|
Khi tôi trở ra, rời khuôn viên của Ủy ban Huyện, tôi là người hoàn toàn khác hẳn với tôi khi đi vào, dù rằng chỉ khoảng đâu một giờ đồng hồ, không đủ thời gian cho tôi lột xác, lại càng không lột quần áo đổi thay trong trong một cơ quan công quyền. Có nghĩa là: ai nhìn thấy tôi khi đi trở ra cũng vẫn vậy thôi: nhếc nhách, quần áo bạc phếch như lúc đi vào.
Thế nhưng, chỉ có mình tôi biết, tôi đã thay đổi khi đi trở ra.
ĐI VÀO: sau lúc đã bóp bụng uống thêm một tách cà phê pha vợt, dở tệ, cũng là tách cà phê thứ hai trong buổi sáng, nơi một chiếc bàn xộc xệch kê dựa lưng vào tường, bên hông của Uỷ ban mà ở đó, tôi bắt gặp những người cũng có vẻ thảm khổ như mình, mấy anh xích lô, vài ông đi giăng câu đêm về, có đem theo đục, lờ và cua cá, bên cạnh, tôi sà vào tường ực một cái hết ly cà phê, rồi làm như rất quen thuộc, sau lúc trả tiền tôi nói với chị bán hàng: chị cho gửi cái xe, tôi vào Ủy ban chút nghe.Và đứng lên, cầm tờ báo, trong đó có xấp hồ sơ đơn từ, đi vào cổng Ủy ban không để chị ta có lời từ chối. Tôi chào anh dân quân ngồi chốt bảo vệ ngay cổng với vẻ khúm núm nói về mục đích của mình muốn vào Ủy ban, anh ta khoát tay vào phía trong ra dấu đồng ý.Và tôi, đi vào với dáng vẻ khúm núm mà tôi đã tạo khi vừa qua cổng.
Xấp hồ sơ tôi cầm trên tay, được bọc ngoài bằng một tờ báo đọc tới đọc lui nhiều ngày nên đã nhàu nát, xấp hồ sơ với lý lịch trích ngang tạm trú, tạm vắng đuợc- viết- bằng- mực- đỏ- có- gạch- đít, có lẽ sự nhàu nát của hồ sơ chẳng kém chi tờ báo bên ngoài, khiến tôi càng khúm núm hơn nữa trong những bước đi tìm phòng lao động, e rằng, lỡ có dò hỏi, người được hỏi đòi xem hồ sơ lý lịch và tôi sẽ đụng phải một sự thật rằng: hồ sơ NHEM NHUỐC như tôi sao có thể dám đến Ủy ban xin việc!
Ấy thế nhưng, sau khi được một người mặc đồng phục khá khiêm tốn, chỉ vẽ tận tình kèm ánh mắt có vẻ thương hại, tôi đã đến phòng lao động, nằm khép nép cuối hành lang, nơi khá vắng vẻ, cạnh một dãy nhà nhỏ hơn có chữ W.C.
Tôi gõ cửa, theo thói quen từ lâu đã quên và nghe có tiếng đàn bà: Dô đi, bày đặt!
Tiếp tôi là một phụ nữ mà tôi khó lòng đoán nổi tuổi, đang ngồi dũa móng tay trên những ngón mập như chuối cau. Chị ta hất hàm, gì vậy? Tôi, vẫn khúm núm trong lời trình bày và dùng hai tay đặt xấp hồ sơ xuống mặt bàn, sau đó đứng (cũng khúm núm, cố tỏ ra vẻ hèn kém và cầu cạnh) chờ đợi. Chị ta buông chiếc dũa móng tay xuống, thờ ơ lật xấp hồ sơ của tôi, xem, và, lại xem thêm một thứ giấy tờ gì đó trong bàn của chị lâu lắm, tôi nín thở, nói đúng hơn cố giữ im lặng để không phá rầy công việc của chị có liên quan đến tôi. Chị gọi điện cho ai đó, liên tục dạ vâng, và cuối cùng, giữa lúc tôi không ngờ nhất, chị ta nhìn tôi và nói chẳng khác nào với một kẻ bề tôi:
-Ngồi chờ đây nghe.Tui đi lấy giấy phân bổ.
ĐI RA:
Sau khi để lại xấp hồ sơ “toàn những chữ đỏ” nơi phòng lao động huyện, đổi lại tôi nhận một tờ giấy phân bổ tôi về làm việc tại một cơ quan thuộc huyện. Bàn tay có những ngón ú ra ú nần như chuối cau đưa cho tôi tờ giấy có rất nhiều mộc đỏ, mà tôi, vừa cúi đầu vừa đưa hai tay ra nhận, như đón nhận một phép lạ do bàn tay tiên thánh đưa ra. Đúng là phép lạ vẫn thường xảy ra ngay trong thời vi tính, thời mà những đứa trẻ vỗ ngực cho là thời của thế hệ 8x.
Chớ không đúng sao, giờ đây, đi ra, tôi đã bớt vẻ khúm núm, bước những bước chân chững chạc hơn dù khi ĐI VÀO cũng chỉ là đôi dép nhựa giá sáu nghìn đồng, màu trắng, đã ố vàng vì thời gian và sứt quai được chằng buộc bởi vài sợi dây kẽm, đi ra, tôi bước tự tin hơn nhiều, thẳng thớm và kém đi rất nhiều vẻ khúm núm! A ha! Cái xấp hồ sơ “chữ đỏ” kia đã được cất giữ hợp pháp tại Ủy ban Huyện và trong túi áo tôi lúc này là một tờ giấy, có vài con mộc đỏ, mỏng manh, gọn nhẹ, nhưng nó cũng rất hợp pháp vì được cấp bởi Ủy ban Huyện và tôi có thể, đúng thế, tôi có thể với dáng thản nhiên đưa ra trình, nếu bất ngờ có một cuộc kiểm tra đột xuất nào đó của địa phương về nhân hộ khẩu.
Thế thì, tại sao tôi “đi ra” không khác với lúc tôi “đi vào” nào?
Tôi chào anh bảo vệ cổng, đi ra nơi gửi chiếc xích lô khi đi vào. Tưởng không ai biết sự đổi thay của tôi khi đi ra, thế nhưng, chị hàng cà phê, tôi cám ơn chị và kéo chiếc xe của mình đi, chị ta hỏi:
- Được rồi hả?
- Được gì, chị?
- Thì, giấy tờ gì đó. Anh được rồi, hả?
- Dạ, được rồi. Mà sao chị biết?
- Sao không biết! Cái mặt anh tươi rói thế kia, phải được rồi mới “tươi” thế chớ!
Tôi chịu thua trước nhận xét xem ra có vẻ thường tình nhưng rất đỗi nhạy cảm của một người đã quá quen với với những nét mặt biểu lộ vui buồn một cách chân thật, rồi đây, nơi cửa công quyền.
Cám ơn chị ta thêm lần nữa, tôi kéo xích lô ra khỏi con hẻm cụt, và nhảy lên, rất lành nghề đạp nó đi về nhà, nhẹ nhàng, khác hẳn lúc sáng tôi đạp nó đến đây, vô cùng nặng nề vì không biết có kết quả gì đây và rất chắc chắn rằng: buổi đi xin việc nơi Ủy Ban nếu không thành sẽ khiến tôi càng thêm bần tiện trong việc chi dùng cho cá nhân mình vì mất toi một buổi sáng!
Nhưng tôi đã được, được hơn những gì tôi nghĩ, thế nên, có một người khách vẫy xe, tôi lắc đầu từ chối, trước mắt nhìn ngạc nhiên của họ, tôi cảm thấy nhẹ tênh trong những guồng quay quen thuộc trên đường về thẳng nhà. Tôi có ý định đạp xe ngang nơi mà ngày mai sẽ đến để nhận việc, nhưng tôi tự gạt phắt đi, làm gì phải vội, nơi đó, tôi quen quá rồi vì đi ngang qua hoài, hoặc cũng đôi ba lần đưa khách đến vì công việc của họ. Nơi đó, trên cổng vào có tấm bảng TRẠM CÂY GIỐNG ngắn gọn và đơn giản chứ không dài dòng đầy vẻ hàn lâm trong tờ giấy phân bổ tôi đang có trong túi. TRẠM THỬ NGHIỆM ƯƠM VÀ PHÂN PHỐI CÂY GIỐNG. Thú thật tôi thích cái tên gọi đầy đủ và có phần rườm rà này hơn, vì có lẽ mai đây nếu ai hỏi, ê, làm ở đâu, tôi sẽ rất mập mờ, à, làm nghiên cứu cây giống! Chà, có oai không chớ. Tôi khoái chí quá cỡ, trên đọan đường vắng, tôi bật cười hô hố và thiếu điều chiếc xích lô, dưới đôi chân khẳng khiu của tôi, nó chạy một cách thong dong tưởng như đang trong cuộc nhàn du, đầy lãng mạn!
Tôi vỗ nhẹ lên tay lái xích lô, như võ tướng nựng nịu con chiến mã và nói chắc hẳn chẳng khác vị tướng nọ đã nói với con ngựa sau lúc nó đã làm tròn phận sự.
- Thôi nghe, mai này tao đi làm rồi, tao cho mày nghỉ chơi hoặc giả cho người khác thuê lại. Đàng nào mày cũng phải làm đúng với cái số kiếp của mày!
*********
Nói một cách văn vẻ rằng là: đời tôi sắp sang trang mới, giã biệt cái xích lô, để làm một công nhân, sáng đi, tối về. Xem ra trang mới này có vẻ như vận may đã mỉm cười với tôi, mà nhiều năm qua tôi ngỡ vận may làm gì có trên đời. Nhưng, có đấy, tôi đang có bằng việc đẩy chiếc xích lô vào sân, chuẩn bị để thích nghi với trang đời mới này.
Thú thật, tôi không thích tí nào về vụ việc đời mình cứ liên tục sang trang như một quyển sách bị gió thổi, nó khiến tôi lo sợ và mệt lử. Sao tôi có thể quên được, ngày đầu tiên, bằng những cử chỉ vụng về, đẩy chiếc xích lô ra khỏi con hẻm nhỏ, leo lên đạp thử vài vòng. Những người quen dò hỏi:
- Mướn chạy hả?
- Không, mua, xe mua.
- Ngon dữ đa!
Ngon dữ ta! Lúc ấy tôi đã chua chát biết mấy vì lời bình phẩm có vẻ nể trọng kia. Mẹ kiếp, chạy xích lô mà NGON ở chỗ nào kia chứ? Nhưng quả là ngon thiệt, chiếc xích lô chị tôi “nhín” ra từ quán hàng không lấy gì làm đắt khách, mua, và bảo rằng, thôi, cậu ráng đi, để có tiền tiêu pha. Nhờ nó tôi đã sống không đến nỗi khó nhọc lắm, dù có rất nhiều khi, mông đít tôi ê ẩm, cũng chẳng giúp cho cái miệng, chỉ một miệng tôi mà thôi, ăn sướng hơn được là bao nhiêu nhưng cảm thấy mình NGON thiệt khi các bạn đồng nghiệp thường là đi mướn xe để chạy, dĩ nhiên là phải chạy chí chết trước tiên là trả tiền mướn xe, sau đó mới tính chuyện ĐỔ VÀO MIỆNG.
Người ta có thể vừa rất căm ghét vừa biết ơn đối với chỉ một người. Điều này có vẻ mâu thuẫn, làm sao có thể cùng một lúc vừa căm ghét vừa biết ơn cho được. Vậy mà, với chiếc xe xích lô của tôi, điều này có thật. Tôi căm ghét vì khi ngồi lên, đạp từng bước với đôi chân còm cõi, chưa có đến một người khách dù trời đã trưa. Tôi muốn bật lên một tiếng chửi thề, không biết trưa sẽ ăn nơi đâu và quan trọng hơn, tiền đâu để ăn. Tôi cũng biết ơn nó, bởi vì nhờ nó, dù có khốn khó là mấy, tôi cũng đã đôi phần chủ động về miếng ăn và đôi lúc khách là một cô gái cổ áo có hơi rộng, tôi ngồi ngất ngưỡng trên cao, nhìn xuống còn gì che chắn được nữa. Tiếc một điều, có sức để đạp xe (nhất là vào tháng Ba nắng rát) còn hơi sức đâu rất đỗi nghĩa đen, để thưởng thức TÒA THIÊN NHIÊN đang phơi bày lồ lộ dưới mắt?
Giờ đây, tôi đẩy nó vào góc sân.Thôi, không còn những giờ phút bờ mông ê ẩm vì quần đảo qua nhiều đường phố, thôi, không còn những cuốc xe chở một bà lão béo ị, giữa trưa nắng hực, đẹp nhưng cũng rất đáng rủa. Thôi, thôi nhé, ngỡ rằng đời tao sẽ gắn chặt với mày trong một trang tối ám, nhưng ơn trời, và ơn mày, tao đã khác rồi kể từ giờ này, tao đang bước chân sang một- trang- đời- mới, ở đó tao hy vọng trang mới này sẽ không nhàu nát, nhòe nhoẹt như trang có tao và mày!
Mày không thấy tao đang đổi lốt đây ư?
Tôi cởi bỏ bộ quần áo rách gối, bạc phếch vào một nơi, cùng với đôi dép nhựa và sau đó, trong vỏ bọc mới, tôi đi dép sa-bô, nặng trịch và cao như đôi guốc- mộc của một ông thầy đồ, đến nhà lão tổ trưởng tổ dân phố để yêu cầu một việc mà tôi biết chắc sẽ khiến lão ta trố mắt ngạc nhiên dễ chừng cho tôi là hóa điên. Tôi yêu cầu cho miễn không phải đi gác dân phòng nữa vì tôi, giờ đây đã là một công nhân viên.
**********
Dường như có gì đó không ổn trong xấp giấy tờ mà chàng trai trước mặt tôi đang xem, phải lật qua, lật lại nhiều lần rồi đặt tờ giấy tôi đem trình xuống trước mặt.
Anh ta lên tiếng:
- Chú có bằng đại học, sao không lại xin về đây, cho uổng?
- Tôi đâu có xin. Huyện cho tôi về đâu là quyền của họ, chớ tôi đâu xin.
- Nhưng lẽ ra, huyện phải điều chú về một nơi nào khác, chứ ở đây, lên liếp, bón phân, tưới nước đâu cần đến cử nhân, tiến sĩ. Thật hết biết.
Tôi e dè hỏi lại khi chợt nhận thấy, biết đâu lại có rắc rối:
- Thế nghĩa là tôi không được nhận việc?
- Được chớ!- Chàng trai nói, giọng chắc nịch- Chú được nhận chắc. Hôm qua tụi tui có nhận đuợc lý lịch của chú Huyện giao xuống. Có điều, tôi cũng lạ, đáng ra chú phải được đến một nơi khác chớ không phải đây.
- Thôi, anh à- Tôi nhỏ nhẹ- Được phân công làm việc là tốt quá rồi. Kén cá chọn canh làm chi cho thêm phiền. Thế, chừng nào thì tôi nhận việc?
- Bữa nay chứ chừng nào- Chàng trai cất mớ giấy tờ vào trong ngăn kéo và thêm- Tôi đã báo suất ăn cho chú, trưa chú xuống nhà ăn tập thể. À, mà này, chú có biết nhậu không?
- Trưa nay, tôi sẽ có cơm ăn, trưa nay dù có làm hay không làm thì tôi cũng có cái ăn khỏi lo như khi đạp xích lô. Chưa kịp mừng thì đã nghe một câu hỏi không ăn nhập gì đến câu chuyện nãy giờ. Tôi ú ớ:
- Nhậu hả, thì cũng chút chút.
- Vậy được!- Chàng trai nhìn đồng hồ- Để tôi đưa chú đi gặp trạm trưởng. Giờ này chắc mấy chả gầy sòng rồi.
Cũng vẫn là những bước chân rón rén, tôi theo sau chàng trai, vòng về phía đằng sau dãy nhà nhiều phòng, dài theo chiều ngang, và nhận thấy phía sau, sau dãy nhà là cả một vườn cây đang ươm, rộng như mút khỏi tầm mắt, dưới một tàn cây điều Ấn độ, thường gọi là điều nếp, với những nhánh thấp là xà vươn ra rất rộng, nơi đó, có một bàn mà tôi biết chắc rằng đó là bàn nhậu là không tin, mới hơn 8 giờ sáng và đang-trong-giờ-làm-việc, người ta có thể và “dám” nhậu!
Tôi vẫn bước chân rón rén phía sau lưng chàng trai trẻ, chẳng khác một đứa bé núp sau mẹ khi đến một nơi lạ, và đưa mắt nhìn lên bàn nhậu, biết rằng cuộc nhậu mới chỉ được bắt đầu, không lâu lắm.
- Chú Trưởng à, lính mới của mình đây.
Chàng trai nói với ai đó và đứng xích qua một phía để tôi lộ ra, một tôi hai tay tự nhiên chắp trước bụng và mắt thì nhìn xuống. Tôi lí nhí:
- Dạ, chào chú Trưởng và mọi người.
Tôi chào thế nhưng không hướng cái đầu gục gặc về hướng nào, vì trên bàn nhậu kia tôi đâu biết ai là CHÚ TRƯỞNG và CHÚ TRƯỞNG là tên hay đó là chức vụ mà người đó mang? Trong bàn, ai đó lên tiếng, giọng kẻ cả:
- Coi nào, lính mới, sao còm nhom vậy? Liệu có thể tưới nước cho hàng công đất mỗi ngày?
Ngẩng nhìn lên, người vừa buông ra giọng nói kẻ cả ấy, rõ là SẾP rồi đây, dù ông ta cũng còm nhom không kém gì tôi, người đã bị ông ta nhận xét. Chưa biết trả lời thế nào thì người ấy đã cười:
- Mà thôi, có ai bắt hai đứa đứng chầu mãi thế đâu. Kéo ghế ngồi rồi nói chuyện sau.
Ông ta quay về phía dãy nhà và lớn giọng:
- Ê, có đứa nào trong đó cho tao thêm chén đũa cái coi.
Và nhìn tôi:
- Chú em nhậu được không?
- Dạ, cũng chút đỉnh.
- Tốt, uống với qua vài chung cái đã. Lính mới chào sân mà.
Nói vừa dứt, CHÚ TRƯỞNG cầm chai rượu rót vào ly đưa tôi, kèm ánh nhìn như muốn CHẤM ĐIỂM.Tôi vẫn tỏ ra một vẻ khép nép:
- Dạ, thưa CHÚ TRƯỞNG, đang giờ làm việc, là, không được uống rượu!
- Thì đang giờ làm việc, vậy chớ nhậu với SẾP, chú em còn sợ nỗi gì, nào?
Ly rượu trong tay CHÚ TRƯỞNG, hướng về phía tôi, chờ đợi kéo theo ánh nhìn của mọi người trong bàn, cũng chỉ là ánh nhìn đánh giá, cho điểm. Không dừng được, tôi đưa hai tay đỡ ly rượu từ tay CHÚ TRƯỞNG. Chao ôi, ly rượu lớn quá, nó có thể làm cho bất cứ bợm nhậu nào cũng phải NHỢN khi uống hết một lúc, đó là chiếc ly mọi người ưa gọi là CHẾT ĐẼO.Tôi rụt rè:
- Cho phép tôi uống, nhiêu đây thôi.
- Đâu được- Có vài người phản đối- ly chào sân, làm cho đẹp coi nào!
Biết không thể từ chối, tôi nhắm mắt đưa ly rượu lên, ngửa cổ, cạn một hơi đánh ực và chấm dứt bằng một tiếng khà, để tống khứ bớt hơi men khiến cổ họng tôi như vừa uống một hớp nước, chưa kịp nguội.Tôi ứa nước mắt, đặt cái ly không xuống bàn không nói gì được vì mồm còn há hốc hớp gió như một con cóc bị đưa lên cạn.Thay vào là nụ cười chắc hẳn là méo mó.
Người đầu tiên lên tiếng là CHÚ TRƯỞNG, ông ta huơ tay tỏ vẻ tán thưởng:
- Chà, uống được dữ ta. Ngồi xuống đi, rồi mình nói chuyện.
Quay về phía chàng trai, chú hất hàm:
- Còn thằng Nguyễn- Thị- Này, làm một ly coi.
Chàng trai rối rít xua tay trong lúc chân thối lui:
- Dạ thôi, chú Tư. Con đâu biết uống rượu.
- Bởi, vậy tao mới kêu mày là THỊ…
CHÚ TRƯỞNG, Chú Tư cười khà sau câu nói đuổi theo lưng chàng trai đi về nơi làm việc của mình.Tôi cũng ngồi xuống ghế, mà một chị đã đem ra theo chén đũa. Không dưng chị ta liếc nhìn tôi, ánh mắt dò xét, có lẽ dành cho bất cứ ai chị gặp lần đầu. Chị có vẻ ngạc nhiên khi nghe tôi cám ơn, làm như từ lâu rồi chị đã không được ai cám ơn.Tôi nghe chú TRƯỞNG cười lớn:
- Ê, chú em mày uống coi bộ được lắm nghe và con nhỏ Lượm này- Chú nháy mắt với tôi- Cũng được dẫu đa. Mà nó chưa có chồng!
Chú Trưởng nói chuyện, chẳng khác gì một con cóc nhảy. Câu trước chẳng có liên hệ đến câu sau, đang phía đông, chú quay ngoắt sang phía Tây mà không hề báo trước. Tuy nhiên, sau vài tua rượu, tôi cũng đã biết được, qua lời làm như giới thiệu rất CÓC NHẢY của chú Trưởng, những người đang ngồi uống với mình, thảy đều ở bộ phận gián tiếp. Dĩ nhiên, tôi thích thú vì uống rượu ngay trong giờ làm việc, có sao đâu, ngồi với Sếp mà, việc gì phải sợ.Tôi chỉ đang sợ một điều mình phải đối mặt, ly rượu đi nhanh quá, mới ngồi chút xíu, tôi đã phải uống đến ly thứ mấy, chưa kịp gắp mồi từ một tô bò kho nguội ngắt nên nổi đầy những váng mỡ. Cũng may, tôi thuộc loại uống không đến nỗi tồi, nhất là trong tâm trạng hưng phấn này.
Bỗng Chú Trưởng hỏi tôi:
- Ê, nghe văn phòng nói mày học tới đại học lận. Mà đại học gì vậy?
- Dạ thưa Chú Trưởng…
Xua tay bằng một cử chỉ cương quyết, chú ngắt lời tôi:
- Thôi, mày làm ơn bỏ cái điệu thưa dạ ấy đi. Hồi còn làm bên hành chánh sự nghiệp tao đã nghe chán lỗ tai cái điệu dạ thưa lễ mễ lắm rồi. Anh Tư là xong.
- Dạ, cám ơn chú, ơ, anh…
- Nữa, lại nữa phạt thằng này một ly mới xong.
Sau ly rượu phạt và sau câu nói để tôi nhận ra rằng, anh Tư cũng dễ gần, không tỏ ra là người chỉ huy khó tánh.
- Em học đại học văn khoa.
- Tao đâu nghe có cái đại học đó.
- Dạ có chớ, trước đây mà.
Anh Tư gật gù ra vẻ hiểu biết:
- Rồi, mày học cái giống gì ở trỏng?
- Em học văn chương, học triết lý.
- Chà, triết lý! - Anh Tư đang định cầm ly rượu, bỗng ngưng lại và nhìn tôi lom lom - Tao nghe đâu mấy đứa học triết lý gì đó ưa lý sự lắm, đúng không?
Khi tôi chưa kịp trả lời câu hỏi của anh Tư thì tôi nghe thêm, lần này nặng nề hơn nhiều:
- Chà, coi bộ Huyện đưa chú mày về lầm chỗ rồi. Tao đâu ưa mấy đứa lý sự. Dưới tháng trước tao trả về Huyện cũng một đứa cử nhơn như mày!
Gay rồi! Tôi than thầm trong lòng và không thể ngờ, mới chiều qua, đến lão tổ trưởng dân phố để xin miễn gác dân phòng khi lão tin chắc tờ giấy phân bổ là một sự thật hiển nhiên, lão cũng nheo mắt hỏi “bộ, có BÔI TRƠN hả?” lúc đó tôi đã nghênh mặt lên, ông nói vậy là sao “bôi trơn” là cái gì? Tôi được nhận việc vì tôi có học, có bằng cấp, chứ bộ khi không có bằng cấp, nhà nước cho việc chắc?
Giờ này, ôi, cái bằng chết tiệt bởi qua nhiều chục năm đã chẳng sinh lời thì chớ, mà xem chừng nếu không khéo sẽ rất phiền cho tôi kia.Tự nhủ mình phải khéo, tôi cầm ly rượu đưa cho anh Tư:
- Thì anh cứ uống đi rồi em nói.
- Mày nói đã, tao uống sau, nhiêu ly cũng được nếu lọt tai.
Tôi từ tốn nói chậm rãi nhưng rõ ràng:
- Ba cái vụ triết lý học trong trường, em không cần biết. Giờ đi làm em có một cái triết lý thế này: đi làm, “sếp” nói sao nghe vậy, sai đâu làm đó, không ý kiến ý cò gì ráo. Đó, cái triết lý của em vậy đó, anh Tư thấy sao?
Không rõ, sau câu nói của tôi, có người nào đó trong bàn nói thầm “lại thêm một nịnh thần!”, chỉ thấy một điều, anh Tư đắc ý, vỗ tay xuống mặt bàn khiến ly rượu đổ ngang, anh cười lớn vẻ ưng ý:
- Đó, vậy mới là triết lý sống. Nó đúng dữ dằn nghe, thằng em. Nhưng điều này mày học được trong trường hả?
- Không- Tôi lắc đầu- Khi không còn học, em ra ĐƯỜNG, em học được điều này ngoài đường. Ôi cha, anh Tư biết mà, ngoài ĐƯỜNG có khối điều cho mình học. Mà nghe, toàn những điều khiến mình sống không được à.
Anh Tư gật gù tán thưởng và nhìn cử chỉ đó tôi rót rượu ra ly mời anh:
- Nếu lời em vừa nói lọt tai, anh Tư uống dùm em ly này cái coi!
- Ưà thì uống - Anh Tư nhìn tôi - Mày nói nghe được. Chứ nếu không, tao trả mày về Huyện. Coi bộ mày có thể ở đây được.
Ở đây được, không trả về Huyện cũng có nghĩa là tôi không trở về với chiếc xích lô để trở lại cái trang đời xám xịt vừa mới được lật sang.
Tôi thở phào và như bất cứ một người uống rượu nào, đã có rượu lại thêm điều khiến thỏa chí, tôi thò tay vào túi lấy tiền ra, gọi với vào phía sau:
- Này, chị gì, à chị Lượm ơi, đi kiếm giúp cho tôi chút mồi gì coi.
Anh Tư vừa tỏ vẻ không đồng ý thì lập tức tôi cũng có một cử chỉ cương quyết không kém. Anh Tư để em phần này, chuyện nhỏ mà. Không cho em lo, anh Tư coi thường em đó!
Cha chả, lính mới này được ớn đa, mà thôi, cởi áo ra, nhậu mồi mới cho bắt cái coi. Nắng quá rồi.
Mà nắng thật, hình như đã trưa, bởi ánh nắng cũng đã xuyên qua tán lá rậm rịt của cây điều nếp, rọi xuống lưng mấy người ngồi nhậu khiến nóng rát và có vẻ như công nhân sản xuất về ăn bữa trưa.
Chẳng thấy cái chị Lượm ấy ra để cầm tiền tôi đi mua mồi mới. Mãi một lúc lâu, chị ta mới ra đem theo vài dĩa thức ăn, khi không chị ta để dĩa xuống trước mặt tôi ra vẻ giận dữ:
**************
Tôi thức giấc, có lẽ vì một tiếng động nào đó, mà chắc hơn, sau một giấc ngủ đủ làm tan hơi rượu. Vẫn trong tư thế nằm, tôi đảo mắt nhìn quanh và ngạc nhiên bởi vì tôi nhậu dưới một gốc cây điều, sao giờ đây lại nằm trên những chiếc ghế dài, người còn đắp thêm một manh áo ấm. Giở tấm áo ra khỏi ngực, tôi càu nhàu nho nhỏ:
- Nóng muốn chết còn áo với chăn.
- À, dậy rồi! Tưởng chết luôn ấy chớ.
Một tiếng nói phụ nữ cất lên và tôi nhận ra đó là Lượm. Sao cô ta lại ở đây và nói một câu xem ra có phần giận lẫy. Cố gắng ngồi dậy, tôi hỏi:
- Chị Lượm à, ai đưa tôi vào đây vậy? Mà chú Sành đâu rồi?
Chú Sành là người giờ đây trong cái đầu tôi đã mụ đi vì rượu tôi còn nhớ được lời của anh Tư, thôi tạm thời mày xuống với ông Sành, tính sau, nghe.
Chú ấy xuống kho lo chỗ ngủ. Mà thôi anh rửa mặt cho tỉnh táo, chờ chú Sành lên rồi ăn cơm, ở đây đi. Chứ không quen như anh, xuống kho, nuốt cơm sao vô.
Chị Lượm đặt một ca nước xuống bàn ra ý bảo tôi rửa mặt, cử chỉ chẳng khác nào của một người chị đang lo cho đứa em quá đỗi hư đốn. Rồi khi tôi cảm thấy hơi tỉnh trí vì rửa mặt, chị ta lại dúi vào tay tôi một vật khiến tôi phải hỏi:
- Cái gì vậy?
À, lọ dầu cù là. Cầm đi, lát nữa bôi vào mũi cho bán mùi. Không có nó, chưa quen, ói tới mật xanh luôn.
Ngưng chút xíu, không cho tôi nhận lọ dầu, chị ta nhìn tôi.
- Ủa, mà coi bộ anh không còn nhớ em?
- Ờ, thì tôi cũng mài mại.
- Xời ơi, nhớ lại coi, cái bữa anh chở em về với hai cái chạc rau giống, nửa đường, xe xì, nào, nào nhớ chưa?
Ôi trời, có biết bao người khách và cũng có biết bao trở ngại trên đường kiếm sống, sao tôi có thể nhớ được trong BIẾT BAO ấy!
Dường như không chịu được, chị ta lại vẽ thêm một chi tiết nữa cố giúp tôi nhớ:
- Bữa đó trời mưa, em nói anh mặc áo mưa kẻo bệnh. Nhớ chưa nào?
Tôi vẫn không thể nhớ được, nhưng nhớ một kẻ nào đó đã mách nước rằng khi một người phụ nữ cố gợi nhớ cho một người khác phái mà người đó không thể nhớ được thì… thì… đúng là đần độn. Tôi vỗ nhẹ lên trán, reo lên:
- A, nhớ rồi, tưởng sao bữa đó trời mưa quá ể!
- Mưa chút xíu hà! Lượm chữa lại. Tôi cảm thấy còn khó xử hơn nư khi ngồi nhậu chào bàn lúc sáng và tốt hơn cứ ầm ừ cho qua chuyện. May quá chú Sành lặng lẽ trở lại không một tiếng động khiến bàn tay Lượm đưa hũ dầu cù là cho tôi vội rút về như đang có một cử chỉ đáng chê nào đó giữa trai gái, mà chỉ nên có ở nơi kín đáo.
Chú Sành, ngồi vào mâm cơm đã được dọn ra, hắng giọng:
- Tao tính đem cơm về kho ăn luôn.
- Thôi chú ơi, ăn đây đi. Dưới đó, chưa quen mùi, ăn không vô, tội ảnh.
- Ờ, mà sao bữa cơm này coi bộ được bồi dưỡng dữ hả? Cho ai đây nào?
Lượm không nói gì, bới cơm ra chén, đặt trước mặt mỗi người, nói với tôi trong lúc chú Sành đưa ra một chai rượu:
- Anh ráng ăn cơm đi, trưa nay, có thấy anh ăn gì đâu, uống không hà.
Rồi thêm:
- Nè, uống ít thôi đó nghe. Tưởng đâu ông hiền, ai dè cũng quậy giàn trời mây!
Những câu nói, nhất là giọng điệu của Lượm tôi đã nghe quen lắm ở đâu đó rồi, có vẻ như của một người mẹ, người chị, người vợ và dĩ nhiên nói với một ai đó, không phải tôi.
Tôi lặng lẽ cố nuốt trôi miếng cơm đang được nhai uể oải trong miệng, mà lạ chưa tôi cũng cố làm ra vẻ ngon lành khi bắt gặp ánh nhìn của Lượm, đang nhìn tôi, âu yếm và dọa nạt. Lúc này đây tôi mới nhìn kỹ, Lượm mặc một bộ đồ bộ, màu khá nhã, và xem ra dáng người cũng thon thả, dễ nhìn hơn buổi sáng.
Chú Sành lại hắng giọng:
- Ăn, lẹ lên, bộ tụi bay ngồi ngắm nhau, bắt tao phải ngồi theo chắc?
***************
Tôi bước theo sau chú Sành về kho. Sau lúc đã bị Lượm kéo tai lại nói nhỏ vào tai, lần này thì rõ ràng là một lời dọa nạt:
- Từ mai uống ít đi nghe. Cứ cái điệu này, lấy ông, nếu không ở giá sớm thì cũng đi móc bọc. Nghe, nhớ nghe. Em không chịu đâu mấy ai nhậu nhiều đâu.
Dường như, Lượm cấu nhẹ lên tay tôi sau câu nói và tôi thì bỗng nhiên đầu óc đầy ứ một cảm giác khó tả khi chú Sành đang dùng chiếc đèn pile rất mờ soi đường vừa nói vừa cười:
- Cái con Lượm, tao không biết bay quen nhau lâu chưa mà coi bộ nó chẳng khác chi má mày, ê, nói mày đừng giận nghe, bởi sự thật là vậy. Tao nghe nó ra lệnh cho mày không hà!
Không trả lời câu nói của chú Sành bởi tôi còn đang cố nhìn xuống chân tránh những bãi phân mà chú cho biết, hôm nay mấy đội sản xuất vừa bón vào vùng cây giống. Bỗng nhiên tôi kêu:
- Chú Sành à, sao thối quá!
- Thì hồi sáng mới đổ xuống kho mấy hầm bồn cầu, chưa ủ tro vôi, không thối sao được.
- Thúi quá đi!
- Mày lấy hũ dầu xức lên mũi, đỡ phần nào, lát còn “khúc” này tao mới này làm hết thì thối cỡ nào cũng chẳng sao vả lại, riết rồi cũng quen.
Riết rồi cũng quen. Tôi vẫn bước rất chậm rãi, cẩn thận một cách vô ích dưới ánh đèn pile của cây đèn gần hết pile trong hơi thối càng lúc càng dữ dù tôi đã trét lên mũi một lượng cù là rất nhiều.
Trong bóng tối nhập nhoạng nhưng tôi nhìn rất rõ, chiếc xích lô, chắc hẳn giờ đây đã được chị hoặc cháu tôi kéo hẳn vào nhà để giữ cho khỏi bị rỉ sét, nó có chờ tôi lùi bước hay không? Cũng trong bóng tối tôi nhìn rõ hơn, ánh mắt của Lượm, của cô gái mà thú thật giờ này đây tôi cũng không thể nhớ nổi mình đã gặp nơi đâu trên cung đường rất nhiều mồ hôi, và thật nhất là hơi thối đến tởm lợm càng lúc càng vây bọc lấy tôi, hình như dưới bước chân đi một cách dò dẫm bằng đôi ủng Lượm bắt tôi xỏ vào, tôi đã đạp phải cứt vì bước chân tôi có vẻ bị trơn trượt.
Tôi thối về với chiếc xích lô, hay tôi bước tới nhập vào cái hơi thối kinh khủng đang vây quanh mình, hòa nhập, chấp nhận nó, để sống? Chú Sành lên tiếng:
- Thôi, ráng đi chú em mày. Rồi cũng sẽ quen với cái thối này thôi.
|
|