|
Không biết đây là lần thứ mấy trăm ông Ninh phạm phải sai lầm mà cũng từ mấy trăm lần ông tự răn mình là chớ nên dại dột để sập vào đó ! Thế mà ông vẫn sập vào, sa vào – mới tức thì đây thôi.
Ông nổi sung nói với vợ:
-Bà là vợ tôi chứ có phải là mẹ tôi đâu mà dạy tôi như dạy lũ con nít vậy?
Bà Hà liếc xéo chồng sắc bén như lưỡi dao cạo, bà hơi trề môi dài ra, giọng như đóng đinh:
-Ông đừng đem tuổi tác ra mà hù dọa tôi – ông cứ nghĩ lại xem, ông có phải là con nít không?
Ông Ninh có vẻ ân hận vì đã tự mình phạm sai lầm như một trăm lần trước. Ông ngồi yên ở ghế dựa, lấy một điếu thuốc gắn lên môi …
Tiếng bà Hà gõ đều đều :
-Xin lỗi ông chứ những gì ông nói con nít chúng cũng biết – mà chúng đâu thèm nói ? Thời này, bước chân ra đường là đụng phải bao nhiêu chuyện để nói, để bàn, để nghĩ ngợi lung tung! Dại gì ông đem ba cái chuyện trời ơi đó vào nhà ? Cơ quan, công ty, xí nghiệp, siêu thị, chợ búa - ối trời, ở đâu mà chẳng vậy ?
Tai ông tự khép kín, để cái đầu nghĩ về chuyện gã Giám đốc ức hiếp, bè phái, sa thải Huyền vì nghi ngờ cô ấy ,“tiếp tay” cho người yêu là Khải làm đơn tố giác ông những sai phạm về tài chính, và lối sống phè phỡn sa đọa vừa mới được “tổ chức” mời họp sáng nay. Thực ra, Huyền là nạn nhân của một cuộc tình mà nàng không đủ can đảm giải bày trước mọi người. Nàng trân trọng Khải. Và nàng cũng rất e ngại “chỗ dựa” vững chắc của Thu. Là trưởng phòng tài vụ, ông phải là người đầu tiên ký vào biên bản hạch tội Huyền để gã Giám đốc ung dung ký quyết định cho Huyền nghỉ việc nếu ông không muốn nghỉ việc trước.
Ông như chợt tỉnh – đôi mắt mở to như hai đèn pha chiếu vào gương mặt phẳng lì, lạnh tanh của bà Hà.
Ông cao giọng:
-Bà nghĩ xem, nếu tôi ký vào biên bản là tôi đồng lõa với tội ác- Huyền buộc nghỉ việc – còn Khải chắc gì được yên ?
Nét mặt lạnh tanh ấy bỗng hơi méo lệch, vì một nụ cười chế nhạo:
-Chúng nó mất việc thì đã có ảnh hưởng gì đến ông ? – Ông vẫn còn là … À, hay là … Bà Hà bỏ lửng câu nói sau cái nhìn sắc như lưỡi dao cạo ném về phía ông. Lời nói bỏ lửng đầy ác ý cũng như một hòn than hồng rơi tuốt vào giữa ngực ông.
Ông Ninh uể oải bước lên gác như mọi khi, để tránh tiếng búa và lưỡi dao cạo. Để nguyên áo quần, ông thả người xuống giường – tiếng khóc ấm ức của Huyền lại vang lên bên tai ông, mỗi lúc một to dần như có ai vặn volume hết cỡ…
Buổi chiều vợ chồng đứa con gái ông đã về (chúng cùng ăn trưa ở Công ty) – mâm cơm đã đặt sẵn trên bàn – bốn người đã ngồi vào ghế.
Ông Ninh chưa cầm chén đũa vội – ông lặng lẽ đưa tia nhìn yếu ớt về phía con gái – giọng trầm buồn :
-Phương, con có biết cô Huyền kế toán làm việc ở phòng ba không?
-Cô Huyền – tóc – dài chứ gì ? – Phương vừa nhai, vừa nói.
-Ừ, nó sắp bị cho nghỉ việc…
-Ủa, sao vậy ba ?
-Thì lão Giám đốc nghi nó cung cấp chứng từ cho kỹ sư Khải làm đơn tố giác lão ấy …
-Hai người người yêu nhau mà ba?
-Chính vì “yêu nhau” nên lão Giám đốc mới mạnh tay khi nghe con Thu nỉ non thì thầm…
Bà Hà thỉnh thoảng phóng một lưỡi dao cạo sắc lẽm lên mặt ông Ninh – nhưng da mặt ông cũng đã dần chai cứng – nên cũng chẳng hề hấn gì. Chồng Phương yên lặng ăn – anh cố tránh xa, không để dính vào những câu chuyện mà có lần cho là “chuyện trên trời dưới đất” của ông Ninh nữa . Hôm nào ông Ninh đem “chuyện ngoài đường” vào nhà – nhất là trong bữa cơm chiều sum họp như thế này thì chồng Phương ăn không ngon, ăn vội vã để lên phòng khách bật ti vi, hay vào phòng riêng đóng sập cửa lại ấn nút chiếc cassette…
Giọng Phương bình thản :
-Anh Khải hiền, đạo đức lắm mà ba ?
-Đạo đức, hiền - đâu phải dửng dưng với cái xấu, cái ác – con ?
Bây giờ bà Hà mới tiếp tục đóng đinh vào tai chồng :
-Tôi nghe thằng Khải trước khi về làm ở công ty ông, đã là giảng viên bỏ dạy, đã đi làm cho chỗ này chỗ nọ - thậm chí cho công ty nước ngoài – nhưng nơi nào nó cũng “quậy”, cũng thưa trình, làm đơn… để sau cùng là bỏ việc. Liệu cái bằng Thạc sĩ, cái đạo đức của nó có làm cho nó sung sướng bằng đàn em của nó không ?
Ông Ninh nhai chậm chạp từng miếng cơm như nhai xương bò. Phương thoáng liếc nhìn mẹ - rồi nhìn ông Ninh, bỏ đũa xuống mâm :
-Thôi đi ba ơi ! Ba nên nghĩ đến nồi cơm nhà mình thì hơn… ba gắng làm, gắng chịu vài năm nữa rồi sẽ về hưu an toàn mà !
Vợ chồng Phương cùng đứng dậy im lặng trở về phòng riêng. Tiếng nhạc khô khốc vọng ra. Tiếng đóng đinh của bà Hà mạnh hơn :
-Thằng Khải mộ đạo, ngày nào cũng đọc kinh – nhưng kinh kệ để làm gì cho thân nó lận đận, bấp bênh, thất nghiệp ? Đạo đức có nuôi nó sống nổi hằng ngày không cái đã – ông trả lời tôi nghe …
Ông Ninh dằn mạnh chén xuống bàn – “Bà nghĩ, trên đời này nếu toàn là loại người như lão Tập bê tha, bất chính thì cả nhà ta có yên được không?”
Tiếng bà Hà cười như ong vỡ tổ:
-Ối dào ! Ông hơi lo xa quá đấy! Ông liệu còn sống được bao nhiêu năm nhỉ? Đúng là ông dở người, già rồi sinh tật …
Bữa cơm chiều kết thúc nặng nề, buồn bã – như bao bữa cơm có “chuyện ngoài đường” đem vào nhà …
Bà Hà lui cui thu dọn phía sau.
Ông Ninh đã bước lên mấy bậc cầu thang – bỗng quay lại. Ông đến gõ cửa phòng của vợ chồng Phương. Phương xoay tay nắm mở cửa, ông Ninh ngoắt tay gọi chồng Phương ra phòng khách.
Ông thì thào :
-Giả thử con ở vào vị trí của ba, trường hợp của ba – thì con nghĩ sao, làm gì nào ?
Chồng Phương ngớ ngẩn hỏi :
-Thưa ba, trường hợp nào ạ ?
-Thì trường hợp của con Huyền, thằng Khải ấy…
-Đó là chuyện riêng của công ty với ba – con làm sao biết được ạ ?
Câu trả lời như một cơn mưa rào bất chợt ào ạt đổ vào người ông. Ông Ninh cảm thấy mình như bị cảm lạnh – ông vội quay trở lại cầu thang.
Thu chìa tấm giấy ra trước mặt ông Ninh – cười cưa gỗ :
-Chú Ninh, lãnh đạo vừa ký giấy cử chú hướng dẫn đoàn đi tham quan Đà Lạt bảy hôm đây … Tha hồ mà bay bướm nhé !
Ông Ninh không quay nhìn tấm giấy cho đến khi tấm giấy rụng xuống mặt bàn. Ông đang nhớ tới buổi họp “nội bộ” tuần trước. Từ gã bí thư chi bộ, bà phụ trách công đoàn, cho đến các trưởng phòng tổ chức sản xuất, kinh doanh đều chờ đợi chữ ký của ông, vì ông là người “lãnh đạo trực tiếp” của Huyền. Ông biết rõ nếu ông không ký, thì đồng nghĩa với việc ông ký vào đơn xin nghỉ việc. Về hưu non. Tiếng đóng đinh và vô số lưỡi dao sắc bén sẽ tới tấp được ném vào ông. Không tránh trời nào khỏi.
Hôm nay, bù vào sự “nhất trí cao” tuần trước – ông được cử hướng dẫn một toán tham quan du hí ở Đà Lạt. Lão Tập đã “ban ân” cho ông (và những tay chân bộ hạ) được đi nghỉ mát bảy ngày ở phố hoa thơ mộng để lấy lại phong độ. Ông Ninh biết mình như con chuột trong lồng bẩy khi nghe Thu to nhỏ rằng “chú Tập còn biết cả chuyện chú vay 5 triệu của công ty năm ngoái mà lúc trả, không trả tiền lãi cho công ty như đơn chú viết nữa ấy …”. Chính Huyền (lúc đó làm thủ quỹ) bảo “chú Tập lệnh cho cháu chỉ thu tiền gốc, không tính lãi”. Nay thì “lệnh miệng” làm sao cứu nỗi giấy trắng mực đen? . Năm triệu đồng ông đã xin vay riêng để đi Đà Nẵng dự đám cưới đứa cháu gọi bằng cậu (chi phí xe cộ và quà cáp) – đã lâu lắc, bây giờ lão Tập lại hé ra ! Ai đã “nhắc tuồng”, tham mưu, bàn mưu chỉ kế cho lão nếu không phải là Thu? Lòng người sâu và hiểm độc thật ! Mọi người trong công ty ai cũng hiểu nàng là “tai mắt” của lão Tập, nên chẳng có ai dám làm mích lòng nàng. Một số a dua nịnh nọt. Một số xuề xòa qua loa, không dám gần lâu. Một số lánh xa, im lặng. Khổ nỗi là con robot ấy lại ở sát cạnh ông suốt ngày. Ông luôn ở trong “tầm ngắm” của nó, nên cũng câm miệng như hến suốt ngày…
Thu là con robot được lão Tập điều khiển từ xa. Con robot vừa đẹp, vừa lẳng – ngoan ngoãn nghe theo lệnh “bấm nút” của sếp. Từ phụ tá cho kế toán trưởng, Thu nhảy qua nắm thủ quỹ. Rồi kiêm luôn phó phòng tài vụ. Huyền thôi giữ tiền, đẩy sang “giữ giấy tờ”, công văn, lệch lạc như một chân thư ký cho dầu có bằng cử nhân kế toán tài chính đã công tác mấy năm . Huyền đã yêu Khải vì tính cương trực nhưng hay cười. Khải đã đáp lại vì tìm thấy ở Huyền một sự đoan trang, trầm lắng hiếm có. Liệu sau “tai nạn” này – họ có còn gần nhau nữa chăng ? Nhiều lần ông Ninh muốn tâm sự với Phương, muốn tìm kiếm nơi Phương một câu giải đáp, một lời an ủi – nhưng chưa hề dám mở miệng. Ông cũng dần trở nên là một con robot lạnh lùng ngay trong gia đình của mình! Có một lần, ông lên gác, lén gọi cho cậu con trai út đang học năm cuối ở đại học Bách khoa Saigon bị bà Hà bắt gặp. Vậy là những lưỡi dao sắc lẽm phóng ngay vào người ông : “Trời đất ơi, ông đem “chuyện ngoài đường” đầu độc thằng nhỏ sao ? Ông muốn nó dại khờ như ông để về nhà nuôi heo, chăn vịt à ?”.
Ngay buổi chiều đầu tiên đến Đà Lạt chọn được nơi trú là khách sạn Hoàng Lan, sau khi tắm rửa xong – đoàn gồm bảy người (tính cả tài xế là chồng của bà chủ tịch công đoàn) thả bộ lên phố chợ…
-Đi bộ dễ “lùng sục” hơn đi xe – gã tài xế nói.
Minh – thành viên trẻ nhất ở phòng kinh doanh vỗ vào vai gã tài xế già sạn kinh nghiệm.
-Đi tham quan, du lịch – chứ đi hành quân “bố ráp” đâu mà ông kêu “lùng sục”?
Tiếng ông Tân (phòng tổ chức) nhỏ nhẻ:
-Ý ông ấy bảo đi “lùng sục” các ổ hang Karaoke ấy mà…
-Karaoke thì thiếu gì quanh đây – nhưng quan trọng là có thêm mục “tươi mát” massage hay không kia chứ ? Thanh cười hô hố.
-Ấy, “quan trọng là ở chỗ ấy” các ông à ! – Giọng Chất có vẻ hứng khởi!
-Các ông nói sai hết rồi – Tấn (phòng sản xuất) lên tiếng – cái quan trọng là chú Ninh có chịu “chi tiền” cho đàn em thư giãn không chứ ?
Hình như tất cả đều chiếu ánh đèn pha rọi vào mặt ông Ninh – ông cảm thấy vừa bối rối, vừa khổ sở : “Chú Ninh có nhất trí không?” – tiếng gã tài xế bóp kèn vào tai ông.
-Đi thì đi – ông cười vang, tôi có gì để ngán nữa đâu? Tiếng nói rắn rỏi như chạm vào vách núi, dội lại tai ông, nghe xa lạ và lạnh lẽo. Ông muốn có một người để trò chuyện khi bỏ tiền ra. Còn ai muốn hát hỏng hay làm gì thì tùy ý.
Họ cùng kéo nhau vào một quán đèn mờ sau gốc cây Sứ lớn nằm trong góc vườn hoa lá rậm rạp khi gã tài xế làm “thám sát” trở ra giọng đầy phấn khích : “O.K rồi nhé!”.
Gian phòng trang trí sang trọng rộng khoảng 25 mét vuông với bộ salon mouse, bộ ampli dàn máy, tủ gỗ cao chứa rượu, mấy tấm ảnh sex phóng lớn…
Bảy cô gái đều mặc mini jupe chạy ùa vào phòng như một cơn gió thốc. Một thoáng, chỉ đủ nhìn thấy mặt nhau – đèn tự động tắt, chuyển sang bốn dây đèn màu hồng treo lơ lửng giữa phòng. Bảy cô sà vào lòng bảy người vừa ôm vai, vừa mở bia hộp lốp bốp.
Nhạc trổi lên.
Màn hình hiện ra cảnh một cô gái ôm ghì gã đàn ông trên thảm cỏ thơ mộng nào đó – và bài hát “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời” ồ ạt vang lên từ giọng của một ả nào đó đang bịlên dây cót.
Trong ánh đèn mờ mỏng, ông Ninh cũng đã thấy sáu thành viên đồng hành đang ôm chặt sáu thân hình màu mỡ nồng nặc mùi nước hoa, son phấn. Ông đặt cô gái đang ngồi trên đùi mình xuống bên cạnh – cô gái điệu nghệ choàng một tay ôm cổ ông, tay kia trút lon bia vào miệng ông. Cô ta như một con đỉa, đeo bám quanh ông.
-Chúng ta nói chuyện một lát nhé!
-Dạ - anh hãy nói đi, em nghe đây – giọng chả chớt miền Tây như hũ mật rót vào tai ông.
Cặp gã tài xế biến mất.
Lần lượt năm cặp còn lại cũng từ từ bốc hơi.
Trong phòng còn lại cặp ông Ninh đang tỷ tê trò chuyện. Nhạc cũng trốn mất. Chỉ còn ánh đèn mầu hồng nhạt và sự im lặng của hai người. Ông Ninh đã kể chuyện về Huyền, về Khải, về Thu, và dĩ nhiên có cả lão Tập nữa. Tất cả đều được ông đổi tên – X Y Z chẳng hạn. Cô gái chăm chú nghe, thỉnh thoảng trút bia lon vào miệng ông, và chốc chốc lại trườn người hôn lên má ông chụt chụt rất xi nê.
Ông Ninh cúi hôn lên tóc cô gái lừng lẫy nước hoa – như một sự cám ơn, rồi nghiêm giọng hỏi : “Theo em, cô gái X ấy thế nào” – “rất tội nghiệp, đáng thương”.
-Còn anh chàng Y ?
-Rất đáng kính nể!
-Cô Z ?
-Thà đi làm đĩ còn hơn !
-Lão K ?
-Trời đánh thánh vật cho rồi!
Sáu thành viên lại lần lượt ôm eo sáu cô gái vào phòng trong sự giãn nở tuyệt đối.
-Chà, chú Ninh sao “sớm” vậy? – tiếng gã tài xế rổn rảng.
-Chú không “tươi mát” với em út sao ?. Tội nghiệp cho người đẹp quá! – giọng Minh còn bốc mùi hăng hắt.
Ông Minh đứng dậy khi người quản lý phòng xô cửa bước vào. Ông hỏi: “Tất cả bao nhiêu?”. Gã quản lý chìa ra tấm phiếu. Ông Ninh lôi tiền trong cái túi xách nhỏ ra trao cho gã ta. Xong, ông móc túi lấy tiền riêng ở ví ra : “Đây là khoảng tiền riêng của anh tặng cho em vì em đã nồng nhiệt dịu dàng lắng nghe anh, tuy là không xứng đáng với tấm lòng của em … !”.
Cô gái ôm chầm lấy ông hôn tràn lên mặt.
Ông bắt tay cô gái, bước ra khỏi phòng –Cảm thấy thật thoải mái…
|
|