyễn Huệ Tuy hòa để nhập ngũ. Từ dạo ấy – chúng tôi không có dịp gặp nhau, nhưng vẫn theo dõi nhau qua các tạp chí văn học, thư từ…

Những năm tháng sau 75 – tất cả anh em chúng tôi như bị thất lạc, tản mát – và lênh đênh theo từng số phận. Sau năm 78 – tôi được trả về quê, “mất dạy”, sống bằng đủ thứ nghề tay chân lặt vặt - ở cùng khu phố với Đặng Tấn Tới – và được nghe nhiều thông tin về Nguyễn Mộng Giác ở Saigon: Anh đi bán sách cũ, làm công cho lò bánh mì, rồi tham gia chế biến sản xuất mì sợi (…). Trong 6 năm sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn giữa Saigon đầy biến động. anh Nguyễn Mộng Giác cho biết – đã luôn cố gắng, kiên nhẫn - viết từng chương cho cuốn truyện dài “Sông Côn Mùa Lũ” trong những lúc được thay ca, nghỉ trưa, hay trực gác đêm ở sơ sở sản xuất mì sợi. Nghe anh kể lại – tôi rất khâm phục nỗi đam mê và lòng kiên trì của anh. Là một người đồng thời cùng tham gia sinh hoạt văn học với anh – nhưng sau 75 - tôi đã phải “gác bút” khá lâu vì hoàn cảnh quá khó khăn khi trở về quê với hai bàn tay trắng, với bao điều nhiễu nhương, phiền muộn (15 năm : 75 – 90).

Tin anh Nguyễn Mộng Giác “vượt biển” cùng người con trai duy nhất là Nguyễn Thụy Vũ ( là em của Nguyễn Thụy Dao Tiên) vào cuối năm 1981 được anh em truyền tin cho nhau rất nhanh chóng. Mỗi ngày, mỗi tháng qua – tin anh em lần lượt ra đi như một nỗi chia xa đau xót! (…).

Về sau – trong vài lần được về thăm Mẹ, thăm quê đầu tiên, Nguyễn Mộng Giác ít đi. Ở ngay Qui Nhơn gọi thăm anh em, mời anh em có dịp ghé nhà chơi! Tôi nhớ một lần anh gọi thăm tôi – anh cho biết vừa nhận được tiền nhuận bút của Binhdinh online đã đăng truyện “Sông Côn Mùa Lũ”, tôi cũng kể cho anh nghe vài thông tin rất vui về truyện dài nầy – trong đó, có lần nghe ông Phan Văn Khải ( lúc ấy đang là thủ tướng chính phủ) – trong một lần nói chuyện tại Bình Định về công tác thủy lợi đã nhắc đến “Sông Côn Mùa Lũ”… Qua anh, tôi được biết vài thông tin về nhà văn Võ Phiến, Viên Linh, Mai Thảo, Duyên Anh (…).

Khoẳng giữa năm 2005 vào lúc hơn 9 giờ sáng – Nguyễn Mộng Giác bất ngờ đến nhà tôi cùng với Đặng Tấn Tới. Thì ra, anh nhớ nhà của ĐTT nên đến thăm trước, sau đó – nhờ Tới đưa sang nhà tôi ở bên nầy chợ Bình Định. Hơn 30 năm được gặp lại anh – qua bao tang thương biến đổi, nhưng tôi vẫn nhận ra ở anh một con người bình dị, chân thành và gần gũi! Đang trò chuyện – anh vội đứng dậy, kéo áo ra ngoài quần, đưa cho tôi xem vết mỗ dài từ giữa bụng: “Nhân dịp mình nghỉ hưu, công ty cho đi khám sức khỏe toàn diện, bác sĩ đã phát hiện có vết đen ở gan – nghi ung thư, Bệnh viện đã yêu cầu thân nhân ký vào đơn cam kết, nếu khi mố vết đen chưa ảnh hưởng gì đến gan – họ sẽ phẩu thuật- và bảo đảm lành bệnh hoàn toàn. Ngược lại – thì sẽ không thể can thiệp được, sẽ may lại, như cũ!’ Anh vui vẻ: “Rất may – là họ đã phát hiện sớm – và mình đã được giải phẩu an toàn!”. Nghe anh chia sẻ - tôi rất mừng! Rất tin tường là anh sẽ còn nhiều thời gian để cống hiến cho văn học ở hải ngoại, cũng như trong nước – như bao ước vọng mà anh đã có lần tâm sự bấy lâu. Anh ngồi lại chuyện trò với chúng tôi đến gàn 11 giờ trưa – tôi ngỏ ý mời anh ở lại dùng cơm tương rau – nhưng Nguyễn Mộng Giác đã cám ơn – xin về, bởi có hẹn với một người bạn ở Qui nhơn. Chúng tôi cùng đưa anh đến trạm xe buýt bên này cầu vào thị trấn – gần siêu thị sách An Nhơn. Ba chúng tôi ngồi ở chiếc quán cóc bên đường – uống chai Pepsi, tiếp tục nhắc nhở, động viên nhau, chuyện vãn cho đến khi chuyến xe buýt từ Đập Đá vào trạm. Anh Nguyễn Mộng Giác nhắc lại lời mời tôi cùng đi Qui nhơn chơi, nhưng tôi đã rất tiếc phải từ chối. Chỉ kịp gởi lời thăm hỏi quý anh em thân hữu còn ở bên kia…

Hai năm sau – 2007, biết tin sức khỏe của Mẹ đã suy giàm nhiều, Nguyễn Mộng Giác đã về lại Qui Nhơn. Lần nầy, anh ở lại khá lâu chăm sóc Mẹ, viếng thăm bà con, thăm nhiều bạn văn – học trò, nhiều anh em ở Tây Sơn (..). Anh trở lại Mỹ để tiếp tục công việc không lâu – thì ngày 04 tháng 12 (2007) Nguyễn Mộng Giác nhận được tin của người em trai là Nguyễn Văn Ngọc từ Qui nhơn cho biết Mẹ anh vừa mất! (...)

Nhà thơ Hoàng Lộc từ Memphis gọi về cho tôi vào khoẳng 16 giờ ngày 03 tháng 7 năm 2012 báo tin anh Nguyễn Mộng Giác đã mất vào lúc 22 giờ 15…

Khoảng hai năm trước ngày anh mất – tôi nhận được nhiều thông tin về bệnh tình và sức khỏe của anh. Bệnh ngày càng trầm trọng, Sức khỏe suy yếu rất nhanh. Tôi nhớ ngay đến buổi sáng anh ghé thăm tôi ( cùng với Đặng Tấn Tới năm 2005) – và vết mổ dài từ giữa ngực dài xuống bụng – nghĩ rằng, anh đã “được” các bác sĩ và người thân che dấu một sự thật về bệnh trạng của anh ngay từ lúc ấy chăng?

Trước ngày nhận được phone của Hoàng Lộc báo tin khoảng một tuần, Nguyễn Nam Sơn từ Australia “chát” với tôi (thật ra thì những lúc tôi mở mail – NNS tình cờ “đột nhập” vào – thăm hỏi vài câu, trao đôi ngắn gọn đôi điều – rồi “biến” ngay), đề nghị tôi viết một bài tạp bút về quê hương Bình Định để anh kịp làm số thư báo điện tử đặc biệt về BĐ trong đó anh cho biết, đã có bài của anh Nguyễn Mộng Giác. NNS còn cho tôi biết thêm: “sức khỏe của anh Giác không thể qua khỏi một tháng nữa!”.
Trang báo chưa xong. Một tháng chưa hết…
Anh Nguyễn Mộng Giác đã vĩnh viễn ra đi!
Số phận đời người ở cõi tạm đã kết thúc!
Nhưng, tôi tin – anh Nguyễn Mộng Giác vẫn còn để lại trong trái tim người thân, bằng hữu, học trò, bạn đọc mãi mãi một niềm thương tiếc và biết ơn!

Quê nhà, đêm 22 tháng 7 năm 2012

 
 

Mang Viên Long