|
Khi học đến lớp ba trường làng – năm 1957, Sáu Bẹo mới có ý thức rõ ràng hơn về cái tên “Bẹo" không đẹp của mình! Trước đó, dù lũ bạn thường chọc ghẹo – ngay trong lớp học, đôi khi thầy cô cũng lấy làm lạ về cái tên “Bẹo" khó nghe, vô tình hỏi – nhưng Sáu Bẹo chỉ tủm tỉm cười, rồi lãng tránh! Sáu Bẹo thường nghĩ: Nếu cha mình lúc ấy thay dấu “nặng” ( Bẹo ) thành dấu huyền ( Bèo ), dấu “sắc“ ( Béo ) hay dấu “hỏi” ( Bẻo) thì cũng không thể hơn! Sáu biết cha cũng là thầy dạy học ở sơ cấp, có vốn chữ Hán được ông nội Hương Kiểm chỉ dạy, nhưng sao lại hết chữ để đặt tên cho đứa con trai duy nhất của mình đứng sau ba người con gái toàn là tên đẹp vậy (Thanh Trúc, Cẩm Hương, Thiên Lý)?
Sáu Bẹo cảm thấy ngượng ngùng khi hỏi cha – nên hỏi mẹ: “Sao mẹ đặt tên cho con ai ai cũng kêu xấu cả vậy?" – “Vì con là cháu nội đích tôn, nên ông nội đã đặt cho con, mẹ không dám cãi!" Một lần, Sáu Bẹo mạnh dạn hỏi cha: “Cháu nội đích tôn phải đặt tên xấu vậy hở cha?" - “Không phải cháu đích tôn là phải đặt tên xấu đâu!" – “Nhưng sao tên con kỳ vậy?" – “Vì ông bà nội quá thương yêu con nên đặt vậy thôi – ba cũng không dám trái lời" – “Mẹ bảo không dám cải, cha cũng không dám trái lời, con không hiểu sao ông bà nội kỳ lạ vậy?" – “Ông bà nội chỉ có mỗi mình ba là trai, ba cũng chỉ có con là trai – nên ông bà “sợ“ đặt tên đẹp sẽ khó nuôi, thấy con thường nũng nịu khóc đòi nên gọi là “Bẹo" – thằng cu Bẹo, nghe cũng dễ thương mà!“
Lớn lên, học qua bậc trung học đệ nhất cấp, Sáu Bẹo không còn dịp để nghĩ về cái tên của mình nữa, vì đã nghỉ học. Đó là vào năm sau vụ đảo chánh lật đổ gia đình ông Ngô Đình Diệm 1963 – quê của Sáu Bẹo chộn rộn, cuộc sống cũng thay đổi, ngày càng thêm khó khăn – còn Sáu Bẹo thi vào khóa sư phạm cấp tốc không đổ, nên Sáu Bẹo phải nghỉ học. Ba năm sau, trúng tuổi lính, Sáu Bẹo được dưa vào trường hạ sĩ quan Đông Đế, ra trường với “ cánh gà “ ở vai áo, binh chủng thiết giáp. Năm 68, sau biến cố Mậu Thân – cha Sáu Bẹo gọi về cưới vợ - là cô Hương, đang làm cô đỡ hương thôn ở xã. Không đẹp nhưng có duyên thầm, giỏi giang, mạnh khỏe, có tay nghề vững vàng được bà con trong xã thương mến. Ông Hương Kiểm cưới vợ cho Sáu Bẹo là muốn cột chân Sáu lại, nhưng Sáu cứ lần lữa, hẹn dịp…Tình yêu trong buổi giao thời chưa đủ sức nặng để níu chân Sáu Bẹo lại chăng?
Năm 1970, Hương sinh đứa con gài đầu lòng. Sáu Bẹo mãi dong ruỗi trên chiếc xe bọc thép tận miền rừng núi Dakto; đã gởi thư về dặn đặt tên “Mận”. Ông còn dặn thêm : “…Em đẻ được đứa nào, cứ lấy tên cây trái trong vườn nhà mình mà đặt tên nhé?" Chiến tranh ngày càng lan nhanh, khốc liệt – cha Sáu Bẹo nhiều phen bảo Sáu Bẹo đào ngũ, nhưng phải đợi đến năm 72, khi Hương sinh đứa con gái thứ hai ( đặt tên Đào ) - không có Sáu Bẹo ở nhà, Sáu Bẹo mới trốn về.
Hương rất mắn đẻ, sau Đào là cậu con trai trưởng tên là Lê. Sau Lê, cứ cách hai ba năm, Hương lại đẻ lên tiếp thêm bốn cậu con trai nữa: Cam, Lựu, Chanh, Quýt. Quýt – cậu con trai út, sinh vào năm 83 nhưng trong 7 người con (cả trai và gái) chỉ có Mận và Lê là rất giống Sáu Bẹo; còn năm người con kia – mỗi đứa một khuôn mặt! Điều làm cho cả xóm Thượng Tây thường xầm xì bàn tán là nét mặt mỗi đứa, đều rất giống những người đàn ông trong xóm Thượng Tây này! Giống đến nỗi như khuôn đúc vậy. Từ khuôn mặt, chân tay, dáng vóc như “cắt để“ vào, không lẫn vào đâu được.
Có lẽ Sáu Bẹo cũng nhận ra điều lạ thường ấy trước tiên, nhưng ông không hề mở miệng. Vẫn yêu thương, chăm sóc – lo lắng từng miếng ăn, tấm áo, ốm đau – cho đến chuyện học hành của các con, như nhau. Ra khỏi nhà, đi làm – Sáu Bẹo thường nghe bạn bè chặn hỏi. chọc quê: “Tao thấy mấy đứa nhỏ sau này đâu phải là con của mầy? Mầy không có con mắt hay sao vậy?“. Sáu Bẹo phớt lờ - chỉ cười: “Nghé ai vào chuồng nhà mình là của mình thôi!“.
Mấy bà ở xóm Thượng Tây được dịp ngồi tụm lại lúc rảnh rổi để tám chuyện về mấy đứa con của Sáu không dứt: Đứa nào giống cha phó chủ nhiệm hợp tác xã, con nào giống ông công an thôn, thằng nào giống gã nào vân vân – đôi lúc nói ngay trước mặt Hương và Sáu Bẹo nữa, nhưng Sáu chằng hề để tai vào. Hương thấy chồng thản nhiên trước mọi lời dị nghị, dè bỉm, cũng lặng yên theo Sáu không tỏ thái độ gì. Có phải vì e sợ bà con dòm ngó, theo dõi – mà Hương đã chỉ sinh cho mỗi người một đứa con thôi? Năm đúa con – là năm người, năm khuôn mặt khác nhau?
Khi Sáu Bẹo cưới vợ cho Chanh – làm sui đám thứ sáu, ở làng Hạ Đông – người con dâu kề út nầy đi đâu cũng bị mấy bà ở chợ Xổm níu áo, kề tai nói nhỏ: “Cha chồng mày đâu phải là Sáu Bẹo! Là ông Tám Hùng ở cuối xóm đây này! Mày ghé thăm, rồi xem thử có giống thằng Chanh không nhé?“. Vợ Chanh im lặng, về nhà thủ thỉ với chồng: “Anh ơi! Em đi đâu cũng nghe mấy bà nói anh không phải là con của cha đây – mà là…”. Chanh vừa nghe vợ nói – gạt phăng đi: “Đó là chuyện của người lớn, anh không biết! Anh chỉ biết anh được sinh ra ở nhà này, cha đã lo lắng, chăm sóc, thương yêu anh hết lòng. Anh không cần biết “cha” nào khác! Nếu có, cũng là quân bạc tình, đểu giả!”.
Sáu Bẹo ngoài việc đi làm thuê hằng ngày, và Hương có mặt ở trạm xá một buổi – hai vợ chồng còn làm thêm tám sào ruộng. Cả hai cùng ra đồng, sạ lúa, làm cỏ, tát nước – rồi đến mùa thu hoạch cùng nhau cắt và gánh về, ít thuê mướn ai. Buổi trưa, cần ở lại ngoài ruộng, Sái Bẹo thường là người chạy về nhà mang cơm nước ra cho vợ. Có hôm, để dành được chút ít – ông ghé chợ Xổm cuốn thêm cho Hương một cuốn bánh xèo, hay cuốn thịt trứng . Có bà trông thấy, tọc mạch hỏi : “ Hai vợ chồng mà cuốn một cuốn thì ai ăn ai nhịn vậy anh Sáu? “. Sáu Bẹo cười hà hà: “Tôi đâu thèm ăn ngữ này? Nếu ăn, thì tám cuốn cũng không đủ mà!“. Lúc cầm cuốn bánh ra đi, Sáu Bẹo nhỏ giọng: “Đàn bà sinh đẻ khó khổ, mất sức lắm. Ngoài trạm ngoài đồng về là lăng xăng lo cơm nước, quêt dọn, gà heo. Đêm đến, con đau – con khóc, phải thức ẵm bồng… Còn đàn ông ấy à? Về đến nhà rửa chân tay xong là leo phóc lên võng nằm toòng teng… Nhà con đông vậy, bà ấy có gì mà ăn thêm đâu?”.
Chuyện Sáu Bẹo chạy đi cắt bè lá chuối quấn trên lưng Hương cho mưa khỏi ướt khi cùng đi làm ngoài đồng bất chợt cơn mưa dông ập đến, đã được mấy bà Xóm Thượng Tây truyền đi nhanh chóng khắp xã!
Và, dường như là “phóng viên nhà nghề” – chuyện nhà của vợ chồng Sáu Bẹo luôn được mấy bà xóm Thượng Tây dòm ngó. Nhỏ to - “cập nhật" hằng ngày. Ngay chuyện Sáu Bẹo mới ăn giỗ tối qua về, say – thốc mữa cả nhà; Hương đã nhẹ nhàng săn sóc Sáu Bẹo ra sao, lau dọn nhà cửa sạch sẽ thế nào, treo mùng cho Sáu Bẹo ngủ v... v... – cũng đều được mấy bà bàn tán một cách hăng hái.
Khu vườn rộng lớn, cùng với ngôi nhà từ đường dòng họ Võ được vợ chồng Sáu Bẹo và các con, cháu chăm sóc rất chu đáo. Những ngày giỗ, kỵ - Hương và đám con - dâu. rể - cháu nội ngoại – đều chung lo tươm tất, trang trọng. Sáu Bẹo chỉ làm một việc là mặc áo thụng xanh lên đèn, rót trà – lễ cúng. Sau ông, lần lượt đến Hương, các con trai, gái rể, dâu – cháu nội ngoại răm rắp thứ tự dâng hương ông bà… Ông bà đang ngồi ở trên cao chắc cũng không ngờ trong đám con cháu ngoan ngoãn, lễ phép ấy, có đứa không cùng huyết thống với mình? Mà có cần cùng dòng máu nhà họ Võ không? Sáu Bẹo cũng không hề thắc mắc, và luôn tin rằng – tình thương yêu của chúng sẽ cảm hóa được vong linh người mất hơn là người cùng dòng máu mà tẻ nhạt, thờ ơ – chỉ lo làm giàu, chẳng nghĩ gì đến ông bà, cha mẹ?!
Ngoại trừ Đào có chồng xa, theo về nhà chồng ở Vinh Thạnh – mấy người con còn lại, Sáu Bẹo đều chia cho một khu đất trong vườn, xây nhà – chia sẻ vật dụng sinh hoạt như nhau. Không đúa nào hơn đứa nào cả. Ai làm thêm có tiền, muốn mua sắm gì, tùy ý. Do vậy, mấy anh chị em sống quanh quẩn bên nhau, yêu thương, chia sớt cho nhau – như lúc còn sống chung một nhà. Bà con cả xómThượng Tây nhìn vào, dần dần cảm phục, không còn bàn tán ra vào chuyện con cái của Sáu Bẹo nữa! Sau thằng Quýt, bà Hương không còn sanh thêm đúa nào. Bảy đứa con – một đời đàn bà, đã khiến bà tự cảm thấy quá đủ chăng? Riêng Sáu Bẹo – có lần nói đùa với vợ : “Vườn nhà ta còn nào Ổi, Xoài, Mít…sao bà không sanh thêm cho vui?"
Sau ngày đám cưới Quýt – làm sui đám cuối cùng, chứng đau tức bên ngực trái thường xuyên hơn, kéo dài lâu hơn - Sáu Bẹo phải nghỉ hằn ở nhà, không đi nhận việc làm xa nữa. Mận nói : “Cha nên nghỉ bớt việc đi! Lũ con lo cho cha được mà! “. Lê – trưởng nam, thường lập lại: “Đời cha đã khổ nhiều vì các con rồi! Cha còn khỏe ngày nào, hưởng vui ngày đó. Mai kia, đau nặng, nằm xuống – còn vui thú gì đâu?“. Quýt thêm vào: ”Lúc ấy, cha còn có ăn uống được gì nữa đâu? Mà có muốn ăn, cũng đâu ăn được? Có muốn đi chơi xa, thăm bạn bè, cũng đâu có ngồi xe được nữa, mà cha ham công tiếc việc? Cha còn sống khỏe bên tụi con ngày nào, là mừng còn hơn cho vàng mà! “. Cô dâu thứ ba – vợ của Lựu, cũng góp ý: “Bây giờ cha còn ăn uống được, không cho ăn. Mai kia cha đau nặng, ăn làm sao? Có cúng giỗ linh đình, cũng chỉ để che mắt thiên hạ mà thôi!”
Sáu Bẹo nghỉ việc vì theo dõi biết sức khỏe của mình hao mòn dần, bệnh tim trở nặng hơn – chứ chẳng phải vì những lời can dán, an ủi của các con. Cũng từ dạo ấy – các con Sáu Bẹo luôn dành cho ông sự quan tâm chăm sóc đặc biệt: Khi thì mấy lạng thịt bò, chục trứng vịt lộn, cuốn bánh nem chả, lát cá thu, và trong túi ông thường xuyên có tiền để chi dùng tùy ý! Đứa con nào gởi cho gì – ông cũng đều nhận, không quan tâm ít nhiều, không hề từ chối. Sáu Bẹo thường nói với hàng xóm: “Con chúng thương gởi cho gì, thì nhận cho chúng vui. chứ tôi đâu thèm ăn món gì nữa? Cơm rau mắm cho chắt ruột thôi…”. Mà thật vậy, sau khi các con đi rồi – Sáu Bẹo đưa hết cho bà Hương. Ngay cả cuốn bánh dành cho riêng ông. Nói: “Bà đi chợ mua thứ gì cũng được miễn bà thích, về ăn! Tôi không thèm thứ gì đâu!“. Ông chìa cuốn bánh ra trước mặt Hương: “Bà ăn giùm tôi cuốn bánh này đi! Tôi chỉ cần rau mắm, hay dưa cải kho thịt ba chỉ là ngon lắm rồi! Tôi không ưa mấy món này…” – Ông thường dặn khi bà cắp rổ đi chợ: “Hôm nào có mắm cua ngon, bà mua cho tôi một chai, ăn với rau lan luột nhé? Còn bà ra chợ, có bún giò cháo lòng gì ngon thì nên ăn để khỏi mất công mua về nấu nướng phiền lắm! “.
Sau khi Sáu Bẹo bị cơn đột quỵ bị ngất xỉu phải chở đi bệnh viện tỉnh cấp cứu, các con ông đề nghị đưa ông vào viện tim thành phố - để giải phẩu, ông quyết không chịu. Ông trả lời con: “Ba già rồi, sống thêm vài ba năm – đâu có ích gì mà các con phải mất cả trăm triệu bạc trong lúc còn khổ vậy? Chi bằng, các con để dành – sau này cha có mất đi – có mà lo cho các con. lo cho mẹ để bà ấy đỡ khổ! Bà ấy đã khổ vì các con nhiều rồi. mà vắng cha - ai chăm sóc cho mẹ con đây “.
Mấy anh chị em Mận bàn tính nhau, thuê một chiếc xe 12 chỗ ngồi – mời Sáu Bẹo và mẹ đi chơi một buổi. Sáu Bẹo nghe vậy – cười: “ Các con cho cha với mẹ mầy đi thăm lăng Quang Trung, thăm cầu Nhơn Hội, thăm chùa Long Khánh rồi về”. Sáu Bẹo ngồi trước xe, nhìn ngó quang cảnh, cảm thấy sự đổi thay trong bao nhiêu năm thật xa lạ, và nhanh chóng, mà nghĩ đến đời người. Cuộc đời đổi thay cũng thật nhanh chóng!
Sau ngày đi chơi xa vài hôm - một buổi sáng sớm, khi ăn xong bát cháo đậu xanh bà Hương mang vào buồng – Sáu Bẹo gọi: “ Mẹ con Mận ơi! “
- Có chuyện gì vậy ông?
- Có chút chuyện…
- Mà chuyện gì? - bà Hương đon đả bước vào buồng, ngồi yên trên chiếc dựa dựa vẫn dành cho bà mỗi lần vào chăm sóc, trò chuyện vời ông. Nhìn gương mặt Sáu Bẹo xanh tái.
- Bà gọi hết mấy đứa nhỏ về gặp tôi, bà nhé?
- Lại có chuyện gi?
- Có chuyện – Giọng Sáu yếu dần, ông cảm thấy hơi thở nặng nề, chùng thấp.
Chưa có đứa nào ra khỏi nhà đi làm – nên chỉ nửa giờ sau, là đã có mặt trong buồng ông đầy đủ. Riêng Đào, khi nhận được điện của Lê đã hẹn sẽ nhờ xe thồ chở về ngay vì chuyến xe duy nhất từ VĩnhThanh về thành phố chưa đến giờ khởi hành.
Có lẽ nghe được tiếng ồn – Sáu Bẹo hé mở đôi mắt lờ đờ, liếc nhìn một vòng hết thảy đám con cháu. Ông khép mắt lại. Gắng giữ hơi thở đều. Bàn tay mặt áp lên ngực trái.
- Các con đã đủ hết chưa?
- Dạ, đủ hết rồi! Bà Hương đắp khẻ.
- Thằng Lê đâu?
- Thưa, có con đây…
- Con bưng ảnh cha đi trước nhé?
- Dạ !
- Thằng Hưng con mày và thằng Tấn con thằng Cam đi hai bên, một đứa bưng khay hương đèn, một đứa bưng khay hoa nước…
- Dạ!
- Con trai, cháu trai đi bên trái quan tài..
- Dạ!
- Con gái, cháu gái đi bên phải quan tài…
- Dạ!
- Mẹ mày đi sau sát quan tài…
- Da!
- Tất cả không được khóc…
- Dạ…
- Các con nghe rõ chưa?
- Thưa rõ…
- Ngay từ bây giờ, các con – các cháu, hãy niệm Phật đi! Cha sắp đi đây, ông đi đây…
Sáu Bẹo nhếch môi – dường như một nụ cười. Nét mặt bình thản.
- Vĩnh biệt bà, Hương ơi! – Sáu Bẹo khẻ hé mở đôi mắt, rồi từ từ khép lại…
Tiếng niệm Phật của đám con cháu Sáu Bẹo rền vang – khơi động một góc xóm Thượng Tây còn yên tĩnh…
Mặc dù Sáu Bẹo đã vắng bóng trong ngôi nhà này, nhưng với bà Hương – Sạo Bẹo vẫn còn đó. Ông vẫn còn nằm toòng teng trên võng, ngồi xếp bằng trên tấm phảng uống trà, hay cùng bà ngồi ăn nơi chiếc bàn vuông nhỏ nhắn kia…Mỗi sáng, bà đều dậy thật sớm – chạy đi mua khi bánh hỏi, bánh ướt, bánh xèo – khi thì tô cháo, hộp xôi; về đặt ở chiếc bàn vuông trước bàn thờ Sáu Bẹo – thắp hương, mời ông ăn. Bà cùng ngồi ăn với ông cho đến hết bữa. Phần trong chén Sáu Bẹo – bà ăn sau cùng. Trước khi dọn mâm thức ăn, bà đốt cho ông điếu thuốc Basto đỏ, cắm vào lư hương. Một ngày ba lần – bà không bỏ sót bữa nào – cho dầu là ngày đau yếu…
|
|