Ý THỨC VĂN CHƯƠNG

Đặng Phùng Quân
 
 
 

Nhập thế hữu văn chương... Câu thơ quen thuộc của Cao bá Quát không chỉ giới hạn ý nghĩa trong trường văn trận bút của nho sĩ dưới thời đại quân chủ, song để xác định hiện hữu của văn chương trong quan hệ thế giới và đời sống. Cũng như ý thức và ngôn ngữ, những toan tính đi tìm nguồn gốc của văn chương dẫu hấp dẫn và đầy thử thách nhưng chỉ dẫn đến thất bại, tuy nhiên, đóng góp vào công trình nghiên cứu của con người, mỗi ngày một phong phú. Văn chương tồn tại xây dựng trên những vận động sáng tạo của con người, biểu hiện quyền năng tinh thần trong thế giới sống. Nhưng, thế giới nào?

Sáng tạo văn chương gắn liền với mô phỏng. Hiểu theo nghĩa từ hy lạp μίμησις là nguyên lý của mọi nghệ thuật từ thời cổ đại [1] cho đến giữa thế kỷ 17; nhà triết học lớn và là người phê bình nghiêm khắc đối với sáng tạo thơ như Platon nhìn mô phỏng dưới một góc cạnh khác khi quan niệm mô phỏng trụ trong những thói quen và trở nên bản tính thứ hai ở con người. Trong Πολιτεια/Politeia Platon đã phân tích sự khác biệt giữa sáng tạo sự vật thật với mô phỏng sự vật: những nhà thơ và những người làm ra những ngụ ngôn [những người viết văn xuôi] phạm phải những sai lầm to lớn nhất về vấn đề con người, khi họ cho rằng đa số con người bất chính lại sung sướng, trong khi những người công chính lại khốn khổ (392b); con người bề ngoài do sự khéo léo đó có khả năng dùng mọi hình thức và mô phỏng đến đô thị chúng ta, mang theo những bài thơ mà y muốn phô diễn, thì dầu chúng ta có hạ mình tôn thờ y như một con người thần thánh, phi thường và khả ái, song cũng phải nói với y là không chứa chấp loại người đó trong đô thị chúng ta và không thể để loại người đó trong đô thị chúng ta (398a); phải có quy định không thừa nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào loại thơ mô phỏng, vì những công trình thuộc loại này làm bại hoại tinh thần người nghe là những người không có thuốc giải độc, nghĩa là nhận thức được những gì là thực. [Đối những nhà thơ lớn cổ đại Hy lạp như Hesiode, Homer, Platon khẳng định dầu ông có quý mến, kính trọng ngay từ thuở niên thiếu song cũng như những thi sĩ bị kịch khác, ông cũng phải nói ra sự thực này, vì 'không thể vinh danh một con người mà dẫm lên trên chân lý' (595c).[2]

Quan niệm mô phỏng về mặt văn chương được xác định trong tác phẩm Περί ποιητικής/Luận về thi pháp của Aristote: nghệ thuật mô phỏng thiên nhiên [3]- khu biệt giữa Platon và Aristote ở đây chỉ ra xung đột tranh biện giữa hai xu hướng duy tâm và duy thực [thật sự chỉ mới có khái niệm này từ thế kỷ 17] một đằng thế giới thực của con người là một lặp lại của nguyên mẫu lý tưởng, nghĩa là một thế giới mô phỏng, một đằng thế giới của thực tại, thế giới hành động thể hiện ba đối tượng thực của mô phỏng là έθη (những phẩm chất đạo đức), πάθη (những cảm tính), và πράξείς (những tác động nội tại). Sự khác biệt này biểu hiện triết học thiên nhiên nơi Platon và Aristote qua phê phán của Aristote là Platon đã dẫm bước sai lầm theo Parménide khi lẫn lộn tiềm thể với vô hữu, cơ bản tự quan niệm kinh nghiệm đối với Platon chỉ đóng vai trò thứ yếu, trái lại theo Aristote, kinh nghiệm là chủ chốt trong việc khám phá ra những nguyên lý. Những triết gia thời khai nguyên Hy lạp quan niệm thiên nhiên là bản thể thuộc về vật chất, khả xúc là nguyên nhân thứ nhất của mọi hiện tượng trời đất, trái lại từ Platon thiên nhiên là linh hồn, mô thức nội tại duy nhất có trước và diều khiển thế giới khả xúc. Aristote chấp nhận một phần chân lý của mỗi quan niệm trên khi xác định 'thiên nhiên là một nguyên lý và là nguyên nhân của chuyển động và ngưng nghỉ của mọi sự vật, hiện hữu tiên khởi tự bản chất, không phải phụ thuộc vào tùy thể'[4]. Cho nên, lý luận của Aristote phản ảnh thực tiễn sáng tạo thơ văn, âm nhạc, nghệ thuật cổ đại Hy lạp, xem ngoại giới chỉ như sân chơi phía sau của hành động [để giải thích cụ thể khái niệm nêu trên trong Lý học/Physica, Aristote lấy một ví dụ dễ hiểu: 'chẳng hạn một người là thầy thuốc tất tự chữa bệnh cho chính mình, tuy nhiên không phải vì ông là bệnh nhân mà ông sở hữu thuật y học; chỉ đơn thuần xẩy ra là cùng một người vừa là thầy thuốc vừa là bệnh nhân, đó là lý do tại sao những tùy thể này không luôn luôn có cùng với nhau, điều đó áp dụng với mọi sản phẩm con người tạo ra, không sự vật nào tự nó có nguồn từ chính sáng tạo của nó.] Nguồn nguyên ủy chung của mọi nghệ thuật có thể nói từ đời sống con người. Mở đầu tác phẩm Luận về Sáng tạo thi pháp/Peri poietikes [5] Aristote xác định công trình tìm hiểu này không những chỉ nhằm tìm hiểu nghệ thuật nói chung, song tìm hiểu mọi loại cũng như mọi khả năng nghệ thuật, cấu trúc tình tiết tạo nên bài thơ, bản văn, số lượng và bản tính những thành phần khác nhau cấu tạo ra tác phẩm như sử thi, bi kịch, hài kịch, tụng ca, âm nhạc đàn sáo trong mọi hình thái đều là những phương thức mô phỏng trong quan niệm khái quát của mô phỏng, tuy nhiên khác nhau ở phương tiện (như màu sắc, hình thức), những đối tượng khác nhau và lối mô phỏng (1447a).

Ý nghĩa của mô phỏng thì đa dạng: tác phẩm nghệ thuật có thể giống/ όμοίωμα hay sao lại nguyên bản, không phải là một biểu tượng/ σημείον của nó (ký hiệu hay tượng trưng cơ bản không giống với sự vật được biểu thị; những từ nói ra là tượng trưng của tình trạng tinh thần còn những từ viết ra là tượng trưng cho những từ nói ra; mối liên lạc giữa chúng mang tính quy ước); mặt khác những ấn tượng tinh thần không là ký hiệu hay tượng trưng mà là bản sao của thực tại bên ngoài, giống như chính sự vật, như hình tượng/phantasma hay eikon; tác phẩm nghệ thuật sao lại nguyên bản, không phải tự nội nhưng biểu hiện ra với những giác quan, không phải với lý trừu tượng nhưng với quan năng cảm xúc, những ảo tượng, thế giới nghệ thuật không phải ỏ tư tưởng thuần túy, nhìn chân lý ở những biêu hiện cụ thể, không phải ý niệm trừu tượng. Cho nên Aristote nhận xét: nhà thơ ưa thích 'những bất khả cái nhiên/có thể xảy ra hơn là những khả hữu không thể xảy ra'(1460a). Khi nói đến chức năng của nhà thơ, Ariste xác định mô tả không phải những sự đã xảy ra, như một loại sự phải xảy ra, khác biệt giữa nhà thơ và nhà viết sử ở chỗ đó, cho nên ông đánh giá văn chương là nghệ thuật mô phỏng ở hình thái cao nhất là cái gì có tính triết lý hơn và cao hơn sử, vì nhằm biểu tỏ cái phổ quát/ τά καθόλον (1451b), nghĩa là biểu hiện yếu tố phổ biến trong đời sống con người. Mô phỏng là một hành vi sáng tạo, theo một ý niệm thực/ είδος. Tranh biện với quan niệm phủ bác thi ca văn chương là không thực/ ούκ άληθή, bất khả/ άδύνατα Aristote xác định văn chương không thực, song ở một thực tại cao hơn/ άλλά βέλτιον , lấy lại lời Sophocle nói 'những sự như chúng phải là/ ώς δεί, không phải cái đang có' (1460b), nghĩa là cái chuyển biến/sinh thành hơn là cái hiện hữu.

Khu biệt giữa Platon về văn chương (xem nơi trên) với Aristote tương phản ở ngay quan niệm về giả tượng, như Platon gọi những người như Homère, Hésiode là nói những điều dối trá/ ψεύδεσθαι trong khi Aristote viết như Homère dạy cho những nhà thơ khác cách nói những điều dối một cách tài tình [6], nghĩa là sử dụng võng luận/ παραλογισμός/paralogisme. Cái bất khả của văn chương trong lý luận Aristote thể hiện khả hữu của văn chương, nghệ thuật chân thực của giả tưởng, như nhiều quan niệm hiện đại.

Có thể nói chân lý của văn chương về bản chất khác với chân lý của sự kiện. Hành trạng của Goethe thể hiện trong tự truyện của ông, có nhan đề Dichtung und Wahrheit (là tiểu đề trong Italienische Reise/Hành trình qua Ý) như nhà thơ giải thích dùng đến một hình thức giả tưởng: Vì nó chính là nỗ lực đúng đắn nhất của tôi để miêu tả sinh động và diễn đạt có thể tốt nhất chân lý sơ đẳng và thực, như tôi có thể thấy, đã hướng dẫn đời sống của tôi. Tuy nhiên, nếu về những năm sau này, không thể làm điều đó mà không dùng tới hồi ức, và như thế là phải nại tới quan năng tri tưởng, và nếu cứ bắt buộc làm mãi như thế, có thể nói, phải sử dụng khả năng văn chương, rõ ràng là rốt cuộc sẽ có những kết quả mục đích hơn là những sự biến cá nhân xảy ra đã lâu được tâm trí gọi tới và khoa đại... Tất cả những sự vật đó thuộc về nhà thuyết thoại mà tôi gộp vào dưới từ Dichtung ngõ hầu có thể dùng cho những mục đích của tôi cái chân lý có trong tâm trí.

Quế Đường Lê Quí Đôn (1724-1784) trong Văn nghệ loại thuộc bộ Toàn thư Vân đài loại ngữ [7] xác định 'văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh thế', dẫn lờI Chu Hy 'trong bốn điều văn, hạnh, trung, tín, văn đứng đầu.. . lấy lễ tất phải biết rộng Văn trước' để suy ra văn là việc gốc không phải việc ngọn. Ông phê phán người đời cho văn chương là ngọn, ví như cành lá, chỉ vì không hiểu được cái nguyên lý trên đây.

Về thi pháp, ông dẫn cách thức làm thơ theo Thích Hiệu Nhiên có bốn điều không nên/tứ bất, bốn điểm sâu sắc/tứ thâm, hai điều phải bỏ/nhị phế, bốn điều phải tránh/tứ ly, sáu cái mê lầm/lục mê, sáu điều rất nên/lục chí và bảy đức tính như lý lẽ của sự vật, cao siêu cổ kính, đẹp trang nhã, phong lưu, có tinh thần, chất phác, đúng mực, Tư Không Đồ còn liệt kê hai mươi bốn phẩm chất của thơ, Hứa Ngạn Chu phân chia năm phép (thể chế, cách lực, khí tượng, hứng thú, âm tiết).

Tuy nhiên, Lê Quí Đôn nhận xét: bàn về thơ đến thế tưởng không còn sót gì nữa, song ông xét lại trong quan niệm 'thơ phát khởi tự lòng người ra'. Như thơ trong Kinh Thi của người bình dân mà có những bài văn gia đời sau không theo kịp vì nó chân thật. Khi phân tích ba điểm chính 'tình cảm, cảnh động vào ý, dựa cổ chứng kim thu hút tinh thần', theo ông, còn thể thức, ý tưởng, âm tiết, cách điệu đều là phụ thuộc, bàn thêm thôi. Nguyên lý ấy diễn ra: 'tình là người, cảnh là trời, sự là hợp lẽ thông suốt cả trời đất' phân tích cho đến cùng, giống như Goethe quan niệm về văn chương và chân lý nói đến ở trên.

Ý thức văn chương về mặt hiện tượng luận là định hướng ý thức đối tượng/bản văn, song về mặt hữu thể luận chính là nguyên lý của sự vật văn chương.

Trong một cuộc mạn đàm, tôi có nói đến ngôn ngữ/hữu thể như một vấn đề triết học cơ bản ở thế kỷ hai mươi vừa qua và Heidegger nói đến ngôn ngữ qua bài thơ Một chiều đông của Georg Trakl: bài thơ nói lên điều gì, không phải bất kỳ chiều đông nào, nhưng ở đây là những sự vật gợi lên tứ tượng/geviert trời/đất/thần/nhân tụ hội trong cái thường gọi là thế giới (bài thơ Ein Winterabend không vẽ lên một buổi chiều đông xảy ra ơ nơi nào, thời nào..Ai cũng biết bài thơ là văn chương. Nó chỉ là văn chương [nghĩa là giả tưởng] ngay cả xem như miêu tả [8]. Thật sự, ngay từ thế kỷ 19, Nguyễn Du trong thơ Hán Dương Văn Diểu ngắm cảnh chiều Hán Dương ở Hồ Bắc, nhớ đến thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hạo đã nhận ra chân lý của thơ thâu tóm trong câu 'Thi thành thảo thụ giai thiên cổ' để chỉ ý nghĩa bản chất của thơ như Heidegger quan niệm nói trên [9].

Trích trong Đường Vào Văn Chương – Phê bình lý trí văn chương (phát hành vào tháng 8 năm 2012)



________________________________________
Chú Thích
[1] Như quan niệm ở thời đại La mã với Sénèque: Omnis ars naturæ imitatio est.
[2] Như Aristote nhắc lại trong thiên Đạo lý: άμφοίν γάρ όντοιν φίλοιν όσιον προτιμάν τήν άλήθειαν (dầu là bạn thân, song công chính vẫn là tôn trọng chân lý trước đã).
[3] Thâu tóm trong phát biểu ή τέχνη μιμείται τήν φύσιν không chỉ tìm thấy ở thi pháp mà ở những tác phẩm khác của Aristote như Lý học/Physica, Khí tượng học/Meteorologica, Thế giới luận/De Mundo. Nghệ thuật ở đây chỉ chung những sự vật thuộc về mỹ thuật và công nghệ, thiên nhiên ở đây chỉ thị nguyên lý nội tại, lực sản xuất của vũ trụ.
[4] Physica I, 192b. Xem: Triết học Aristote 1972 (ĐPQ).
[5] Trong ngôn ngữ Hy lạp, những từ ποίησις, ποιητική đều dùng dể chỉ sáng tạo, thi pháp, thi ca như từ Dichtung trong ngôn ngữ Đức sau này. Nhan đề tác phẩm Dichtung und Wahrheit của Goethe mang ý nghĩa sáng tạo và chân lý là một hành trạng đời sống của tác giả, một tự truyện phản ảnh sáng tạo từ đời sống con người như quan niệm Aristote nêu trên. Nhan đề thiên khảo luận quan trọng của Dilthey Die Einbildungskraft des Dichters. Bausteine für eine Poetik 1887 (in GS VI) cũng chỉ ra ý nghĩa của Dichtung, Dichter và Poetik mà Dilthey dùng để chỉ nghệ thuật văn chương (thơ/văn vần và văn xuôi),nhà thơ và nhà văn, sáng tạo/thi pháp.
[6] Ψευδή λέγειν ώς δεί (1460a).
[7] Bản dịch của Phạm Vũ, Lê Hiền 1972.
[8] Allein das Gedicht stellt nicht einen irgendwo und irgenwann anwesenden Winterabend vor.. Alle Welt weiβ, daβ ein Gedicht Dichtung ist. Es dichtet sogar dort, wo es zu beschreiben scheint. Die Sprache (in Unterwegs zur Sprache 1959).
Cuộc mạn đàm nói trên in trong Cơ sở tư tưởng thời quá độ 2007.
[9] Thơ làm cho cây cỏ trở thành bất hủ, hàm ý nghĩa nhờ bài thơ của Thôi Hộ mà cây Hán Dương, cỏ Anh Vũ hiện diện muôn đời, như buổi chiều đông của Trakl là buổi chiều hiện hữu bất tử.