|
(tiếp theo)
2/
Ý chí đồng nghĩa với dục, là một vấn đề chủ của thời hiện đại. Dục để tiến tới quyền lực là tư tưởng vận động của Nietzsche - Der Wille zur Macht - người ta có thể ngờ vực quyển sách ấy chưa bao giờ hoàn tất, song không thể nghi hoặc tư tưởng ấy. Dục chính là muốn quyền lực, song trong ý hướng hư vô chủ nghĩa, như Blanchot dẫn lời Nietzsche: ý chí còn ưa thích muốn hư vô hơn là không muốn.[M.Blanchot, L'Entretien infini]. Chủ nghĩa hư vô gắn liền với siêu nhân/Übermensch trong khái niệm của Nietzsche. Song siêu nhân là ai? Đó chính là vấn đề tranh cãi. Song, giữa cái dục phi dục, thử xét có đối nghịch, cũng như giữa siêu nhân và chân nhân (hiểu trong khái niệm của Trang tử), có gặp gỡ?
Trần Cổ Ứng/Chen Guying là một trong những học giả đã thử đi tìm mối quan hệ giữa Nietzsche và Trang tử trong tác phẩm Triết gia bi kịch Nietzsche/Beiju Zhexuejia Nicai (James D. Sellman tuyển dịch một phần in trong hợp tuyển Nietzsche and Asian Thought 1991, Graham Parkes chủ biên), khởi từ chương Tiêu dao du trong Trang tử phân định: 'chí nhân/zhi ren không biết có mình, thần nhân/shen ren không biết đến công, thánh nhân/sheng ren không biết có danh' [chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh] để chỉ những hạng người 'cưỡi lên lẽ thường của trời đất, chế ngự biến đổi của sáu khí/liu qi' [tức âm/dương, sáng/tối, gió/mưa] có nghĩa là ra ngoài vòng phong tỏa, hợp làm một với vũ trụ, theo họ Trần ' từ góc độ triết học, Trang tử tìm ra mối quan hệ giữa ngoại vật và con người như một liên tục', không khu biệt, đối kháng giữa chủ và khách mà là một liên tục và thống nhất.
Há như siêu nhân của Nietzsche? Trong hình thành những tư tưởng cơ bản của Nietzsche, như ý niệm về tuần hoàn vĩnh cửu [luân hồi vô hạn]/Ewige Wiederkehr, ý chí tới quyền năng, chủ nghĩa hư vô, khái niệm siêu nhân - trong đó khái niệm siêu nhân là cốt lõi: ngay từ thiên trường ca Also sprach Zarathustra đã truyền ngôn 'Thuợng đế đã chết/Gott ist tot', siêu nhân sống bây giờ là dục vọng của chúng ta, là mối quan tâm duy nhất, thân thương cận kề trái tim ta. Từ hơn một thế kỷ (nếu coi 1894 là khởi điểm) những lý giải về Nietzsche thật đa dạng, với những tên tuổi như Riehl, O. Ewald, Joel, Simmel, Klages, Bauemler, Jaspers, Heidegger, E. Fink, Löwith, Ch. Andler, Andreas-Salomé, E. Bertram, L. Giesz, Bataille, Deleuze, P. Klossowski, J. Granier, E. Blondel v.v... Cũng như Trang tử, ảnh hưởng của họ về mặt văn chương còn rộng lớn hơn về triết học, đồng thời cũng chỉ ra một kỳ lạ là không thể xác định đâu là mặt 'thực' trong những Trang tử và Nietzsche của những nhà lý giải (chẳng hạn, có những Trang tử của Đạo giáo, những Nietzsche của chủ nghĩa Quốc xã). Ngay từ 1903, Ewald trong Nietzsches Lehre in ihren Grundbegriffen. Die ewige Wiederkunft des Gleichen und der Sinn des Obermenschen/ Học thuyết Nietzsche trong những khái niệm cơ bản. Tuần hoàn vĩnh cửu của đồng thể và ý nghĩa của siêu nhân (mà Löwith nói đến trong tác phẩm cùng một chủ đề Nietzsches Philosophie der ewigen Wiederkehr des Gleichen 1956) đã nhận xét 'tuần hoàn vĩnh cửu/luân hồi vô hạn là biểu tượng của siêu nhân, đảo lại siêu nhân trở thành khí quan của ý niệm tuần hoàn vĩnh cửu'. Lý giải của Ewald dựa vào tư tưởng then chốt ở cách ngôn 341 trong Die fröhliche Wissenschaft/gai saber/la gaya scienza của Nietzsche [từ để chỉ cách điệu thơ của người hát rong (troubadour) thời Trung cổ ở phương nam, mà Nietzsche đặt tên cho tác phẩm xuất bản năm 1886 với phụ lục là những bài thơ ca của ông hoàng ngoài vòng cương tỏa/Lieder des Prinzen Vogelfrei, ngợi ca chiến thắng cuốn theo thế lực khiên cưỡng của ác, chấp nhận vui sống dưới mọi hình thái, yêu mệnh/amor fati] như thể ngụ ngôn của Trang tử:
"Gánh nặng ngàn cân - ngươi nói gì đây nếu một ngày hay một đêm kia, một ngạ quỷ lẻn vào trong tình huống cô đơn cực kỳ của ngươi mà nói: « cuộc đời mà ngươi đang sống hôm nay cũng như đã qua, ngươi còn phải sống thêm một lần và nhiều lần khác nữa; và chẳng có gì mới trong cuộc đời, chỉ là mỗi đớn đau và khoái lạc, mỗi tư tưởng và mỗi than van và tất tật những gì nhỏ hay lớn không kể xiết trong đời phải tái lai cho ngươi, và tất tật trong cùng trật tự và cùng kế tục - kể cả mạng nhện này và ánh trăng này giữa những lùm cây, và cả khoảnh khắc này và chính ta nữa. Đồng hồ cát/sa lậu vĩnh cửu của hiện hữu không ngừng lại đảo ngược - và ngươi cùng nó, cát bụi lại từ cát bụi!/Die ewige Sanduhr des Daseins wird immer wieder umgedreht - und du mit ihr, Stäubchen vom Staube!» Sao ngươi không lao mình xuống, nghiến răng và nguyền rủa quỷ đã nói với ngươi những điều như thế? Hay sao ngươi đã sống qua một khoảnh khắc phi thường như thế để trả lời nó: « ngươi là thần và chưa bao giờ ta nghe thấy điều gì thần thánh hơn thế! » Nếu như tư tưởng này khiến ngươi cảm thấy thế lực của nó, biến đổi ngươi, làm cho ngươi thành kẻ khác, có thể nghiền nát ngươi; vấn đề đặt ra là: « liệu ngươi có muốn điều này xẩy ra một lần và rồi vô số những lần khác nữa? » đè nặng ngàn cân lên hành động của ngươi! Hay ngươi không chứng kiến bao nhiêu lần nhân từ cho ngươi và cuộc đời, đặng không bao giờ muốn gì hơn là xác chứng cuối cùng, vĩnh cửu này, thừa nhận cuối cùng, vĩnh cửu này?"
G. Simmel trong Schopenheuer und Nietzsche 1907 xét quan niệm siêu nhân theo xu hướng đạo đức, tư tưởng đạo lý của Nietzsche mâu thuẫn với những ý đồ vũ trụ luận, vì ‘tuần hoàn chỉ có ý nghĩa đối với khán quan thu tập gia bội những lập lại trong ý thức của y, còn đối với một người sống trong thực tại tự nội hay quy nội thì không là gì hết.’ Mâu thuẫn giữa ý niệm tuần hoàn vĩnh cửu của đồng thể với siêu nhân chỉ thủ tiêu do cả hai thực sự chỉ là viên đá thử vàng điều hòa ứng xử của chúng ta. Học thuyết siêu nhân theo Simmel có ý nghĩa của mệnh lệnh: sống mỗi khoảnh khắc như thể chúng ta phải sống vĩnh cửu, nghĩa là sống như thể tuần hoàn vĩnh cửu hiện hữu.
L. Klages trong Die psychologischen Errungenschaften Nietzsche 1926 (triết gia có xu hướng thiết lập khoa tính học/Charakterkunde và bút tướng pháp/Graphologie) đã áp dụng khu biệt vốn là cơ sở lý luận của khoa bút tướng nghiên cứu những đặc tính của chữ viết trên hai nguồn: một là ở hình thái vận động biểu hiện dẫn đến một cảm xúc nguyên ủy, về mặt thân thể cũng như tâm lý, mặt khác dẫn đến một năng lực cấu tạo điều hòa về mặt ý chí những xung động bất như ý. tương ứng với hai nguồn này là sức sống vũ trụ tự nhiên và tinh thần ý chí, sự phong phú hay nghèo nàn của đời sống và điều chỉnh rút ra từ đời sống, tâm linh hóa. Văn tự pháp của Nietzsche theo Klages cực kỳ sinh động, đồng thời hiển hiện tâm linh về mặt ý chí, thống nhất được năng lực sáng tạo và cảm xúc biểu hiện, thống nhất đời sống và tinh thần. Triết học Nietzsche dưới quan điểm khu biệt nói trên của Klages thể hiện hai quyền năng bất dung hợp, vì một bên là ý chí quyền năng tinh thần, một bên là nghĩa vụ-sống của đời sống vũ trụ. Triết học ấy thống nhất hai mặt mâu thuẫn trong yêu mệnh/amor fati và phương thức thống nhất trong mối quan hệ nội tại của ý chí tới quyền năng với tuần hoàn vĩnh cửu.
K. Jaspers cũng như M. Heidegger là những nhà triết học khởi động tư duy về con người hiện sinh, bắt đầu với hai nguồn tư tưởng của Kierkegaard và Nietzsche. Trong chương 5 của Nietzsche, Einführung in das Verständnis seines Philosophierens 1936, K. Jaspers luận về thế giới được lý giải như biểu diện của ý chí tới quyền năng và thế giới như một nội tại thuần túy. Từ thời cổ đại Hy lạp (Parmenides, Platon) qua Cơ đốc giáo đến Kant, mọi tư tưởng siêu hình thừa nhận lý luận về hai thế giới: thế giới hữu hạn, có thể hủy hoại, chuyển biến, ảo tưởng và phù du và thế giới vô hạn, tự hữu, vĩnh cửu tức thế giới thực, có Thượng đế. Theo Jaspers, đối với Nietzsche ‘thế giới thực’ ấy là ‘một lịch sử dài dặc những mê lầm’ phản ảnh tính siêu việt của Platon và Cơ đốc giáo. Nietzsche xem thế giới như một nội tại thuần túy, có chuyển biến, có đời sống và tự nhiên. Chuyển biến thay thế quan niệm về hữu của những triết gia chỉ biết tưởng tượng sự vật như thể hiện hữu vĩnh hằng; đời sống khác biệt với những gì trừu tượng, chết cứng để chỉ hiện hữu, cũng là chỉ dấu của hữu tột cùng; tái lập tự nhiên nhằm đối lập với siêu việt của mọi miêu tả về Thượng đế và đạo lý, tuy nhiên không phải trở về tự nhiên như Rousseau quan niệm, nhưng vươn lên tự nhiên cao hơn, giải phóng và tranh đấu.
Tư tưởng của Heidegger theo nhận xét của Löwith cũng vận động như tư tưởng Jaspers trên những ngả đường siêu vượt hiện thể, cũng phóng chiếu tư tưởng của riêng họ lên lý giải Nietzsche, tuy nhiên với hướng ý và thái độ đối nghịch nhau. Jaspers đưa học thuyết Nietzsche bay bổng lên như mã số siêu việt trong vận động của một siêu việt tương quan với tất cả, trong khi Heidegger chọn lựa một điểm nhất định để lý giải triết học Nietzsche như một 'siêu hình học của những giá trị'. Tuy nhiên khi muốn vượt siêu hình học, tức là chủ nghĩa Platon xu hướng Cơ đốc, Nietzsche vẫn bị giam cầm trong 'phản vận động' chống lại chủ nghĩa hư vô của siêu hình học.
Trong tiểu luận Nietzsches Wort ‘Gott ist tot’ (in trong Holzwege GA 5), Heidegger nhắc lại Nietzsche phát biểu tiếng ‘Thượng đế đã chết’ lần đầu trong quyển ba tác phẩm La gaya scienza vào năm 1882, khởi động con đường phát triển vị thế siêu hình cơ bản của ông. Theo Heidegger, cái chết của Thượng đế trong phát biểu của Nietzsche để chỉ Thượng đế của Cơ đốc giáo... Song từ ngữ 'Thượng đế' trong tư duy Nietzsche để chỉ thế giới siêu cảm nói chung; Thượng đế là danh xưng của khu vực Ý niệm và Lý tưởng. Khi hô lên 'Thượng đế đã chết' muốn nói thế giới siêu cảm ấy không có quyền lực thực sự, không cho đời sống, siêu hình học nghĩa là triết học tây phương đến chỗ cáo chung.
Eugen Fink, nhà hiện tượng luận ở thế hệ kế tiếp đã coi Also sprach Zarathustra mở ra thời kỳ thứ ba trong hành trạng tư tưởng của Nietzsche, giai đoạn xác định triết học Nietzsche, nghĩa là tư tưởng của ông đạt tới tột đỉnh với tất cả sức mạnh tinh thần, dàn trải những ý tưởng cơ bản và quyết định trong diễn ngôn cũng như tư tưởng của riêng ông, mà những tác phẩm kế tiếp chỉ là khai triển, mở rộng những gì đã lập thành.
Nếu có thể so sánh, Also sprach Zarathustra của Nietzsche cũng như Nam hoa kinh của Trang tử là những tác phẩm của Sáng tạo/Poiesis ‘nhắm tới chân lý nguyên ủy, nở rộ một thế giới quan mới’; cả hai có những mục tiêu: ở Trang tử là đi xây dựng, đi tìm chân nhân, ở Nietzsche là siêu nhân, chưa là một thực thể, vẫn còn là niềm hy vọng trong tình huống của con người cuối cùng.
Theo Fink, cốt lõi trong Zarathustra là 'cái chết của Thượng đế', tức chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm tới chỗ cáo chung, con người là một cái gì cần phải vượt, bởi trong y là bản tính phổ quát của sống, ý chí tới quyền năng. Trực quan của ý chí tới quyền năng đồng thời đòi hỏi trực quan về cái chết của Thượng đế - và ngược lại. Hai ý tưởng này quan hệ mật thiết với nhau. Fink khai phá luận điểm cơ bản ‘ba hoá thân’: hoá thân người do cái chết của Thượng đế, tức biến đổi tha hoá của người thành tự do sáng tạo, nghĩa là tự trị - Nietzsche thông truyền ba hóa thân của tinh thần: ‘làm sao tinh thần trở thành lạc đà, làm sao lạc đà trở thành sư tử, và sau cùng làm sao sư tử trở thành trẻ thơ’. Con người dưới gánh nặng của siêu việt, khuất phục trước quyền tối thượng của Thượng đế, trước sức mạnh của luật lệ đạo đức, con người của chủ nghĩa duy tâm ấy giống như lạc đà. Bị xiềng xích vào một thế giới với những giá trị cố định, nó ngoan ngoãn phục tòng mệnh lệnh ‘Ngươi phải làm thế này, thế kia’, chỉ sau khi đã chở nặng, đi vào sa mạc, hoàn tất hóa thân ở đó, để trở thành sư tử. Chủ nghĩa duy tâm tự trầm, đạo đức tự hủy/Selbstaufhebung do chân thực, những biểu duyên (Motivation) lý tưởng làm đảo lộn chủ nghĩa duy tâm, tinh thần chịu đựng và đáng kính biến thành sư tử, nghĩa là quẳng những gánh nặng, tranh đấu chống lại những giá trị khách quan bề ngoài, trong cuộc chiến như sư tử ấy, con người sáng tạo tự do, giải phóng tự do vẫn ngủ mê trong y; song tự do của sư tử ấy chỉ là tự do tiêu cực, nghĩa là phủ định siêu việt của những giá trị cũ, chưa hẳn là hoạt động sáng tạo cho nhân loại cần giải phóng.. Sư tử đối kháng cái mệnh lệnh 'ngươi phải làm thế này thế kia' chế ngự lạc đà qua cái 'tôi muốn'. Song ý chí mới vẫn còn ở thế mong mỏi, chưa là cái thơ ngây trong trắng thực sự của ý chí sáng tạo, một sáng tạo mới của những giá trị mới. Chỉ có trẻ thơ mới có cái thanh khiết như vậy: trẻ thơ là ngây thơ thanh khiết và quên lãng, một khởi đầu mới và một trò chơi, một bánh xe tự lăn, một vận động đầu tiên, một ‘dạ vâng’ thần thánh. Nietzsche làm nổi bật lên trong hóa thân của trò chơi bản tính nguyên ủy và chân thực của tự do như thể sáng tạo ra những giá trị mới và thế giới những giá trị. Trò chơi là bản tính của tự do tích cực. Hoá thân con người thành siêu nhân không là một ngẫu biến sinh học, mà là một hoá thân của tự do hoàn toàn, giải phóng tha hóa và biểu hiện cá tinh trò chơi, mà Fink mô tả trong tác phẩm như một biểu tượng thế giới/Spiel als Weltsymbol. Khả hữu của siêu nhân xây dựng trên cái chết của Thượng đế, trên trực quan của ý chí tới quyền năng, như thể hiện hữu trong thời gian, tới toàn diện phổ quát, đó là tư tưởng về tuần hoàn vĩnh cửu đồng thể.
Về đề cương này, từ Ewald, Horneffer qua Heidegger, Löwith đến những hội luận quốc tế về Nietzsche năm 1964 (VIIè colloque philosophique international de Royaumont) và năm 1972 (ở Centre culturel international de Cerisy-la-Salle) với Löwith, Klossowski, Deleuze, Danko Grlic trở lại bàn về ý chí quyền năng, tuần hoàn vĩnh cửu đồng thể dưới ánh sáng hiện đại. Như Löwith nhấn mạnh đế ý chí tới chân lý/Wille zur Wahrheit theo Nietzsche là trong khi mọi nhà tư tưởng của những thế kỷ trước, kể cả nhà hoài nghi ‘sở hữu chân lý’ thì ‘điều mới lạ trong vị thế hiện đại của chúng ta đối với triết học’ là xác tín ‘chúng ta không sở hữu chân lý’. Không có gì là chân thực, mọi sự đều được phép làm được. Mở ra một con đường, xác quyết kiểu Tửu thần Dionysos về thế giới, không gì bỏ đi, loại trừ, chọn lựa, một chu kỳ vĩnh cửu cùng những sự vật, cùng những tổ bện hợp lý hay vô lý, một thái độ kiểu Dionysos về yêu mệnh/amor fati; một thế giới quan mở ra hai cánh: ý chí tới quyền năng và tuần hoàn vĩnh cửu.Pierre Klossowski trở lại luận chức năng quên và để nhớ/oubli et anamnèse trong kinh nghiệm sống về tuần hoàn vĩnh cửu. Lãng quên là đức tính của trẻ thơ như nói đến nơi trên về hoá thân trong Zarathrustra: lãng quên phải chăng là nguồn suối đồng thời cũng là điều kiện cần thiết để tuần hoàn vĩnh cửu khai mở và biến đổi một chập đến đồng nhất cái gì nó khai mở? Để nhớ trùng hợp với khai mở Tuần hoàn: làm sao Tuần hoàn lại không đem lãng quên trở lại? Ông gọi vận động đó như một cái vòng luẩn quẩn/cercle vicieux.
Maurice Blanchot làm công việc của một nhà phê bình, điểm qua những sách của những người lý giải Nietzsche như Jaspers, Heidegger, Lukács, Löwith, Bataille, J. Wahl, Fink, Foucault, Deleuze, Klossowski để có một cái nhìn toàn diện về ‘chủ nghĩa hư vô’, về ‘Nietzsche hiện đại’. Trải qua những biến động, luận lý kinh hoàng về khủng bố, những chiến tranh triền miên mà Nietzsche nhìn thấy trước như thể đặc hữu của thế kỷ 20, như chuỗi trực tiếp dẫn đến thế bất quân bình: con người hiện tại là con người tưởng xác định, vững chắc về bản tính, sung sướng trong cái vòng nhỏ khép kín lại chính nó, thả cho tinh thần phục thù, trong khi do lực đẩy vô ngã của khoa học và sức mạnh riêng của sự biến phóng thả những giá trị cho nó, có một quyền lực vượt nó mà nó không thể tìm cách vượt qua chính nó trong quyền lực này. Con người hiện tại là con người ở thứ bậc thấp nhất, nhưng quyền lực của nó là của một hữu ở trên con người: làm sao cái mâu thuẫn này lại không ẩn dấu cái cực cùng nguy hiểm? Nietzsche thay vì đứng ở thái độ bảo thủ, lên án tri thức để cứu con người vĩnh cửu (con người ở thời đại ông), đã đứng về phía khoa học và hiện hữu để vượt là chuyển biến sinh thành của nhân loại. Trong nhiều bình luận, Heidegger theo Blanchot là người đã chỉ ra ý nghĩa của siẹu nhân: là kẻ đã dẫn con người đến chỗ đích thực là người, tức hữu để vượt, nhờ đó khẳng định cái tất yếu cho con người để qua và trầm một trong quãng đường phù sinh này. (Blanchot, VI Réflexions sur le nihilisme in trong L'Entretien Infini).
(Còn tiếp)
|
|