Những "Giọt Sương" và "Giọt Nắng”

trong dòng nhạc “Rêu Phong” của Nhạc Sĩ Thanh Tùng

Thay Lời Tạm Biệt Nhạc Sĩ Thanh Tùng
Tô Đăng Khoa
 
 
 

Nhạc Sĩ Thanh Tùng đã theo những “giọt nắng bên thềm” trở về lại với hư vô trong một buổi hoàng hôn đời người vào ngày 15 tháng 3, 2016. Điều này để lại nhiều “giọt sương trên mí mắt” cho những người hâm mộ dòng nhạc Thanh Tùng.

“Sanh ký, tử quy”, “Sống gửi, thác về” đó là quy luật tự nhiên. Như “giọt nắng” trở về hư không trong một chiều cuối đông, nhạc sĩ Thanh Tùng trở về cõi tịnh trong sự hoài niệm và tri ân của nhiều người. Di sản để lại cho đời là những “bài hát rêu phong” nhưng phơi bày sự sống đầy sung mãn của ông.

Rêu là một loại thực vật sống trên môi trường khắc nghiệt nhất: Chúng sống trên đá chứ không phải trên đất. Rêu sống chủ yếu nhờ những giọt sương, giọt nắng. Thực phẩm chính chỉ có vậy, rể của nó bám trên đá cứng. Thân rêu rất mong manh, chúng tụ hợp nhau thành một lớp mỏng màu xanh bám chặt trên đá. Rêu còn mang biểu tượng dấu tích của thời gian, vì không phải đá nào cũng có rêu phủ. Đá có rêu là đá đã đứng yên trong môi trường một nắng hai sương một thời gian rất lâu.

Vì thế “Rêu Phong”- là hình ảnh phơi bày của sự sống mãnh liệt trước thử thách tàn bạo của thời gian và môi trường sống. Sư hiện hữu của nó là bài ca, là minh chứng của sự sống bất diệt. Đó là bài ca mà Thi Sĩ viết mãi không nên lời trong khi người thưởng ngoạn thì dường như cứ vội lãng quên, hay chỉ lướt qua một cách hời hợt:

Lâu lắm rồi anh không đến chơi
Cây xen đá lá bạc như vôi
Sỏi đá rêu phong
Sỏi đá chưa quên chân người
Bài hát rêu phong
bài hát viết không nên lời
đã vội ... lãng quên

Nhưng không, tôi không nghĩ vậy, những bài hát “rêu phong” của Nhạc Sĩ Thanh Tùng sẽ còn ở lại rất lâu với nền Âm Nhạc Việt. Chúng sẽ không dễ gì bị vội lãng quên. Vì sao? Vì nó có giá trị thực của chính nó. Vì nó đã được bảo chứng bởi một đời sống cống hiến rất tận tụy cho Âm Nhạc của Nhạc Sĩ Thanh Tùng.

Đôi khi ta cần tìm lại nhìn rõ, quan sát kỹ đời sống của “rêu phong” để cảm nhận dòng chảy êm đềm của sự sống, của từng ngày bình yên, và đồng thời để ý thức rất rõ ràng rằng, một ngày nào đó, khi giọt nắng trong ta về lại với hư không, hơi ấm không còn trụ lại trong thân này nữa, là ngày ta cũng sẽ từ giã trần gian này:

..Bài hát tìm trong khói thuốc từng giờ bình yên
Bài hát tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn
Còn lại trong tôi, còn lại trong anh
Chỉ là lung linh giọt nắng bên thềm
Trả lại cho tôi, trả lại cho anh
Trả về hư không giọt nắng bên thềm

Sự sống tìm trong mong manh khói thuốc của từng giờ bình yên, trong từng lá biếc từng chiều hoàng hôn. Chúng chuyển dịch, và lung linh như những giọt nắng bên thềm. Đẹp long lanh, lung linh, nhưng dễ tan vỡ như một bong bóng xà phòng.

Để rồi một này nào, thật bất chợt, không có hẹn trước, vào một bữa sớm mai như sớm mai hôm nay:

Một sớm mai kia
Chợt thấy hư vô trong đời
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi
Chỉ là ... thế thôi ..

Thi sĩ đã đi xa rồi. Ồ cái chết!
Thì ra vào buổi sớm mai hôm nay: “ở đâu đây”, hay “đã xa rồi” thì cũng như nhau thôi.
Vì sao? Vì “ở đây” hay “ở đâu” thì cũng: Chỉ LÀ, thế thôi!
Ồ Thế thôi, là như thế đấy! Cho dẫu sống hay chết, thì: Chỉ LÀ.
Sự sống chỉ LÀ mà thôi. Nó không bao giờ không LÀ.
Sự sống đã LÀ, đang LÀ, và một triệu năm nữa củng sẽ LÀ.
Sự sống Là, cho nên Thanh Tùng hát bài ca Như Thật. Hãy sống Như Thật với chính mình. Với từng cảm xúc và suy nghĩ của chính mình. Đừng bao giờ cười thật buồn:

Có những lúc em cười thật buồn
Sao em không khóc cho lòng
lòng nhẹ nhàng hơn...
Vì có nhửng lúc ta nhìn cuộc đời
Niềm vui trong ánh mắt
còn lệ buồn, lệ buồn trên môi...
Xin em hãy khóc nồng nàn từ con tim
Xôn xao giòng nước mắt hết buồn phiền trong em
Khi ta đã có nụ cười ở trong tim
Giọt sương trên mí mắt
là mặt trời, mặt trời dịu êm...

Khi ta biết khóc một cách thật nồng nàn từ con tim, khi ta cảm thông được sâu sắc đời sống khổ lụy của kiếp nhân gian, khi từ tâm từ lực phát huy hết diệu dụng của nó, tất cả buồn phiền của ta tan biến. Ta dấn thân hết lòng hết sức vì đời. Điều này mang lại niềm vui đích thực cho chúng ta.

Khi ta đã có nụ cười ở trong tim, thì giọt sương trên mí mắt là mặt trời dịu êm. Giọt sương trên mí mắt giờ đây là sự bùng vỡ, lan tỏa, của từ bi, của cảm thông. Chính lòng từ bi đó, cũng là mặt trời chói sáng của Trí Tuệ.

Xin trân trọng tạm biệt nhạc sĩ tài hoa Thanh Tùng.

Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi
Chỉ là ... thế thôi …