Tuổi Thơ

 
 
 

Bây giờ không còn những háo hức của tuổi mười bảy, tôi nhìn dòng sông cây cầu quê nhà như một dòng chảy của những kỷ niệm. Cũng nơi chợ An Tân này hơn mười năm trước là nơi buôn bán giao dịch lén lút giữa vùng bên này và bên kia. Khu chợ này đã từng ăn bom Pháp cũng như đạn du kích. Cũng nơi này, những ngày tháng cuối Thu 1954 từng đoàn quân áo xám súng ống trên vai chen chúc qua cầu, từ biệt hẹn hai năm tái ngộ. Cây cầu này nhìn thấy quá nhiều nước mắt và nụ cười đổi thay. Bây giờ thì chính những gian quán bên cầu xưa nay đã màn đỏ, màn xanh với vài đôi môi hồng, phấn nhạt. Tôi ngồi yên nơi quán chị Bảy nhậu la de nhìn sự đổi thay của khu chợ này. Những ngày cuối năm gió biển từ ngã An Hòa thổi tạt lên thấm lạnh. Mấy doi cát cuối lạch nước màu hung hung như chiếc lưỡi lè ra trong đám lá xanh. Phía dưới kia là Chu Lai, tiếng máy bay, máy xe ầm ầm một góc. An Tân hôm nay thay đổi quá nhiều.
Chị Bảy loay hoay dọn, sửa mấy thức hàng trên sạp gỗ, những hộp thịt, cá, trái cây của lính Mỹ được chị sắp lên cao hình tháp. Hộp bột giặc và thuốc xịt muỗi xếp chéo nhau cho màu mè. Bên cạnh là một giá chất đầy nước cam và la de. Trên líp tre che nghiêng chị treo những bộ đồ trẻ con xanh đỏ, gió đưa qua đưa lại như những hình nộm giữ lúa ngoài đồng. Nhìn nghiêng nghiêng, chị Bảy bây giờ đã già nhiều. Cách đây hơn mười năm tôi còn nhớ chị ngỏn ngoẻn lắc đầu “nhất định ở rứa chứ không lấy chồng, dị chết”. Thế mà giờ đã ba con rồi đó. Mái tóc dài khỏi mông ngày xưa chị thường nói để che dáng đi cho khỏi dị, bây giờ đã cắt ngắn gọn đưa chiếc cổ trắng tròn ngọt mật. Cuộc đời tình ái của chị kể cũng ly kỳ, cái gì chị cũng thấy dị hết, thế mà lúc nào đó chẳng ai hay chị mang bầu ba tháng và bỏ làng ra đi, thiệt là dị! Bây giờ thì chồng con đề huề rồi, chồng chị làm trong sở Mỹ ở Chu Lai, theo chị thì chỗ làm ăn đó khá lắm nhờ ngoại giao. Ngoại giao đây là mua hàng của lính Mỹ, đổi đô-la để kiếm lời.
Chị Bảy cúi xuống, đôi mi nhướng cao lên, cong và đẹp. Tôi thấy bồi hồi nhớ một người, suốt đời những đôi mắt đẹp vẫn là một ám ảnh lớn đối với tôi. Tôi quay ra đường nhìn nắng chiều hắt lên mấy doi cát vàng. Chị Bảy treo mấy cái nịt da nhùng nhằng trên liếp tre, quay lại hỏi tôi:
- Nghe nói chú đi dạy học, có khá không?
Tôi thích giọng nói chị lắm, trong cái mệt mỏi của cuộc sống này, giọng nói lướt cao ấy bao giờ cũng lôi mình rời khỏi đám đông mà rơi vào thế giới tư riêng. Tôi nhấm nháp cái âm thanh đó, và chậm rãi trả lời:
- Tôi vẫn còn đi học chị Bảy à, chỉ đi dạy thêm ở trường tư mỗi tháng kiếm năm nghìn để ăn học.
- Giỡn hoài, lớn rồi bộ học đến tóc bạc à. Còn lo cưới vợ chớ. Dạy chi bốn năm ngàn một tháng mà cũng dạy, thua thằng Cu lớn con chị đó. Chú coi, nó làm cũng được hơn mười nghìn.
Tôi trố mắt ngạc nhiên, thằng bé độ sáu tuổi làm gì được lắm thế.
- Chị nói thiệt chớ?
- Để chú coi, ở đây mà, công việc người lớn không bằng con nít. Đồng tiền bây chừ làm ra dễ mà giữ khó lắm chú ơi.
Chị cúi xuống xếp mấy chai nước ngọt cho ngay hàng. Tôi miên man nghĩ đến nghề dạy học, nghề đi học. Đã nhiều lần tôi tự hỏi học nữa để làm gì, thế mà vẫn lặng lẽ theo đuổi như cái nghiệp. Tuổi đã lớn, phải lo cho gia đình nữa liệu cứ ngồi đùa mãi với sách vở được không. Mình có quyền đánh lừa với cuộc đời, nhưng tự thâm tâm mình nghĩ rằng học chỉ là một cách trốn lính, chứ xấp bằng cấp có nghĩa gì đối với bây giờ. Thực khôi hài. Cố học để khỏi làm quan ,lớn rồi mà vẫn đóng kịch với cuộc đời, với chính mình. Và như vậy, trong miền đất này mọi người đều mang mặc cảm tội lỗi cả. Người ta đóng vai kẻ trốn chạy lương tâm, tìm sự yên ổn nơi sự phẫn nộ và lừa dối. Khi đi dạy phải nghĩ mình dạy cái gì, dạy cho ai. Hành vi vá víu một thứ đạo đức mà xã hội đã đục khoét nát bét từ lâu chỉ là một cách ru ngủ. Tôi không quên được những buổi dạy văn chương, cố giảng cái hay cái đẹp của tiếng mình, khi bảo học sinh đem tập ra chép, chúng hô “O.K”. Làm sao đây? Những đứa bé đệ thất đã phì phà thuốc lá. Mấy đứa con gái nhỏ truyền nhau tờ báo phụ nữ dạy cách đánh kem bôi son, làm mặt nạ, làm ngực nở, mông to. Bọn học trò lớn thì trông đến cuối giờ học là vụt xe gắn máy đi chở ngoại kiều. Trường sở thì lo tranh dành học trò như tranh dành cá chợ buổi sáng. Cái học của chúng là như thế đó, phương tiện hưởng thụ dồn dập đến lấn áp cả ý thức. Gia đình và xã hội chưa kịp trở mình để chịu nhận sự thay đổi thì học đường đã nuôi lớn sự đổi thay đó rồi.
Tôi buồn nản tưởng tượng đến thế hệ mai sau, nền giáo dục này đã quá cũ rồi, nó đẻ ra một lớp người dở ông dở thằng, làm sao ngăn chặn được nguồn văn hóa ngoại lai mỗi ngày hăm he nuốt chửng chúng ta.
Nắng chuốt óng vàng trên hàng dương xanh, đổ xuống bụi chuối bên hiên nhà. Chum nước loang loáng ánh sáng, một chiếc gáo dừa gác ngang miệng chum gợi tôi một niềm vui nhỏ dại. Ba đứa con chị Bảy – con Thìn, thằng Cu lớn, thắng bé đang tụm đầu làm bánh cát bên hiên. Hoa ngũ sắc, chúng rãi lên đụn cát làm nhưn bánh, lá cắt nhỏ ríu làm mì. Nhìn cặp mắt chúng, thấy món ăn ngon là biết mấy.
- Anh độ mấy giờ về hả chị? - Tôi hỏi.
- Chú ngồi chơi, quá giờ còi hụ một chút là ảnh về liền.
Tôi nhìn lên khoảng cao, một đám mây vơ vất óng vàng như tơ. Buổi chiều cuối năm nào cũng mang vẻ đẹp tiêu sơ, heo hút làm lòng mình buồn nhớ vu vơ. Một bà già mặc quần lãnh láng, áo vá chầm, đầu đội thúng lá chuối hấp tấp đi ngang qua đường làm tôi cảm thấy thương vô cùng. Tôi thương tất cả đôi mắt các bà mẹ trong những ngày gần Tết, vừa thiết tha vừa cuống quít làm sao. Một hồi còi hụ vang, chị Bảy ở ngoài sau bếp vội vã đi ra gọi lớn:
- Mấy đứa nhỏ mau vô bán hàng!
Ba đứa con chị bỏ dở cuộc chơi, bỏ tô bún, nhưn bánh, niêu cơm ở đó, phủi tay chạy vào. Chị Bảy vội vã cởi áo cho con chị và hai thằng bé rồi đẩy ra:
- Thôi ra bán hàng đi, gần Tết nó mua nhiều đó!
Ba đứa bé bị cởi hết áo, chỉ bận quần ngắn chạy vội ra đứng rãi bên lề đường. Gió lạnh tê buổi chiều làm chúng run lên, con bé Thìn ôm ngực nhìn thằng Cu lớn.
- Ê Cu, lạnh ghê mầy há.
- Lạnh quá à.
Chúng vòng tay, khòm lưng đứng cúi về phía trước ngóng đợi.
- Tội nghiệp bọn nó lạnh chớ chị! - tôi hỏi.
- Chút thôi, năm hết Tết đến mấy thằng Mỹ thương con nít lắm.
Tôi định hỏi bán cách nào nhưng rồi im lặng. Từ phía cuối đường đám công nhân VN đi xe đạp đã đi về, người ta nói chuyện vang lên. Sau đám VN đến ba bốn người Mỹ mặc đồ lính vừa đi vừa nói cười. Con bé Thìn ngoảnh lại chỉ thằng Cu:
- Ê, nó ra kìa mày!
- Ừ, lạnh quá!
Mấy đứa bé chia nhau chạy lại, mỗi đứa nắm tay một người lính Mỹ lắc mạnh, mắt ngước lên:
- Ây khôn! Ây khôn! (I’m cold)
Giọng chúng nói run run, vừa có vẻ van lơn đóng kịch, vừa sống thực với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Chúng đưa tay chỉ vào gian hàng của chị Bảy người rúm lại, tiếng nói như muốn khóc. Ây khôn, ây khôn! Hai người lính Mỹ đi đầu bồng con bé Thìn và thằng Cu lớn lên tay cho mỗi đứa một cái kẹo cao su, rồi để xuống đất. Người lính thứ ba bồng thằng bé lên, mắt thằng nhỏ ướt vì lạnh, giọng nói run lạc đi:
- Ây, ây khôn mà ông Mỹ ơi!
Người lính trẻ ôm thằng nhỏ vào lòng, bốn mắt nhìn nhau im lặng trong một thoáng. Con Thìn như được huấn luyện từ trước, không để cho người lính một chút đắn đo cầm tay kéo hắn vào gian hàng:
- Du bây hia, nè du ơi, du bây hia (you buy here).
Người lính ôm thằng bé kín trong vòng tay, hỏi chị Bảy mua một cặp pi-ra-ma sọc xanh. Hắn nói giọng Việt lơ lớ :
- Bao nhiêu cái này?
- Năm trăm thôi, phây hăng rắc thôi. - Chị Bảy vừa nói vừa đưa năm ngón tay làm dấu. Người lính lặng lẽ đưa năm trăm, mặc áo quần cho thằng Bé. Chị Bảy ngó lơ đi nơi khác, coi như đứa trẻ không quen thuộc gì với mình. Người lính hôn trán thằng nhỏ xong bỏ đi với nụ cười thật hiền trên môi.
Thằng Bé chạy ra đứng nhìn bóng dáng người lính gầy đó. Người lính vừa qua khuất lùm cây, chị Bảy đã gọi dật lại:
- Bé vô đây biểu, mau lên tối rồi.
Chị kéo xệch thằng nhỏ vào tuột cặp đồ pi-ra-ma và đẩy nó ra đường:
- Chạy mau ra kiếm khách đi con.
Chị lặng lẽ treo cặp áo quần thằng Bé lên chỗ cũ, thằng nhỏ ôm ngực ra đứng bên lề đường với chị và anh nó. Ba đứa cứ ngồi đó trông mắt chờ một người líng Mỹ nào đi qua cũng sà vào với một câu nói trên một cách làm đó. Có những người lính đứng dừng lại bồng đứa bé lên quan sát rồi thả xuống, tiếp tục đi. Có người lính hắt mạnh tay như nguyền rủa trò lừa bịp đó. Có vài người chỉ vào chúng, chỉ vào cửa hàng rồi phá lên cười.
Khi nắng hoang tím phủ kín chân trời, con bé Thìn đứng thần người rồi rón rén đến bên thằng Cu:
- Tao lạnh quá.
- Ừ tao cũng lạnh.
Hai đứa bé cúi sát vào nhau, con lớn lấy tay vẽ lên cát và cười. Thằng Bé đứng ngơ một mình bẻ cây chà đập chuồn chuồn. Nhìn về cuối đường có hai người lính da đen đi tới, chị Bảy la lớn.
- Kìa, có hai thằng đó, ráng bán vài cặp tối rồi con.
Con Thìn chỉ thằng Cu và thằng Bé:
- Giao cho hai đứa bây đó, tao lạnh quá.
Thằng Cu nói bên tai chị nó:
- Giờ mà được cặp đồ lính thủy là tao bận luôn, khỏi phải trả lại cho má đi.
- Hứ ! Đến Tết mới được chứ bộ - Con bé dài giọng nói.
Hai thằng bé chạy lại nắm tay người lính da đen run giọng nài nỉ:
- Du ơi du, ây khôn!
Mỗi người lính bồng một thằng bé tay xoa đầu nó và cười buồn. Cả hai bước vào gian hàng chị Bảy. Thằng Cu lớn được cặp đồ lính thủy, thằng Bé được cặp đồ sọc xanh. Mặc xong cho hai đứa trẻ, hai người lính tiếp tục đi. Thằng Cu lớn chạy ùa theo, mặt lắm lét nhìn mẹ nó; chị Bảy đay nghiến:
- Thằng mắc dịch! Cởi ra mau! Mầy chết với tao.
Thằng Bé run lên tuột vội cặp đồ chạy ra đứng bên chị nó. Thằng Cu lớn vẫn giữ khư khư cặp đồ trên mình đứng chỗ bìa sân nhìn vào nhà.
- Mẹ bảo bán cặp đồ nỉ được ba lần mẹ cho con mà con bán được năm lần rồi. Của con chớ!
- Đồ mắc dịch! Cởi ra mau, tao nói Tết tao mới cho. Nghe chưa Cu!
Tiếng chị rít cao lên nghe rợn người, chị chạy vụt ra chụp lấy thằng nhỏ. Nó thoát khỏi tầm tay chạy về phía chum nước, nhưng trượt té bên bụi chuối lắm lem cả cặp đồ mới. Thằng bé khóc thét lên. Chị Bảy túm được phát mấy phát nên thân.
- Cha mầy, ai dạy mầy vậy. Đồ mắc dịch. Ra bán tiếp không tao đánh nát xương. Lắm lem cả cặp đồ rồi lấy gì mà bán. Cha mầy!
Sau chữ cha mầy, chị lại phát mạnh vào mông thằng nhỏ. Chị tuột cặp đồ ra và đẩy thằng Cu lớn ra đường.
Con Thìn lặng lẽ cúi đầu không nói, tôi thấy đôi mắt nó chơm chớp ướt. Hai thằng bé khóc bù lu bù la bên lề đường.Trên lưng thằng Cu dấu lằn năm ngón tay còn in hằn. Một người lính Mỹ từ xa đi tới, hai thằng bé vẫn đứng nguyên trên lề đường miệng méo xệch, nước mắt ràn rụa, tay đưa ra trước:
- Hu! Hu! ây khôn du ơi. Hu hu, ấy khôn du ơi. ( I am cold, you! )
Gió dưới bờ sông Trường Giang thổi tạt lên lạnh buốt, trời xám quệt như chì, tôi lặng lẽ đứng dây bỏ đi, thấy lòng mình tê điếng như bị vết chém ngập vào tim. Chị Bảy nói với theo:
- Chú ngồi chơi, anh nhà tôi sắp về.
Tôi tiếp tục bước, không quay lại. Tôi không dám nhìn những khuôn mặt ấy. Tôi như nghe gió gào thảm đạm trên hàng dương liễu bên cầu.

 
 

( 1968 )

Nguyễn Quang Tuyến