HÓA VĂN

化文

 
 
 

I.
Vào truyện bằng phương pháp trưc tiếp, tác giả Tây Du Ký đi thẳng vào nhân vật chính bằng một lý lịch căn cơ tận nguồn cội với từng chi tiết. Tôn Ngộ Không được sinh ra, trưởng thành rồi nhi lập; được tác gỉa diễn trình qua bảy chương đầu tác phẩm một cách thận trọng như một luận thuyết chặt chẽ.

Luận cuộc duyên khởi, Xạ Dương tiên sinh Ngô Thừa Ân nói có sách mách có chứng; từ Thiệu Khang Tiết: "Lúc một dương lay động - Vạn vật chưa ra đời” - đến lời Kinh Dịch: “Lớn thay đức nguyên của quẻ Càn! Tuyệt thay đức nguyên của quẻ Khôn! Vạn vật nhờ đó sinh ra, là thuận với trời”. [Tây Du Ký = Hồi I-tập I/10.tr.26-VH-1982] và sách Lịch: “Khí trời bay xuống, khí đất bay lên, trời đất giao hòa, muôn vật sinh ra… gọi là tam tài, gồm trời, đất, người định vị” [sd.tr.27]

Mượn thuyết Âm-Dương, Ngô Thừa Ân luận cuộc hóa sinh để thừa tiếp cho ra đời nhân vật chính của mình đầy ấn tượng mà khoa Cổ Sử học cũng như Nhân Chủng học sau này khó bác bỏ được lập luận hợp lý và có hệ thống [logique] như vậy. Họ người [Homo] có lẽ là chủng loài được sinh ra sau cùng; dầu Kinh Thánh hay Darwin, Laurent hay Lamarc cũng chỉ nói có vậy !

Từ một Homo fabiens [con người chưa tiến hóa] đến một Homo sapiens [con người biết suy tư] được tác giả chuyển qua văn học với ít vần thơ :

“Ba dương hòa, nở muôn loài
Đá tiên chứa đụng đất trời tinh hoa
Hầu tinh từ trứng hóa ra (1)
Họ tên đổi khác thật là khéo thay
Trong tàng ẩn tướng có hay ?
Vẻ ngoài cũng chẳng thua ai hình hài” [sd.tr.34]
Và : “Thạch nhủ rũ động sâu
Hoa cỏ thắm một màu
Bếp đá còn vết lửa
Trên án thức ăn còn nguyên cả
Giường đá trắng bong thật tuyệt trần
Chậu đá, bếp đá đẹp vô cùng” [sd.tr.32]

Từ Âm Dương Hóa Sinh Luận ấy làm nguồn mạch, tác gỉa đưa ra một giả thiết cho riêng mình mà thời ấy chưa từng ai tơ tưởng đến: “Có lẽ từ khi tảng đá mới sinh ra, đã bẩm thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của mặt trời, mặt trăng đã lâu, nên mới linh thông thế. Bên trong tảng đá chứa đựng một bào thai tiên. Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hoá thành con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay.” [sd.tr.28]

Đôi câu phúng dụ :
“Con khỉ ấy sống ở trong núi, đi đi lại lại nhảy nhót nô đùa, tìm ăn cỏ cây, uống nước suối trong, hái hoa rừng, tìm quả núi, làm bạn với lang trùng, kết đàn với hổ báo, thân mật với hưu nai, chan hòa với khỉ vượng, đêm ngủ vách núi non, ngày chơi trong hang động” [sd.tr.29]
Rồi thì: “…chẳng lẫn vào đàn chim bay, không theo vào loài thú chạy…” [sd.tr35]
“Khỉ đá nhắm mắt vươn mình, nhảy phốc một cái, vào giữa thác nước, rồi ra mắt ngẩng đầu nhìn, thì ra suối không có nước, thấy rõ ràng một cái cầu. Khỉ đá đứng im, định thần nhìn kỹ, thì ra một cái cầu sắt. Nước dưới cầu chảy vào lỗ đá, khi nước chảy ngược, cửa cầu liền đóng lại” [sd.tr.31]

Ngô Thừa Ân diễn lại cái trình tự tiến hóa làm ta ngỡ ngàng :
- Từ khi …làm bạn với lang trùng, kết đàn với hổ báo, thân mật với hưu nai, chan hòa với khỉ vượn…
- đến …chẳng lẫn vào đàn chim bay, không theo vào loài thú chạy…
- Rồi …nào là…nhà đá, bếp đá, bát đá, chậu đá, giường đá, ghế đá – và đầy ấn tượng là: bếp đá còn vết lửa – trên án thức ăn còn nguyên cả… Định thần nhìn kỹ, thì ra một cái cầu sắt.

Trong nhân học - văn minh học thường cho ta biết từ khi con người tìm ra lửa – dùng lửa, là thời khởi đầu cho văn minh nhân loại; nên Ngô Thừa Ân cũng phát thảo đôi nét chấm phá: “Bếp đá còn vết lửa – Trên án thức ăn còn nguyên cả” làm bằng cho luận thuyết của ông. Từ khi có lửa – dùng lửa và cho đến khi biết đến sắt – dùng sắt. Đó là hình tượng cây cầu sắt. Cầu là biểu tượng chuyển tiếp [văn chương mà!] được tác giả đặt liền bên nhau hai nền văn minh – hai thời kỳ: cuối thời đồ đá mới - đầu thời đồ sắt.

Thường thì người ta có thói quen dùng từ văn minh để chỉ cho thời đại đồ sắt trở đi. Đó là một khám phá cực kỳ quan trọng làm một cuộc cách mạng thực sự để thay thế đá, để khai sinh ra một nền văn minh mới. Cho nên khởi nguyên nền văn minh đồ sắt này thì không thể không điểm đến thời giao thoa giữa thời tân thạchsắt.

Ở Ấn độ, các nhà khảo cổ học xác định thời tân thạch xuất hiện tại vùng Kasmira vào khoảng thế kỷ -30, cho đến khoảng năm -1.500 mới xuất hiện sắt, khai sinh cho một nền văn minh đặt biệt mà di chỉ Mohenjo Daro và Harappa là chứng tích. (dẫn từ “Triết sử Ấn Độ I”-tr.6- Gs.Hoàng Sỹ Quý – Hưng Giáo Văn Đông xb.)

Tác giả dừng lại ở giả định ấy: cái giao thoa giữa thời đồ đá mới với thời đồ sắt mà luận cuộc hoá văn (esthéticisation/estheticization).

Ấy là cái nhu trí thức, cái nhã văn chương...mà mãi đến đôi ba thế kỷ sau các nhà bác học Âu châu mới cũng chỉ nói có được vậy !

“Văn” (esthétique/(a)esthetic)vẻ đẹp...và “hóa văn” (esthéticiser -v- / estheticize -v-) là tiến trình tiến hóa từ loài động vật cấp thấp ở thời kỳ dã man (barbare) lên loài động vật cấp cao gọi là người (Homo sapiens) hình thành nên cái vẻ đẹp…mỗi ngày mỗi đẹp hơn…đẹp thêm lên mãi…mãi…mà thành quả là văn hóa (culture) mà ta có thể kể từ giai đoạn gần nhất từ chủng Homo habilis đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ đồ đá cũ đến Homo fabiens thời kỳ đồ đá mới để bước qua giai đoạn Homo sapiens (modern man regarded as a species) tức “trở thành người”. Nói như Aristote: Con người là con vật biết suy tư = L’homme c’est un animal pensant. Và giới nhân học (anthropologie) mượn lại định nghĩa này để chỉ loài Homo sapiens là loài biềt suy tư…tức loài người. Chính khi “biết suy tư” là lúc “biết phân biệt điều thiện điều ác”“đạo tâm đã khai phá” và cái “đạo tâm” ấy chính thực là “tri thiện tri ác tức thị lương tri”,nói như Vương Dương Minh. (2)

Tâm khai tự lúc nào?

“Có lẽ nhánh Australopitheus afagens sinh ra giống Homo xuất hiện ở Đông Phi cách đây ba triệu năm…Đây là loài ăn hoa quả, rễ cây và củ, và có lẽ biết sử dụng dụng cụ thô sơ bằng đá” [@tr.6]…”Sự sáng chế dụng cụ đầu tiên bằng đá đánh dấu giai đoạn cơ bản của quá trình tiến hóa vì nó đã đưa văn hóa vào trật tự tự nhiên…Từ khi lương tâm xuất hiện cách đây ba triệu năm, chúng ta đã đạt được nhiều hiểu biết về bản chất con người của chúng ta, về môi trường của chúng ta và chúng ta mất đi những bản năng để thu được thêm tự do. [@tr.9]

“Lương tâm” là thành quả của cuộc tiến hóa, tô điểm cho đời sống sinh vật của “giống người” thành cái vẻ đẹp mà chúng ta gọi là “nhân văn” (văn hóa của loài người tức vẻ đẹp của con người).

Lương tâm hay từ ngữ khác là lương tri được Kinh Cựu Ước của Kitô giáo định nghĩa là: “biết điều thiện điều ác” (trong ngụ ngôn “cây biết điều thiện điều ác” gọi là “trái cấm”) và Vương Dương Minh định nghĩa: “tri thiện tri ác tức thị lương tri” (trong triết học “trí lương tri” của ông).

Và từ đó, con khỉ đá trở thành Mỹ hầu vương [vua các loài khỉ] – hay giải rõ ra rằng loài Home sapiens trổi vượt hơn các loài Homo khác mà qua phong thái lộng chương của tác giả cũng như qua nghệ thuật thứ bảy chuyển tải cho ta thấy “vẻ ngoài cũng chẳng thua ai hình hài” nên khỉ ta (khỉ đá) chỉ có thể là đồng loài nhưng không đồng chủng với bầy khỉ kia, vì rồi khỉ kia vẫn hoàn cốt khỉkhỉ ta thì biết vái lạy bốn phương [TDK. sd. tr.29], biết lo sợ về nỗi vô thường [TDK.sd. tr.36]. “Biết lo xa như thế, vậy là đạo tâm thực đã khai phá rồi đấy.” [TDK.sd.tr.3] Mà nhà cổ sinh học Yves Coppens có ý kiến “Hết thảy chúng ta đều là những Homo sapiens cùng chung một nguồn gốc di truyền khiến cho chúng ta khác với các loài khỉ khác” [@tr.9]

“Việc tìm cách giải thích vượt cả học thuyết tiến hóa và được chứng minh trong sự nảy nở của lương tâm và lòng mong muốn làm dịu“nổi lo về sinh tồn của chúng ta.” [@tr.9] được Ngô Thừa Ân chứng minh khá ấn tượng qua các ngôn từ “biết lo sợ”…”biết lo xa trong luận chứng về “đạo tâm đã khai phá” !

Cái “biết” này do đâu mà có ? - “Con người còn tỏ ra là động vật duy nhất đã biết “chọn” cách thích nghi để phát triển hệ thần kinh và con người giữa toàn bộ giới động vật là loài đã phát triển được bộ não.” [@tr.9]

Và ngụ ngôn “Trái Cấm” đã cho Bà Eva “chọn” “trái cây biết điều thiện điều ác” với lời lý giải “vì để mở trí khôn”[Sáng Thế Ký3:6].

Ôi thôi rồi ! ham mở trí – mở mắt nên mới thấy mình lõa lồ ! Từ đó, loài người bước một bước khá xa, bỏ lại đằng sau các bằng hữu động vật của mình mà đi con đường riêng. Con đường phân biệt điều thiện và điều ác. Con đường của lý trí. Con đường của sáng tạo. Con đường của văn hóa. Mà chính văn hóa đã hình thành nên cái: “phân biệt điều thiện và điều ác”, cái mà Vương Dương Minh gọi là “Tri thiện tri ác tức thị Lương Tri” đó.

So với các chủng loài khác, loài người thiếu nhiều may mắn : khả năng tự vệ và tấn công kém, tài thoát nạn thua xa các bằng hữu, cơ may sống còn trong thiên nhiên thật mong manh. Thế vậy mà loài người sống mãnh liệt nhất, lại chiếm ưu thế thượng phong, còn nhảy lên hàng thống trị muôn loài. Tình thế đảo ngược ấy nằm trong ân huệ của thiên nhiên ban tặng: bộ não! Sự cách biệt giữa chúng ta và các chủng loài khác cũng chỉ hơn kém nhau ở bộ não ấy thôi. Chính trong họ linh trường ( tay dài) – loài người cũng bỏ xa do không ngoài bộ não của chúng ta trổi vượt hơn.

II.
Cuộc hóa văn đâu phải một sớm một chiều, mà nói như Tổ sư Bồ đề: đi dần rồi cũng sẽ tới nơi. Vâng, Mỹ hầu vương cũng đã phải chống chèo vất vã vượt qua bao đại hải mới được diện kiến “Thầy

Khỉ ta hỏi đường đến thầy, được bác tiều phu chỉ: “con đường mòn”
Bước hoang sơ đã có người
Khai sơn phá thạch vạch đường đi
Dặm trường vạn lý ai ơi
Từng bao khó nhọc, biết bao đoạn trường
Mỗi bước là một hiểm nguy
Từng bao nhiêu bước, bao người hy sinh
Hậu duệ nào nở vô tình
Đường kia ai vạch, ai đi mà mòn!

Bằng hình tượng Con Vượn Lòng [TÂM VIÊN], khỉ ta “phát đạo tâm” thuở còn làm vua họ linh trường; nhưng con đường đạt đạo thì còn phải lênh đênh nghìn trùng thiên lý.
Chẳng phải bất ngờ trong hư cấu tưởng tượng mà một con khỉ sinh ra từ đá, nhưng ấy là tác giả [Ngô Thừa Ân – Tây Du Ký] lập ngôn bằng một Hóa Văn Luận (esthéticiologie) để trả lời câu hỏi: “con người phát tâm, khởi văn tự lúc nào?”
Cùng cái chủ đề tầm nguyên ấy, tác giả đưa Mỹ Hầu Vương [“tâm viên”] vượt bao đại hải để gặp thầy học đạo.
Thầy” là Tổ Sư Bồ Đề:
- Thầy ở núi Linh Đài Phương Thốn, trong Động Tà Nguyệt Tam Tinh.
Trò” là Con Khỉ.
- Trò muốn đến nơi Thầy ở thì phải đi theo Con Đường Mòn, mà bác tiều phu chỉ lối.

1.- Tổ Sư Bồ Đề: “bồ đề” là âm từ “bodhi” của tiếng Sanskrit [Phạn-Ấn độ] mà ra, nghĩa là “tâm”. Theo nhà Phật thì vị thầy trong tâm ta cũng chính là cái tâm của ta đấy thôi; cho nên vị thầy ấy được gọi là “vô sư trí”. Đó là cái lý do mà Tổ Sư Bồ Đề căn dặn và cấm Tôn Ngộ Không nói lời cảm ơn lúc giả từ Thầy hạ san. Thầy bảo thầy có công gì đâu, chẳng qua như Thầy dặn: “Hãy nói là ngươi tự học...”.

Ngô Thừa Ân đưa văn chương mình vào làn khói sương mờ mờ nhân ảnh làm cho người đọc dễ lạc vào đường đi mây về mù mà ngỡ rằng Tôn thụ giáo được của Tổ Sư Bồ Đề 72 phép thần thông biến hóa. Phải không ? Cách dạy của Thầy mới là thần thông: Thầy chỉ rỉ tai nói nhỏ cho mình Tôn nghe mà thôi. Bài học chỉ có thế: “một khiếu thông thì 72 khiếu đều thông !”. Nói như Sankara: “Có một cái biết mà biết nó, thì mọi cái được biết” (Hoàng Sỹ Quý - Triết sừ Ấn Độ 2 – Vedanta -). Bảy mươi hai phép là con số biểu tượng hay là con số thật ? Tác giả chỉ mong người đọc theo dõi cây thiết bổng mỗi khi huơ lên có đem về được hệ quả gì không. Chắc chắn là có khi được khi mất: diệt được ma con nhưng thất trận trước ma đầu ! [đầu lãnh của ma vương]
Bồ đề đâu phải là cây
Bồ đề đâu phải là thầy
Chính vô sư trí mới là thầy của ta !
Bồ đề thật là ta với mình
Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai
Bồ đề tâm tại, tại tâm bồ đề !

2.- Linh đài phương thốn: theo Đào Duy Anh- [Hán Việt từ điển giản yếu - Minh Tân - xb.]:
- Phương thốn là tất lòng
- Linh đài là tâm linh của người
Tác giả không muốn để cho người đọc phải luận, phải lý, phải suy, phải nghĩ chi cho thêm mệt trí nên thật tình, ngay lòng nói thẳng một mạch: Thầy chính là cái tấc lòng tức cái tâm linh của con người, và tắt một lời, ấy là “tâm” của nhân loại đấy thôi. Và để biểu hiệu cái tâm ấy, tác giả - hay người Trung Hoa – bằng cái ngôn ngữ biểu tượng vẽ ra “ba sao chầu trăng khuyết” = [tà nguyệt tam tinh].

3.- Tà nguyệt tam tinh: Như Nguyễn Công Trứ tả chữ “Nhàn”: trăng bên cửa sổ = “nguyệt lai môn hạ nhàn”, hoặc tả chữ “Náo”: chợ trước cửa = “thị tại môn tiền náo”. Đây là nghệ thuật chơi chữ trong thơ văn nhà nho.
Và nguyễn Du:
“Đêm thu gió lọt song đào,
Nữa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.”


Và Ngô Thừa Ân vẽ ba sao chầu trăng khuyết là tà nguyệt tam tinh thành cái “Động”…nơi trú sở của ”vô sư trí” (Tổ sư bồ đề - thầy-) !

Tại sao người xưa [Hán] hình tượng hóa “tà nguyệt tam tinh” để biểu ý cho tâm ? Những đêm trăng tròn có lẽ thường gắn liền với các lễ hội nên trăng khuyết là biểu tượng cho sự buồn bã lo âu chăng ? Và người Trung hoa diễn đạt sự hoàn hảo tốt đẹp là tròn, là viên mãn. Để đối lại thì khuyết là thiếu thốn, là bất toàn. Ngồi dưới một đêm trăng khuyết ắt là đang mang một tâm sự gì u-uẩn đó !

Hình ảnh người ngồi đưới vầng trăng khuyết với ba sao chầu… là đang tìm tâm


Học giả Đào Duy Anh cho biết: “Tâm = trái tim. Ngày xưa tưởng lầm rằng trái tim là chỗ nghĩ ngợi, nên phàm cái gì thuộc về nghĩ ngợi lo lắng đều gọi là tâm” (ĐD.Anh - Hán Việt Từ Điển nêu trên)

4.- “TÔN: Ngô Thừa Ân biểu thị cái “Tâm” bằng cả biểu tượng mà thiên hạ đã từng quen thuộc với hình ảnh “Con Khỉ” cùng với ngôn ngữ hiển nghĩa “Tâm viên”, thì người đọc nào có thể nhầm Tôn Ngộ Không ra một nhân vật như một cá nhân ? Thế nhưng tác giả cũng đâu có tin rằng người đọc chịu bám vào văn ngôn, cho nên tác giả dẫu có biết “uổng phí miệng phiền lưỡi khô” [Hồi II-tập I/10-tr.56] chăng nữa cũng đành phải đưa ra lời giải thích – một điều cấm kỵ trong văn chương ngụ ngôn – để ngừa cái tính hàm hồ của ngôn ngữ vốn lao chao trên trường văn trận ngữ ! Ấy cho nên, một lần nữa tác giả phải nói rõ bằng cách thích nghĩa chữ “Tôn” qua câu chuyện đặt tên :

“Ta muốn đặt họ cho ngươi là Tôn. Chữ Tôn bỏ chữ khuyến ở bên đi thì còn chữ tử, chữ hệ. Tử nghĩa là con trai.. Hệ nghĩa là trẻ nhỏ. Ngươi chính hợp với bản tính trẻ nhỏ, nên đặt họ cho ngươi là Tôn vậy.” [TDK-I/4-tr.83-84-xb.Văn Học-1989]

Bản tính trẻ nhỏ hay tâm hồn trẻ thơ là cái tâm thức chưa nhuốm buị trần và nói như thời đại môi trường ngày nay là “chưa bị ô nhiễm”. Đó là một tâm hồn trong trắng, chưa chất chứa những mưu mô, những ô tạp manh ý. Đó là tâm hồn còn đang “rỗng” (vide/empty), gọi là “tâm hư.” “TÂM” ! Đúng tâm hư (tâm vô), ấy chính là “LƯƠNG TRI”.

Ngô Thừa Ân dẫn người đọc đi từ hình tượngqua biểu tượng đến ngôn ngữ, cung cấp cho chúng ta cái hiển nghĩa của cái ẩn ngữ trong văn chương đầy ẩn dụ một cách liên tục. Và cuối cùng tác giả nói trắng ra chữ “Tôn” để giải nghĩa cái hàm ý, cái mật ngôn mà tác giả đã gửi gắm ! Chính cái mật ngôn “Con Nít” này Ngô Thừa Ân mượn của Lão Tử để trình cái bụng của mình: “Hàm đức chi hậu. Tỉ ư xích tử.” = Hàm dưỡng lấy sức cho đầy. Kẻ ấy ví như đứa con đỏ.” [Lão tử Đạo Dức Kinh – Chương 55]

5.- Con đường mòn: mà bác tiều phu chỉ lối đi về phía núi “Linh đài phương thốn” trong động “Tà nguyệt tam tinh”:

“CON ĐƯỜNG” mà nhân loại đã đi…từ ngàn xưa…đã thành “MÒN” cho hậu duệ tiếp tục dấn bước lên đường nối tiếp cho đến ngàn sau…là “ĐẠO”.

Đó chính là: “Anh đã đi con đường từ giun lên làm người…”, Zarathustra nói như vậy! Và Sri Aurobindo cũng cho biết: “Con vật là con người giả trang dưới bộ lông lá và đi bốn chân. Con sâu là con người đang bò vặn vẹo và trườn về sự triển khai nhân tính của mình.” [“Apercus et Pensées”-tr.27-Adyar-Paris-1950]

Thử nhìn lại một giai đoạn gần nhất của chúng ta…từ khi một chủng tộc này xâm chiếm và chiến thắng một chủng tộc khác thì kẻ thua bị giết. Và rồi sau đó người chiến thắng mở lòng nhân đạo…bắt kẻ thua làm nô lệ phục vụ cho người chiến thắng. Đẹp lắm! Rồi tiếp theo, cái lòng nhân đạo kia được hóa văn lên một tầm cao mới trong cái tâm thức tiến hóa hơn nên nó được xem như là sự tàn ác và thế hệ tiến hóa sau không còn chấp nhận cái thói man dã đó nữa nên đã giải phóng cái chế độ nô lệ ác độc ấy (tk.19). Và etc..more…

Người đàn bà khi xửa khi xưa được xem như là một đồ vật thuộc quyền sở hữu của đàn ông, ngang hàng với tài sản của họ và súc vật cũng là tài sản. Cho đến những thế hệ tiếp theo, bộ não con người được tiến hóa thêm lên mà ngôn ngữ của Bà Eva là: “mở trí khôn”(3) nên phụ nữ dần dần được thừa nhận cái giá trị làm người như đàn ông. Đẹp rồi ! Tuy nhiên đâu phải một sớm một chiều…mãi đến đầu tk.20 phụ nữ mới được bình quyền về việc bỏ phiếu bầu cử…được quyền có giấy hôn thú chứ không còn ai muốn lấy thì lấy, muốn để thì để (bỏ).

Dầu vậy, cho đến hôm nay, ở một vài khu vườn nào đó, người phụ nữ vẫn còn được xem là vật sở hữu của đàn ông. Sự tiến hóa vẫn chưa “hóa” đủ !

Em bé Malala Yousufzai, 14 tuổi (Pakistan), đã bị lực lượng Taliban bắn trọng thương (9.9.2012) do em bé công khai lên tiếng bảo vệ quyền đi học của phụ nữ ! Kamila Hayat, quan chức cấp cao của tổ chức Ủy Ban Nhân Quyền Pakistan nói: “Có những lực lượng muốn đưa chúng ta trở về thời kỳ đen tối".

Coi chừng con người rất có nguy cơ “tháo lui”!

Câu chuyện bé Duyệt Duyệt bên Trung quốc bị hai chiếc xe tải lần lượt cán nát chân…và 18 người đi đường vô cảm làm ngơ…tỉnh bơ…cho đến sau cùng… chị công nhân quét rác Trần Hiền Muội đưa em vào lề và gọi thân nhân đến. Hai người tài xế kia và 18 người nọ: người ta gọi là “lương tâm không có răng, chỉ có lợi”. Và ngày em bé gái chết, thì một em bé trai 5 tuổi, đi học về, đã bị một chiếc xe thùng đụng phải, em bé gượng đứng lên, nhưng lại bị chiếc xe lùi lại, cán em một lần nữa.

Coi chừng con người rất có nguy cơ “tháo lui”!

Và một chút chia xẻ từ MDLEECHEN's blog trong Entry: "Còn chăng một chút lương tri?” lấy từ nguồn báo Thanh Niên 10.01.08 với bài: "Sự bạc đãi không thể tha thứ.": câu chuyện kể về sự bạc đãi của các con và cháu nội bà Nài. Bà bị đánh và tử thương. MDLEECHEN ở cuối bài đưa ra câu hỏi: "Còn chăng một chút lương tri?" và xin ý kiến của các bạn mình: “ Bạn ơi ! Bạn nghĩ gì đây? ”. Và đây là một số suy nghĩ của bạn bè:

@PANDA: "...họ còn thua xa những con thú...vì cái ích kỷ riêng tư của mình mà dẫm lên trên tất cả luân thường đạo lý.- Nghĩ gì về họ ư? Là tàn ác, là cầm thú...

@VƯƠNG...: "...bây giờ trong xã hội loài người còn có thêm những cá thể loài sói, loài cáo, loài ác quỷ tồn tại cùng... - Không có lương tri chị ạ! vì có phải con người đâu mà có lương tri hả chị."

@hawkw...: " Không bằng cả súc sinh."

@NGANHA: " Không bằng cả loài cầm thú là! Xót xa và phẩn uất, đó là những cảm xúc đan xen trong chị khi đọc bài viết này!!!..."

@TRANC...: " Tiền làm mờ lý trí và thúc đẩy những đứa con trở lại làm vượn người !"

@idol o : " Đồ...súc vật, cái loại con chó chứ đâu phải con người."

@Mdleechen: " Luân thường đạo lý còn đâu ? Súc sinh con cháu đầu trâu khác gì ?"

@HK(lo...: " Đúng là không thể tả được cảm xúc của em. " Chúng nó" mấy đứa cháu của bà Nài còn không được bằng một con chó."

@Khucthuydu: “Như thể một sở thú vậy”

Coi chừng con người rất có nguy cơ “tháo lui”!

Nghĩa cử kia của chị công nhân Trần Hiền Muội là một hành vi đẹp … mà nhân loại muốn tiến tới cái vẻ đẹp đó đâu phải đã có sẵn cách đây ba triệu năm ! Và cuộc tiến hóa…hóa nên cái đẹp (esthéticiser/esthetisize)…từ vẻ đẹp này thăng hoa lên vẻ đẹp mới (esthéticiser/esthetisize) cũng vất vã không kém Tôn ta vượt bao trùng dương đầy sóng gió dập vùi nguy hiểm. Cái hiểm nguy là luôn luôn bị đánh chặn…truy bức…đồ sát… Ngay hành vi kia của chị công nhân còn bị đồng bào…láng giềng của chị dè bỉu…phủ nhận…bằng những lời chế giễu: “Muốn nổi tiếng hè ! – Chắc là được thưởng nhiều lắm đó !”.
Coi chừng con người rất có nguy cơ “tháo lui”!

Con đường” chưa phải là điểm dừng…mà “con đường” là đi tới…đi nữa…đi hoài…đi mãi…cho nên cái “đạo” có khởi sự nhưng miên viễn trường chinh hóa văn trên cái đẹp trở thành đẹp hơn…và đẹp thêm lên mãi…mãi…!

Cái Đạo này không của riêng ai mà nó châu lưu trong huyết quản nhân loại thành cái bản năng thứ hai của mình…làm thành cái bản tính nhân loại…gọi là “NHÂN TÍNH” tức thị “LƯƠNG TRI”. Đánh mất cái Lương Tri, “con người” ấy tháo lui về thành “con vật”. Homo homini lupus = l’homme est un loup pour l’homme = con người là lang sói của nhau.

Tách cái lương tri ra khỏi “con người”... “con người ấy” gọi là “ngợm”. Con người mà mất đi cái lương tri thì sẽ được nhân loại đồng hóa nó vào hàng muông thú. Để cụ thể, người ta nói: đồ mất nhân tính… đồ súc vật, súc sinh… không còn là người nữa… đồ chó… trâu, bò, heo… con vật càng tồi tệ càng được so kè với “đồ bỉ ổi” hơn… đồ rắn độc…langue de serpent ! cette bête là!

Bác tiều phu chỉ cho Tôn đi theo “con đường mòn” (Đạo) ấy mới đến được “cái tất lòng linh diệu của con người” (“Linh Đài Phương Thốn”) ở chính nơi “Tâm” (“Tà Nguyệt Tam Tinh”).

Xạ Dương tiên sinh chỉ giả định ra một thời để luận, một kỳ để lập: luận cuộc hoá văn! lập ngôn chi giáo! Mà thể tỷ của văn chương tặng ta cái biểu tượng để cảm nhận tinh tế hơn.

Hóa văn (esthéticiser/estheticize) chính là “con đường” (ĐẠO) mà nhân loại đã từng vạn lý trường chinh (tiến hóa) qua bao thế hệ…để hình thành nên cái lương tri thành nhân tính.

Hai từ ngữ, hai định nghĩa, làm thành hai quy phạm : “nhân tính”“thú tính”.

Người Việt Nam tính hay thích đùa…mà lại hay đùa chữ…vậy mà đôi lúc cũng thấy hay hay. Họ bảo: trong “con người” có hai phần: phần “con” và phần “người”. “Con” là con vật…phần “động vật tính”; còn “người” là cái “nhân loại tính” của một con người. Đấy là một cách ám chỉ: con người (nhân loại) có hai bản năng:

- “bản năng sinh vật” – bản năng thứ nhất - (động vật tính = thú tính)

- “bản năng văn hóa” – bản năng thứ hai - (nhân loại tính = nhân tính).

Chính cái bản năng văn hóa mới hình thành nên nhân tính…tính người. Tính người tích tụ thành cái lương tri. Hay nói cách khác: lương tri là cái vẻ đẹp của tâm hồn nhân loại gọi là nhân tính. Khi gọi “tính nhân văn” là xác định “cái vẻ đẹp của con người” vậy.

“Lương tri” chính là tiếng lòng…“Tiếng Lòng là bản giao hưởng tiếng nói chung của nhân loại mà tự thâm tâm của mỗi người là từng giai điệu trong cùng một hòa âm

Càng rời xa cái lương tri thì càng trở lui về cái đời sống cận sinh vật.

Môi trường lương tri tức cái minh kính đài gọi là cái chiêu linh minh giác đã sáng trong thì việc nhìn trắng ra trắng, đen ra đen…sạch ra sạch, dơ ra dơ… trái ra trái, phải ra phải…đúng ra đúng, sai ra sai… thiện ra thiện, ác ra ác…một cách rõ ràng không khó. Đơn giản chỉ vì nó phản xạ một cách tự động hóa như một thứ bản năng, một loại tập tính thuần thục. Đây là loại phản xạ có điều kiện đã được hình thành qua hàng triệu triệu năm lập cước trên lương tri để tạo thành cái bảng giá trị luân thường đạo lý trong cuộc hóa văn mà nhân loại…tổ tiên chúng ta đã dày công khai phá…vun bồi…tu dưỡng cho ngày nay đàn hậu duệ chúng ta đây được ân hưởng.


Vũ Ngọc Anh


==========
(1)- Theo Thần thoại Trung hoa, tích ông Bàn Cổ (tức thủy tổ loài người) cũng từ trong trứng sinh ra. [Theo Doãn Quốc Sỹ - Tuyển tập Văn chương nhi đồng – Sáng Tạo xb. Tr.156]
(2)- Vương Dương Minh tên thật là Vương Thủ Nhân tự là Bá An (1472-1528) , người đất Dư-Diêu, tỉnh Chiếc-Giang – Trung Hoa - Ông làm nhà ở Dương Minh Động cách thành Hàng-Châu 20 dặm, cho nên các học giả gọi ông là Dương Minh tiên sinh. Ông xướng ra học thuyết “Trí lương tri”“Tri hành hợp nhất”. Ông cũng thuộc phái “Tâm Học” của triết học Trung Hoa.
(3)- “Con người còn tỏ ra là động vật duy nhất đã biết “chọn” cách thích nghi để phát triển hệ thần kinh và con người giữa toàn bộ giới động vật là loài đã phát triển được bộ não.” [@tr.9]
@= “ YVES COPPENS, nhà cổ sinh học, là chủ nhiệm bộ môn Cổ nhân chủng học và Tiền sử học ở Collège de France tại Paris. Ông đã lập được những mẫu hình để giải thích nguồn gốc họ người [Homo] bắt đầu cách đây tám triệu năm và nguồn gốc loài người cách đây ba triệu năm, và ông cũng đã tạo được mô hình văn hoá để giải thích quá trình tiến hóa của tư tưởng.”. Trên là nguồn dẫn từ bài phỏng vấn của Michel Batisse thực hiện qua cuộc trò chuyện với Yves Coppens trên báo NGƯỜI ĐƯA TIN UNESCO số 2-1994 từ tr.6 đến tr.9-bản Việt ngữ-]