TỊNH KHÔNG CÒN YÊN

 
 
 

Ngày đầu tiên theo sư Thầy về đây, Tịnh hết sức ngỡ ngàng khi nghe sư Thầy nói: “Chùa này là của Thầy trò mình”.
Chùa ư? Đó chỉ là một dãy nhà, ba căn liền nhau theo chiều ngang, cũ kỹ đến độ tất cả nắng sáng tháng ba chiếu rọi cũng chỉ hắt lên một màu ảm đạm, đen xỉn. Chưa bao giờ, trong nhiều năm qua, Tịnh nhìn thấy một căn nhà như thế. Nơi chốn phồn hoa, Tịnh đã quen với những ngôi- nhà- hình- hộp, vuông vức, sắc cạnh, xếp chồng lên nhau, cao ngất ngưởng, như muốn cho lấp bầu trời, hoặc giả, những căn nhà dù thấp cũng cố gắng phô diễn hết vẻ cầu kỳ, hiện đại của chúng. Ở đây một dãy nhà thấp lè tè, dù rằng nền đã được tôn cao một cách quá đáng cũng chẳng có gì cao lắm so với rất nhiều ruộng đồng chung quanh. Những cây cột trước thềm, làm bằng thân cây căm xe, lưu niên, lên nước đen bóng nhẫy, những đòn tay, vì kèo, cũng thế, dù đã được chạm trổ rồng phụng chẳng sáng hơn chút nào. Và như cộng hưởng với màu đen âm u phía dưới, mái ngói âm dương già cỗi lại thêm già bởi vài cây dại mọc lên trên đó. Cũ kỹ và già nua. Ấy thế mà sư Thầy gật gù nói một mình với điệu bộ xem ra rất đỗi hài lòng: “Thật xứng hợp cho một tịnh xá”.
Mãi sau này, Tịnh mới biết, đó là ngôi từ đường của dòng tộc sư Thầy, từ đã rất lâu, là nơi đặt di ảnh, bài vị của những người đã khuất, để cháu con hương khói phụng thờ, được vị trưởng tộc giao lại cho sư Thầy, biến đổi thành một nơi thờ phật Tổ và hoằng dương đạo pháp.
Không thay đổi cũng như sửa chữa gì nhiều lắm, nhà từ đường, khi về tay sư Thầy bỗng nhiên được cư dân thưa thớt trong vùng gọi là chùa, mỗi khi họ đi ngang hoặc nhắc đến.
Trên mái ngói âm dương, trước kia là bức phù điêu “Lưỡng long chầu nguyệt”, được sư Thầy gọi người đến, đập mặt-nguyệt-xi măng để thay vào đó là một “bánh xe luân hồi”, thì tên gọi chùa có vẻ được đúng hơn phần nào! Tịnh không rõ lắm về những tích truyện, nhưng xem ra, sự thay đổi của sư Thầy, một bánh xe luân hồi, tiếm chỗ của hình tròn mặt trời, không được đúng, vì Tịnh được nghe một người bạn của sư Thầy thốt lên “Này ông, lưỡng long chầu nguyệt thì có đấy. Chứ chưa ai thấy lưỡng long chầu… bánh xe như ông cách điệu!” Và sư Thầy sau những tiếng cười sảng khoái, trả lời “Chí ít, dù có là cách điệu, nhưng cũng nên cho tôi đưa ra lô-gô của Phật chứ!”
Phía trong của căn nhà chính giữa, trước đây là những hình ảnh và bài vị của nhiều ông sơ, bà cố. Cũng có thể có nhiều phướng vị, sắc phong của vua chúa (có chứ, vì sư Thầy thường kể về dòng tộc của mình với giọng điệu tự hào), giờ đây trống trơn, chắc hẳn vị trưởng tộc đã thỉnh những gì có liên quan đến cúng tế, thừa tự ấy về một nơi xứng hợp hơn với một dòng tộc lớn, phải trang trọng và hoành tráng hơn nơi chốn xem ra có vẻ khiêm cung này. Gian chính, sư Thầy chỉ xây một bệ gạch khối chữ nhật, cố định, vững chắc, chẳng có tô diểm gì cho hoa mỹ và trên bệ thờ một màu xi măng xám ấy, sư Thầy đặt duy nhất một tượng phật Thích Ca, cùng với lư hương, chân nến bằng đồng. Với Tịnh, bệ thờ như thế đơn giản và thiếu thốn quá chừng. Những ngôi chùa Tịnh theo sư Thầy đến thảy đều có nhiều tượng ảnh chật ních trên tường và trên các bệ thờ. Nhiều đến độ, có bức tượng Tịnh chẳng thể biết đó là Tượng-Của-Phật-Nào. Những hình ảnh Tịnh thường thấy là tranh vẽ cảnh niết bàn, có tiên ông đánh cờ, tiên nữ múa lụa, hạc ngóng mỏ trông trăng và phía đối diện bao giờ cũng là cảnh địa ngục a tỳ với hình ảnh cho thấy những hình phạt mà Tịnh không bao giờ có thể nghĩ ra được.
Nơi này thì không có vì sư Thầy đã nói cùng Tịnh: “Thôi con à, chỉ làm cho bá gia thêm phần rối trí! Phật Thích Ca, cội nguồn của tất thảy, còn chưa đủ sao?” Sư Thầy nói vậy thì Tịnh biết vậy, chứ nếu để Tịnh bày biện nơi gian chính điện này, nhất định Tịnh sẽ để hình ảnh hứa hẹn một phần thưởng và dĩ nhiên bên cạnh đó phải có những lời răn đe về phần phạt. Hơn nữa, Tịnh nghĩ chùa thì phải có nhiều ảnh tượng để thờ cúng, thắp nhang chứ? Lẽ nào, chỉ một tượng Phật bằng thạch cao, xem ra đơn chiếc và trống trải quá, nhất là mỗi lúc đêm về, những ánh đèn chớp tắt cho thấy tất cả vẻ cô đơn, quạnh quẽ của pho tượng! Nghĩ, nhưng chưa bao giờ Tịnh nói lên ý nghĩ của mình thành lời kể cả ý nghĩ rằng nơi đây chẳng có vẻ gì là một ngôi chùa, mỗi lúc Tịnh hoàn tất buổi khất thực trở về, nhìn lên mái ngói sẫm màu, thấy bánh xe luân hồi, dù mới được đắp lại cũng chẳng khiến ngôi từ đường trở thành chùa như mọi người quen gọi.
Trở về nơi quạnh quẽ này, Tịnh an nhàn hơn rất nhiều, khác hẳn khi còn phò sư Thầy nơi phố thị. Ở đó, sư Thầy dù không trụ trì bất cứ ngôi chùa nào nhưng ở chùa nào sư Thầy cũng có mặt, khi một, hai ngày cũng có lúc kéo dài hàng tháng tùy theo những buổi thuyết pháp mà sư Thầy được thỉnh giảng. Tịnh nhận thấy ở những nơi sư Thầy đến đều nhận được một thái độ kính ngưỡng từ sư trụ trì đức cao, tuổi trọng cho tới các chú tiểu mới khoác áo lam già.
Sư Thầy bận rộn, lẽ nào Tịnh được nhàn nhã. Nội việc chắp tay đảnh lễ với các sư phụ, sư huynh… cũng đã khiến Tịnh cảm thấy mệt mỏi quá đỗi rồi.
Về đây thì khác. Sư Thầy có thể (và có lẽ đúng thế thật) vẫn bận rộn với những quyển sách dày cộp, với những trang giấy trắng mà chỉ sau một đêm, Tịnh nhận thấy sư Thầy đã viết đặc kín. Tịnh thì rõ ra nhàn tản. Có gì đâu để bận rộn công việc chẳng nhiều còn thời gian thì quá nhiều. Sư Thầy đã dặn: “Con muốn làm gì cũng được nếu điều con muốn làm, con thấy là đúng, là được”.
Sau những buổi ôm bình bát đi khất thựcTịnh lo chăm bón vài luống rau phía sau chùa và nếu Trầm sang, Tịnh sẽ có được một buổi học êm ả nhưng đầy hứng thú.
Mọi người nơi này hoặc nơi khác có thể gọi chốn nương thân của thầy trò Tịnh bằng bất cứ tên gọi nào mà ngôn ngữ loài người có thể nghĩ ra được: đình, chùa, miếu, mạo… Cũng có sao đâu, vì sư Thầy chẳng bận tâm bất cứ gì ngoài những trang sách, còn Tịnh ngày tháng dần qua êm ả và an lành với những buổi khất thực, với vài luống rau để chăm bón như một cái cớ. Và với Trầm, cô-giáo-học-trò, vẫn siêng năng chỉ dẫn cho Tịnh bài văn, con toán. Đã quá đủ đầy cho một bánh-xe-cuộc-đời Tịnh, bánh xe đang lăn trên con đường suôn sẻ và Tịnh như nhìn thấy cuối con đường là cuộc tiếp nhận Y BÁT do sư Thầy truyền lại, vì còn ai nữa đâu, Tịnh là đệ tử duy nhất của sư Thầy.

***
Thỉnh thoảng sư Thầy lẫn Tịnh cũng sẽ có một ngày bận rộn: sư Thầy tiếp khách còn Tịnh lo phần việc chung quanh nơi bá tánh đến gặp sư Thầy. Lạ một điều tất cả những ngày bận rộn ấy không hề rơi vào bất cứ ngày nào trang trọng được ghi trong phật lịch, bởi vì nhiều năm phò sư Thầy, Tịnh biết rất rõ ngày nào sẽ là ngày sân chùa chật ních phật tử, đến trước là tham quan, sau thắp nhang lễ Phật để cầu phúc nhân lễ lớn. Đó là những ngôi chùa đồ sộ, hoành tráng trong thành phố, nơi bá tánh có thể đứng dưới chân bệ một pho tượng to lớn để chụp hình kỉ niệm, hoặc vào trong điện thờ, thắp một cây nhang thơm-to và dĩ nhiên đắt tiền, sau khi van vái cắm xuống lư đồng sáng choang trước mặt, đã có sẵn rất nhiều nhang-thơm-to-đắt tiền.
Còn nơi đây, một ngôi nhà từ đường, được thay đổi chút ít để thành chùa, thì có gì để lôi kéo bá tánh thập phương tìm đến. Chụp một tấm hình ghi lại lần đi của mình, chụp ở đâu để có được cảnh trí đẹp mắt người xem? Thắp nhang và khấn vái nơi đâu khi bên trong chỉ có duy nhất một tượng phật bằng thạch cao không lấy gì làm lớn. Vả lại, chưa nghe ai nói hoặc nghe đồn về bất cứ sự hiển linh nào xuất phát từ ngôi chùa này, thế nên các đoàn hành hương đã chẳng để tâm đến, vì vậy thầy trò Tịnh được yên dù nhìn lịch biết đã đến ngày lễ lớn của phật pháp.
Cái dịp bận rộn không theo một định kỳ đã được ấn định, mà bất chợt khi sớm, khi muộn, đều được sư Thầy đón nhận với vẻ hân hoan và trọng thị. Tịnh giờ đây mới biết sư Thầy đón tiếp các bạn của Ngài.
Những người này, Tịnh “quen mặt” nhưng không biết, vì Tịnh cũng cho rằng, họ, đến gặp sư Thầy, đàm đạo hoặc giả hỏi han về một điều gì đó có liên quan đến đạo pháp. Như bất cứ một đạo hữu nào cũng có thể làm, nơi những ngôi chùa trong nội thị.
Nhưng ở đây, Tịnh biết rằng đó chỉ là những người bạn đến thăm viếng một người bạn khác.
Chùa nơi đây và sư Thầy đã là một điều hết sức lạ lùng, khó hiểu đối với Tịnh.Vậy mà, bằng hữu của sư Thầy, những ông, những bà thảng hoặc tìm đến, còn lạ hơn thế nữa. Với Tịnh, cứ mặc kệ họ chuyện vãn với sư Thầy, tìm hiểu làm chi cho mệt óc khi mà gần như tất thảy những câu chuyện của họ trao đổi với sư Thầy Tịnh nghe được tất và cũng chẳng hiểu gì tất! Tịnh chỉ quẩn quanh bên cuộc họp mặt, lúc pha thêm trà khi tìm thêm nước đá, vì trên những tấm chiếu Tịnh trải bên thềm một gốc chanh già cỗi, không chỉ có sư Thầy uống trà cùng với người ngồi đối, cạnh đó còn một vài ông, chuyền tay nhau ly rượu.
May quá, Tịnh nghĩ, chùa hiếm khi có người đến làm công quả (mà có chi nhiều nhặn phải làm, khi chỉ một mình Tịnh cũng đã lo toan hết để chùa luôn được tươm tất). Chứ nếu không, chẳng hiểu họ sẽ nghĩ thế nào khi bất chợt bắt gặp cảnh một sư cụ, cười nói hồn nhiên giữa những ông những bà mang dáng dấp của phố thị cùng với thức nhắm và chai rượu trước mặt? Xem ra sư Thầy chẳng có vẻ gì quan tâm đến việc có ai đó bất ngờ tìm đến và chứng kiến hình ảnh rất đỗi không nên có trong đất phật với sự tham dự của con-đích-thực-của-Phật! Sư Thầy vẫn bình nhiên nâng ly trà chạm tách với chung rượu của người bạn đối diện và nhấp tí, hạ tách xuống khà một tiếng sảng khoái, sau đó tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở vì bận cụng ly. Sư Thầy không băn khoăn tự hỏi liệu có ai trong những người đến bất chợt ấy nghĩ được một cách đúng đắn cho sự việc và đúng như thế, sư Thầy đang gặp gỡ bạn bè như tất thảy những gặp gỡ khác vẫn có mọi nơi. Hay vì lòng mộ đạo, hình ảnh họ bắt gặp trước mắt, có lẽ vì sự kính trọng đối với áo cà sa khiến họ lặng thinh, nhưng biết đâu trong họ, chắc hẳn sẽ có lời than vãn “Vô phúc! Thật là rối đạo!”
Sư Thầy vẫn chuyện vãn, cười đùa với mọi người và hiếm khi Tịnh thấy được vẻ thoải mái như thế nơi sư Thầy. Hình ảnh đã quá quen Tịnh thường thấy: lặng lẽ nhiều giờ mắt nhắm nghiền, một tay cầm chiếc dùi nhỏ, tay còn lại, với chuỗi bồ đề trong tư thế đảnh lễ trước Phật, nhưng không hề có tiếng chuông mõ cũng tịnh không có lời niệm ADIĐÀ. Cũng vẫn lặng lẽ như thế khi sư Thầy ngồi trầm ngâm trước những trang giấy trắng, mà Tịnh, trong đêm có bất chợt tỉnh giấc, rảo qua thư phòng thảy đều thấy đã kín chữ.
Tịnh không thể hiểu được sư Thầy dù đã được theo-phò sư Thầy nhiều năm. Vả lại, Tịnh nghĩ, cần gì phải tìm hiểu trước một tảng đá lặng căm, sừng sững và… im lặng. Tịnh chỉ biết một điều, với Tịnh sư Thầy là biểu hiện của an nhiên, tự tại, của mặc nhiên cứ thế mà sống dù dưới bất cứ dáng vẻ nào. Và đó là tất thảy những gì Tịnh cho rằng cùng đích của việc ngẫu nhiên được đi vào cửa phật của Tịnh.

***
Buổi trưa im ắng và tĩnh lặng như tất cả những sáng, trưa, chiều, tối… nơi này. Tĩnh lặng và cách biệt với âm thanh ồn ào của đời sống đang diễn ra, hối hả, cuống quít ở chung quanh. Nơi đây thì không. Cách quốc lộ khá xa, chỉ có những con đường liên xã trải đá cấp phối, gồ ghề và bụi bặm, có đâu xe qua lại nhiều… Sự tĩnh lặng càng tăng khi tiếng kêu râm ran của mấy chú ve đâu đó làm nền cho một buổi trưa nơi thôn dã.
Tịnh, hình như bực bội với sự tĩnh lặng quen thuộc của vườn cây, cạnh chùa. Sư Thầy đi vào thành phố vì một việc gì đó ít ra và vài ngày mới về, Tịnh không đi khất thực, tất cả những việc cần làm Tịnh đã hoàn tất, rảnh rỗi là thế, thích hợp là thế, vậy mà Trầm sang, chỉ vẽ cho Tịnh một bài văn hình như rất qua quít, mà theo Tịnh cần phải giảng giải rất lâu may ra Tịnh có thể lĩnh hội được phần nào, chưa chi Trầm đã nói “Thôi, Tịnh cứ thế mà làm. Em về vì có việc. Chừng rảnh em qua, nghen!”
Chừng nào Trầm mới rảnh, chớ Tịnh thì đang rảnh lắm, rảnh để thấy rằng buổi trưa rồi sẽ qua đi rất chậm và Tịnh chẳng biết làm gì để cho hết thời gian trước mặt. Tịnh bỏ quyển vở sang một bên, nằm úp mặt xuống hai cánh tay xếp lại và cố ngủ. Nhưng không biết có ngủ được không khi trong đầu Tịnh vẫn còn bực bội như muốn hỏi Trầm, làm gì mà vội vàng quá thể?
Những âm thanh rất nhẹ, dường như mơ hồ, không có thực, đã đánh thức Tịnh dậy. Nhưng rõ ràng có tiếng động ở đâu đó, chứ nếu không, Tịnh vẫn cứ tiếp tục bình yên trong giấc ngủ êm ả. Dưới bóng mát có gió nhẹ của vườn cây. Tịnh ngóc đầu, nhìn quanh. Vẫn chỉ là không gian tĩnh lặng của vùng thôn dã. Tịnh nghiêng tai, nghe ngóng. Có bước chân dù rất nhẹ, rất êm, đâu đó.Và Tịnh nhìn thấy, xuyên qua hàng trúc dày đặc có bóng người. Tịnh rời chỗ nằm dưới gốc khế, đến gần hơn với những bụi trúc. À, Trầm, cô gái, làm gì thế? Không phải sang chùa để tiếp tục dạy Tịnh bài học đang còn dở, vì trên tay cô cầm theo một mớ quần áo.
Khi Trầm vắt mớ quần áo lên những tấm phên tre che chắn một cách hờ hững chung quanh thì Tịnh biết ngay việc cô gái sắp làm. Cùng lúc biết như thế, Tịnh nghe trong lòng có tiếng nói rõ ràng, đanh thép như một mệnh lệnh “Đi vào! Đi vào ngay!” Khốn thay, lệnh truyền kia đã chẳng được nghe theo, bởi đôi chân Tịnh như hoá đá, gắn chặt xuống đất, toàn thân Tịnh thu lại rất nhỏ, nhìn xem chẳng khác chi một tên trộm đạo đang rình rập và sẵn sàng hành xử.
Vẫn chậm rãi sau khi để mớ quần áo mang theo trên tay lên tấm phên tre, Trầm bắt đầu cởi bỏ y phục cô đang mặc trên người. Ngực Tịnh đập thình thịch, hơi thở Tịnh hổn hển, tưởng chừng những âm thanh kia có thể đến tai Trầm khiến cô ngưng việc, sợ như thế nên Tịnh cố nén, cố kìm hơi thở gấp trong khi mắt Tịnh cố mở to hơn có thể. Tịnh thu nhỏ người hơn nữa, hơn nữa…
Tấm áo ngoài và một miếng vải bên trong được vất bỏ xuống chân, trên manh quần cũng được kéo xuống một cách lười lĩnh. Nhưng một tấm quần lót nhỏ xíu còn sót lại. Bức bối vì vướng víu mắt nhìn, Tịnh như muốn hét lên “Cởi ra! Cởi ra đi!”
Khi Trầm đưa hai ta ra phía sau để tém gọn mái tóc dài của cô thành một mớ sau gáy, tưởng như hai núm vú nhỏ hồng hướng về phía Tịnh, kiêu hãnh và… (như thế được chăng: thách thức, mời gọi ).
Dường như chẳng có gì phải vội vàng, Trầm đưa hai tay vuốt ve suốt dọc theo chiều thân thể và sau đó cầm chiếc gáo dừa, múc nước trong khạp, tưới lên người bắt đầu việc tắm rửa, của cô. Dòng nước trinh tuyền từ gáo dừa đổ xuống tấm thân tơ sữa được nắng trưa chiếu rọi, như có muôn vàn mảnh kim cương vừa được dát lên, phản chiếu lấp lánh. Và dòng nước khiến mảnh lụa cuối cùng không còn che chắn được gì. Nó ướt sũng và tỏ lộ tất thảy. Tịnh đã nhìn thấy, tận mắt, thật gần, huyền ảo, mê hoặc của cái càn khôn nơi cô gái.
Cơ thể Tịnh như một kẻ mộng du không nghe theo sự điều khiển của Tịnh nữa. Dường như ai khác đã sai khiến chúng, tay Tịnh đưa xuống phía dưới, nắm lấy dương vật đã cương cứng. Mắt nhìn của Tịnh thì không mộng chút nào, bởi hình ảnh rất thật, sinh động đậy kiaTịnh dõi nhìn háo hức theo bàn tay cô gái lúc ve vuốt, bóp nặn khi moi móc trên cơ thể mình. Khi Trầm nhẹ nhàng kéo mảnh vải cuối cùng xuống dưới gối, như sợ sự việc sẽ kết thúc giống những giấc mơ nửa vời, bàn tay Tịnh cuống quít hơn, mạnh mẽ hơn trong việc của nó!
Tịnh hé miệng, mở mắt, rướn người lên trong một cử chỉ cuối cùng trước lúc đổ xuống để kết thúc.
Và Tịnh bùng vỡ. Viên mãn.
Khi thân thể được cuốn vào chốn cực lạc Tịnh nhận ra một điều, đây quả là cõi cực lạc đích thực. Trước đây, Tịnh cũng đã có, cảm giác tương tự, hình ảnh tương tự, nhưng đó chỉ là những cảm giác và hình ảnh khá mờ nhạt của những giấc mơ, đôi lúc bị gián đoạn khiến khi bất chợt thức giấc một cách cưỡng ép chỉ dấy lên một cách nuối tiếc và bực bội nơi Tịnh, thảy hoặc giấc mơ tròn vẹn, kết thúc bằng việc xuất tinh, cũng chẳng thể có được sự trọn vẹn nguyên nghĩa như Tịnh vừa được cơ duyên cho hưởng.
Bên kia, sau những thân trúc, Trầm vẫn thản nhiên trong việc của mình, tiếp tục xối nước và vuốt ve trên thân. Bên này, Tịnh đã kết thúc. Mọi hình ảnh đã không còn cần thiết nũa. Với Tịnh như thế. Nhưng với Trầm dường như công việc của cô chẳng có thời khắc ngừng, vì nó vẫn đang tiếp diễn. Cô không biết rằng, chỉ với một việc rất đỗi bình thường, có lẽ là hằng ngày của cô đã phá đổ của một công trình. Bởi vì khi Tịnh gục xuống gốc những bụi trúc, đó không phải là một cử chỉ của sự kết thúc. Đúng hơn đó là khơi mở một điều gì đó, Tịnh không biết. Nhưng mơ hồ Tịnh hiểu một cách đớn đau rằng, mình biết.

***
Sự kết thúc cũng là mở đầu của một việc, hơn ai hết, Tịnh hiểu vì Tịnh là nguồn cơn của kết thúc và mở đầu ấy. Mở đầu, nhưng chỉ lập lại những công việc đã quá quen thuộc từ nhiều năm qua, nhưng nay bỗng trở thành lạ lẫm và khó khăn quá thể, với Tịnh.
Cũng chỉ là những công việc thường ngày, sau buổi khất thực trên nẻo đường quen thuộc, Tịnh về lại chùa với những việc chẳng có gì khó khăn, nặng nhọc: dọn dẹp chùa, chăm bón vài luống rau phía sau và nếu có thể tụng một trong những buổi tụng dâng kính phật tổ. Tất cả như cũ nhưng Tịnh biết sẽ không được như cũ nữa.
Trước khi ôm bình bát khất thực, Tịnh bước theo mỗi tam-bộ-di-đà, tịnh nhiên. Bước chân trần thế hướng đâu cũng được, một thí chủ dây cúng vật phẩm đặt vào bình bát, chắp tay đảnh lễ, Tịnh sẽ niệm NAM MÔ và đảnh lễ đáp trả: nhưng nay, khi bá tánh là một nữ thí chủ, vật phẩm cúng dường Tam Bảo được đặt vào bình bát, thí chủ đảnh lễ, Tịnh đáp lễ và không quên có một ánh nhìn rất nhanh về thí chủ. Tịnh muốn kêu lên “Lạy chư vị Thần Phật, có gì có thể che chắn được trí tưởng con, phía sau làn vải kia, vì con đã nhìn thấy và bây giờ con còn thấy rõ hơn nữa trong trí tưởng”.
Tịnh chốn tránh những buổi khất thực vì Tịnh không thể phân giải cho sư Thầy hiểu nổi thống khổ và day dứt của Tịnh khi đi khất thực: bình bát đầy những lễ vật cúng dường và người ôm bình bát là Tịnh, đầu óc đầy ứ hình ảnh tấm thân trần truồng của Trầm mà Tịnh đã nhìn thấy qua các nữ thí chủ trên nẻo đường khất thực. Tịnh cũng xao nhãng kinh kệ khi biết rằng dù đã cố ý tụng kinh lặng nghiêm, trúc trắc, khó đọc, cần tập trung, thế nhưng hỡi ơi, tất cả những cố gắng ấy đều vô tình vì nhạt nhòa bởi một hình ảnh Tịnh đã rất muốn xóa mờ lại càng lúc càng rõ nét.
Sư Thầy nhận biết rất rõ những đổi thay nơi Tịnh, nhưng sư Thầy không hỏi han như tra vấn để biết thực hư vì Ngài rõ, nếu có tra vấn sẽ đẩy Tịnh vào thế nói dối và che chắn cho sự dối trá sẽ là tại.. bị… vì…
Và Tịnh được yên.
Khi bóng Tịnh dường đổ xuống, đồng lõa với mái ngói âm dương cũ kỹ. Khiến ngôi chùa được ẩn nắp sau bóng tối ấy, Tịnh vào bật đèn trong chính điện, chuẩn bị chuông mõ cho buổi tụng niệm cuối ngày của sư Thầy, trong lúc sư Thầy vẫn bình nhiên ngồi trong bóng tối của vườn cây.
Bỗng nhiên sư Thầy nhớ lại, một bậc trưởng thượng, đồng đạo, biết sư Thầy đã lâu, nhắc bằng một giọng trách móc rằng sao lâu như thế sư Thầy không làm lễ nhập hạ và đắp y cho Tịnh. Sư Thầy, lúc đó đã trả lời rất mập mờ “Bạch Thầy, chưa đến lúc!”
Chưa đến hoặc không bao giờ đến. Sư Thầy nghĩ đến khi một vài lần chi đó nhìn được các buổi trưa Trầm dạy Tịnh học. Thì rõ ràng là trong sáng và thanh khiết. Có gì lạ đâu: hai mái đầu tuổi trẻ gần nhau để cùng giải một bài toán, hay gì đó… Gío từ đồng ruộng thổi lên khiến những lọn tóc đen mun bay sang ve vuốt và mơn trớn lên một mái đầu cạo nhẵn bóng. Trong hình ảnh rất đỗi thô thiển ấy sư Thầy vẫn nhận ra một vẻ gì gần gũi, quấn quít và nhập thể. Có lần sư Thầy muốn nói để cảnh giới cho đệ tử của mình rõ được những hệ lụy, triền phước phía ngoài kia mà cội rễ sẽ khởi nguồn từ cô gái đang cận kề. Nhưng sư thầy cũng nghiêm khắc cảnh báo với chính bản thân mình “Ngăn ngừa những trình tự của tự nhiên cũng là một tội ác”.
Khi sư Thầy nhìn vào chính điện, thay vì thấy nhang đèn, chuông mõ đã sẵn sàng cho sư thầy vào tụng kinh dâng Phật, sư Thầy thấy, Tịnh đang ngồi lặng lẽ trước phật đài với chuông mõ cận kề trước mặt và dường như muốn tụng buổi tụng kinh cuối ngày thay cho sư Thầy.
Và thật thế, với Tịnh, buổi tụng này lẽ ra phải là chuỗi kinh sám hối, nghĩ thế nhưng Tịnh có nhớ gì đâu những lời kinh, tiếng kệ. Tay Tịnh rờ rẫm trên chiếc mõ tu nhẵn bóng và không hề phát lên tiếng kêu thông lệ vì chiếc dùi nhỏ bất động trong tay Tịnh.
Tịnh cuối đầu trước phật đài, cúi sâu và sâu hơn nữa tưởng chừng trán Tịnh có thể đập vỡ cánh cửa u mê nào.
Trong thinh lặng của gian chính điện, Tịnh nghe như có tiếng nức nở cùng với tiếng kêu rất đỗi trầm thống, bi thương của một kẻ ngã gục là Tịnh. “Ơi Trầm ơi! Chỉ một phút mê hoan, đời tôi cũng đã đủ trầm luân vô lương kiếp. Cơ duyên hay kiếp nạn từ ngàn xưa đã cho tôi thấy được từ cội rễ, mép nguồn Trầm tỏ lộ…”
Sư Thầy dời chỗ ngồi trong bóng tối, đi vào, thấy Tịnh ôm chuông mõ trong tay, cuối gập người trước phật đài, chẳng khác chi một con thú bị trọng thương.

***
Sáng, theo thông lệ, sư Thầy sẽ nghe có những tiếng động rất khẽ khàng nơi chính điện, đó là lúc Tịnh bật đèn, thắp nhang, chuẩn bị cho buổi tụng kinh sớm của sư Thầy. Sáng nay, chờ đợi theo thói quen không thấy, sư Thầy đi qua chính điện. Không có gì. Đến khi vào trai phòng, nơi đặt chiếc giường xếp của Tịnh, sư Thầy nhận thấy mọi vật đều ngăn nắp, tưởng như không có gì thay đổi từ nhiều ngày qua. Sư Thầy thấy có một mảnh giấy, đó là thư của Tịnh, bằng nét chữ và văn phong của một người ít học, Tịnh xin phép sư Thầy cho Tịnh được rời khỏi nơi này, chưa biết đi đâu. Tịnh viết “Bạch Thầy, con biết rồi có lúc con không tự giữ nổi mình, chuyện ô uế nhà phật rồi sẽ xảy ra”.
Sư Thầy biết Tịnh đã nói thật. Và một ngày nào đó, có thể khi đụng chạm tới cõi phàm trần ô trược, vấp ngã, choáng váng, bi thương, Tịnh sẽ trở lại nơi này để thấy rằng, đây là chốn dung thân lý tuởng. Mà cũng có khi Tịnh cảm thấy bước chân nơi phàm trần dễ dàng và do đó vững chãi hơn những bước chân trên hoan lộ về cõi niết bàn.
Sư Thầy vào chính điện, tọa thiền và sư Thầy không biết mình nên tụng một bài kinh nào trong một buổi sáng mà sư Thầy nhận thấy tâm hồn mình là cả một cõi hỗn mang.

 
 

03/2006

Phạm Quang Phước