|
Tuy thời gian sống gần nhau ít ỏi, anh Trần Hòa Vinh với tôi có khá nhiều kỷ niệm.
Mùa hè năm 1971, Đinh Hữu Hiền, Nguyễn Bá Tùng và tôi đi Quân Sự Học Đường bốn tuần lễ ở Quang Trung. Vì năm trước bị rớt QSHĐ giai đoạn 1 nên năm ấy chúng tôi phải học lại. Trong Đại đội Sinh viên năm đó tôi gặp ba khuôn mặt đặc biệt, dù đi học bãi hay vào căng tin uống cà phê thì lúc nào cũng có đủ bộ ba và tất cả đều đeo kính cận. Đó là Lê Tấn Hà, Phạm Việt Cường và Nguyễn Anh Dũng. Nguyễn Bá Tùng giới thiệu tôi với những người bạn ấy và đồng thời mời tôi sinh hoạt với Nhóm Nghiên Cứu Triết Học. Tôi gặp anh Trần Hòa Vinh trong Nhóm. Có lẽ anh Vinh là đầu mối khiến bọn tôi về chùa Tây Tạng, ở tỉnh Bình Dương, vì anh Vinh có một người anh là Thầy Đồng Nguyên xuất gia ở đó. Sau vài lần về chùa nghe Thầy Tịch Chiếu giảng, ngày 8 tháng 2 Âm lịch năm Quý Sửu (1973), chúng tôi về chùa quy y theo lời dặn dò của Thầy. Lần đó nhóm về chùa quy y gồm bảy người: Vương Quang Tuệ, Trần Thị Tâm, Trần Hòa Vinh, Vương Hải Yến, Nguyễn Anh Dũng, Phan Nhật Tân và tôi. Khi Thầy đặt Pháp danh, tên của anh Vinh, Tân và tôi được bắt đầu với chữ Phổ (Phổ Quang, Phổ Định, Phổ Thiện). Đối với tôi, buổi lễ quy y ngày ấy rất đặc biệt, nó gieo vào tâm thức tôi một lời mời gọi lên đường tìm kiếm và tiếp tục một điều gì đó rất quen thuộc. Còn nhớ trong lần quy y đó, Thầy Tịch Chiếu có nói sau này sẽ có những nhóm bảy người như thế nữa. Trước nhóm bảy người bọn tôi, cách đó vài năm đã có nhóm “thất tử” của các anh Nguyễn Hữu Tiếp Đăng, Quách Thế Hùng, Trần Hòa Thịnh… Sau này một vài huynh đệ trong chùa gọi đùa nhóm chúng tôi là nhóm “thất tình”!
Nhiều người bạn của tôi có duyên với Chùa Tây Tạng (thường gọi là chùa Bình Dương). Sau này, những người bạn khác tiếp tục về chùa như Phan Tấn Hải, Biện Thị Thanh Liêm, Trần Hỷ, vợ chồng Hữu-Phượng, vợ chồng Dũng-Lệ.. và cả những người trong gia đình nữa.
Trong những lần về chùa tôi thường nói chuyện và trở nên thân thiết với Thầy Đồng Nguyên (anh của anh Vinh) mà bọn tôi thường gọi theo tên ở nhà là anh Thịnh. Mãi sau này khi thân với anh Thịnh và anh Vinh tôi mới biết các anh là anh của Trần Hòa Thành, bạn học với tôi hồi Trung Học.
Ngày ấy khi về chùa Tây Tạng, anh Vinh là người sôi nổi nhất, hay nói chuyện và đặt câu hỏi với Thầy, còn chúng tôi thường chỉ ngồi nghe với rất nhiều cảm xúc. Anh Vinh có giọng nói lớn, vui vẻ với tiếng cười hồn nhiên, hào sảng. Hình như chưa bao giờ tôi thấy anh có vẻ buồn bã, ưu tư. Bằng những câu chuyện ngắn gọn nhưng súc tích, Thầy Tịch Chiếu hướng chúng tôi tới những chân trời xa rộng, bao la, vượt lên những đối đãi, phân biệt, và nhanh chóng hóa giải những trăn trở của chúng tôi về thời cuộc và xã hội.
Nhắc đến Thiền sư Trần Hòa Vinh là phải nhắc tới những lần uống rượu ở nhà anh (nhà cũ cũng ở đường Trần Quang Diệu, gần nhà nữ họa sĩ Bé Ký). Có lẽ những lần uống rượu đầu tiên trong đời tôi là uống ở nhà anh Vinh. Mẹ anh rất hiếu khách, bà chăm chút những món ăn cho bữa rượu thật đầy đủ. Những cuộc rượu như thế thật vui, dù ngoài vài người, hầu hết hồi đó bọn tôi uống được rất ít.
Thời gian đó, Nhóm Triết xuất bản Tập San Nghiên Cứu Triết Học, rồi sau đó là Tự Thức với hai khuynh hướng rõ rệt: kinh viện của lớp trước và thi ca lãng mạn của lớp sau. Tôi thì chẳng thuộc lớp nào, chẳng viết được bài nào trong đó mà cũng chẳng chịu đọc những bài nghiên cứu triết học khô khan, trừ những bài của anh Vinh viết về Herman Hesse, Saint Francis.. với văn phong đặc biệt. Vì cách sống hề hề, phóng khoáng nên anh thường được gọi là “Thiền Sư Trần Huề Vốn”, còn tôi thì thường chọc anh là “hành giả trườn mình trong hơi thở” theo một bài viết của anh đăng trong Tập san NCTH. Sau đó anh Vinh lên Pleiku dạy học.
Sau 30/4/1975, chúng tôi tiếp tục về chùa, dù ít hơn trước, nhưng đặc biệt là có những lần ngủ lại một hai đêm trên chùa. Những đêm ngủ dười Thiền môn Tây Tạng là những kỷ niệm thật đáng nhớ.
Có một lần trên đường về, vừa ra khỏi chùa được một quãng thì chiếc xe đò đầy ắp người chở chúng tôi bị chặn lại. Anh Vinh và tôi cùng một số người bị các “du kích” giữ giấy tờ bắt phải đi hớt tóc, mặc dù tôi nhớ là hồi đó đang là thầy giáo, chúng tôi không để tóc dài. Hình như anh Vinh trả tiền hớt tóc cho tôi, sau đó bọn tôi phải đón một chiếc xe đò khác để về Sài gòn.
Lúc này vài người trong Nhóm Triết đăng ký dạy học lại tại quận Nhất để chuẩn bị cho niên học đầu tiên sau 30/4/75.. Anh Vinh và Đỗ Duy dạy cùng trường. Chị Tâm và tôi thì ở trường khác. Vì hoàn cảnh, một số anh em trong Nhóm phải xa Sài gòn. Chỉ còn lại mấy người, chúng tôi tìm lại nhau và nhà mẹ tôi ở Phan Thanh Giản trở thành nơi tụ hội của bạn bè bốn phương. Lúc này quán cà phê Bình Minh ở đường Bàn Cờ đã dọn về chung cư Nguyễn Thiện Thuật sau nhà tôi. Đã vắng rất nhiều những khuôn mặt khách hàng quen thuộc. Quán cà phê có vẻ buồn hơn như gương mặt của cô Tuyết chủ quán. Những ngày ấy anh Vinh, ĐQKhiêm, Đỗ Duy và sau này thỉnh thoảng có Phan Tấn Hải, Sơn con, Trần Hỷ.. thường ngồi quán này. Chúng tôi thường được anh Vinh mời những điếu thuốc rất ngon có tẩm mật thơm ngọt do nhà anh sản xuất, và cả những điều thuốc tự vấn nữa. Những ly cà phê ngày ấy là những ly cà phê ngon nhất trong đời, có lẽ vì chúng tôi đã uống trong không khí sum họp đầm ấm của những bạn bè ít ỏi trong bối cảnh một xã hội đang có nhiều thay đổi, nhân tâm ly tán. Trên vỉa hè, những hàng sách cũ, chén bát, và những vật dụng trong nhà được bày bán trông như cảnh chợ chiều. Tôi đã gặp Thầy LTT, Khoa trưởng ĐHVK và giáo sư Triết học của tôi đứng bán sách như thế ở đường Lê Văn Duyệt, nay là CMTT, dáng của Thầy vốn đã buồn lại càng ủ ê hơn nữa. Cả Thầy lẫn trò chúng tôi đều ngậm ngùi… Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ và sống lại cảm xúc khi nghe những bản nhạc đã từng nghe ở quán Bình Minh trong thời gian đó.
Nhớ có lần vào dịp Ngày Nhà Giáo 20/11, anh Vinh và Đỗ Duy được phân công làm bích báo cho trường Dân Việt. Vì viết chữ và vẽ đẹp nên Đinh Quang Khiêm được huy động để giúp cho tờ báo. Tất cả tụ ở nhà tôi, nằm bò ra sàn nhà trên lầu 2 để chọn bài và trình bày. Bỗng anh Vinh phá lên cười sảng khoái khi đọc tới bài thơ của một người ký tên Dân Nguyễn Thị. Anh đọc lớn tiếng và phân tích bài thơ với vẻ diễu cợt làm những người khác phải cười theo. Đó là bài thơ của chị Nguyễn Thị Dân, cô giáo dạy Anh Văn cùng trường với anh Vinh và Đỗ Duy. Có lẽ chỉ khoảng một năm sau bọn tôi được mời dự đám cưới của hai anh chị. Chúng tôi được mời vào một buổi riêng, chỉ vài người, tại nhà anh Vinh ở Trần Quang Diệu. Đang ăn uống và trò chuyện vui vẻ trong nhà thì ở ngoài sân có tiếng người hô hoán bị mất xe đạp. Lúc đó xe đạp rất quý vì xăng để chạy xe gắn máy rất đắt. Mẹ anh Vinh thật điềm tĩnh, bà làm dịu không khí lúc đó: “Thôi, cuộc đời sắc sắc không không mà!” Tôi và anh Vinh còn có những kỷ niệm khi dạy cùng một bộ môn ở quận Nhất: những ngày được cử đi họp bộ môn với Phòng Giáo dục nhưng trốn họp đi uống cà phê, những ngày bồi dưỡng chính trị và chuyên môn của Giáo viên trong Quận Nhất kéo dài từ một tháng tới một tháng rưỡi, có cả Đỗ Duy, chi Tâm. Thường thì buổi chiều về dù mệt mỏi thế nào, nếu có dịp thì vẫn kéo nhau đi uống cà phê (lúc đó Đỗ Duy chuẩn bị cưới Anh Đào). Trong những buổi thảo luận sau bài nói chuyện của giảng viên, Anh Vinh, Đỗ Duy và tôi thường hay phát biểu và phản bác lại những lý lẽ có tính chất giáo điều, sáo rỗng. Lãnh đạo khóa học không vui nhưng chúng tôi luôn luôn được các giáo viên bình bầu là cá nhân xuất sắc của khóa học.
Sau khi lập gia đình, anh Vinh không tới lui với chúng tôi thường xuyên như trước nữa và anh đi nước ngoài khá sớm. Mười mấy năm sau anh trở về tính chuyện kinh doanh tại VN nhưng bất thành. Bạn bè gặp lại nhau rất vui. Ít năm sau đó, anh trở về nước, lúc này anh đã ly dị với chị Dân và lập gia đình lần thứ hai, và xúc tiến mua đất lập trang trại ở Long Thành. Tôi gặp lại anh Vinh trong tang lễ thân mẫu của anh ở Tóc Tiên, Long Thành. Hôm ấy Tăng ni và Phật tử, thân nhân đông như một lễ hội, và tôi không ngờ anh Vinh về kịp để lo lễ tang cho mẹ. Anh vui vẻ dẫn tôi vào thăm Thầy Đồng Nguyên và khi tiễn tôi về anh nói anh dự định mua thêm đất và về hẳn Việt Nam để nghiên cứu Phật Giáo. Anh mời tôi bữa nào rảnh ra ngoài này ngủ lại với anh một đêm. Không ngờ đó là lần gặp mặt cuối cùng.
Thầy Lê Thành Trị, Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Kim Định, Giản Chi.., các bạn Đỗ Duy, Trần Hòa Vinh rồi Tường Vi không còn ở trên cõi đời này nữa. Đời người sao mà ngắn ngủi, những nhân duyên tụ hội rồi phân ly như bèo bọt lênh đênh trên sóng nước.
Lại sắp một mùa Xuân. Mùa Xuân là mùa của trẻ con và Thiền sư, vì với trẻ con và Thiền sư thì cuộc đời luôn luôn là mùa Xuân. Bây giờ thì Thiền sư Trần Huề Vốn không trườn mình trong hơi thở nữa nhưng giọng cười hào sảng của anh vẫn còn vang vọng đâu đây.
|
|