CẢM NHẬN TÂY DU KÝ

 
 
 

Không một tác phẩm văn học thế giới nào được bàn đến nhiều và nhiều chiều hướng như Tây Du Ký. Đấu tranh với nội tâm hay đấu tranh với thiên nhiên ? Xuất thế hay nhập thế ? Mỗi nhận định hình như cố ép tác giả sao cho vừa ý mình hơn là chia sẻ nổi lòng cùng tác giả.

Thay vì khai thác tác giả như các nhà phê bình, người đọc/xem lại có một cái nhìn riêng –nhìn từ cảm nhận.

Người đọc/xem TDK. - nhất là những khán giả bé con rất khoái trá với một Tôn Ngộ Không chọc trời khuấy nước, đáng bậc anh hùng cái thế dẫn đầu đoàn thỉnh kinh. Và họ chỉ nhìn thấy có mỗi Tôn Ngộ Không là vai chính suốt toàn bộ tác phẩm chứ không ai khác. Đường Tăng bị trách móc rất nhiều, lẽo đẽo theo chân Tôn nữa bước không rời như bóng quẩn chưn.

Xét lại mới thấy ra rằng, sở dĩ họ cảm nhận thế là vì họ quen với lối đọc thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn và ca dao, tục ngữ đã nhập tâm họ rồi. Với họ, tất cả nhân vật (bất kỳ) đều đã bị họ hoán chuyển vị trí tất. Họ đổi tất cả ra thành người ! Với người bình dân thì: rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

Đọc thần thoại mà ta không đọc ra cái mật ngôn ẩn ngữ thì thật là uổng cái công“tham dự vào tác phẩm” của ta. Nói như Ngô Thừa Ân, nếu không hiểu được ngầm ý của tác gỉa thì tác gỉa tiếc cho, mà “Cũng đành uổng phí miệng phiền, lưỡi khô”.[ TDK 1/10-tr.56-Văn Học Hà Nội – 1982]

Đọc thần thoại, chúng ta có đoán nổi được ngầm ý của tác gỉa không ? – Không khó ! Thần chỉ là nhân vật của câu truyện, và nhân vật là vai đóng thế. Truyện ngụ ngôn loài vật, thì con vật chính là nhân vật ấy thôi; cái ve, cái kiến, con cáo, con quạ… phải ai khác ? chỉ đóng thế vai con người ấy thôi ! Có thực mới vực được đạo !

Xem phim hoạt hình của thiếu nhi, người lớn nhận ra bức tranh vân cẩu. Andersen viết truyện cho người lớn, nhưng người lớn không đọc thì nhi đồng đọc vậy ! [lời Andersen] Các em nhỏ say mê thần thoại, chẳng gì khó hiểu; các em chỉ nhặt những hạt kim cương lóng lánh của ai đó bỏ rơi. Các em cũng ghét nhân vật này, thương nhân vật nọ. Sức đẫn dụ của thần thoại, ngụ ngôn khá mạnh. Các em thích con chuột (Jerry), khoái con mèo (Tom) bị nạn. Jerry chơi khăm được Tom là hả dạ lắm rồi. Câu chuyện cá ăn kiến, kiến ăn cá là đây. Cây tre trăm đốt cũng là đây. Tấm Cám là vậy đấy ! Có thực mới vực được đạo!
Thần thoại không rời hiện thực. Chỉ khi nào sợ tính phê phán hiện thực của thần thoại thì mới đánh lạc hướng bằng cách phủ lên nó lớp áo hoang đường để hòng che khuất cái sự kiện sờ sò được phơi trắng ra đấy mà thôi. Thần thoại đưa nó lên bàn mổ nên nó sợ. Nó tháo thân ! Có tịch rục rịch ? Có ghẻ né ruồi ? Thần thoại đã một thời Phương tây ám sát nó, nhưng vì nó là thần nên bất tử ! Vu khống nó là hoang đường, nhưng nó vẫn cứ đường hoàng là hiện thực một trăm phần trăm để phê phán. Có thực mới vực được đạo!

Hoang đường là gì ? Là chuyện không có thật, tầm phào, vô lý ! Và thần thì không có thật [hẳn nhiên!], chuyện thần sinh hoạt là lếu láo…tất cả được cấu tạo trên một nền phi luận lý ! Từ đó, thần được đọc bằng nguyên mẫu; nghĩa là nhân vật hãy còn đứng ngay nguyên vị trí ‘thần’ của nó, tức thần chưa được nhân cách hóa mà phương pháp hoán dụ của văn chương đành bất lực trước họ ! Nếu họ hiểu rằng nhân vật không phải là nguyên bản (dương bản), mà chính là phiên bản (âm bản) thì họ mới tránh được việc hạ bút chỉa vào diễn viên trên sân khấu mà ngỡ rằng nghiêu, sò, ốc, hến!

Hóa cho nên, nói như Ngô Thừa Ân trong bài tựa truyện “Vũ Đình Chí” của ông : “Tuy sách của ta là sách ma quái, nhưng không chuyên về ma quỷ, thỉnh thoảng cũng chép những biến dị ở nhân gian là có ý khuyên răn ngụ trong ấy…”.[TDK.1/4-tr.10 – Văn học xb-1988]. Thông điệp mà muốn ngụ trong một áng văn chương thì ngôn ngữ sao không ẩn, nhân vật sao không hoán được. Phương pháp ấy, Ngô Thừa Ân gọi là “mượn xác nhập hồn” (tá thi hoàn hồn), tức “hoán cốt đoạt thai” mà văn nhân Trung hoa hay dùng.

Ngầm ý, ngụ ngôn của thần thoại nằm ở bên kia lăng kính của phép tỷ ngữ được lồng vào phương pháp hoán dụ : mượn đầu heo nấu cháo, mượn từ diễn ý. Đầu heo [từ] đã ra thành cháo [ý]. Từ thì đấy mà ý thì đây; cho nên phương pháp hoán dụ được dùng để hư cấu, mới ra cái diệu lý văn chương. Văn chương mà không thoát ra khỏi từ, tằm ăn dâu ỉa ra cứt dâu, hạt rơi xuống đất chưa thối, từ chưa tử - được thỏ mà không bỏ giò, lên bờ mà vác bè trên lưng; thì văn làm sao ánh được sao trời vằn vặc lung linh ! Mà văn chương Ngô Thừa Ân thì tuyệt mù đến tuyệt vời!

Do đó mà giữa người thưởng thức văn chương với nhà phê bình văn học mới có hai đường để đi. Người đi đường cảm nhận : sống, chia sẻ, hòa mình cùng với nhân vật như thể tham dự trực tiếp vào tác phẩm và đồng hành cùng tác gỉa. Còn nhà phê bình văn học thì có nhiệm vụ định hướng cho tác phẩm, đưa tác giả về nhà mình; đó là lý do tác phẩm bị gió thổi muôn chiều !

Vậy đọc một tác phẩm văn chương, ở đây là đọc Tây Du Ký; mà chính tác giả nhắc nhở chúng ta bằng cách lấy “ngoại tượng bao bì” mà luận, để giảng “công án tỉ ngữ” [TDK.tr.58-I/10 – VH.1982]; tức cái mà các nhà phê bình văn học gọi là : “Ý tại, ngôn ngoại”. Lời một đàng, ý một nẻo là vậy. Mà ở đây, Ngô Thừa Ân thì mượn lời mà không mượn ý với luôn cả phép mượn xác nhập hồn; chi nên người đọc/xem TDK không nhận ra tính lịch sử, tính xác thực của các nhân vật, thật không sai!

Đường Tăng chẳng phải Huyền Trang
Như Lai dính dáng gì Thích Ca
Lão Quân, Lão Tử khác xa
Thế mới là phép tá thi hoàn hồn !

Xạ Dương tiên sinh cẩn thận rất mực khi hình tượng ra một Đường Tam Tạng với từng chi tiết hoàn toàn sai cả lịch sử, làm cho các nhà phê bình rộn ràng đi tìm sự sai quá ấy ! Trần Huyền Trang(ls) đơn phương độc mã ra đi với lệnh truy nã của vua Đường, chứ nào có vâng mệnh chiếu chỉ mà đành phá tửu giới lên đường vì vua ? Thánh Tăng Tam Tạng nào lại tham sống sợ chết, đòi ăn mê ngủ như cái bị thịt, gặp nguy thì run như thằn lằn đứt đuôi, tối trí mờ tâm không phân biệt ma tiên thánh phật ? Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang trên đường thỉnh kinh có dựa vào ai dẫn dắt và hứng chịu thay gian nguy cho mình ? Liệu Đường Tam Tạng (truyện) có đến được Thiên Trúc, nếu không có Tôn…nữa bước cũng không đi được ! Xét lại xem Tam Tạng của Ngô Thừa Ân có đủ Bi-Trí-Dũng chưa mà gọi là Thánh Tăng?

Đức Thích Ca Như Lai (ls) nào mà chuẩn thuận cho đệ tử đòi của lót tay, xiết bình bát của Tam Tạng và còn mạnh dạn lên tiếng khoe rằng ngày xưa trách các Tỳ kheo bán kinh cho Triệu trưởng giả nước Xá Vệ còn rẽ quá ?[Hồi 98-X/10-tr,=.172 – TDK-sd-]. Ngài giáo bất nghiêm, hay là hình tượng của thượng bất chính nên hạ tắt loạn ? Đệ tử của Ngài toàn là ma vương hổn thế ? Những biến dị thế gian là tác phẩm nghệ thuật của đệ tử các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Quan Âm, Phật Tổ ? Đức Phật Tổ Như Lai (ls) nào có vâng mệnh chiếu chỉ, nhận lời mời của Ngọc Hoàng Thượng Đế để đi bắt yêu tinh, hàng phục ma quái…giúp ! để bị lão Tôn mắng là đồ lừa đão ! vì bội ước với Lão, đè Lão dưới núi Ngũ Hành 500 năm. Hình ảnh Đức Như Lai dưới trướng Ngọc Hoàng làm sao cảm nhận được sự thật – không thuyết phục được giáo đồ vì sai cả lịch sử lẫn giáo lý!

Lão quân của Trương Đạo Lăng hay Lão Tử Vô Vi của Đạo Đức Kinh đây ? Có liễu được Đạo Đức Kinh thì mới hiểu được Lão quân của Đạo Giáo trong TDK. Lão quân (TDK) cũng phụng mệnh dưới trướng Ngọc Hoàng ! Liệu Ngô Thừa Ân là một người Phương tây mới vừa đến Trung quốc du lãm đôi ba hôm rồi viết ra TDK theo trí nhớ chập chờn trong cơn huyễn mộng biếng lười ? Đệ tử thì rặt lũ gian tà trá thuật, nào hô phong hoán vũ, nào luyện đan lừa vua hại nước ! Lão tử nào vọng trường sinh ! nào hữu vi hữu tác!

Có cùng giải đồng tâm với tác giả mới liễu được nghệ thuật mượn từ, nhập xác thì mới thấu dạ, suốt lòng tác giả; kẻo phụ lòng tác giả mà uổng công tham dự tác phẩm của mình.

Từ thì đấy : Đường Tam Tạng, Phật Tổ Như Lai, Lão Quân… Thái Bạch Kim Tinh, Tổ Sư Bồ Đề… nhưng xác đó mà hồn đây:

Truyện thì truyện cũ, tích thì tích xưa
Mà nghe thấy mới như chưa bao giờ !

Với TDK, những tên, những tích tác giả đã thuyên chuyển từ cõi thực sang bờ giác. Mượn chuyện đời xưa để nói chuyện đời nay. Cái đời hiện hữu ! Mà Ngô Thừa Ân tá thi hoàn hồn là chỉ để giữ lễ với người xưa cho ra lẽ với người nay ấy thôi. Nhân đó mà khuyến miễn : “đánh cỏ cho rắn nó sợ” mà sách tấn trong chừng mực lực bất tòng tâm hơn là mang tham vọng lập ngôn chi đại đạo. Để cho tên ra khỏi cung, lời ra khỏi miệng : trúng vào ai nấy đau mà không hề xúc phạm đến các đấng bậc mà mình kính tôn.

Nói cho hoàn toàn sai sự thật là sự cố tình, làm biện pháp ẩn ngữ, là phương pháp hoán dụ trong thể ngụ ngôn của văn chương thần thoại không hơn, không kém. Nhờ đó mà người xem phim, kẻ đọc truyện không ngở ngàng gì trước việc Tôn Ngộ Không tróc nả yêu tinh trong hàng đệ tử của Quan Âm Bồ Tát, Di Lặc, Như Lai… như nhận định ngắn mà rõ ràng của Nguyễn Kim Dân : “Tác phẩm (TDK) còn phản ánh rõ hai mặt tích cực và tiêu cực trong Phật giáo đối với người thừa hành giáo pháp” [Tuần Báo Giác Ngộ số 26-tr.13-ngày 28-9-1996].

Tôn ta cân đẩu vân rẽ mây về mù hạ xuống thành phố Hồ Chí Minh đánh nà vào sào huyệt tại số 112 đường Nguyễn văn Trỗi, quận Phú Nhuận cũng làm cho tiểu yêu một phen hồn xiêu phách lạc. Đó là ngày 08-6-1996 mà Tuần Báo Giác Ngộ số 10 có tường thuật lại trận đánh một cách chi tiết khá hấp dẫn không kém trận Tam Tạng bị hãm tại Quan Âm Thiền Viện năm xưa [Hồi 16]. Chẳng qua, chuyến này Giác Ngộ Tôn chỉ nhằm sách tấn thôi; nên sau khi làm xong nhiệm vụ, trước khi cân đẩu vân về lại Lôi Âm, Tôn Ngộ Giác để lại một đoạn trong kinh Dị Giáo nhắc nhở : “không được coi đoán kiết hung, không được dò xem tinh tú, không được tìm tòi suy thịnh, không được coi ngày đoán số, hàng Tỳ kheo chẳng nên đồng hoá với ngoại đạo, tránh biến hoá các thủ thuật chánh đáng để súch tích của cải như người thế tục, gây thương tổn đến trí tuệ vốn được coi là sự ngiệp của người xuất gia” [Tuần Báo Giác Ngộ số 16-tr.4-ngày 20-7-1996].

Thuốc đắng đã tật!
Có sao !
AUM !


NỔI LÒNG
-------------------------------- NGÔ THỪA ÂN

Phong tục dơ mắt trong đời,
Biến dị bời bời loạn cả nhân gian.
Nói ra thì đứt ruột gan,
Nuốt vào, một dạ than hừng hực nung,
Hung trung đao đã mài mòn.
Giận rằng sức mọn, tài thao rụt rè.
Bình sinh uy thế…lẽ nào…
Dám vui tuế nguyệt ! – Be sầu nhung nhăng !

₪Ω₪

Chữ “sân”, chữ “nhẫn” dùng dằng !
Đặt thân trong rọ, biết xoay đằng nào.
Chi bằng vào bụng lấy đao.
Trở ra gậy sắt lược thao vẫy vùng.
Mực tàu thẳng đạo thung dung !
Rồng bay phượng múa tung hoành dọc ngang,
Hàng long phục hổ nhiễu nhương.
Gậy vàng như ý,
Trận này văn chương.

₪÷₪

Quyết vào cuộc, ra một phen tỉ thí,
Đã vung tay, sao còn tiếc chi lời.
Tặng đời trọn cả cuộc chơi :

Cho ngang tàng ngọn bút
Mà đăm lút giặc bao nhiêu chẳng tà ! +

+ “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng giặc, bút chẳng tà” [ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU]

 
 

(GẬY NHƯ Ý)

Vũ Ngọc Anh