SONATE XANH

 
 
 

1.

trong suốt
cửa mở ra đêm ấy xanh
kèn đồng cuồng động chiêng đập xoang xoang
trống bùng bùng đuổi từ sâu hút căn phòng tràn tới mùa nước lũ
núi đằng sau xô tới
âm vĩ cầm xé lên cung cao nhất rồi thả rào xuống cùng với dòng thác ùa vỡ
cuộn đuổi đẩy thốc nửa tấm thân trần trắng buốt sắc trăng
điểm hai nụ vú hồng đào
nhào khỏi khung cửa sổ
quần lụa ngà chấp chới tóc đen dòng suối
bay hay rơi
những nốt nhạc chung cuộc của dàn giao hưởng bốc bung lên cùng đêm
hay đang lụy vào mặt đất
giá không là thế
giá là allegro cuối cùng của một sonate
xanh

2.

Hắn lên thang gác lúc nào tôi không hay. Cửa mở ra hàng ba sũng nước sau cơn mưa. Nửa mảnh cầu vòng khoác trên đầu hắn chiếc vương miện rực rỡ. Gương mặt ửng màu cam của các pho tượng đất sét phơi trong khu vườn phiá sau căn gác nhà tôi. Sắc hoang bạo ấy khác hẳn làn da nhợt nhạt của gã con trai mỗi chiều nắng tắt tôi thường thấy bước khỏi nhà, lững thững ơ hờ như cõi đời trong con ngõ này không hề hiện hữu.

Cặp môi của hắn chiều nay nhếch lên theo hai lòng mắt mang ánh nâu xanh rờn rợn. Tự dưng thay vì tiến tới để mời khách thì tôi lại lùi hai bước, đụng ngay vào chiếc máy đang quay cái đĩa 33 vòng. Đầu kim rét lên một đường, lệch hẳn ra ngoài, ngừng lại. Requiem tắt ngấm. Những giọng hát tang lễ chợt rút vào địa phủ. Hắn đang đứng sững trước mặt, tia chớp loé lên ngoài khung cửa. Vài hạt mưa lại đập nặng nề lên mái tôn căn nhà đối diện. Không có chiêng trống của requiem, chỉ có sấm trên trời chuyền thẳng vào không gian.

Hắn càng lừ lừ tiến tới tôi càng lùi sâu. Tôi biết mình vừa rơi hút vào vực kinh cầu nguyện. Đôi môi vẫn mở, cặp mắt hắn nhấp nháy những vì sao hồi 5 tuổi tôi ngồi giữa lòng cha trên bãi biển. Tay cha đặt trên đùi giữ gìn âu yếm. Tôi nhìn chăm vào chúng, tê điếng. Ôi nỗi sợ, cái sợ đập dình dình hai màng tang. Gã con trai không thèm thấy những đường gân thái dương tôi bần bật, hắn cứ lầm lì bước đến, mùi thơm nhựa cây mới chặt bốc từ cần cổ và mảng vai gã lộ khỏi manh áo sơ-mi chỉ cài ba hạt khuy cuối. Không, hắn không gầy gò như tôi vẫn thấy, chân dài đùi căng ngực phồng vai mở. Vải quần dầy nhưng không đủ sức kìm các bắp thịt đang nẩy bầm bập. Tôi vẫn còn sợ nhưng lạ lùng từ lõm giữa hai đùi một cái buốt sâu hút man dại rút lên cứng rợn bầu vú. Muốn giơ tay ra trước để ngăn chặn, muốn lùi ra sau hơn nữa, muốn mở miệng kêu hắn dừng bước, nhưng tay chân và môi miệng cứng trơ. Bàn tay và lưng tì vào cạnh bàn. Cái thân cây đầy nhựa ấy sắp đè, sắp đổ lên tôi. Hãy giơ hai tay ra ôm ghì lấy nó, cho cái nhánh cụt tàn bạo ấy đâm lút vào, vỡ màng vỡ mật, làm túa nước tận đáy khô. Hay tôi phải xoay người lại chạy rút ra khung cửa sau lưng để lao ra ngoài? Nhạc đã nín, không có bản giao hưởng của năm xưa cuồng lên xô đẩy tôi về phía trước. Chẳng còn bóng núi đen đe dọa đằng sau, chỉ có thân cây mưng nhựa, nực nồng mùi thú hoang động tình trước mặt. Run rẩy, tràn bờ, tôi chợt nhận ra thân xác mình là khoảnh rừng đang mở, hân hoan. Nhưng bất ngờ gã thanh niên dừng sững, hắn cất giọng, tự nhiên như đang trò chuyện :

- Mấy hôm nay sao cô cứ để bản nhạc này, nó là gì mà âm vang như mộ khúc?

Thân xác đang ngỏ ra chờ đợi bỗng bị bỏ rơi, hụt hẫng, tôi mấp máy môi không đáp ngay được. Trái lại hắn rất bình thản, nhìn thẳng vào tôi vài giây rồi đảo quanh căn phòng, ngừng trên kệ sách và chồng đĩa nhạc. Nhưng gã không tiến lại gần, chỉ đứng đó. Rồi chẳng một lời nào thêm, hắn quay người ra khỏi căn gác, bước xuống cầu thang lộ thiên ngoài hàng ba. Hắn bỏ đi đột ngột không kém gì khi đến. Nửa thân tôi vẫn ấn vào cạnh bàn, cái buốt dưới bụng vẫn làm mê dại. Tôi đã ẩm ướt đáy tôi cùng mưa ngoài trời. Còn nghe tiếng mình lạc lõng vớt theo:

- Đấy là requiem…requiem…

3.

Ổ khoá đồng sáng trưng trên màu gỗ nâu bạc, chỉ xoay một vòng chìa đã bật ra. Gió luồng thống ngay vào, chạy loáng qua suốt chiều sâu chừng mươi thước của căn gác rồi phóng ra ngoài, qua các chấn song của cửa sổ đối diện. Tôi đặt chiếc vali giữa phòng, cạnh cái bàn trên đó có máy quay đĩa, lọ hoa cắm năm ba nhánh luá mì và một vài giấy tờ thư từ nằm lẫn với đĩa nhạc. Một chiếc dép xinh xắn của Trinh bên chân bàn, chiếc kia cạnh cửa ra vào. Trinh đã rời căn gác của chị vội vã đến thế hay người ta đã đá chúng văng hai nơi khi đến bồng chị ra khỏi nơi đây? Nhiều năm qua, Trinh gọi về thăm nhưng tôi mãi chần chừ. Trinh khoe trong mảnh vườn dưới cửa sổ có những khuôn mặt người chết sống dậy nhởn nhơ cùng tuế nguyệt, toàn là tượng bán thân vai cổ và đầu của vĩ nhân, Chopin, Victor Hugo, Trần Hưng Đạo… Trinh bảo chỉ có phụ nữ là được ông điêu khắc già tạo cho đầy đủ thân xác và không nhất thiết có tên tuổi. Tượng đàn ông bằng đất sét đỏ, đàn bà thạch cao trắng. Vào đêm trăng nở, những cặp đùi, đồi ngực, lõm bụng phụ nữ rực lên rưng rức qua bóng cây ánh lá, ma mị. Chị Trinh than:

- Ta quặn bụng không chịu nổi, chỉ muốn nhảy xuống ôm lấy chúng vuốt ve, nhưng ta lại sợ, chúng phây phây thế mà cô đơn đến kinh hoàng.

Bây giờ đang giữa trưa, nắng loá trên hàng ba rọi vào tận tấm áo cánh màu lục của chị Trinh vất trên chiếc giường nằm sát bờ tường. Từ ngày nhỏ Trinh thường mặc áo xanh, thật nổi với sắc tím đậm của lòng mắt và mái tóc. Căn gác chị đơn sơ, không mấy đồ đạc, nhiều nhất là băng và đĩa nhạc chồng xếp đây đó. Vật qúy giá có lẽ chỉ là cây vĩ cầm của chị và chiếc đàn xen-lô của anh Khương dựng ở góc nhà. Lúc nãy Trinh đã cố nhỏm người nắm bàn tay tôi căn dặn:

- Vân hãy giữ lại cây vĩ cầm, còn kỷ vật của anh Khương thì chẳng nhất thiết.

Hình ảnh anh Khương đã quá mơ hồ. Từ độ nào, mảnh cằm vuông và mấy sợi tóc quăn quăn của anh thường bị giá nhạc trên chiếc dương cầm tôi đàn che khuất. Tôi chỉ nhớ rõ cái dáng thuôn mảnh của chị Trinh bên phải, mái đầu nghiêng xuống và cây mã vĩ đưa lên, ở những buổi nhạc thính phòng trong dãy nhà thấp, nơi tập dượt cho học sinh trường nhạc trên con đường Nguyễn Du mưa rũ lá me. Khương ít nói, dáng điệu hệt một công tử con nhà bắc kỳ gia giáo, còn chị Trinh yểu điệu cô gái xứ thần kinh. Ngày ấy Trinh yêu đời, kể chuyện reo vui như chuỗi nốt rộn ràng chị thường thích dạo đầu trước khi thực sự vào nhạc bản. Chúng tôi vẫn cùng hoà tấu các tri-ô cho đến ngày Trinh hiện ra giữa khung cửa ấy, trong đêm.

Mỏi mệt tôi đặt người trên tấm nệm của Trinh. Một thứ mùi am ám đâu đây, mùi gỗ mục lá cây tóc Trinh hay lớp ngói cũ chồng xếp trên kia, hay bụi thời gian bám kín chiếc đàn của anh Khương? Con hẻm dưới đó đang thiếp đi trong trời trưa đổ nắng. Tôi muốn ngồi dậy đặt một đĩa nhạc nhưng lười, chuyến đi vội vã và gặp lại Trinh trong không gian nặng nề bức tử đã khiến nhoài người. Tôi nhắm mắt, tấm màn the xanh kéo dạt về hai bên cửa sổ chợt lay nhẹ, dòng nhạc dạo đầu bản sonate cung mi thứ của Mozart từ đâu trỗi lên bập bềnh hoài cảm bay qua những kẽ ngói cao. Mơ màng, tôi thiếp đi trong ý thức nhập nhòa, tôi vẫn biết đây không phải là đêm xanh trước căn lầu nhà chị Trinh có giậu hoa lồng đèn đỏ máu, mà giữa một hẻm nhỏ vắng lặng trưa hè.

Mấy tiếng động khô, sẵng đánh thức tôi dậy. Đầu nặng bưng bưng, vải áo ẩm dưới lưng. Đêm đã buông màn sau khung cửa sổ, vài nhánh sao lanh lánh qua mấy chấn song. Tôi sẽ có cảm giác mình đang nằm ở một nơi nghỉ mát hoang dã, nếu không chợt thấy nhói đau ở bàn chân rồi tiếng muỗi vo ve cùng lúc với tiếng xe gắn máy rồ rồ xen lẫn giọng rao mì khuya dưới cầu thang. Tất cả oà lên tấu khúc của thực tại, một thực tại xa lạ, ngỡ ngàng. Chiếc áo chị Trinh tôi đã móc lên cột nhà mờ mờ nhân ảnh, nó và cây vĩ cầm là vật gần gũi, cho tôi cảm giác Trinh đang hiện diện trong gác này nhiều nhất. Đáng lẽ tôi phải trở lại thăm chị cuối chiều nhưng đã ngủ quên. Bất giác tôi nghĩ mình sẽ đem đến cho Trinh tấm áo lục vào sớm ngày mai. Nếu không quá muộn. Ý tưởng ấy bỗng làm tôi tái điếng, lạnh ngắt da lưng. Để xua đuổi, tôi vội vàng tung người ngồi dậy đặt ngay cái concerto của Rachmaninov vào máy quay đĩa. Bản nhạc bốc phừng những hoà âm mạnh mẽ nồng ấm, chúng nâng tôi lên dồn sức cho tim, xoa dịu mảng đầu tê dại. Tôi sẽ thu lại vào băng rồi đem tới cho Trinh nghe. Trinh thiêm thiếp trên mặt giường nhàu nát giữa căn phòng thông thống không cửa, ồn ào. Âm binh ẩn núp rình rập chỉ đợi giờ phút điểm, để ùa vào xốc Trinh đi.

Trong con hẻm mập mờ này, cửa nhà mọi người vẫn mở toang đón gió. Cặp vợ chồng đối diện nhà Trinh đang ngồi ở ngưỡng cửa. Thùng mía hấp trên xe ba gác của ông chồng hé nắp bốc mùi thơm. Bà vợ rong róc con dao bào đen nhẻm, thỉnh thoảng bà giơ dao dọa thằng con chồm hổm bên cạnh cứ chực thò tay bốc vỏ mía. Giữa ánh nê-ông lạnh lẽo hắt ra từ những căn nhà khác, tôi đảo mắt một vòng, gã say rượu ngồi dưới cây trứng cá chiều nay đã chồm người ra định ngáng chân tôi, giờ đang thẩy nút khoén với hai ba đứa trẻ. Bọn con nít cãi cọ phân bua, còn gã say miệng không ngừng chửi tục. Tất cả trộn lẫn với tiếng xướng ngôn viên tiếng đàn hát, cải lương từ tivi tạo thành âm thanh hỗn lọan. Tôi tưởng tượng dáng chị Trinh mỗi đêm đi đàn ở phòng trà về, bước trên lớp bùn đất và xi-măng vỡ lở ngổn ngang, băng qua thế giới này rồi leo lên những bậc thang gỗ kèn kẹt xênh mòn. Chợt nhớ khu vườn ông tạc tượng già Trinh từng nhắc đến, tôi đi vội về phía sau căn gác, đến bên cửa sổ nhìn xuống. Đằng trước hàng ba kia ồn ào tạp thế như vậy, mặt sau căn gác này chẳng ngờ là một cảnh giới huyền hoặc im thinh, một cõi nào vô thực. Chỉ có dế rền từ bên kia bờ rào và thỉnh thoảng vài giọng ễnh ương oàm oạp xa xa. Trăng thượng tuần một vành mỏng không sắc lắm nhưng đủ rải sáng thật đều lên những tượng hình nằm ngồi thênh thang quanh một mặt hồ óng ả. Lá nhảy lờn vờn trên vai mọng, trên đùi mở, trên bầu vú thỗn. Trăng ló ra rồi lại ẩn vào giữa giải mây lập lờ. Trong khi đám đàn ông cụt nửa người hay chỉ có mỗi cái đầu lẩn giữa các bụi cây giương cặp mắt đứng tròng, thì mây giỡn với trăng, ve vuốt lục lọi từng vùng đồi lũng của các pho tượng đàn bà phưỡn đợi, da thịt trong ngần. Tôi rùng mình, hai trái ngực trắng hồng bầu bĩnh nưng nức mở toang giữa khung cửa ấy có phải chị Trinh?

- Trinh, Trinh!

Anh Khương hốt hoảng thét lên đau đớn cùng lúc với trống kèn đập bung bung những hoà âm kết thúc bản giao hưởng. Níu cái xe anh Khương đã xô vội để nhào qua đường đêm chạy tới bên hàng rào dâm bụt, tôi kịp nhận ra chiếc áo màu xanh tả tơi hàng nút của chị Trinh bay như bướm.

4.

Khi Vân vừa ra về, người ta khiêng vào người đàn bà thứ mười một. Căn phòng chỉ có mười chiếc giường. Nhân viên nhà xác chưa kịp đem đi cô gái nằm ngay đầu cửa. Họ đặt tấm băng ca của bà thứ mười một tạm thời xuống đất. Thân nhân lúp húp đằng sau, người nắm tay thiếu phụ lo âu, người quay mắt ngó đăm đăm tấm vải trắng đã phủ kín xác thân cô gái trẻ. Tất cả chỉ còn là hình ảnh một cái đòn dài cồm cộm. Mấy ngày trước tôi bước ngang giường, cô nhìn tôi cười, những sợi tóc nhuộm vàng lợ quấn bết vào nhau. Nụ cười ấy thật hiền lành thân thiện, không mang chút gì lo âu buồn bã. Khi trở về chỗ, tôi nằm xuống với ý nghĩ mình cũng phải có một chấp nhận thanh thản như thế cho nhẹ lòng. Nhẹ lòng tôi và cả cho con bé Qùy hằng ngày vào đây giúp đỡ. Con bé mười sáu, khuôn mặt tươi mát, một tiếng chim, một dòng nhạc tươi vui tưng bừng mỗi sớm mai thức dậy. Qùy đã đón tôi ở đầu xóm, thẳng thắn gọn ghẽ xin:

- Cô giáo, em muốn học đàn mà má em nói không có tiền để trả học phí. Cô dậy không cho em nghe.

Từ hôm phát hiện tôi nằm gục trên giường và gọi người khiêng tôi vào bệnh viện cứu cấp, Qùy thường xuyên đến đây sau lúc tan trường. Nhiều cuối chiều, trước khi ra về con bé để cái máy hát nhỏ vào cạnh tai tôi rồi dặn:

- Cô Trinh đừng nghĩ gì hết, đừng thèm để ý họ rên la, cô nghe nhạc nghen. Mai em vô.

Tôi biết nó nói vậy nhưng không tin là tôi ngủ nổi trong thế giới âm u mà luôn luôn chao động như sắp nổ ra này. Ngay cả tươi tỉnh như con bé cũng phải nghệt người đau điếng ở mỗi tiếng kêu ré thảng thốt cùng lúc với cái rúm người quặn ruột của bà cụ tám mươi nằm cạnh tôi đã hơn tuần nay. Hay ở mỗi lần bà ơ ơ túm lấy bàn tay Qùy đang đút vào miệng bà muỗng nước cháo, hai vành môi nhăn nhíu như miếng táo tàu khô vừa hơm hớp vừa ngờ nghệch gọi “Má, má ơi”. Qùy cũng thường lởn vởn tới gần cô gái vừa qua đời để vuốt sẽ cho cô mấy sợi tóc, chùi mấy ngấn nước miếng sùi đục bên mép. Kéo cái chậu tiểu tiện rồi tuột quần giúp người đàn bà chèo queo nằm trước mặt tôi, vào những khi y tá không đến kịp. Những tiếng nước tiểu róc rách, những rên rỉ, chửi đời xa xót và cả giọng ca cải lương ồ ề não ruột của chị Ba mỗi đêm vào đây trải chiếu dưới đất để canh chừng bà mẹ sắp đi đến đầu cuối con đường, đã là một bản nhạc hằng ngày vang bên tai tôi. Chúng thay những chuỗi nốt lung linh nhịp nhàng hay dập dồn kèn trống từng quận quyến, thăng hoa đời tôi cho tới bây giờ.

Nhưng đêm nay, tự dưng tôi biết mình sẽ lắng nghe được cả cuộn băng mà Qùy đã cho vào máy. Các tiếng động muôn thuở của căn phòng này đang dần dần biến thành thứ âm thanh mơ hồ, không còn tần số, hay chúng đã theo nhau tuồn tuột chạy ra ngoài trời. Cái đau giữa ngực vẫn từng chập đập tung hai buồng phổi úng nước, nhưng thể xác này đã chọn được thế nằm duỗi lặng của một đầu hàng báo trước. Có thể sáng mai Vân sẽ đem vào cho tôi những bản khác hơn của Qùy. Một opéra, một concerto, một bài nhạc lễ. Vân đã trở về, tôi được gặp lại Vân kịp thời như vầy là niềm hạnh phúc, dù chỉ một lần.

Đêm nay, Vân đang làm gì nơi căn gác tôi? Chắc Vân đã nhìn thấy cây xen-lô của Khương, nhiều năm rồi tôi không mở ra để chùi bụi hay lên dây. Bụi bám thành lớp mịn, bụi không bay mù thành sương mỏng đã tỏa khắp người Khương vào buổi trưa thị trấn mưng mưng nắng đục hôm nào. Đứng dưới đường, cái giỏ vải đeo sau lưng, mấy sợi tóc bết hai thái dương, tôi quay quắt ngó lên Khương. Anh đang khuân các bao gạo trên xe cam nhông thảy xuống vai một người phu khác bên dưới. Thực ra tôi nào thấy rõ mặt Khương, chỉ chiếc quần rách tua đầu gối và manh áo chẳng định được màu. Gió thốc qua rặng bạch đàn, phả từng màn bụi xám phủ khắp con người cảnh vật. Chiếc xe đò chở tôi từ thành phố sau hai ngày trời mới bò ra đến đây, đậu lại đổ xăng bên kia đường đang bom bom bóp còi giục khách lên xe. Anh lơ vừa kéo vạt áo quệt mồ hôi, vừa nghiêng mắt nhìn sang. Anh ta hẳn vẫn còn thắc mắc vì sao người đàn bà lầm lì thu lu trong góc xe suốt hành trình cực nhọc ra tới vùng đất cằn khô này, để rồi chỉ đứng trơ trơ ngơ ngác dưới vệ đường.

Khương chưa nhìn thấy tôi trong đám bụi. Thế cũng hay, tôi muốn được tự do ôm lấy anh trọn vào lòng mắt, dù bây giờ phải nhìn bằng linh hồn mới nhận ra anh. Thoáng một giây, gương mặt Khương thoát khỏi màn sương bụi, nhưng chỉ đủ cho tôi kịp thu nhận một làn da cháy xạm, một khuôn mặt vừa đăm đăm vừa lạnh lẽo. Tôi rùng mình với ý nghĩ, chẳng chắc gì nếu nhận ra tôi, Khương có thể nở được nụ cười mừng tủi. Một đám người xách bao bị, sô chậu từ đâu nhào tới cân gạo, họ chen lấn đẩy tôi ngã ngồi sang một bên. Không gian bất ngờ náo lọan hẳn lên, tiếng tranh chấp, cãi cọ, ta thán, tiếng còi công an giữ trật tự và người đàn bà quản lý xe gạo la lối. Khương nãy giờ im lìm bỗng hét to, vung tay xua đuổi một thằng con trai đang đu người rướn lên tới sàn xe cầm dùi tính chọc thủng một bao gạo. Đấy chính là giọng Khương, là tiếng nói đầu tiên của anh tôi được nghe lại sau mấy năm trời, kể từ đêm cuối cùng trước khi Khương đi cải tạo. Khuya ấy, anh đã đem cây đàn đến đưa tôi rồi lẩn mất vào bóng tối. Tôi nhắm mắt lại, một dòng nước xé cay bên khóe.

Khi tôi mở ra, gương mặt Khương thật gần và đang cúi xuống. Nhưng tôi không biết anh nhìn tôi hay nhìn vài cọng cỏ le hoe bầm dập dưới đôi dép mỏng. Nắng lúc này rờn rợn trên những sợi tóc tua tủa của Khương. Tôi muốn sờ lên chúng. Đã xa lắm rồi, ngày nào tôi thường sung sướng vò đầu Khương sau mỗi buổi hòa nhạc, trong âm vang những tiếng vỗ tay rạt rào. Tôi muốn quàng hai cánh tay qua cổ anh, để Khương cuống cuồng xa xót bồng tôi lên từ giậu hoa lồng đèn, đặt trên yên xe, rồi Vân sợ hãi ngồi chèn đằng sau, quýnh quíu khép lại hai vạt áo tôi đã bị giựt bung tơi tả. Chiếc xe băng qua nhiều con đường gió lạnh. Tôi gục vào lưng Khương, nức nở cho đến lúc anh và Vân đỡ tôi vào căn phòng trọ của anh.

Đêm đó, dưới tấm thân Khương hừng lửa, tôi bàng hoàng giữa thiên đường và địa ngục. Hét lên tiếng kêu hãi hùng nghẹt thở khi ngọn núi đen đổ tới, với những thân cây sần sùi hung dữ vươn chùm tay khổng lồ vồ lấy ngực tôi, xé toạc mảnh áo xanh. Nhưng bất ngờ, núi biến đi, cả người tôi bứng lên run rẩy khi một dòng nước rút mạnh vào tận hốc thẳm, sức nước như đuôi rồng quẫy mạnh vũ cuồng không ngừng nghỉ. Tôi rốc từng tiếng kêu sảng mê hoan lạc, ghì lấy lưng Khương để cùng anh tan vào thế giới mênh mông. Rồi trong cơn say thiếp, tôi thấy mình ngồi trên thuyền, con thủy quái hai lòng mắt đỏ ngàu trợn trừng, mình dầy vẩy nhọn trồi lên từ lòng nước sâu, bơi đến cạnh thuyền, tôi rú gọi Khương cầu cứu nhưng chung quanh chỉ có sóng đen đang rầm rầm xô tới. Phút chốc không phải giữa biển bao la, phút chốc tôi đang lùi dần ra cửa sổ căn phòng của mình, bản nhạc giao hưởng từ hai chiếc loa cuối phòng đang dội lên âm thanh tưng bừng. Quái vật khổng lồ hiện ra, ngất ngưởng lừng lững tiến tới. Ở đâu đây mùi sình, mùi cá chết, nước tù, mùi thịt và rượu xông nồng. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, hoảng hốt, cánh tay nó đã vươn ra nắm manh áo, giựt tung, chộp ngay hai vú tôi, bóp xoay nghiến ngấu. Thu hết can đảm tôi cố nhìn thẳng vào nó, khuôn mặt cha tôi. Hai con mắt và hai núm má cha trồi ra, máu ứ, rượu từ họng nồng nặc. Tôi lấy cả sức vùng người, quay vụt lại. Sau lưng, bàn tay quái vật còn trong thế chộp, đỏ nầng. Trước mặt, cửa trống.

5.

Cơn gió bốc về từ phía bờ kinh xa, cuốn theo đám lá và đánh thức lũ chim trong bụi cây vùng lên xao xác. Bản nhạc vừa chuyển qua một giai điệu bay lượn, âm vĩ cầm nhảy nhót cùng những nốt dương cầm chạy dài từng chuỗi. Trăng trải lụa bạch trên đùi ngực các mỹ nhân muốt trắng. Những cánh lá sẫm bay qua mái ngói hất tung theo gió, chao đi từng lượn sóng trước khi rơi xuống khu vườn. Tôi nhìn theo một chiếc lá to bản, màu lục mềm lấp lánh trong ánh trăng. Tấm lá mãi quay quắt trong không, xà đến gần cửa sổ rồi lại vút xa, chờn vờn xoay đảo, như thể nó muốn đáp xuống yên nghỉ giữa lòng một pho tượng nào đó đang tênh toang mở ra chờ đợi dưới kia, nhưng mãi hoài bất khả. Chị Trinh, chị Trinh. Ruột tôi quặn lên đau xót. Trinh còn trong căn phòng nhà thương hay đã bay ra ngoài trời?

Khung cửa sổ căn phòng thiếu nữ của chị Trinh lung linh trong ánh đèn. Anh Khương vừa đèo tôi tới để rủ chị đi một vòng Saigòn đêm êm mát. Tôi chưa kịp rụt rè đưa tay bấm chuông ngôi nhà kiên cố ấy đã nghe nhạc tuôn tràn và nửa khuôn người trần của Trinh vụt hiện ra cửa sổ trên cao. Khương và tôi trố mắt, chưa kịp ngạc nhiên, chưa kịp gọi thì dòng nhạc đã binh binh những hợp âm tàn bạo đẩy vụt Trinh lao vào khoảnh đêm.

Tôi còn nhớ tiếng Khương kêu thất thanh và gương mặt nhúm lại căm hận của anh khi ngước vội lên khung cửa sổ. Cha chị Trinh đứng sững trên đó, bóng áo đen đồ sộ sập hết nửa cánh cửa. Bản nhạc chị Trinh hay nghe vừa chấm dứt. Đêm câm.

6.

Con ngõ ồn ĩ bình dân ấy đã quen thuộc từ lâu lắm, tôi về đó ở từ sau lần ra tới thị trấn cao nguyên xơ xác tìm Khương. Có lẽ cùng một thời với gã thanh niên dưới lầu. Lâu thế mà tôi không biết gì về hắn. Một cố tình lạ lùng, vô lý. Không biết hắn là ai, làm gì, mặt mũi thực sự ra sao. Sau một thời ở trọ gian trên gian dưới với những tiếng ồn bất kể giờ khắc của nhau, hắn say sưa hò hét rầm rầm, soong chảo khua loảng choảng với đám bạn, còn tôi thường mở nhạc và kéo những tiếng vĩ cầm lắm khi thật chói tai, chúng tôi đã tự thỏa ngầm chịu đựng. Chẳng hiểu từ bao giờ hắn bớt tụ tập bạn bè, rồi một hôm giữa một bản concerto tôi nghe tiếng gậy dộng từ dưới sàn nhà, cồng cộc cồng cộc, trước nhát gừng sau liên hồi ra chiều thúc giục. Bực mình tôi bật nhạc to hơn, tiếng đập ngưng bặt. Tôi không biết gã ấy chơi trò gì, lại vặn nhỏ, tiếng dộng lại binh binh đòi hỏi. Khi nhạc hết, ba cú công công điềm đạm dưới sàn gác đưa lên như một hơi thở thơ thản hân hoan, một câu cám ơn dễ chịu. Tôi chạy ra hàng ba nhìn xuống, đèn nhà hắn đã tắt, cánh cửa lốm đốm vài mảng sơn xanh hiu hắt trong ánh sáng hắt ra từ nhà vợ chồng ông bán mía hấp. Tự dưng tôi thấy lòng rưng rưng. Đi về trong con hẻm này, gặp nhau ai cũng chào gọi tôi là cô giáo Trinh, họ biết tôi dạy vĩ cầm, họ biết tôi chơi đàn ở phòng trà để kiếm cơm, nhưng chưa ai nói một câu gì về những tiếng nhạc phát ra từ căn phòng tôi ở. Chúng xa lạ và ngoài cõi đời của họ, hệt như mảnh vườn nhỏ huyền hoặc của ông tạc tượng già đằng sau dãy nhà lụp xụp. Vậy mà gã thanh niên đã dần dần say mê nhạc ấy, cùng tôi.

Từ ngày Vân theo gia đình vượt biên, từ buổi Khương gẫy tan trong thế giới khô trơ cỏ cây nghiêng ngửa, tôi chẳng còn ai chia sẻ cõi âm thanh đó. Nỗi cô đơn phình ra cô lại ở từng chiều rơi đêm tới. Tôi mở nhạc cho chúng vật vờ với lá với mưa, cho chúng bay xuống các pho tượng và sau đó sùng sục những lát dao xoáy đục từng phần da thịt khát khao sâu buốt. Rồi trở vào giường, mộng mị xác thân Khương. Tôi chống tay lên chăn chiếu nhìn ngắm đầu anh nghiêng trên gối, riềm mắt rung nhè nhẹ, vành môi hơi nhếch lên, Khương đang mơ gì mà mỉm cười mời gọi, giai điệu vào đầu một sonate đấy ư? Vai và vồng ngực mở rộng, nhịp đập đều đặn. Tôi đặt nhẹ ngón tay lên làn da bụng anh, vẽ một đường xoay, xoáy tròn mấy sợi lông mềm quanh rốn. Đoạn giữa, Andante? Không, Rondo. Nhưng lướt xuống, lướt tay xuống mau hơn, miết xát đi, nắm lấy nó. Mắt Khương vẫn nhắm mà hơi thở như không còn thuộc về anh nữa, chúng dồn lên đẩy xuống vùng bụng dưới, hai bắp đùi anh dẫy bưng bưng như cả bàn tay đang búng mạnh các dây đàn. Không thể chờ đợi nữa tôi vật người lên Khương, phần cương cứng nhất của Khương bấy giờ đâm thẳng vào cửa huyệt tôi. Bản sonate chuyển sang tiết điệu cuối, Presto, Presto. Hoang mê cuồng lũ.

Chẳng biết tự lúc nào tôi đem gã thanh niên vào giấc mơ. Tôi chưa từng thấy rõ hắn ngoài cái dáng gầy gầy ra vào con hẻm nhỏ. Hắn chỉ đến với tôi bằng những cú gậy dộng vào sàn nhà, vài nhát thế này để yêu cầu tôi thay bản nhạc khác, những cú liên tục mạnh mẽ thế kia ngụ ý thích thú và gọi tôi vặn to hơn, hay một tiếng đập nhẹ cuối cùng để nói giờ là thời gian của giấc ngủ. Hắn đâu biết chính từ đó, trong đêm của tôi, hắn là thân xác đàn ông cường vũ đa tình thay Khương, còn tôi, tấm thân đàn bà trắng trẻo rạo rực dưới vườn ông điêu khắc già. Để về giấc sáng, đứt cơn mơ hoảng, tôi choàng dậy với đáy quần ẩm rị, linh hồn rời rã xót xa.

Những cơn mơ cuồng như vậy thường đến vào đêm trăng, chúng tiếp tục hành hạ tôi cho đến buổi chiều mưa giông ấy, tôi có được đĩa Requiem mới. Mozart tự làm kinh cầu hồn cho chuyến xe đưa ông vào mộ địa cô đơn. Kinh nhạc này không hiểu sao đã kích động gã thanh niên đến nỗi đó là lần đầu sai khiến được hắn leo lên chiếc cầu thang lộ thiên, để tôi bị đắm chìm mê sảng giữa ban ngày. Để sau đó, tôi hụt vào vực trống khi hắn bình thản quay bước. Tất cả mộng ảo vỡ ra, như chiều nào bên cái quán lá cạnh bờ thị trấn gió bụi.

Khương cầm cái muỗng nhôm đuổi mấy con kiến lui hui trên đĩa đường vàng ẩm bẩn. Ly cà phê đen trước mặt lờ nhờ màu đất. Tôi gỡ chiếc túi đeo vai, lấy ra ba bao thuốc lá Dunhill và một kí đường cát trắng để lên bàn. Khương cầm ngay lấy một bao thuốc, mấy ngón tay khô gầy lột giấy bóng ngoài, quẹt lửa. Bấy giờ tôi mới can đảm nhìn thẳng vào mặt anh, sau làn khói mong manh lòng mắt Khương dịu xuống. Tim tôi đập mạnh, nước mắt cứ muốn trào ra. Tôi thèm Khương cười. Tôi lôi từ túi vải chiếc máy hát nhỏ và cuộn băng nhạc.

- Em đem cho anh cuộn băng có những bản mình đàn chung hồi xưa.

Không có tiếng trả lời ngoài gió nổi mạnh hơn, rít qua ngọn cây, mái tôn vải bạt đập bình bình. Mãi lâu, Khương nhìn vào cuộn băng nhưng chẳng cầm, rồi ngửng lên hướng về ngọn núi mờ xa, xám bạc dưới mặt trời.

- Bao nhiêu năm bị cầm tù trong rừng, rồi phải lao vào cảnh sống như thế này đây để tồn tại khi ra khỏi. Nhìn đi Trinh, em không thấy quanh đây sao? Em không nghe không gian ung bức này nổ ùng ùng, vỡ toang trong đầu như thế nào sao Trinh? Âm nhạc ngày ấy đã là cuộc đời bỏ lại bên kia núi. Em đem chúng về đi.

Khương nói một tràng không ngưng, rồi đứng dậy, bước khỏi quán. Tôi lặng người trên chiếc ghế đẩu nghiêng xiêu, ngó Khương nhảy lên xe gạo. Người đàn bà chủ xe mặc tấm áo in bông vạn thọ vàng rực vạt xẻ cao núc nỉnh mỡ bên hông, mắt liếc tôi một vạt, xong leo ngồi cạnh anh tài xế giục nổ máy. Chiếc xe giật xình xịch mấy tiếng rồi lăn bánh, hất tung bụi mù.

Bỗng vài đứa con trai nãy giờ lấp ló sau mấy quán tôn nhào ra chạy theo xe, vung tay nhảy tót lên, đâm lia lịa. Gạo trắng lập tức phun ra từng tia từ các bịch gạo ngoài rìa chiếc xe cam nhông. Dường chỉ chờ có thế, đám người đang ngồi xổm bên bờ đường nhỏm ngay dậy đuổi đuôi xe, giơ rá giơ chậu ra hứng. Họ cuống quít ồn ào xô đẩy trong khói xe đen khịt. Vậy mà tôi vẫn nhìn thấy rõ Khương ngồi trên thùng xe, co lại như một nhúm tượng bất động, thờ ơ mặc bao dòng gạo đang đổ xuống đường. Những chiếc lá bạch đàn chao trong gió rơi đụng vai Khương.

Lá đã bùi ngùi rơi nhiều năm như thế trên khu vườn phía sau căn gác. Nhưng đêm nay, có chiếc sắp cùng bản nhạc cuối cùng này đưa tôi vào bầu trời đeo những vì sao. Xanh hút.

 
 

Mai Ninh

Tháng Năm, 2006