TRANH BIỆN TƯ TƯỞNG TRUNG QUỐC 2

Đặng Phùng Quân
 
 
 

(tiếp theo)

Quan điểm phê phán của Belleter minh thi khi đặt vấn đề: những dữ kiện cơ bản của kinh nghiệm mà ông đã trình bày đối với những người theo chủ nghĩa tỷ giảo nhận thức, lý giải theo một cơ sở khác, hay không sử dụng cùng những dữ kiện ấy; nói khác đi, họ quan tâm đến những mặt khác. Tuy nhiên theo Billeter, những hình thái cơ bản của kinh nghiệm chính là mảnh đất/le sol thiết yếu để xây dựng hệ thống. Khởi từ những hình thái đó, có thể tìm ra điểm xuất phát mà Vương Phu Chi, hay mọi triết gia trung hoa khác nhập cuộc vào một con đường khác với những triết gia tây phương.

Billeter dựa trên phần kết luận trong sách của Jullien để chỉ ra mục tiêu của tác giả muốn khai triển "một viễn cảnh chung, dưới hình thức chất vấn mới, trên phương thức luân phiên chọn một, khởi từ đó những biểu hiện dị chủng/allogène có thể gặp nhau, có thể thực sự khả phủ chúng và tạo dược thống nhất chung" và hỏi nếu đã đánh giá là dị chủng, làm sao những biểu hiện gặp gỡ nhau được, làm sao khả phủ chúng trong khi thiếu những tiêu chuẩn độc lập, dầu tác giả chỉ muốn thực hiện một công trình khiêm tốn, nghĩa là mới "khởi sự đặt trong ra tương quan và tập tư duy". Billeter nhận xét là Jullien đã coi tư tưởng Vương Phu Chi như một cấu trúc khả hữu của tư tưởng; vì coi triết học của Vương đơn giản như một cấu trúc, Jullien không thể tái định chiều hướng cá nhân, căn gốc lịch sử, xã hội của Vương, mặt khác khi coi triết học ấy như một hệ thống tách ra khỏi thực tại bên ngoài nó, tác giả cũng mất phương tiện thực sự dẫn nhập người đọc không chuyên Hoa học vào triết học đó.

Nhân đó, Billeter đi vào cốt lõi của phê phán này là ”ông không tin người ta có thể làm cho một người đọc không phải là nhà hoa học có thể hiểu tư tưởng của một triết gia trung hoa nếu như không nhớ đến con đường chính người ta trải qua để hiểu nó”, và ông cho là Jullien đã không nhìn thấy con đường trải qua để vào tác phẩm của Vương: Ông quên là đã phải học tiếng hoa, dần dà mới học nói được những điều chỉ nói bằng tiếng hoa, rồi mới tư duy những điều ấy, cải thiện một số ý tưởng, tình cảm để thích hợp với những ứng xử mới, trải qua kinh nghiệm về những cung cách cảm và hành chưa từng có và tìm thấy trong hoa ngữ phương tiện diễn tả kinh nghiệm này một cách chính đáng và cuối cùng khám phá qua những tác giả, những triết gia những hình thái khác nhau về cảm giác và tư duy mà người trung hoa đã khai triển trên những cơ sở này. Trong việc học tập này, nhà hoa học như trở thành một loài lưỡng thê, cử hoạt trong hai môi sinh.Nhà hoa học nếu muốn đưa người đọc không phải là chuyên gia vào tư tưởng triết học trung hoa đòi hỏi phải tập sự cho ông ta. Trong triết học may mắn là khả thi vì hoạt động triết học nhằm phản tư theo phương pháp về một số vấn đề căn bản, chỉ ra cho người đọc tư tưởng hoa xuất phát từ đâu, những vấn đề nào, triết học mang lại giải pháp ra sao. Cũng cần phải cho người đọc biết một số thuật ngữ hoa để nhận diện những dữ kiện của vấn đề, đặt vấn đề, trần thuật những giải pháp.

Theo Billeter, những khuyết điểm căn bản của Jullien khởi từ việc xao nhãng này: Jullien đã chọn việc không cần tới những trích dẫn cũng như những bình luận chúng và đã trần thuật tư tưởng Vương Phu Chi theo cách của ông, lấy việc ấy để thay thế hoàn toàn diễn ngôn của Vương bằng diễn ngôn của ông, khiến người đọc không tiếp cận được với nguồn. Từ việc cho thuật ngữ mà nhà triết học đã dùng một ý nghĩa, đến việc không đưa ra những trích dẫn có thể cho một ý niệm hình thành tư tưởng của Vương. Kết quả là sự cải nhiệm thực dường như tiên quyết của mọi tỷ giảo.

Phản biện của F. Jullien về những luận cứ của Billeter xuất hiện ngay trên số 2 tập san dẫn trên với tiêu đề Đọc hay phóng chiếu: Đọc (cách khác) Vương Phu Chi như thế nào?

Khởi đầu, Jullien cho phê phán của Billeter là theo chủ nghĩa giáo điều vì nhân danh một lý giải Vương Phu Chi áp đặt tuyệt đối coi như lý giải duy nhất đúng, cũng như phê bình thuyết tỷ giảo của Jullien nhân danh một thuyết tỷ giảo khác coi như duy nhất khả hữu. Jullien khẳng quyết ngay từ đầu là: “Chủ nghĩa giáo điều thay vì dẫn tới phản tư, đã làm cùn đụt nó, làm nghèo nàn lĩnh hội của chúng ta về Vương Phu Chi và cản trở công việc tỷ giảo.”

Đến đây, Jullien chia bài viết làm hai đề mục: một là đánh giá phê phán của Billeter bao hàm những phi luận lý/illogismes và phê phán có định ý; hai là đặt vấn đề phương pháp để trả lới người đối biện.

Trong phần trình bày cuộc tranh biện này, tôi đã dẫn ra một số luận điểm chính của Billeter từ bài viết dài 32 trang trên tập san Etudes chinoises (số 1, Xuân 1990) so với bài phản biện của Jullien dài 18 trang ở tập san trên (số 2 Thu 1990). Ngoài hai tập sách phê phán Jullien của Billeter năm 2006 và phản biện của Jullien năm 2007, không kể sách tập thể Oser construire. Pour F. Jullien năm 2007, tôi chỉ nêu ra bài viết của Henry Zhao nhân đọc quyển nói trên của Billeter in trong tập san New Left Review năm 2007 để đối chiếu từ cái nhìn của một người Trung quốc với cuộc tranh biện Billeter/Jullien. Sau đó, tôi sẽ đưa một vài nhận xét chung quanh cuộc tranh biện, liên hệ đến vấn đề triết học Đông/Tây từ quan điểm siêu quốc.

Trước hết, Jullien cho là Billeter đã tự mâu thuẫn khi đưa ra hai quan điểm “khen, ở vị thế của người đọc là nhà hoa học” và “chê/phê bình, ở vị thế của người đọc không là nhà hoa học” vì Jullien phân trần sách ông viết không nhằm làm công việc nghiên cứu thuần túy uyên bác hoa học, dành cho những nhà chuyên môn/pure érudition sinologique, réservée aux spécialistes; nỗ lực của ông là thử tìm hiểu một tư tưởng triết học, trong công trình riêng của nó, đáng giá không phân biệt cho những ai quan tâm đến tư tưởng này, dầu là nhà hoa học hay không.

Theo Jullien, để phê bình một tác phẩm, nên phán đoán nó trên những kết quả, hiệu quả hơn là xét theo những định ý gán cho tác giả; như ông cho là Billeter nêu lên “một số những hình thức truyền thống bác học trung hoa gây ra hiềm ố cho Jullien” là những phản ứng cảm tính. Ông có dẫn sách, như Chine et christianisme của Jacques Gernet sáu lần (điều mà ông không làm với bất kỳ sách khác của giới hoa học phương tây - cho in nghiêng. ĐPQ). Ông cho phê bình như thế là biển lận. Nên phán đoán một quyển sách từ dự phóng, từ chương trình làm việc của nó; trong tiểu luận của ông, Jullien đã loan mục đích là phản tư trên những lý do dẫn tư tưởng trung hoa đến biện minh cái thực theo quá trình hơn là theo lựa chọn một sáng tạo; thay vì khảo sát vấn đề này một cách chung chung, mơ hồ và còn phải nghị luận, Jullien thích chọn việc dựa suy tưởng của ông trên việc đọc một tác phẩm đặc biệt đối với ông có vẻ thích đáng về mặt này (trong chú giải, Jullien nói đó là lý do ông không mở rộng xét đến triết học lịch sử của Vương Phu Chi): đó là tác phẩm của Vương Phu Chi, không phải viết một quyển sách “về” Vương Phu Chi mà “khởi đi từ” Vương Phu Chi (nếu ông viết một sách về Vương Phu Chi, ông đã chọn nhan đề cho nó, chứ không phải “Procès ou création”), cho nên ông nhắm không phải chiều hướng cá nhân , nguồn nương tựa xã hội và lịch sử của Vương, như Belleter đòi hỏi, mà là một bản đọc có vấn tính/problématique. Ông không có khoái lạc bại hoại/plaisir pervers” làm qua loa một thư mục mà chỉ nêu ra những tác phẩm dùng trong khi nghiên cứu, nên thay vì dùng từ “thư mục”, ông đã dùng từ “tham chiếu”. Nếu như ông không dẫn những nguồn khác, như bài viết của Billeter Deux études sur Wang Fuzhi (về tác phẩm của Vierheller, in trên T'oung Pao, bộ LVI 1970) là vì không đủ liên quan đến vấn đề ông khảo sát.

Một định ý khác của Billeter gán cho ông (theo Jullien) một cách vô bằng là chọn viết về Vương Phu Chi do những “hoàn cảnh” thúc đẩy. Hoàn cảnh nào? Jullien hỏi. Một vấn đề khác là làm sao có thể đi từ những nghiên cứu liên quan đến lý luận văn học trung hoa sang tư tưởng trung hoa đích thực? Theo Jullien không những cả hai lĩnh vực đều từ một viễn quan thống nhất mỹ học/thi học với triết học, mà lý luận văn học hoa như thể diễn ngôn ở cấp bậc thứ hai có thể cung cấp một quan điểm phê bình vượt cả lợi ích thuần văn chương. Phản tư văn chương có thể làm hướng đạo và trung gian đối với một văn hóa ở khởi điểm hoàn toàn ở bên ngoài (Jullien nhấn mạnh đã chọn nghiên cứu vì nó ở bên ngoài đối với ông). Có nhiều con đường để tiếp cận Trung hoa, đối với Jullien, con đường của ông khởi từ lợi ích đối với tư tưởng hy lạp: khi bắt đầu nghiên cứu những triết gia hy lạp, ông có cảm tưởng ngày nay người ta không phải đọc những nhà tư tưởng này khởi từ truyền thống trí thức duy nhất từ họ, ở trong lịch sử riêng của chúng ta, Khởi từ đó quan tâm khám phá một viễn tượng xa lạ với tư tưởng phương tây, đó là văn hóa trung hoa. Jullien nghĩ không phải là văn học tỷ giảo mà từ quan điểm phê phán do phản tư trung hoa về văn/wen trung hoa; ông đã được những bậc thày tư tưởng người Hoa như Từ Phục Quan, Mâu Tông Tam hướng dẫn nghiên cứu những bản văn cơ sở của văn hóa trung hoa.

Định ý thứ ba Jullien cho là Billeter gán cho ông một cách vô bằng là muốn “chỉ đạo trước” bằng một “lối vội vã”, “muốn chiếm cứ lãnh thổ”, mà theo ông, không có ý chiếm cứ trước bất cứ lãnh thổ nào, ngoài lãnh vực ông đầu tư và đổi mới theo những vấn đề nêu ra.

Sang vấn đề phương pháp, mối quan tâm chung là tại sao lại có thuyết tỷ giảo và nhận thức ra sao?

Một, là đối nhà nghiên cứu hoa học “tây phương”, trước hết ở bên ngoài nền văn hóa chúng ta nghiên cứu, nên không thể tránh việc thiết yếu tỷ giảo, mà dịch đã là tỷ giảo rồi. Chỉ có thể biến trách vụ này thành cơ hội bằng một vận may khải địch học/heuristique: làm sao tri giác điều mà truyền thống trung hoa không minh thị hoàn toàn mà chỉ truyền bá thông thường theo danh nghĩa hiển nhiên đắc thủ.Vận động này cũng là tư duy theo hướng ngược lại; chính nhờ đường quanh qua tư tưởng trung hoa và khả hữu đối chiếu này, chúng ta tiến tới một quan điểm ngoại hình về nền văn hóa riêng của chúng ta cho phép khám phá lại nó. Cho nên biểu hiện quá trình trung hoa đối lập với biểu hiện sáng tạo: nhà tư tưởng hoa chú trọng vào việc tư duy hợp cách của những quá trình và luận lý của biến hóa, nhất là khởi từ Kinh Dịch. Jullien giải thích ông theo những bình giảng của Vương Phu Chi về những kinh điển để khai phá biểu hiện quá trình ngõ hầu đối chiếu với biểu hiện sáng tạo trong truyền thống văn hóa của Tây phương.

Ông phản bác việc Billeter gán cho ông thuộc cấu trúc luận, trong khi ông không hề xét đến cấu trúc, mà chỉ xét đến luận lý và kết hợp. Ông cũng không đồng ý với quan điểm hiện tượng luận Billetier đưa ra để phê phán, vì như thế không phải là tỷ giảo hai tư tưởng nữa, mà là thích ứng tư tưởng trung hoa vào tư tưởng phương tây, phóng chiếu cái này lên cái kia. Như vậy tư tưởng trung hoa không còn được nhận thức khởi từ chính nó. Theo Jullien, Billeter không đọc thấy lý luận phóng chiếu thế giới ý thức trên ngoại giới trong Vương Phu Chi mà dường như phóng chiếu lý luận ấy lên Vương Phu Chi. Ông cũng nghĩ Billeter đã lầm khi xét tư tưởng trung hoa theo mô hình hành động. Biểu hiện này là ở trong truyền thống tây phương, trước hết nơi người hy lạp, do đó Billeter đã lý gỉải khái niệm dụng/yong trong phái tân nho là “hành động” và “hiện tượng”, trong khi Jullien coi “dụng” là thao tác khả năng của sự vật, như ông dịch là “chức năng” tương quan với thể/ti của người và vật. Hai từ thể và dụng ở Vương Phu Chi tương ứng nhau, bước đi của sự vật không tách rời chính sự vật và qua lại; chính vì thế “thực tại chỉ hiện hữu trong quá trình”.

Trước khi bước qua cuộc chiến tranh biện thứ hai giữa Billeter và Jullien, tôi đưa ra mấy nhận xét về cuộc tranh biện thứ nhất này:

Như đã dẫn nơi trên, cả hai bài viết đều in trên tập san Etudes chinoises số 1 và 2 năm 1990 chung quanh sách Procès ou création 1989 - vào thời điểm này, Billeter đang dạy ở Đại học Genève, khoa Hoa học, đã xuât bản những tác phẩm Li Zhi, philosophe maudit 1979, L'art chinois de l'écriture 1989 trong khi Jullien là chủ tịch Hội nghiên cứu trung hoa Pháp quốc (1988-1990), đã xuất bản Lu Xun, Eùcriture et révolution 1979, La Valeur allusive. Des catégories originales de l'interprétation poétique dans la tradition chinoise 1985, Procès ou création. Une introduction à la pensée des lettrés chinois [ấn bản 'le Livre de poche' chỉ đề 'pensée chinoise'(?)] 1989. Cả hai mới khởi sự có vài tác phẩm, Billeter bắt đầu bằng nghiên cứu có tính triết học xã hội, Jullien bắt đầu bằng lý giải văn chương với Lỗ Tấn, những luận cứ của họ về hiện tượng luận và cấu trúc luận không thuyết phục đối phương, tuy phê phán và phản biện vẫn còn chừng mực, có thể tóm gọn vào một số điểm sau đây :

Theo Billeter, về mặt học thuật, Jullien đã không theo đúng tinh thần nghiên cứu một nền văn hóa có văn tự khác, nên không có những trích dẫn khả dĩ đối chiếu với lý giải tác giả trình bày, xu hướng tỷ giảo rơi vào chỗ bất xác, xem tư tưởng của một triết gia (Vương Phu Chi) như một phương tiện và đồng nhất với toàn bộ tư tưởng trung hoa, sai lầm về triết học nho sĩ là toàn bộ triết học trung hoa. Phản biện của Jullien là Billeter đứng ở góc nhìn giáo điều, sách viết của ông không nhằm cho giới học giả, không viết chuyên đề về Vương Phu Chi mà chỉ khởi đi từ Vương Phu Chi, mục đích nghiên cứu tư tưởng trung hoa như một đường quanh/vu hồi/détour để tiến nhập/accès môït quan điểm ngoại hình/point de vue d'extériorité về văn hóa phương tây.

Nhận xét: phê phán của Billeter về công việc giới thiệu một tác giả, một chủ đề phải có những trích dẫn bản văn (điều thông thường nơi học giả, như chính Billeter, hay những học giả bậc thày như Jacques Gernet v.v..) theo tôi nghĩ có tác động đến Jullien vào những sách nghiên cứu về sau (tuy Jullien có vẻ trẻ con ở chỗ suy bụng Belleter thù mình đã không liệt kê ra bài viết của Billeter về Vương Phu Chi và ngoan cố ở chỗ trưng dẫn ra là có nhắc tới sáu lần Gernet, điều không làm với nghiên cứu của các tác giả phương tây khác - cho nên nếu ông gán cho Billeter là biển lận, hình dung từ này tôi nghĩ có thể hợp với chính Jullien). Aûnh hưởng của những nhà tư tưởng bậc thày của Jullien như Foucault, Deleuze, Althusser, Derrida khá rõ nét trong phương pháp lý giải của ông, như vậy có thể xếp Jullien vào cấu trúc luận hay (hậu) cấu trúc luận ?

Trong bài điểm sách Thiên hướng của sự vật (in trên tập san Triết học tháng 2, 1996) tác phẩm La Propension des choses (bản dịch Anh ngữ : The Propensity of things 1995) của Jullien, tôi có đặt vấn đề : tìm hiểu triết học truyền thống trung hoa qua chữ Thế/Shi Jullien có nhằm chỉ ra một trường phái triết học trung hoa hay cả dân tộc trung hoa ? Jullien có nhấn mạnh đến một lý giải thuần triết lý không thích đáng mà cần cả lý giải nhân học. Tôi liên tưởng đến một triết gia Phi châu, Kwasi Wiredu khi phân tích triết học truyền thống Phi châu là nói đến vũ trụ quan của dân tộc Phi châu, không phải những cá nhân triết gia như phương tây. Tôi cũng nghĩ đến trường hợp Heidegger khi nói đến dân tộc Đức của ông hay dân tộc Hy lạp trong ý hướng giới hạn tư tưởng vào trong vòng rào của chủ nghĩa dân tộc hạn hẹp. Trong chương 2 Cơ sở tư tưởng thời quá độ tôi đề cập phản ứng của những nhà triết học hiện đại ở Phi châu phân biệt họ là trường phái tiết học chuyên nghiệp với loại 'triết học dân tộc' là một thứ 'diễn giải nhân học bán chính thức những tín ngưỡng truyền thống Phi châu' mà những tác giả thường là giáo sĩ như Mbiti, Tempels v.v... Những nhà triết học Ấn hiện đại cũng phê phán giới học giả phương tây thường có định kiến chú ý đến các trường phái cổ truyền mà không chuyên cứu cá nhân triết gia Aán. Điều này có thể áp dụng với chính Jullien trong tác phẩm đã xuất bản của ông, hay hướng nghiên cứu của Jullien nhằm phục vụ thực dụng đế chế chuyên chính, như Billeter đặt vấn đề trong Contre François Jullien?

Mười bẩy năm sau (2006), Billeter viết quyển sách phê phán trên sau khi Jullien đã có 22 tác phẩm, và giảng dạy tại Đại học Paris VII, với một hành trạng tư tưởng khá rõ nét, mà theo Billeter có một ảnh hưởng đáng kể và mục tiêu của ông là định vị trí của Jullien ở chỗ nào, cũng như đi vào điểm cốt lõi, để hiểu tại sao ông lại nói Jullien phải có trách nhiệm. Cho nên trong bốn phần không đánh số chương, đề mục đầu thiên phúng thích của Billeter là Trung quốc. Lý do : tác phẩm của Jullien xây dựng toàn bộ trên huyền thuyết về tha tính của Trung quốc, dựa trên ý niệm ‘trung hoa là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của chúng ta [Tây phương], đối lập với thế giới này'. Huyền thuyết này theo Billeter tương đối gần đây, có thể kể từ Victor Segalen (1908), qua Marcel Granet đánh dấu bằng tác phẩm La Pensée chinoise 1934 làm mê hoặc nhiều người đọc về một vũ trụ trung hoa có những luật lệ của riêng nó, Richard Wilhelm chuyển ngữ Kinh Dịch 1923 sang tiếng Đức gây ấn tượng cho người đọc về 'một thế giới ở đối cực với thế giới chúng ta', gần đây nữa, một nhà hoa học khác Pierre Ryckmans (tức Simon Leys - người có cuộc tranh biện về tác phẩm L'art chinois de l'écriture của Billeter) thường nói Trung quốc như 'cực khác của kinh nghiệm nhân loại'. Theo Billeter, François Jullien ở trong dòng này vì ông giải thích từ tác phẩm này qua tác phẩm khác 'tư tưởng trung hoa' mà ông gọi là 'tư tưởng nho sĩ' là phía bên kia tư tưởng của chúng ta. Nếu ngược về quá khứ, có thể kể từ Voltaire và những 'triết gia' Pháp khác đã tạo Trung hoa một hình tượng ngược với chế độ họ đang tranh đấu. Đó là một xứ sở không có vua chúa độc đoán, lạm dụng đặc quyền đặc lợi và được giới tu sĩ bảo hộ, trái lại có những minh quân, nho sĩ triết gia phò tá được tuyển chọn xứng đáng. F. Jullien đã khoác cho huyền thuyết này một hình thức thông thái, ẩn dấu ý nghĩa chính trị. Belleter xác định : thành công của Jullien một phần là do đã thỏa mãn công chúng vì bổ sung cái huyền thuyết bấy lâu họ đã thấm nhuần, mặt khác tô điểm với những từ ngữ hoa mỹ hán học và triết học. Cái hiện tượng ý thức hệ ấy đã tiềm tàng phản hưởng qua nhiều thế kỷ, khởi sinh từ đế chế Tần Thủy hoàng, kế tục là đế chế Hán, tập trung vào ý niệm đế chế này thuận theo luật vũ trụ, từ khởi nguồn vĩnh cửu, cái tinh thần Trung quốc đại đạo [xem qua: kỳ 5 Khởi thảo lịch sử triết học qua lăng kính siêu quốc, trên gio-o.com]. Theo Billeter, Jullien đã lấy lại quan niệm 'tư tưởng trung hoa' mà những nhà trí thức thuộc họ tỷ giảo đã lập để đối lập với tư tưởng tây phương, rõ rệt nhất là đã chịu ảnh hưởng từ hai người thày Từ Phục Quan/Xu Fuguan (1903-1982) và Mâu Tông Tam/Mou Zongsan (1909-1995). Một quan niệm ở Pháp từ thế kỷ 18 và trong suốt thế kỷ 20 những nhà trí thức trung hoa thuộc phái tỷ giảo chủ trương- mà Jullien thừa kế - là tiên nghiệm đã xem phương Tây và Trung hoa là hai thế giới không những khác nhau còn đối lập nhau trên bình diện tư tưởng. Những người này chọn những yếu tố phục vụ chứng minh của họ và lý giải chúng theo đường hướng thích hợp với luận cương của họ. Hậu quả trầm trọng nhất của những nhà tỷ giảo này là trong mối quan tâm xây dựng hai lịch sử song hành tạo thành đối vật của nhau, họ bỏ qua những gì bất liên tục, mâu thuẫn hay chưa hoàn tất, nói tóm lại những gì còn trong vòng khả nghi. Cũng như F. Jullien nói về những nhà tư tưởng trung hoa như thể luôn luôn họ nhất trí với nhau, chỉ vì họ là người Hoa, như thể tư tưởng của họ không bao giờ mang những nan đề, ảo tưởng, tham vọng không nói ra, dối trá có lợi hay ý chí lạnh lùng nhằm tuần hóa tinh thần, mà cả ngờ vực, sáng suốt, can đảm, bạo dạn - điều đó có ý phủ nhận tư tưởng của họ có một quan hệ nào đó với lịch sử và giữ một vai trò trong đó. Điều đó cũng tương ứng với việc phủ nhận mọi phê phán, mà theo Billeter, phủ nhận cả trí năng thâm cứu, và sau cùng nhằm phủ nhận ngay chính ý tưởng của triết học, thiết yếu ở Trung hoa cũng như nơi khác, là một công việcđạo đức và trí thức cá biệt. Rốt cuộc ở mặt yếu nhất này mà công trình của Jullien quyến rũ nhất, thỏa mãn vì phục hồi huyền thuyết về một Trung hoa 'triết lý' nơi những nhà trí thức được đào tạo trong cái khuôn đại học cộng hòa và thế tục [in nghiêng theo tôi - ĐPQ]. Billeter cũng nhận xét hậu quả là nhiều người đọc của Jullien tự nhốt trong một tình trạng không biết, khiến khó đối thoại với người Trung quốc, mà chính Jullien cũng không thực hành đối thoại, ở trong sự giam hãm tinh thần/enfermement mental với những sức mạnh của phục hưng ý thức hệ trung hoa.

Billeter còn chỉ ra thái độ của Jullien không coi là một nhà hán học, mà là một nhà triết học, lấy Trung quốc như một "món hàng lý luận" để dẫn chúng ta ra ngoài vũ trụ trí thức của chúng ta, và qua đường quanh này, "khiến chúng ta suy tưởng". Song ông chê trách Jullien nếu có dẫn các tác giả trung hoa, thì chỉ thoáng nhanh để củng cố diễn ngôn của riêng mình, không cho họ nói, nghe giọng họ, để họ khai triển lý chứng của họ. Ông dẫn nhận xét của Paul Ricoeur khi nói về Jullien : 'làm sao người ta có thể viết bằng tiếng Pháp những sách viện lẽ có một cái nhìn từ bên ngoài, một hủy tạo do bên ngoài' để củng cố luận cứ phê phán Jullien không tự hỏi làm thế nào một đối đầu giữa tư tưởng hoa và tư tưởng tây phương có thể sản sinh ra từ trong độc thoại của một trí thức tây phương diễn đạt bằng tiếng pháp, trong một biệt ngữ triết học rất đặc thù. Một khó khăn không thể vượt qua nữa là sử dụng những khái niệm để biện minh bằng cách dịch mỗi từ ngữ Hoa sang một tiếng Pháp duy nhất, có thể làm sai lạc ý nghĩa hay giảm thiểu tầm vóc khái niệm trung hoa, như tạo ra quá trình, cheu ra xu thế, tan ra nhạt [xem qua : khởi thảo lịch sử kỳ 5 trên gio-o.com đã nói ở trên].

Sang đến đề mục tính nội tại/immanence, theo Billeter là lý giải quan trọng nhất đối với Jullien vì 'tư tưởng trung hoa' phải là một tư tưởng của 'nội tại' không cần dựa vào cái gì bên ngoài thực tại mà con người tiến triển và cử hoạt. Lý giải này theo Billeter , Jullien đã dùng hết từ sách nọ qua sách kia kể từ Procès ou création dưới những góc cạnh khác nhau, khai triển trên những chủ đề mới. Trong thế giới , trái ngược với phương tây, không có hiện hữu siêu việt. Billeter nhận định: Jullien không thấy là 'tư tưởng nội tại' tiên thiên gắn liền với đế chế, tạo ra một thế giới đóng kín trong khi giải quyết độc đoán vấn đề cứu cánh. Nó tuân thủ một mục đích tính : quyền lực. Chính trong khuôn khổ thực hiện kỳ thành quyền lực này, lịch sử tư tưởng trung hoa đã phát triển khởi từ khi có đế chế. Tất cả tư tưởng nội tại gắn liền với giam hãm này . Khi đế chế chuyên chính mở rộng kiểm soát trên guồng máy Nhà nước, và qua nó, lên toàn bộ xã hội, trong suốt triều Minh (1368-1644) và triều Thanh (1644-1911), giam hãm này càng tăng trưởng. Chủ nghĩa tân Nho cấu tạo một thế giới đạo lý và trí thức của những quan chức đế chế, càng chặt chẽ hơn nơi những tân Nho hiện đại, như một số người không làm gì khác hơn là suy diễn về khả năng của thánh hiền, tạo một quyền năng nội tại thế giới. Cho nên như Mâu Tông Tam lấy suy diễn ấy làm hạt nhân để chỉ ra đối lập rộng lớn giữa tư tưởng trung hoa và tư tưởng tây phương (vì thiếu hạt nhân này). Những nhà tân Nho hiện đại khác phát triển trên những cơ sở có khác về những đối lập tương tự. Những tác phẩm của họ là nguồn chính F. Jullien sử dụng, không phê phán. Dần dà, ông đã phát hiện ra những quan hệ thân tộc với những doanh nhân, nhận ra có thể trình bày cho họ một triết học trung hoa về kỳ thành, giúp họ khai mở tư tưởng của riêng họ và cho họ đảm nhận mọi thành quả vì nó đột nhiên được phú cho văn chương quý tộc êm ái phỉnh phờ bất ngờ. Jullien khai triển luận đề này trong Thiên hướng của sự vật/La Propension des choses, Luận kỳ thành/Traité de l'efficacité và Diễn thuyết về kỳ thành/Conférence sur l'efficacité trình bày trong nhiều dịp khác nhau 'với những chủ doanh nghiệp và trong môi trường quản trị'. Người ta có thể thấy ở đó mối liên hệ thân tộc giữa tư tưởng trung hoa đáp ứng không ngừng với hoàn cảnh và thực tiễn của những chủ doanh nghiệp, nhằm thích ứng không ngừng với những biến đổi của thị trường. Người ta thấy chúng dựa vào nhau trên sự chấp nhận một hệ thống đã cho và mục đích tính ghi khắc trên hệ thống đó : một bên, tranh đấu cho quyền lực, một bên tìm kiếm lợi nhuận. Chúng không bao giờ đặt vấn đề thực sự về những cứu cánh, đương nhiên là cả những vấn đề thực về đạo lý. Chúng chỉ biết đạo đức phải phục tòng quyền lực. Chính Jullien khẳng định : Trung hoa nghĩ quyền lực, nhưng không phải quyền lợi ; nghĩ ra guồng máy tuân thủ, nhưng không nghĩ đến siêu việt của pháp luật và công lý. Ông đặt vấn đề, nhưng đặt sai ; thực ra phải nói là chuyên chính đế chế.

Trong phần cuối cùng là đề mục Phải chọn lựa Billeter đưa ra quan điểm của mình là : không có gì ở bên trên 'con người' và nhất là không có gì ở bên trên hai con người cảm thông với nhau qua sử dụng ngôn từ và lý trí. Đó chính là lý do ông cảm thấy đồng ý với Trang tử, có một vị trí gần gũi và vì lẽ đó ông xem Trang tử là triết gia quý giá nhất và thực tế nhất trong mọi triết gia trung hoa.

Mở đầu phản biện của Jullien là kể lời đề tặng trên quyển Contre François Jullien mà Jean-François Billeter gửi cho ông : Gửi tặng François Jullien, với kính ý của tác giả đã làm theo xác tín, cố gắng trung thực trong phê bình và tin là đã đạt tới/A François Jullien, avec les hommages de l'auteur qui a agi par conviction, qui s'est efforcé d'être loyal dans la critique et qui croit y être parvenu. Rồi Jullien tự hỏi : Người lớn tuổi sơ giao này/Ce lointain aîné mà tôi đã mời đến Trung tâm nghiên cứu của tôi, mấy năm trước, để trình bày công trình của ông về Trang tử, như vậy ông ta muốn dẫn dụ hay khiêu khích, trong riêng tư, bằng một bổ sung như vậy (cái thêm vào, nhưng cũng xen vào giả ở địa vị để che dấu một khuyết điểm) ? Hay ông ta sợ là phúng thích của ông không ai biết hoặc giả tôi không bằng lòng mở ra ? Hay có lẽ ông ta thử một cách hắc ám theo kịp qua việc nhấn mạnh trước tiên đến lương tri, kết quả và 'trung thực' của mình ? Nói tóm lại, cái triêu chứng này là cái gì ?

Để trang bị cho việc phản kích, Jullien bắt đầu từ ngoài bìa, thêm dòng chữ : Réplique à *** và như lời đề từ bên trong, để giải thích mấy hoa thị này : 'một cái dằm/écharde là 'một mảnh nhỏ (gỗ, gai, v .v..) bất kỳ đâm vào trong da'. Nhổ cái dằm đi thường là một phản ứng nhỏ nhoi chóng quên. Nhưng cũng là một cái khó chịi nhỏ gây ra một động thái phản tư đáng kể. François jullien , nhờ ***, phải mô tả suốt con đường của ông, sách này qua sách khác...' ký tên tắt 'A.B. et B.C.'( ?).

Tại sao lại phải để tên tắt ? Đoạn dẫn trên ở sách nào ? bài viết nào ? hay thư riêng ? hai người ? [tôi đoán là Alain Badiou và Barbara Cassin, hai người trong 'nhóm' thân hữu của Jullien ?]

Ở trang kế đoạn kể trên, Jullien viết : Nhà hoa học người Pháp mà tôi rất ngưỡng phục, và tôi tham vấn trong dịp này, đã viết cho tôi : 'Loài (ong) ruồi nào đã chích anh vậy ? Tôi nghĩ là hắn ta đơn giản muốn ngồi lên đằng sau tên tuổi của anh'. Lá thư kết thúc qua mấy chữ : 'Anh đừng để xao lãng công việc của anh, như vậy là quá danh dự dành cho sự ghen tị.'

Tiếp dẫn thư trên , Jullien viết : một lời khuyên khôn ngoan, tôi không thể rơi vào cái bẫy và hạ mình lượm những điều đùa trọc đó...Sau khi lan man thức dậy cả đêm, sang phần kế đặt tên là phản hồi/récurrence, Jullien so sánh việc này cũng giống như trường hợp Barthes (1915-1980) bị một Picard nào đó tấn công trong một cái phúng thích có nhan đề không hòa nhã 'Phê bình mới hay hư trá mới' và Barthes đã trả lời bằng một tác phẩm Critique et vérité/Phê bình và chân lý người ta thường đọc. Ở một đoạn khác trong phần này, Jullien viết : người phản đối tôi/contradicteur cũng không tự vấn là tại sao công trình của tôi được dịch rộng rãi ở ngoại quốc (trong khoảng hai mươi nước, gần gấp đôi lần ông ta ghi ở cuối sách). Chẳng hạn tại sao những sách của tôi, ông ta nói, có một 'thành công' tại Pháp vì những lý do ý thức hệ rõ ràng mà ông ta đi phân tích (là bởi 'đa số trí thức Pháp' 'tự đồng nhất với đại học và những trường lớn, nghĩa là với một quan chức thế tục mà nền Đệ Tam Cộng hòa đã tạo ra để đối lập với quan giai công giáo' - Jullien thêm : người phản đối tôi là người Thụy sĩ). Jullien viết những sách của ông được dịch ở Đức, mà Đức đâu có quan giai đẳng cấp và tâp quyền trung ương Nhà nước, cũng những sách này được dịch ở Việt Nam, mà văn diện tổ chức chính trị và ý thức hệ cũng quá khác với chúng ta ở châu Âu.

Ông dẫn lời Pierre Bourdieu (1930-2002) tuyên bố vào thời xuất bản tác phẩm Homo academicus là có hai con đường chuẩn nhận đại học : chức tước và dịch thuật.

Ở đề từ, ông dẫn lời Michel Foucault (1926-1984): có những phê bình người ta trả lời/répond, và những phê bình người ta phản biện/réplique.

Nhận xét : Để phản biện quyển 'phúng thích' của Billeter dày 87 trang, (không kể phần bổ sung liệt kê tác phẩm của Jullien, nhận xét về sách dịch Hoài Nam tử trong 'La Bibliothèque de la Pléiade', dịch bài văn Cảm khái bình sinh của Lý Chí) Jullien viết sách dẫn trên dày147 trang, như vậy là bỏ công sức nhiều, mặc dầu dẫn những tên tuổi lớn, như Foucault để giải thích tại sao dùng chữ 'réplique' chứ không 'répond', có nghĩa là phản biện, cãi lại, song trong từ này còn nghĩa nữa là 'cãi bướng'.

Phản biện ai ? Jullien dùng ba hoa thị*** phải chăng hàm ngụ là đối tác không xứng nêu tên ?, trong khi dùng những nhân chứng ông không dám nêu tên (nhà hoa học ông rất ngưỡng phục) để gọi Billeter là 'loại ong, loại ruồi', hay đề từ nêu tắt hai tên để miệt thị sách phê bình của Billeter như một cái dằm đâm vào da.

Sở dĩ tôi nêu chi tiết phần mở đầu sách phản biện của Jullien, vì ngạc nhiên một học giả hoa học lại thiếu tư cách, bất xứng như vậy ? trong khi minh danh đối tác là tiền bối/aîné (Billeter sinh năm 1939, Jullien sinh năm 1951).

Cũng trong luận điệu mượn những tên tuổi lớn của Pháp, như Roland Barthes để so sánh phản biện của ông cũng giống trường hợp phản biện của Barthes là một việc so sánh bất xứng : một, tranh biện giữa Barthes và Picard (Jullien hẳn rõ là giáo sư Sorbonne, không phải một người vô danh) là cuộc chiến giữa hai trào lưu phê bình cũ và phê bình mới, trong khi tranh biện giữa Billeter và Jullien tuyệt không phải là sự biến quan trọng trong lịch sử học thuật ; hai, phản biện của Barthes trong luận cứ tự kiềm chế (như K.P. Keuneman, người dịch sách sang Anh ngữ) và đưa lên tranh luận bình diện cao hơn (nhận xét của Philip Thody).

Hay tranh cãi xung đột như kiểu Jullien là truyền thống quen thuộc xưa nay của Pháp, từ cuộc chiến giữa Voltaire và Rousseau, giữa Siêu thực và Dada, giữa Camus và Sartre ?

Mượn lời một tên tuổi đàn anh khác là Bourdieu để Jullien tự thị là sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đó có phải là tiêu chuẩn để định giá trị tác phẩm của ông ?

Thật sự, có những học giả không phải người Pháp đánh giá ông là người thông tục hóa/popularizer, nhà tuyên truyền/propagator tư tưởng trung hoa. Sách thông tục dịch ra nhiều thứ tiêng, như sách của một số đạo sĩ phổ thông hoá huyền bí học, Thiền học nhan nhản trên thị trường sách thế giới. Song thiền học thông tục không thể so sánh với triết học Zen, như của triết gia Nishida Kitaro chẳng hạn.

Thái độ kỳ thị của Jullien khi mỉa mai Billeter là người Thụy sĩ cũng là điều đáng ngạc nhiên, trong khi Billeter chỉ xét khách quan sự biến lịch sử.. Cũng như biến động 1968 ở Pháp là hiện tượng để hiểu tranh biện giữa hai trường phái phê bình cũ/mới Picard/Barthes về mặt chính trị - điều đâu có nghĩa bêu riếu nước Pháp ?

Sau khi nhận xét sắc thái tranh luận dễ rơi vào chỗ ngụy biện, người ta có thể gác sang một bên, ngõ hầu phân tích tranh biện này liên hệ đến việc tiêp cận tư tưởng phương Đông của trí thức Tây phương về mặt học thuật và chính trị diễn tiến như thế nào. Đó là vấn đề chính của thời quá độ.

(Còn tiếp)